Sau khi xong các thủ tục khâm liệm, nhóm cứu trợ đưa thi hài vào quan tài. Các thao tác xịt khuẩn, bịt kỹ nắp quan tài được thực hiện kỹ lưỡng. Thi thoảng, các thành viên lại ra ngoài để đồng đội xịt khuẩn và… hít thở. “Dù gì thì tụi mình làm việc này cũng chưa quen. Đối diện với người qua đời vì Covid-19 nên vẫn có một chút lo lo”, một thành viên chia sẻ.
Là người trực tiếp khâm liệm, đại đức Thích Tâm Nhơn ngậm ngùi, đau xót vì dịch bệnh nên người qua đời không có nhiều người thân bên cạnh. “Nếu ai cũng sợ hãi, xa lánh thì ai sẽ làm mấy việc này! Dù khó khăn, nguy hiểm, cả nhóm tình nguyện vẫn quyết tâm hết khả năng, sức lực, để thân nhân người qua đời không đơn độc, hiu quạnh”, đại đức Thích Tâm Nhơn chia sẻ.
“Dịch bệnh khiến sự ra đi của một kiếp người thêm đau buồn, thậm chí cô độc trong chính căn nhà của mình. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đối diện với rủi ro nhiễm bệnh, đảm nhận công việc của một nhà đòn thực thụ. Trong khả năng có thể, chúng tôi sẽ đồng hành với những hoàn cảnh không may để cùng vượt qua khó khăn lúc này”, đại đức Thích Tâm Nhơn bày tỏ lòng trắc ẩn.
Ngày 14.8, chị Đ.T.D cho biết sau khi nhóm tình nguyện đưa thi hài chồng chị đi hỏa táng trong đêm, ngay ngày hôm sau, chính quyền địa phương đã cử cán bộ phường xuống thăm hỏi, hỗ trợ một phần kinh phí cho chị xoay xở trong mùa dịch.
Đêm trắng ở nghĩa trang
Chiếc xe cấp cứu ngay trong đêm chạy thẳng đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) để hỏa táng thi hài người qua đời. Anh Nguyễn Hoài Thuận (26 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) là người đảm nhiệm việc lái xe. Khoảng 3 năm nay, anh Thuận vẫn thường xuyên lái xe cấp cứu chở bệnh nhân nghèo về quê. Giờ là lúc anh Thuận tập trung hết thời gian, sức lực để hỗ trợ chở các thi hài đi hỏa táng. Lượng thi hài có lúc được đưa đến hỏa táng nhiều nên phải đợi rất lâu mới tới lượt.
Đêm trắng ở nghĩa trang. Giấc ngủ xung quanh chỉ có mồ mả và… những chiếc xe chở quan tài. “Anh sợ ma không?”. Anh Thuận bảo: “Mình tình nguyện chở người mất đi hỏa táng, thậm chí cả trường hợp mất vì Covid-19 nên đã xác định tư tưởng trước. Chỉ sợ nhất là muỗi chích và không khí nóng bức, bí bách giữa nghĩa trang thôi”.
Do phải chờ hôm sau mới đến lượt đưa thi hài vào hỏa táng, anh Thuận cùng nhiều tài xế khác đành qua đêm ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa. “Cơm có thịt đây, cháo gà, bánh giò đây bà con…”, một người dân đem cơm từ thiện đến phát miễn phí cho các tài xế. Chợp mắt chốc lát rồi choàng tỉnh, anh Thuận cùng một tài xế khác ra gần cổng nghĩa trang ngồi nghỉ ngơi. Họ nói đủ thứ chuyện, nhưng cũng chỉ xoay quanh nỗi mất mát, cảnh sinh ly tử biệt vì dịch bệnh…
Anh Võ Thành Long (22 tuổi, ngụ Q.1), cũng là một tài xế trong nhóm cứu trợ tình nguyện. Mấy ngày đầu gia nhập “đội quân” tình nguyện, anh Long cũng hơi run khi thấy đồng đội hỗ trợ xử lý các thi hài nhiễm Covid-19. Đi được vài ba lần, tinh thần của Long đã vững hơn. “Tôi vô tình lướt mạng xã hội Facebook và biết đến nhóm cứu trợ. Ngưỡng mộ các anh, chị đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để giúp đỡ người nghèo khiến tôi quyết định xin gia nhập”, anh Long chia sẻ.
“Tôi ngủ chập chờn trên xe chờ tài (chờ tới lượt đưa quan tài vào hỏa táng) chứ không dám ra ngoài. Phần vì sợ nguồn lây nhiễm Covid-19 từ bên ngoài, phần cũng chưa quen lắm với giấc ngủ ở nghĩa trang thế này”, anh Long nói rồi cho hay dù biết là nguy hiểm nhưng anh sẽ cố gắng đem sức trẻ hỗ trợ cho những hoàn cảnh nghèo khó, góp phần giúp họ vơi bớt nỗi đau trong đại dịch.
Nhà chùa hỗ trợ lưu giữ tro cốtĐại đức Thích Tâm Nhơn cho biết khi nhóm cứu trợ thực hiện khâm liệm, chở thi hài người mất vì Covid-19 đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa xong, nếu gia đình nào không có điều kiện lưu giữ, có thể liên hệ chùa Pháp Minh để lưu giữ tro cốt. “Hiện cũng có rất nhiều gia đình nhờ chùa lưu giữ tro cốt, việc này hoàn toàn miễn phí nên bà con có nhu cầu cứ liên hệ với nhà chùa”, đại đức Thích Tâm Nhơn chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoài Thuận (26 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) thường xuyên thức trắng đêm để chở thi hài đi hỏa táng
Như Thanh Niên đã thông tin, trên tinh thần “nghĩa tử là nghĩa tận”, chính quyền TP.HCM lo hậu sự một cách chu đáo nhất cho người qua đời vì mắc Covid-19, từ quá trình khâm liệm, hỏa táng đến các nghi thức tâm linh. Hiện nay, Bộ Tư lệnh TP.HCM tiếp nhận tro cốt, chuyển đến từng gia đình có người qua đời vì Covid-19 một cách chu đáo. Trường hợp gia đình chưa có điều kiện nhận, tổ chức tôn giáo sẽ tiếp nhận tro cốt.
Thời gian qua, một số nhóm thiện nguyện cũng đã chung sức cùng chính quyền lo hậu sự cho người qua đời vì Covid-19.
Phản hồi