Cần Nhân Rộng Mô Hình Phật Đản Xuống Phố

PGĐS – Có thể nói, muốn chấn hưng Phật giáo trong bối cảnh xã hội hiện nay, cần phải đẩy mạnh phong trào Đại lễ Phật Đản thành ngày hội của toàn dân tộc. Không thể gói gọn đại lễ Phật đản trong khuôn viên các tự viện mà chẳng hấp dẫn được quần chúng.

Cho nên, phải ưu tiên phát triển phần hội trong mùa Phật đản thay vì nghi lễ hành chánh, thiếu sức cuốn với giới trẻ, cũng như đồng bào Phật tử. Thực tế, lễ Noel được phát triển thành công, là do sự lan tỏa của phần hội hơn là phần lễ chỉ dành cho tín đồ Công Giáo. Sự gián đoạn truyền thống thiết kế lễ đài Phật đản tư gia & diễu hành xe hoa trong các mùa Phật đản do hoàn cảnh lịch sử, là sự thiệt thòi lớn cho Phật giáo. Cho nên, để biến Phật đản thành lễ hội của toàn dân cần phải có mục tiêu hoạch định rõ ràng.

Hiện nay, nhà nước đã bình chọn hoa sen hồng là Quốc Hoa của Việt Nam, đây cũng là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo, đã và đang được tôn vinh trong mùa Phật đản. Vì mùa Phật đản chính là mùa sen nở. Nên Tăng Ni Phật tử cần đẩy mạnh phong trào tôn vinh Quốc Hoa Việt Nam trong tuần Phật đản.

Ngoài việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chủ động kiến nghị lấy tuần lễ Phật đản từ mùng 8-15/4 ÂL hàng năm làm tuần lễ tôn vinh Quốc Hoa Việt Nam thông qua các hoạt động kính mừng Đại Lễ Phật Đản, song song với các lễ hội thả đèn hoa sen, treo đèn hoa sen, cũng như giới thiệu các sản phẩm ẩm thực chay & danh trà liên quan đến hoa sen trong mùa Phật Đản. Nhằm kích cầu thị hiếu vui chơi giải trí & du lịch cho người dân. Có như vậy thì nhà nhà treo đèn hoa sen, người người vui hội Quốc Hoa, cả nước hân hoan kính mừng Phật đản trong tinh thần Đạo Pháp và dân tộc.

Tuy nhiên, để tiến đến các hoạt động vĩ mô như trên, trước hết các tự viện Phật giáo phải tổ chức cho các đạo tràng Phật tử, nhất là thanh thiếu niên Phật giáo đem tinh thần Phật đản vào mọi ngõ ngách đời sống thông qua hình ảnh Quốc Hoa. Đây là dịp người người có thể tặng hoa sen cho nhau, nhà nhà có thể treo đèn hoa sen, từ học đường, bệnh viện đến nơi công sở mà không hề bị hạn chế vì biểu tượng không mang tính tôn giáo, không hề vi phạm pháp luật nên dễ dàng truyền bá thông điệp từ bi của Đức Phật.

Bên cạnh đó, người Phật tử cần phải năng động với chương trình “ Phật đản xuống phố” bắt đầu từ mùng 1/4 ÂL. Không chỉ nhà nhà thiết lễ đản sanh lộ thiên cho mọi người thuận duyên tắm Phật trong mùa Phật đản. Hay tổ chức luân phiên tắm Phật giữa các gia đình Phật tử. Hoặc rước kiệu Phật trong phạm vi thôn làng nhất định. Hay tổ chức làm từ thiện trong mùa Phật đản tại lễ đài tư gia. Mà các Phật tử cần phải linh động thỉnh tượng Phật đản sanh, đặt trên xe đạp hay xe máy, hoặc ô tô bán tải cá nhân, đi trên đường phố, đến các hộ gia đình Phật tử nghèo khó, già bệnh, neo đơn, để giúp cho người người được tắm Phật.

Nếu như mô hình “Phật đản xuống phố” bằng cách thiết kế lễ đài Phật đản di động, chỉ với một tượng Phật, một gáo nước và một thau nước sạch được trang trí đến khắp nơi. Song song với việc treo đèn, cờ, băng rôn, khắp các tư gia Phật tử thì Phật giáo sẽ được lan tỏa khắp thôn cùng ngõ hẻm. Được vậy, thì người Phật tử sẽ có thêm một hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong mùa Phật đản, ngoài chương trình “ Hoa Hồng xuống phố” trong mùa lễ Vu Lan. Có như vậy, Phật đản sẽ trở thành mùa hội.

Trước thực trạng đạo đức xã hội ngày một bị xói mòn. Muốn chấn hưng văn hoá dân tộc thì trước hết cần phải chấn hưng Phật giáo. Tuy lễ Phật đản chỉ là hình thức tôn vinh các giá trị nhân bản trong di sản của Đức Phật để lại, nhưng rất cần phải phát huy để gìn giữ và lan tỏa các giá trị ấy. Việc chọn ngày 15/4 ÂL là ngày Quốc Hoa Việt Nam, cũng như tuần lễ Phật đản là tuần lễ tôn vinh Quốc Hoa Việt Nam là việc làm thiết thực đề cao đạo đức, tư tưởng, văn hoá dân tộc. Nhờ vậy sẽ tránh sự xâm thực và biến tấu văn hoá, cũng như thoát khỏi xu hướng Tây hoá ô hợp hiện nay. Đó chính là gìn giữ cho tương lai của đạo pháp và dân tộc.

Từ năm 2000 trở đi, Đại lễ Phật đản được chính thức cử hành tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc. Đây là niềm vinh dự cho Phật giáo Việt Nam và Quốc Tế. Cũng là niềm tự hào cho người Phật tử. Dù theo bất cứ truyền thống Phật giáo nào, cũng cần phải có những hoạt động thiết thực nhất để duy trì ngày Phật đản.

Nếu chúng ta biết khéo léo kế thừa tinh thần ấy, có lẽ trong tương lai thành quả của chương trình “ Phật đản xuống phố” sẽ là “tuần lễ Quốc Hoa”. Khi ấy, bất kì ai cũng phải tham dự mùa hội hoa sen trên toàn quốc, cũng như có cơ hội tiếp xúc với các giá trị của Phật giáo.

Hi vọng rằng, Phật đản PL 2566- DL 2022 sẽ là một mùa Phật Đản đầy khởi sắc để vực dậy tinh thần của người dân cả nước sau cơn khủng hoảng do đại dịch bệnh hoành hành. Đó là cơ hội để chúng ta cầu nguyện cho dịch bệnh tiêu trừ, thế giới hoà bình và chúng sanh an lạc.

Tất nhiên, bình an chỉ đến từ nội tại. Cho nên, trách vụ người Phật tử là phải biết lan tỏa thông điệp bình an ấy. Như kinh Nikāya nói: “Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”.

Thích Như Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

Phản hồi