Thiết Lễ Đản Sanh Là Cúng Dường Chư Phật

PGĐS – Noel, chẳng ai vận động, đa số các nhà hàng chay, quán nước, nhà hàng, khách sạn v.v… là cơ sở kinh doanh của các gia đình Phật tử cũng tự động rinh cây thông về, treo đèn, kết hoa, trang hoàng lộng lẫy.  Thậm chí còn để bảng “Marry Christmas” để hút khách, thay vì “Happy Holidays” để tránh thái độ phân biệt đối xử bất bình đẳng tôn giáo nhằm thể hiện sự văn minh như các nước phương Tây.

Trong khi, Phật đản họ không hề quan tâm, dù chỉ là cắm một lá cờ Phật giáo, treo một ngọn đèn, một tấm băng rôn hay thiết kế lễ đài mini để cúng dường. Nhắc đến thì luôn miệng nói “Phật tại tâm”. Thậm chí còn khẳng định chắc nịch:” Quán con đâu có chỗ đâu mà làm”. Nhưng tới lễ Noel tại sao lại có chỗ cho cây thông hoặc ông già Noel chen chân vào? Như vậy, “Quán con không có chỗ để kỷ niệm Đức Phật đản san hay là tâm con không có Phật?”. Đó là một thực trạng đau lòng bởi tư duy ấu trĩ của một bộ phận tín đồ Phật giáo.

Chính vì vậy, rất nhiều cơ sở kinh doanh của Phật tử ngày nay đã trở thành điểm hẹn truyền bá văn hoá ngoại lai thường niên thay vì lan tỏa thông điệp từ bi của Đức Phật. Khi được hỏi đến, họ luôn viện lý do là sợ mất khách, nên phải trang hoàng lễ Noel cho thật đẹp. Tại sao chỉ lo mất khách là tín đồ ngoại đạo, còn đa số là lượng tín đồ Phật giáo lại chẳng đoái hoài? Tại sao lại tự cô phụ đức tin của chính mình? Tại sao lại quan trọng lễ hội của ngoại đạo được truyền vào nước ta bằng lịch sử tắm máu và nước mắt của cả dân tộc hơn là các giá trị nhân văn của đạo Phật?

Hoặc có người viện lý do hoà đồng tôn giáo khi sống cùng giáo phận với ngoại đạo, nên không ngần ngại trang trí lễ Noel tại tư gia. Quả là chẳng biết hổ thẹn khi không giữ vững lập trường tín ngưỡng. Do đó, họ rất dễ bị cải đạo trong tương lai. Dù trái lại, các tín đồ ngoại đạo không hề tham dự rước lễ đản sanh để hòa đồng. Nên đó chỉ là lối a dua ngụy biện, thiếu chính chắn?

Thật vô lý, khi tín đồ Phật giáo lại chủ trương hoà đồng tôn giáo đến nỗi hoà tan. Còn đối với đạo của mình thì bàng quang mặc cả. Thậm chí, có người còn lên mặt dạy đời những ai lo thiết lễ đản sanh cúng dường chư Phật là chấp tướng. Vì Phật là bản tâm vô tướng nên không cần tắm rửa. Trong khi chính họ miệng luôn nói lý không mà chưa lìa ngã và ngã sở. Đó chính là bệnh ngông cuồng chấp lý của người học Phật lý sự chẳng viên dung vô ngại.

Thiết lễ đản sanh không chỉ nhằm quảng bá tinh thần cứu khổ ban vui của đạo Phật, mà còn là phương tiện đưa đạo Phật đi vào cuộc đời thông qua hình thức lễ hội, nhằm tri ân đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật đã dày công khai sáng ra con đường giác ngộ đưa nhân loại ra khỏi biển khổ luân hồi.

Cho nên, trang trí lễ đài Phật đản tư gia không chỉ cho người khác chiêm ngưỡng từ dung của Đức Thế Tôn, được gieo duyên tắm Phật, sanh lòng tin kính, mà còn là cơ hội để chúng ta bày tỏ lòng chí thành dâng lên Đức Phật. Vì vậy, các am thất, tự viện, gia đình Phật tử nào viện lý do ở nơi biên địa hẻo lánh xa xôi mà chẳng bày tỏ đức tin của mình là vô lý. Dù là các ghe tàu đánh cá nơi hải đảo hoang vu vẫn có thể cắm một lá cờ Phật giáo trên phương tiện di chuyển ngoài khơi của mình, nhân dịp lễ Phật đản, để cầu xin chư Phật gia hộ, huống chi là những Phật tử có hoàn cảnh thuận lợi nơi các vùng đông dân cư như thành phố hay thị trấn.

Điển hình như đồng bào Phật tử Ê Đê tại Đắk Lắk, dù ở Tây Nguyên đại ngàn, đời sống còn nhiều khó khăn, hàng năm vẫn thiết trí lễ đài Phật đản tại buôn làng. Đó là công đức quý báo đáng tán dương và tùy hỷ mà quý Phật tử miền xuôi cần học hỏi.

Song song với các hoạt động từ thiện trong mùa Phật Đản, thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh phong trào ấn tống tượng Phật đản sanh, băng rôn, cờ Phật giáo để tặng cho người dân. Nhằm vực dậy tinh thần hân hoan của người Phật tử. Được vậy, thì đại lễ Phật đản trong tương lai sẽ được nhanh chóng lan toả khắp nơi. Hơn nữa, mục đích tài thí là để quy về pháp thí.

Nếu như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra sức vận động ngày lễ Phật đản (15/4 ÂL) trở thành ngày lễ Quốc Hoa Việt Nam ( Hoa sen hồng), thì trong tương lai, toàn dân sẽ được nghỉ lễ nhân dịp tôn vinh Quốc Hoa là một điều không xa. Muốn được như vậy, cần phải có sự chung tay đóng góp của toàn thể Tăng Ni Phật tử trang hoàng đại lễ Phật đản hằng năm. Đó chính là góp phần xây dựng tịnh độ nhân gian.

Thích Như Dũng

 

Bài viết liên quan

Phản hồi