Tiểu sử: Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Nguyên Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tây (nay là Tp. Hà Nội)

Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Viện chủ Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng)

  1. THÂN THẾ VÀ XUẤT GIA TU HỌC

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thế danh là Bùi Văn Quý, sinh ngày 12 tháng 4 năm 1917 tại thôn Phùng Thiện, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ngài xuất gia năm 1923, tại chùa Quán, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Khi 8 tuổi Ngài thụ Sa di giới, năm 14 tuổi Ngài bắt đầu tu học tại chùa Viên Minh (tỉnh Hà Tây, nay là TP Hà Nội). Năm 20 tuổi (1937) Ngài thụ Đại giới Tỳ kheo và Bồ tát giới tại Đại giới Đàn chùa Bút tháp – Thuận Thành – Bắc Ninh do Hoà thượng Thích Quảng Tốn làm Hòa thượng đàn đầu. Từ năm 1953 đến 1958, ngài tu học và hoằng pháp tại chùa Kim Đới (TP Hải Phòng).
Từ tháng 10/1958 đến nay, Trưởng lão Hoà thượng trụ trì chùa Viên Minh (chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội).
Trên đường tu học, dấu chân của Hoà thượng trải khắp các tổ đình vùng châu thổ sông Hồng. Trải qua những ngày quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng, làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ, Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ vẫn một lòng son sắt với cửa Phật.
 
Đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ chưa từng học qua một trường lớp chính quy nào. Tất thảy vốn kiến thức có được đều nhờ kiên trì tự học và là vị giáo phẩm nổi tiếng uyên thâm về Phật học và Hán học.

  1. HOẰNG PHÁP LỢI SANH

Không theo trào lưu du học Nhật bản những năm 1950 như các vị tăng thời đó, Ngài tu hành ẩn cư nơi thôn dã tại làng Ráng – Phú Xuyên – Hà Nội. Sau 50 năm thọ đại giới, năm 1987 Pháp chủ đương thời phái 3 cao tăng: Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Tâm Thông tới trụ xứ mời ông lên Hà Nội đảm trách các chức vụ của Giáo hội và chủ trì hiệu đính Đại Tạng Kinh điển.
Sự nghiệp phiên dịch kinh sách, trước tác của Đức Trưởng lão Hoà thượng nổi bật với các tác phẩm: Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát nhã dư âm, Đại từ điển Phật học, Đề cương kinh Pháp hoa, Phật học là tuệ học, biên tập, Đại tạng kinh Việt Nam, phiên dịch và hiệu đính Luật Tứ phần,…
Từ năm 1953 đến 1958, Ngài hoạt động Phật sự tại chùa Kim Đới, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Từ năm 1987 đến nay, Ngài giữ nhiều chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Trụ trì Tổ đình Viên Minh (Hà Tây); Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tây; Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học tỉnh Hà Tây; Ủy viên Kiểm soát Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó chủ tịch Thường Trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng ban Giáo dục tăng ni trung ương; Phó ban Ban Tăng sự trung ương; Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ngài là nhà tu hành tinh thông kim cổ và là người có đóng góp to lớn trong việc biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm về Phật học ở Việt Nam.  Ngài nhiều năm liền giữ ngôi Đường Chủ của các trường hạ tại Hà Nội, Hưng Yên,… cũng như ngôi Hoà thượng đầu đàn trong rất nhiều Đại Giới Đàn ở các tỉnh.
Ngày 24 tháng 11 năm 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII đã thống nhất tái suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

  1. NHỮNG LỜI GIÁO HUẤN CỦA NGÀI

Trong Đại lễ cung nghinh Đức đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Hà Tây, Trưởng lão Hòa thượng đã phát biểu: “Tôi không ngờ chư vị lại giữ lời đã hứa khả với chúng tôi như vậy! Đã tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa. Nay được hưởng như thế này là cái họa cho chúng tôi. Chúng tôi cần làm gì đây để báo đáp sự cung ngưỡng lớn lao như thế này của đại chúng?”

  • “Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng đồng người. Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?”
  • “Suốt đời tôi chỉ mong được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi… Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy cứ nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện.”
  • “Muốn sống lâu trước hết phải sạch sẽ từ thân đến tâm… Về tinh thần, cần tu tâm dưỡng tính, tiết chế mọi ham muốn dục vọng, sống trong tinh thần lục hòa thì sẽ tăng được tuổi thọ. Nhưng dù sao, cũng không thể loại trừ được vô thường của sinh lão bệnh tử, vì đó là quy luật của mọi kiếp nhân sinh.”
  • “Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo, ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi”.
  • “Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”.
  • Trong bài trả lời phỏng vấn hiếm hoi của Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Xuân Bính Thân – 2016, khi nói về hiện tượng suy đồi của một số tu sĩ, ngài cho rằng: “Người xuất gia nếu không dụng công tu tập thì chỉ là người tại gia ở chùa”. Và ngài cũng đã thống thiết bộc bạch: “Kính mong quý vị Tăng Ni nếu thấy mình không có đủ sự tinh tấn tu trì thì nên xả giới hoàn tục, kẻo lâm chung đọa vào ba nẻo ác”. Ngài lại dạy thêm: “Tăng Ni là hiện thân cụ thể cho Tăng bảo – một trong ba ngôi thiêng liêng (Phật, Pháp, Tăng) làm nơi nương tựa cho tín đồ, Phật tử. Đó là đoàn thể xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình và sự hưởng thụ thế tục, nỗ lực học và tu, hành đạo theo gương của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng. Do vậy, chư vị giáo phẩm tiền bối cũng đã từng nói: Tăng bảo còn, Phật giáo còn. Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong. Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng”.
  • Lời dạy sau cùng của Ngài làm cho mọi người nhớ mãi là câu nói: “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo.”

Lời dạy của Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thật thống thiết, như thể rút từ tâm can của một bậc Trưởng lão ngoài 100 tuổi, vẫn tinh tấn dụng công tu trì ngày đêm. Sức mạnh gợi mở của lời dạy ấy, thiết nghĩ, chính là thông điệp thực sự của ngài, bậc xuất gia sống qua nhiều hoàn cảnh lịch sử, cả một đời tận lực vì đạo, gắng công truyền bá Phật pháp, không mưu cầu và dính mắc danh lợi tầm thường.

  1. NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI

Đến nay đã hơn 80 năm, Hoà thượng an trụ ở chùa Ráng – tên dân dã của Viên Minh cổ tự (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) nên được Phật tử mọi miền gọi là Tổ Ráng.
Đối với người dân trong vùng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một nông dân thực thụ với đức tính hay làm, cần cù và giản dị. Bởi, suốt cuộc đời, ngoài giờ hành lễ hay đi hoằng pháp, Hòa thượng luôn cùng môn đệ xắn tay cày cấy nuôi thân, đến 80 tuổi mới thôi.
Ở tuổi bách niên, không còn ra đồng trồng lúa được nữa, nhưng hàng ngày, Trưởng lão Hoà thượng vẫn làm vườn, dọn dẹp trong chùa.
Do niên cao, lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 03h22 phút, ngày 21 tháng 10 năm 2021 (nhằm ngày 16 tháng 9 năm Tân Sửu), tại Tổ đình Viên Minh (chùa Ráng), xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội . Trụ thế: 105 năm  Hạ lạp: 85 năm.
Nhìn lại cuộc đời xuất gia tu học, hoằng pháp lợi sanh của Đại lão Hòa thượng như một tấm gương soi sáng cho ngàn thế hệ noi theo:
Đạo hạnh có một không hai
Ấy ngôi Pháp chủ – chính Ngài Viên Minh.
Cả đời niệm Phật tụng kinh
Ninh Bình Quê Tổ – in hình chân tu.
 
Rau dưa – cầy cuốc – xây chùa.
Bao nhiêu công đức sớm trưa chẳng màng.
Quần nâu – áo vải dọc ngang
Hơn trăm tuổi đạo-vì hàng hậu côn.
 
Giảng kinh – viết sách trường tồn.
Nối tiếp huyết mạch – Phật tôn phụng thờ.
Việt Nam Phật giáo ước mơ
Gương sáng Pháp Chủ hiện giờ còn đây.
 
Phú Xuyên linh địa rước Ngài
Trụ trì mấy chục năm nay yên bình.
Tổ Đình Phật học Viên Minh.
Nương Ngài 3 tháng tròn hình giới châu.
 
Sa bà một thuở ra đi,
Cân bình nửa gánh Tây quy nhẹ nhàng.
Rừng Thiền vắng bóng hạc vàng,
Biển trần vượt khỏi muôn ngàn phong ba.
Người đi dấu vết chưa nhoà,
Bát y để lại sương pha lạnh lùng.
Tam sinh hẹn kiếp tao phùng,
Tôn phong Tổ ấn gửi cùng nước non

 Phật Giáo Và Đời Sống

Bài viết liên quan

Phản hồi