Đâu là đạo đức kinh doanh & giá trị bền vững của ngành giáo dục thông qua các lễ hội ngoại lai?

Sở dĩ, các lễ hội Halloween & Noel được phổ biến hiện nay, không chỉ được sự hậu thuẫn của truyền thông, chủ trương Giáo Dục, xu hướng hoà tan thiếu chắt lọc văn hoá của giới trẻ mà còn được khuếch đại bởi ngành dịch vụ du lịch, kinh doanh liên quan đến các lễ hội. Nhưng để định hình được nền văn hoá hội nhập vẫn duy trì và phát triển của văn hoá dân tộc, thì cần có một đường lối dứt khoát liên quan đến các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và truyền thông mới kịp thời cứu vãn. Nhất là không thể chấp nhận những lễ hội vong bản, phi giáo dục như Halloween và Noel là cơ hội hái ra tiền trong học đường, buộc phụ huynh phải đóng thêm những khoản phụ thu vô bổ.

Đa số, ai cũng nhắm đến cơ hội làm giàu để nâng cao đời sống vật chất, bằng cách tạo ra uy tín để phát triển thương hiệu, nhưng thực tế rất ít thương hiệu hướng tới tạo ra một giá trị bền vững, nhằm cống hiến cho xã hội, thành một đời sống hạnh phúc. Do chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, đã thúc đẩy lòng tham của con người trong hoạt động kinh doanh, biến thương trường thành chiến trường. Nên mặt trái của xã hội được định hình bằng sự dối trá và ích kỷ. Do đó, chính nhân loại đã tự đẩy mình rơi vào các cuộc khủng hoảng toàn cầu từ những sự đe dọa khác nhau trên nhiều lĩnh vực. Từ nguy cơ chiến tranh, biến đổi khí hậu, cho đến sự xung đột giữa các cộng đồng, tôn giáo, chủng tộc trên thế giới đến sự đấu tranh nội tại để sinh tồn.

Hầu như chúng ta không ý thức được, mình chỉ là một cá thể nhỏ bé trong bảy tỷ người của nhân loại, luôn tương thuộc lẫn nhau. Muốn thúc đẩy sự thịnh trị, duy trì trật tự, hoà bình của thế giới, cần phải phát triển lòng yêu thương trong mỗi cá nhân. Từ đó tận dụng cơ hội của một đời người tạo ra các giá trị bền vững phục vụ cho xã hội.

Muốn có một quốc gia hạnh phúc phải bắt đầu từ nền giáo dục có những thầy cô hạnh phúc. Trong những lĩnh vực kinh doanh và khai thác truyền thông cũng vậy. Do đó, xã hội sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu nền tảng đạo đức. Với truyền thống Đạo Pháp & Dân Tộc suốt hơn hai nghìn năm lịch sử tại đất nước ta, Phật giáo là nhân tố tất yếu giải quyết nhu cầu đó. Vì Phật giáo Việt Nam đảm bảo tính giáo dục truyền thống và khai phóng văn hoá dân tộc.

Việc tổ chức lễ hội Halloween & Noel trong trường không những vi phạm luật Giáo Dục 2019, mà còn thúc đẩy sự đồng hoá văn hoá của dân tộc, đây là điều đáng báo động. Không những đầu độc tâm hồn học sinh, mà còn cắt đứt những mầm xanh của đất nước với cội nguồn dân tộc ngay từ thuở mầm non. Trong khi, các em chưa kịp hiểu gì về truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của cha ông lại bị kéo vào những thảm hoạ được ngụy trang bằng cụm từ “ tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại”, mà đó rõ ràng là dấu giày của quân xâm lược.

Đã là môi trường giáo dục thì không thể tận dụng hết mọi cơ hội để kinh doanh, thậm chí kinh doanh cả nguồn cội dân tộc. Chẳng lẽ truyện cổ tích Việt Nam thiếu sâu sắc và trong sáng, đến nỗi phải lấy hình ảnh lễ hội hoá trang thành Ma Quỷ trình bày sách Văn Học cho cấp học sinh tiểu học? Như vậy là hoà nhập hay hoà tan? Cải tiến hay cải lùi?

Có một chú tiểu đi ngang qua đám đông bị mất trộm, bèn đứng lại coi. Bị mọi người nghi là thủ phạm nên đánh chú một trận ra trò. Về chùa, chú tiểu thanh minh với sư phụ. Không ngờ, bị thiền sư đánh thêm một trận. Tức chí, chú tiểu hỏi:” Con không ăn trộm, sao thầy lại đánh con?”. Thiền Sư đáp:” Thầy đánh con, vì con tuy không ăn trộm, nhưng tướng con giống thằng ăn trộm, nên mọi người mới hiểu lầm con”.

Chả trách Mạnh Mẫu vì Mạnh Tử ba lần dời nhà, để tránh các môi trường sống bất thiện, gây ảnh hưởng xấu đến tương lai của con. Nhưng trong học một môi trường giáo dục chính quy tổ chức giả ma, giả quỷ buộc các học sinh phải tham dự thì phụ huynh biết dời đi đâu?

Đây là việc bức xúc cho các bậc phụ huynh học sinh ngày nay khi nhà trường sẵn sàng hô biến con em họ thành ma quỷ trong ngày lễ Halloween và cải đạo học trò thông qua ngày lễ Noel, bằng chính tiền của phụ huynh học sinh đóng góp. Đó chính là đang kinh doanh và biến tấu giáo dục và đánh cược tương lai của bao thế hệ học sinh. Chả trách, đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp vì hệ quả của nền giáo dục mục ruỗng thì nhà tan, cửa nát là điều tất yếu.

Trong bài kinh Hạnh Con Chó (Kukkuravatika sutta – Trung Bộ kinh 57), Đức Phật đã trả lời hai du sĩ ngoại đạo Punna Koliyaputta, hành trì hạnh con bò, và lõa thể Seniya, hành trì hạnh con chó là những ai chấp nhận, hành trì theo hạnh loài súc sanh nào thì tương lai sẽ đầu thai làm loài vật ấy. Nhìn sâu hơn, sự hoá trang thành ma quỷ trong lễ hội Halloween sẽ phát triển ác tính của những người tham dự, không cần phải đợi họ đầu thai làm ma quỷ vào kiếp nào.

Thảm họa 151 người chết do tham dự lễ hội Halloween tại Hàn Quốc, đã tạo ra được giá trị gì cho nhân loại ngoài những đau thương và tang tóc phủ trùm? Chẳng lẽ, chúng ta đợi có một mất mát tương tự xảy ra rồi mới chịu dừng lại.

Phải chăng các hoạt động dịch vụ các lễ hội ngoại lai chỉ vì lợi ích trước mắt mà bỏ quên gốc rễ tâm linh của chính mình? Nhắc đến kinh doanh cần phải có đạo đức thì khả dĩ chấp nhận, nhưng nói đến giáo dục cũng cần đến đạo đức kinh doanh thì quả là biến chất ! Liệu nền giáo dục đó còn phục vụ cho lợi ích của dân tộc? Hay đang đi ngược với bản hoài của các bậc phụ huynh học sinh.

Đừng nhân danh hoà nhập văn hoá phương Tây mà luồn lách đưa những lễ hội phi nghĩa vào vào học đường, gây ra những bất ổn trong nền giáo dục nước nhà. Không những trái với luật giáo dục 2019, mà còn tạo nên sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng, trong cộng đồng học sinh có đức tin tôn giáo khác nhau khi đem lễ Halloween & Noel vào học đường. Là phụ huynh học sinh, nhất định phải phản đối kịp thời.

Lý Diện Bích

Bài viết liên quan

Phản hồi