Thật bất ngờ khi vài Phật tử tôi vào thưa: Bạch thầy: Hôm qua con có nhận được một số tin nhắn chúc mừng lễ Noel của quý thầy gửi đến, điều này đã làm cho con rất bức xúc. Tất nhiên vệc đã lỡ nên chẳng ai nhắc đến làm gì. Hơn nữa đó là thái độ tỏ vẻ quan tâm, nhưng có phần đi lệch với thế gian. Thiết nghĩ bậc xuất sĩ cũng nên cẩn trọng, vì trình độ dân trí Phật tử giờ hơn hẳn lúc trước. Đừng để tín chúng mất niềm tin, trong khi Phật tử không hưởng ứng lễ Noel thì quý thầy chúc tụng làm gì?
Hình minh họa
Vậy mà đến ngày Phật Thành Đạo 8/12 Âm lịch Phật Đản 8/4 -15/4 Âm lịch hay lễ Vu Lan Báo Hiếu 15/7 Âm lịch, quý thầy có nhiệt tình nhắn tin chúc mừng quý Phật tử không? Có ưu tư làm sao để ngày lễ Phật giáo trở nên thiêng liêng và quảng bá thông điệp hoà bình giác ngộ của Đức Phật đến với mọi người hay những ngày ấy lại lăng xăng lo xách đãi đi cúng. Quên mất bổn phận “kế vãng khai lai”, “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Không thể chủ quan nói rằng đạo Phật là đạo như thật, hữu xạ tự nhiên hương rồi phó thác theo lối “tuỳ duyên” cửa miệng. Trong khi các tôn giáo bạn đều có tính quảng bá tinh thần giáo lý của họ hẳn hoi. Từ môi trường giáo dục ngay trong gia đình đến các hoạt động hưởng ứng ngoài xã hội. Sự lan tỏa của lễ Noel đã trở thành kết quả tất yếu, mà Phật giáo nên cần nhìn lại.
Thiết nghĩ, mỗi một ngôi chùa phải trở thành môi trường giáo dục thật sự như truyền thống lịch sử của Dân tộc. Đặc biệt là phải quan tâm đến giới trẻ, cần có chương trình học Phật phù hợp với từng lứa tuổi, cập nhật được với thời đại, thay cho các hoạt động nhàm chán, thiếu phổ quát. Tránh biến các cơ sở Phật giáo trở thành nơi chỉ có lễ nghi tế tự, lún sâu vào Phật giáo tín ngưỡng làm xa rời tuổi trẻ, giới trí thức và quần chúng. Đấy là một môi trường tu học thật sự.
Nên trích dẫn các bài kinh căn bản, trang bị cho lứa thanh niên kinh nghiệm sống và kiến thức hôn nhân gia đình. Nhất là lòng tin nhân quả và lý tưởng Bồ Tát Đạo phải được ứng dụng rộng rãi, chứ không phải là triết lý cao siêu xa lìa thực tế. Để mỗi người con Phật đủ tự tin đi vào đời nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng bằng hạnh nguyện lợi tha của mình trên tinh thần Giới – Định – Tuệ. Việc cần thiết nhất là nhấn mạnh vai trò của Tam quy – Ngũ giới – Thập thiện – Bát Chánh Đạo song song với việc học lịch sử Phật giáo Việt Nam và các kiến thức nâng cao.
Doanh nghiệp Phật giáo đóng một vai trò rất tích cực và quan trọng trong việc Tịnh Độ Hoá Nhân Gian bằng công tác phúc lợi xã hội. Thay vì những chương trình từ thiện ngắn hạn, phát quà cho dân nghèo tức thời, cần có những hoạt động từ thiện lâu dài, hướng đến hai tiêu chí quan trọng là: giáo dục và y tế, như xây dựng trường học, ký túc xá sinh viên, đào tạo nghề, thiết lập cơ sở giúp đỡ người vô gia cư, trạm xá, bệnh viện Phật giáo…góp phần ổn định đời sống và nâng cao nhận thức của người dân. Như thế mới đúng nghĩa Bồ Tát nhập thế theo quan điểm đại thừa.
Lễ Vu Lan đã trở thành mùa báo hiếu của Dân tộc, không còn riêng Phật giáo. Ngoài việc tổ chức các chương trình hoa hồng xuống phố nên giúp các bạn trẻ được cài hoa cho nhau trong học đường và lan rộng ra mọi tầng lớp nhân dân, cho đến các công sở. Vì đạo hiếu là truyền thống của Dân tộc.
Hơn nữa, hoa hồng không phải là biểu tượng của tôn giáo, nên có thể đi vào bất cứ ngỏ ngách nào để biểu hiện cho lòng tri ân các đấng sanh thành. Thiết nghĩ quý thầy cô và Phật tử chẳng có gì để e dè, thậm chí môi trường giáo dục nên tổ chức lễ tri ân để xây dựng đạo đức cho các em học sinh. Nhà chùa cần kết hợp từ thiện, giao lưu, phát học bổng, trao quà đến các trường học, trong dịp này. Đừng đóng khung hoạt động từ thiện mà cần tổ chức các chương trình đi vào lòng người, có tác dụng giáo dục thật sự.
Mùa Phật Đản cũng là mùa sen nở. Sen hồng là Quốc Hoa của nước Việt Nam. Bên cạnh thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni, bày hương án, phóng sanh đăng, thả bảy đóa sen trên các dòng sông, tốt nhất vào lễ Phật Đản, từ gia đình Phật tử cho đến các chùa đều treo đèn hoa sen, lấy hoa sen là biểu tượng cho lễ Phật Đản và tôn vinh Quốc Hoa Việt Nam cũng là một biểu ý nói lên tinh thần Đạo Pháp Dân tộc hoà hợp.
Đạo Phật là đạo của Dân tộc Việt Nam, còn đạo Phật là còn văn hoá Dân tộc. Như nhà thơ Vũ Hoàng Chương từng nói: “Trang sử Việt cũng là trang sử Phật”. Mà đã là quốc hoa thì tất cả người Việt Nam đều phải tôn trọng sự thật lịch sử và gắn kết thiêng liêng. Như vậy tất cả quán cà phê, khách sạn, cơ sở doanh nghiệp Phật tử đều tổ chức treo đèn hoa sen mà chẳng sợ mang tội bất kính với tranh tượng Phật. Lâu ngày sẽ trở thành TUẦN LỄ QUỐC HOA KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN. Tương tự, các lễ quan trọng của Phật giáo cần tổ chức trở thành lễ hội, có định hướng rõ ràng. Thay vì chỉ đóng khung trong lễ hội hành chánh và nghi lễ truyền thống.
Do thói quen dùng Âm lịch của các chùa, đôi khi tạo ra bất lợi cho Phật tử muốn tham dự vào các dịp đại lễ, nên nhà chùa cần chủ động kết hợp với Dương lịch, chọn ngày chủ nhật hay nghỉ lễ gần nhất, để tập trung tín chúng được đông đảo hơn. Nhất là các chùa trong khu vực, cần phối hợp nhau để tránh làm trùng ngày, cho Phật tử được thuận tiện, chứ không nhất định phải làm lễ đúng ngày Âm Lịch.
Năm 1945, từ một tôn giáo chiếm 80% dân số của nước Việt Nam khoảng 25 triệu người. Đến năm 2013 chúng ta có trên dưới 90 triệu dân và số lượng Phật tử thì chỉ còn lại 38%. Đó là câu hỏi lớn cho những ai còn trăn trở với cách truyền đạo của Phật giáo đương thời. Chỉ vài tấm hình đăng lên Facebook mừng lễ Phật Thành Đạo, chẳng phải không tác dụng, nhưng làm sao để lan tỏa vẫn phụ thuộc vào thái độ nhận thức của người Phật tử.
Thử hỏi lễ Noel, quý thầy nhắn tin chúc mừng Phật tử như thế, thì lễ Phật Thành Đạo sắp tới quý thầy sẽ làm gì? Ngay cả tết cổ truyền của Dân tộc cũng là ngày vía Phật Di Lặc đang bị bài bác, chúng ta đã phản ứng ra sao? Đó là trách nhiệm chung của tứ chúng, trên một nền tảng tiềm lực gắn kết vững vàng ..!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thích Như Dũng
Phản hồi