Đôi dòng ưu tư

PGĐS – Noel 2023, chiến tranh giữa Israel với Hamas vẫn chưa dừng lại trên quê hương của Chúa Jesus. Người ta vẫn tiếp tục rao giảng về nước trời và sự cứu rỗi toàn năng của chúa bởi những phép lạ cuồng tín. Họ vẫn tiếp tục sám hối cho dân tộc Việt Nam vì tội không theo Chúa, cũng như ca ngợi Thiên Chúa hằng ngày và mong muốn dâng nước Việt Nam cho giặc qua những bài thánh ca vong quốc, coi nước ta là miền đất hứa, cũng như 118 tên Việt gian là thánh tử đạo, mà không hề hổ thẹn. Nếu chúa có quyền năng thật sự, sao không tự cứu rỗi được Israel thoát khỏi chiến tranh ? Phải chăng quyền năng lừa bịp ấy, đã thất bại trên chính quê hương mình.

Trong khi, cộng đồng mạng đã phản đối hiện tượng cho du khách thuê đồ dân tộc Mông Cổ, Tây Tạng ở các khu du lịch Tây Bắc, vì lo sợ làm mất văn hóa bản địa. Nhưng trào lưu khuếch trương lễ Noel, từ trường học cho đến ngoài xã hội vẫn được truyền thông ủng hộ với lý do kích cầu kinh tế du lịch, mà không hề sợ mất bản sắc văn hóa dân tộc và tự dẫm lên luật giáo dục 2019, xem đó là một hoạt động tất yếu, trong khi môn lịch sử trở thành thứ yếu?

Vậy thử hỏi, bỏ ra hàng nghìn tỷ chấn hưng văn hóa để làm gì mà không hề chặn đứng những lễ hội phi giáo dục? Trong khi lịch sử truyền giáo của họ là trước tiền, sau súng. Cổ vũ cho trẻ em chơi Noel từ nhỏ trong trường học, khác nào rước giặc vào nhà, bất chấp sự phản đối của những ai còn quan tâm đến vận mệnh của dân tộc. Hay xã hội hiện nay, không cần đến tiếng nói của những người lương thiện? Trong khi giới trẻ hiện nay, hoàn toàn thiếu miễn dịch trước những trào lưu vong bản.

Sinh mệnh của Phật giáo cũng là sinh mệnh của dân tộc, trước hiện trạng tín đồ Phật giáo bị cải đạo ngày càng trẻ hóa, thì Phật giáo nên làm gì? Không thể chỉ gói gọn hoạt động thanh thiếu niên Phật tử trong các khóa tu mùa hè, rồi thả nổi. Vì thực chất, sau các khóa tu ấy, đã thu hoạch được bao nhiêu Phật tử thuần thành?

Vấn nạn số lượng tín đồ Phật tử ngày càng giảm, đang là nguy cơ báo động, cần phải có phương án thống nhất và kế hoạch cụ thể, thay vì những hội thảo trên giấy tờ, truyền thông và chấm hết. Dù ý thức Phật giáo là ý chí của dân tộc, nhưng nếu chúng ta mãi vỗ béo một cái xác không hồn, thì căn nhà mục ruỗng ấy chẳng thể nào định hướng cho tương lai dân tộc.

Thế hệ trẻ đang nằm đâu trong tầm nhìn lợi sanh của Phật giáo? Trong khi ngoại đạo đã hoàn thiện hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, thì các lĩnh vực giáo dục và an sinh xã hội vẫn đang chờ Phật giáo thâm nhập, đã được chú ý ra sao? Thực chất đang là một thách thức lớn trong hoạt động hoằng pháp của Phật giáo. Nhất là nguy cơ thiếu người thực tu, thực chứng thay vì chức vụ, học vị, đăng đàn nói dóc, chia rẽ nội bộ, quảng bá tà kiến, lấy ý mình làm nghĩa kinh, gây ảnh hưởng bất lợi đến Phật giáo như hiện nay. Đó là một trong những căn nguyên thiểu số hoá Phật giáo, cần phải được chấn chỉnh. Vì đạo Phật là đạo như thật.

Phản đối lễ Noel, chỉ gây tác động nhất định đến những ai chịu khó tìm hiểu lịch sử các tôn giáo. Nhưng rất khó cảm hoá được các thanh thiếu niên Phật tử ham vui, dù họ chẳng tin vào thượng đế. Nếu chúng ta không cố gắng phát huy hết nội lực Phật giáo, thì nguy cơ bị thiểu số hóa là tất yếu.

Bằng ý thức và trách nhiệm của người Phật tử, thiết nghĩ chúng ta cần lan tỏa thông điệp từ bi của Đức Phật, để góp phần chấn hưng Phật giáo. Được vậy, mới mong giữ vững nền hòa bình, thịnh trị cho dân tộc mai sau.

Lý Diện Bích

Bài viết liên quan

Phản hồi