Dịch bệnh và niềm tin
Đất nước đã và đang trải qua giai đoạn toàn xã hội dồn lực chống dịch bệnh, đâu đó xuất hiện một số người “cố gắng” trục lợi từ nỗi lo sợ của người khác, trong khi đó nhiều người đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Đúng là những việc trái ngược, nhưng cũng đúng với nhân quả.
Phật đã dạy chúng ta cứu một mạng người là hành động rất cao đẹp, còn hơn xây bảy toà tháp. Như vậy, nếu cuộc sống của mình có gặp khó khăn do một sự việc khách quan mà ta an yên vui sống, lại còn từ bi giúp đời thì cũng sẽ được hưởng phúc.
Dịch bệnh xảy đến là điều không ai muốn. Hậu quả mà con người phải gánh chịu rất lớn, từ sinh mạng, kinh tế cho đến tình cảm. Con người buộc phải cách ly, hạn chế bắt tay, nói chuyện với nhau. Dịch bệnh cũng làm tăng nỗi lo sợ, khiến con người tăng sự hờ hững, xa cách trong lòng.
Nhiều trường hợp vừa qua, vì sự vô tâm mà kéo theo nhiều người phải khổ. Xã hội lên án, coi họ là người ích kỷ. Điều đó không sai, nhưng xét theo đạo pháp, sự từ bi luôn là quan trọng nhất. Xét theo đạo đức xã hội, người vô tâm đáng lên án chính là biểu hiện của sự thiếu lòng tin. Loài người luôn có bản năng sinh tồn rất mạnh mẽ. Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều dịch bệnh nghiêm trọng diễn ra, nhưng với sự đồng lòng, con người luôn vượt qua dù phải chịu nhiều tổn thất. Chúng ta có thể kể ra dịch cúm Tây Ban Nha cách đây cả thế kỷ, hay gần đây là dịch SARS, MERS hay Ebola.
Bản thân con người cũng là một sinh vật sống. Con người có đức tin, có lòng hướng thiện, vì vậy con người mới khác với con vật. Nếu trong thời điểm dịch bệnh hoành hành mà thiếu niềm tin vào đồng loại, chỉ biết ích kỷ nghĩ đến bản thân mình thì tất sẽ cho ra những hành vi đáng xấu hổ như sản xuất và kinh doanh thuốc giả, khẩu trang giả… hay tăng giá vật tư ý tế nhằm trục lợi. Những người đó có thể nhanh chóng kiếm được đồng tiền lãi trên sinh mạng đồng bào, nhưng xét về lâu dài, họ sẽ luôn mặc cảm, có uất ức trong lòng khi chứng kiến những hành động tốt đẹp, xúc động trong xã hội. Họ sẽ cảm thấy xấu hổ trước tấm lòng của một bà cụ hiến tặng số tiền dành dụm cho xã hội chống dịch, hay các em nhỏ dùng tiền tiết kiệm đi mua khẩu trang cho mọi người.
Trong thời điểm con người phải đối mặt với kẻ thù rất mạnh, chúng ta càng phải có lòng tin lẫn nhau và tin vào đất nước sẽ chiến thắng dịch bệnh. Lòng tin là vũ khí mạnh mẽ của con người khi có biến cố, lịch sử đã chứng mình điều đó.
Phản hồi