Cần Đa Dạng Hoá Mô Hình Trang Trí Phật Đản

PGĐS – Hiện nay, phong trào thiết kế lễ đài Phật đản tại gia đã dần được hồi sinh và lan tỏa rộng rãi. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng đến các tầng lớp xã hội chưa thật sự sâu rộng, vì đâu đó vẫn còn thờ ơ với phần hội, chỉ xem trọng nghi lễ hành chánh và phát quà từ thiện. Thậm chí có nơi còn chủ trương làm từ thiện thay vì lo thiết kế xe hoa và lễ đài Phật đản. Đây là một thiếu sót nghiêm trọng khi giới Phật tử cho rằng việc từ thiện quan trọng hơn cả kỷ niệm Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh.

Như vậy, họ có nguy cơ trở thành các nhà từ thiện chuyên nghiệp hơn là các nhà hoằng pháp lợi sanh thật thụ. Cho nên, điều quan trọng lúc này, cần chấn chỉnh làm sao để “nhà nhà đón Phật đản, người người rước lễ đản sanh”, trên tinh thần tự nguyện, để trở thành lễ hội của toàn dân, thì mới hấp dẫn được quần chúng, cũng như duy trì và phát triển số lượng tín đồ Phật giáo bền vững.

Để tổ chức tuần lễ Phật đản long trọng, nhiều nơi đã khéo léo, kết hợp thành chuỗi sự kiện, được đông đảo người dân tham dự. Tuy nhiên, việc trang trí lễ đài Phật Đản hiện nay tại các tư gia, tự viện chỉ đơn thuần là các bức phong, băng rôn, cờ hoa và tượng Phật Thích Ca Sơ Sinh hay vườn Lâm Tỳ Ni 3D bằng giấy, vốn dĩ vẫn còn thiếu tính đa dạng các mô hình kỷ niệm trong mùa khánh đản. Bởi kém phần hấp dẫn và ngày càng trở nên đơn điệu.

Thay vì chỉ dựng lễ đài Phật đản phục vụ cho lễ hành chánh, thiết nghĩ chúng ta nên sáng chế ra nhiều mô hình trang trí lạ mắt bằng các chất liệu nghệ thuật khác nhau để kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh. Điều này không chỉ phát huy sự sáng tạo của người Phật tử, các nghệ nhân, mà còn là tiềm năng kinh doanh lớn của các nhà sản xuất thiết kế các mặt hàng phục vụ trang trí trong mùa Phật đản. Thiết nghĩ, để phát huy tinh thần Phật giáo hoá nhân gian, xu hướng này cần được đẩy mạnh.

Thí như, các dịp lễ Phật đản tại Hàn Quốc đã trở thành lễ hội lồng đèn với quy mô hoành tráng. Họ không chỉ có các loại đèn lồng hoa sen đơn thuần, mà còn sáng tạo ra mô hình Phật đản sanh bằng đèn lồng rất lớn. Đây là điều chúng ta nên học hỏi.

Cho nên, tới mùa Phật đản, không nhất định là chúng ta chỉ tập trung vào trang trí mỗi mô hình vườn lâm Tỳ Ni, mà con có thể sáng tạo ra các mô hình khác liên quan đến cuộc đời Đức Phật như mô hình Đức Phật Sơ Sinh đứng trên voi trắng sáu ngà hoặc có chín rồng phun nước, hay các biểu tượng Phật giáo thuần tuý như bảy đoá sen hồng, cội cây vô ưu v.v… để tôn trí tại tư gia, tự viện. Các mô hình ấy có thể định dạng bằng hình thức đèn lồng, bằng các chất liệu khác nhau như giấy, vải, hoặc tượng đài hoa bất tử, đan lát lá dừa, v.v… để tạo nên sự đa dạng và phong phú trong ngày hội toàn dân, song song với các phong, băng rôn, banner truyền thống.

Bên cạnh đó, các tự viện cần tinh giảm nghi lễ hành chánh và tôn giáo, nên có các chương trình văn nghệ, hoạt động tích cực hướng về Đại Lễ Phật đản. Hiện tượng các chùa cùng tổ chức Lễ Phật đản trong cùng một ngày 15/4 là một tổn thất không cần thiết. Để cho lực lượng Phật tử tham dự tại các chùa trở nên hùng hậu, thiết nghĩ các tự viện trên cùng một địa phương nên chia ra tổ chức từ mùng một tháng tư Âm lịch đến ngày Phật đản 15/4 ÂL. Được vậy, thì rất thuận tiện cho quý Phật tử tham gia tắm Phật tại các tự viện trong huyện.

Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc vai trò của ngày lễ Phật đản có liên quan đến sự tồn vong của đạo pháp. Tại sao Phật giáo đã truyền vào nước ta đến nay đã hơn 2000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà trong giới Tăng Ni Phật tử, tín đồ Phật giáo vẫn có người bàng quang bỏ mặc, chưa cắm nổi một ngọn cờ Phật giáo cúng dường Phật đản? Vậy hoạt động hoằng pháp của chúng ta hiện nay đang đi về đâu, khi vẫn còn đó những Tăng Ni Phật tử tiếp tục ăn mừng lễ Noel mà chẳng màng Phật đản? Đó là một vấn đề nhức nhối trong việc quản lý và giáo dục tín đồ Phật Giáo, bởi họ rất dễ hoà tan hơn là hoà đồng.

Nếu không kịp vực dậy tinh thần ngày Phật đản, cũng như chấn hưng Phật giáo thì tương lai đạo pháp- dân tộc sẽ ra sao? Đó là điều mà những ai còn quan tâm đến nền văn hoá nước nhà luôn trăn trở. Cần đa dạng hoá mô hình trang trí, lễ đài Phật đản đang là vấn đề cấp thiết, nhằm lan tỏa thông điệp từ bi của Đức Phật.

Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi