“Thánh vật sông Tô Lịch” và những thông tin về Thượng toạ Thích Viên Thành

Năm 2007, một tờ báo đăng nhiều kỳ loạt bài “Thánh vật Sông Tô Lịch” có nhiều thông tin ly kỳ về trấn yểm ở con sông này và đặc biệt là về những “truyền kỳ” về Thượng tọa Thích Viên Thành (trụ trì Chùa Hương trước đó).

Chuyện về “Thánh vật sông Tô Lịch”

Theo tờ báo này, tháng 9/2001, đội thi công số 12, Công ty Xây dựng VIC, do ông Nguyễn Hùng Cường làm đội trưởng, trong khi nạo vét sông Tô Lịch thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phát hiện được di vật cổ rất lạ. Đó là 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều. Tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ.

Ngoài ra, họ còn phát hiện được tấm gỗ vàng tâm có bát quái, một số đồ gốm, xương voi, ngựa, dao, tiền đồng… Sau đó, nhóm công nhân đã rút những cọc gỗ đó lên, lấy các bộ hài cốt chôn tại nghĩa trang Bát Bạt, Hà Tây.

Bài báo loan truyền chuyện thánh vật Sông Tô Lịch.

Bài báo loan truyền chuyện thánh vật Sông Tô Lịch.

Vào thời điểm đó, Bảo tàng Hà Nội đã mời một số nhà khoa học lịch sử, khảo cổ đến hiện trường xem xét. Cuộc hội thảo diễn ra tháng 12/2001 với sự hiện diện của những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lịch sử, khảo cổ nhằm đưa ra những nhận định mang tính khoa học. Lãnh đạo Tổng công ty Liên doanh xây dựng VIC cũng tham dự.

Tại cuộc hội thảo năm 2001, GS Trần Quốc Vượng (khi ấy GS Vượng còn tại thế) đặt giả thiết nơi thi công đang ở vị trí cửa phía Tây của La Thành, cổng phía Tây của Hoàng thành… Trước đây, cổng Hoàng thành ngoài lính còn có thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ hiến sinh.

Theo GS Vượng, hiện tượng có dải cát dài khoảng 200 m khác hẳn so với những đoạn sông khác có thể là vào thời Lý do sự hợp lưu của sông Tô và sông Nhuệ đã làm đổi dòng chảy của sông Tô. Vì vậy, đã tạo cho địa tầng nơi đây bị tụ cát thành một dải.

“Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hiện tượng sông Tô bị lở do đổi dòng và mắt nhà vua bị đau đã tạo nên một lễ trấn yểm, trong đó có những bộ xương người cùng những hiện vật khác chăng?”, GS Vượng đặt vấn đề.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Đỗ Văn Ninh cho rằng đây là một trong 6 “ủng môn” còn sót lại duy nhất, khá rõ nét, đáng tin cậy để nghiên cứu về những ủng thành khác đã được nhắc và ghi lại trong một số bản đồ cổ.

Sau cuộc hội thảo đó, cơ quan chức năng, các chuyên gia, nhà khoa học không còn quan tâm nhiều lắm. Mọi chuyện tưởng đã khép lại, bỗng gần đây một tờ báo đăng tải lại những câu chuyện huyền bí có liên quan đến khúc sông trên qua lời kể của ông Nguyễn Hùng Cường.

Theo lời của ông Cường trên báo, không chỉ những rủi ro của người tham gia thi công, mà cái chết của một số nhân vật nổi tiếng như GS Trần Quốc Vượng và Thượng tọa Thích Viên Thành cũng liên quan đến sự huyền bí của sông Tô Lịch.

Sự kiện Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch cũng được ông Nguyễn Hùng Cường cho rằng có liên quan đến sự huyền bí của sông Tô Lịch.

Sự kiện Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch cũng được ông Nguyễn Hùng Cường cho rằng có liên quan đến sự huyền bí của sông Tô Lịch.

Lời kể của ông Nguyễn Hùng Cường trên mặt báo như sau:  “Đến tháng 11/2001 nhờ tích cực vận động, tôi đã mời được Thượng toạ Thích Viên Thành ở Chùa Hương về làm lễ cúng cho tôi ở hiện trường. Vừa đến hiện trường, thầy đã ngồi xuống nhắm mắt niệm Phật. Niệm một lúc thầy đứng lên nói: Đây là trận đồ trấn yểm rất nguy hiểm; Vì vậy các đệ tử thầy sẽ lập đàn tràng hoá giải. Sau đó thầy lập đàn tràng ở bờ sông hoá giải trấn yểm. Lễ xong, thầy Thích Viên Thành nói với mọi người: “Mặc dù thầy đã cố hoá giải nhưng anh em phải cẩn thận, còn anh Cường thì phải chịu nhiều hậu quả, gia đình, anh em con cháu cũng gặp hoạ”. Rồi buồn buồn thầy nói: “Vì cái đàn tràng này tính mạng thầy cũng khó giữ”. Ba tháng sau, thầy Thích Viên Thành hoá. Các đệ tử nói thầy mất vì trận đồ trấn yểm ở sông Tô Lịch”.

Bài kể chuyện này của ông Nguyễn Hùng Cường đã tạo nên một làn sóng dư luận bán tín bán nghi không cưỡng lại được tại thời điểm ấy. Vậy sự thật về câu chuyện gọi là “Thánh vật sông Tô Lịch” là thế nào?

Về sự viên tịch của Thượng tọa Thích Viên Thành

Thượng tọa Thích Viên Thành lúc đó đương là trụ trì chùa Hương Tích. Thượng tọa tu theo pháp tu Mật Tông, thiên về niệm chú. Đặc biệt Thượng tọa Viên Thành am tường về phép “Thạch điểm sơn đầu”. Theo thuyết nhà Phật, phép này thường dùng cho những lễ nhập trạch, lấy đá tảng để yểm những nơi cốt địa, khiến ma quỷ, vong linh không thể lai vãng, quấy quả. Có lẽ, bởi Thượng tọa viên tịch sớm, để lại nhiều bất ngờ, tiếc nuối cho Phật tử, Tăng chúng cho nên ông Nguyễn Hùng Cường mới dựa vào đó để giải thích trong câu chuyện của mình chăng?

Như lời xác nhận của đệ tử chân truyền của Thượng tọa Thích Viên Thành – Đại đức Thích Minh Hiền – Phó Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc đó cho biết Thượng tọa Thích Viên Thành chưa một lần đặt chân tới nơi được coi là vị trí “thánh vật trên dòng sông Tô Lịch”.

Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch do đã mãn nghiệp, đã hết duyên với cõi sa bà. Ảnh: Tôn tượng Thượng tọa Thích Viên Thành.

Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch do đã mãn nghiệp, đã hết duyên với cõi sa bà. Ảnh: Tôn tượng Thượng tọa Thích Viên Thành.

Sau khi Đội thi công số 12 nhiều lần cử người lên mời thầy đến trấn yểm, Thượng tọa Thích Viên Thành đã cử một số đệ tử đến cúng lục đạo, tức là cúng chúng sinh ở khu vực sông để làm an những linh hồn trú ngụ ở nơi đó. Mà cúng chúng sinh là việc làm rất thường xuyên của tất cả các đền, chùa, kể cả các cửa điện tại gia của các thầy bà trong thiên hạ. Vì vậy, nhiều người cũng có thể hiểu Thượng toạ Thích Viên Thành viên tịch vì đã lập đàn tràng hoá giải trận đồ trấn yểm nơi khúc sông Tô Lịch.

Có nhiều giai thoại về trấn yểm trên dòng Sông Tô Lịch.

Có nhiều giai thoại về trấn yểm trên dòng Sông Tô Lịch.

Một số đệ tử của Thượng toạ Thích Viên Thành đều nói phút lâm chung, Thầy không hề nói gì đến việc trận đồ trấn yểm ở khúc sông đó, các báo khi đó tường thuật lại.

Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch vì đã mãn nghiệp, đã hết duyên với cõi sa bà. Thượng tọa kết thúc kiếp đời này để tái sinh trong một kiếp luân hồi khác. Đó là quy luật, đã hết duyên thì không thể níu kéo được. Việc gán sự viên tịch của Thượng tọa với một nguyên nhân cho rằng bởi “Thánh vật” trên sông Tô Lịch là chưa đúng với triết lý Phật giáo.

Nhà tu hành oai nghiêm đến tà thần cũng phải quy phục

Cửa Phật từ bi hỉ xả, luôn luôn cứu độ chúng sinh. Theo thuyết pháp nhà Phật thì tam giới (thiên đàng, dương gian, âm phủ) ngoài Phật ra còn có 96 dạng thần, bao gồm thần cây, thần đất, thần nước, thần thiện, thần ác và cả tà thần…

Trong số 96 thứ thần đó, chọn lựa ra 25 dạng thần luôn luôn hộ trì cho Tam bảo, ủng hộ Phật – Pháp – Tăng. Bởi thế, giả thiết Thượng tọa Thích Viên Thành có đến hoặc phái đệ tử đến lập đàn trừ yểm thì các thánh, các thần cũng phải sợ trước pháp lực vô biên ấy, chứ không thể nào có chuyện “vật” ngược lại dáng tướng, oai lực và pháp lực của chư Tăng nhà Phật.

Giả thiết nếu Thượng tọa Thích Viên Thành có đến khúc sông đó thật, thì việc Thượng tọa làm cũng chỉ là phổ độ chúng sinh. Đó là một việc tốt, đem phúc lành đến cho chúng sinh, vậy thì theo tâm linh, làm việc thiện thì chân tu, đức hạnh thêm cao, thêm sáng…

Bài viết liên quan

Phản hồi