Sóc Trăng: Đoàn kết là thế mạnh đưa đến thành tựu công tác Phật sự nhiệm kỳ IX
PGĐS– Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đang tiến tới rất gần Đại hội X (nhiệm kỳ 2022-2027). Nhằm nhận xét, đánh giá một cách khách quan về công tác Phật sự đã làm được trong nhiệm kỳ IX (2017-2022) của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, từ đó rút ra những kinh nghiệm quý báu cho nhiệm kỳ tiếp theo; CTV Phật sự Online có buổi trò chuyện ngắn cùng HT.Thích Minh Hạnh – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Sóc Trăng về công tác điều hành Phật sự tại tỉnh này.
PV: Bạch Hòa thượng, trong nhiệm kỳ IX này Phật giáo tỉnh Sóc Trăng đã có những thành tựu Phật sự gì nỗi bậc?
HT.Thích Minh Hạnh: Với tinh thần đoàn kết, hòa hợp giữa hai hệ phái Nam tông và Bắc tông, trong nhiệm kỳ IX vừa qua, Phật giáo tỉnh Sóc Trăng có những thành tựu về Phật sự rất đáng khích lệ. Chung tay cùng chính quyền các cấp, BTS Phật giáo tỉnh đã vận động, kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni hỗ trợ và giúp đỡ tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19. BTS Phật giáo tỉnh vận động gần 30 tấn rau, cũ quả gửi tặng đồng bào tại TP.Hồ Chí Minh trong thời gian cao điểm cách ly để phòng chống dịch bệnh. Các chùa tổ chức bếp ăn miễn phí, cung cấp hàng trăm ngàn xuất ăn cho những vùng cách ly. Hàng trăm ngàn phần quà được lần lượt trao tặng bà con, giúp mọi người vượt qua khó khăn chống dịch với tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, BTS Phật giáo tỉnh và 11 BTS Phật giáo cấp huyện, thị xã, thành phố cùng thời điểm tổ chức lễ Cầu siêu Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh và đồng bào tử vong vì Covid-19.
Nhiệm kỳ IX, BTS Phật giáo tỉnh tổ chức hai Đại Giới đàn. Năm 2017 Đại Giới đàn “Phi Lai – Chí Thiền”, năm 2020 là Đại Giới đàn “Thiện Sanh – Tâm Từ”, hơn 1.000 Giới tử phát tâm thọ Giới để duy trì mạng mạch Phật pháp. Tổ chức diễu hành xe hoa nhân Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp quốc. Hàng năm tỉnh đều tổ chức cho Tăng Ni an cư kiết hạ tập trung. Tổ chức 2 khóa bồi dưỡng kiến thức An ninh Quốc phòng và nghiệp vụ Trụ trì cho Tăng Ni toàn tỉnh. Nỗi bậc trong nhiệm kỳ qua Phật giáo tỉnh có thêm 15 cơ sở tự viện được công nhận gia nhập GHPGVN. Trong đó có 3 cơ sở lớn là thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, chùa Quan Âm Linh Ứng và chùa Quan Âm Đông Hải. Bổ nhiệm cho 59 vị Trụ trì (cả Nam tông và Bắc tông). Đặc biệt về công tác Từ thiện Xã hội, trong nhiệm kỳ IX Phật giáo tỉnh đã thực hiện đạt 390 tỷ đồng.
Năm 2021, khi triển khai công tác tổ chức Đại hội Phật giáo cấp huyện thì dịch Covid-19 bùng phát, phải đến cuối năm 2021 nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của chư Tôn đức Tăng Ni mới tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp huyện để góp phần trang nghiêm GHPGVN.
Đây là những điểm nỗi bậc của Phật giáo tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ IX (2017-2022) vừa qua.
PV: Là vùng đất giao thoa giữa nhiều hệ phái Phật giáo và các truyền thống tu học khác nhau, việc triển khai công tác Phật sự có gặp những khó khăn gì, thưa Hòa thượng?
HT.Thích Minh Hạnh: Vâng, Sóc Trăng có nhiều Hệ phái Phật giáo với truyền thống tu tập khác nhau, chủ yếu là Nam tông và Bắc tông. Nhưng với sự lãnh đạo toàn diện của Hòa thượng Trưởng ban (phóng viên: Hòa thượng Tăng Nô – Ủy viên thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng) các công tác Phật sự đều được triển khai theo từng quý, hoạt động tương đối nhịp nhàng và có định hướng theo từng năm. Tuy nhiên vẫn còn đôi chút khó khăn bởi ngôn ngữ khi truyền đạt thông tin Phật sự về các chùa Nam tông Khmer ở vùng sâu, vùng xa. Nhiệm kỳ tới, sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này, để mọi thông tin về Phật sự được triển khai rộng và mạch lạc nhằm phục vụ tốt nhất mọi công tác, góp phần trang nghiêm GHPGVN.
PV: Theo Hòa thượng, Phật sự nào sẽ là thế mạnh để phát triển Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ X?
HT.Thích Minh Hạnh: Trước tiên là tổ chức phải đoàn kết, hòa hợp. Sóc Trăng thì Phật giáo Nam tông rất mạnh, với số lượng Sư sãi rất đông. Vì vậy, muốn phát triển một cách toàn diện thì chúng ta phải đoàn kết, hòa hợp giữa 2 Hệ phái, thống nhất ý chí sẽ đưa đến thành công. Đây sẽ là thế mạnh của Phật giáo Sóc Trăng trong nhiệm kỳ X. Ngoài ra, còn có mãng Từ thiện Xã hội vốn là thế mạnh của Phật giáo Sóc Trăng. Nhiệm kỳ X sẽ cố gắng phát triển và kết nối các điểm du lịch tâm linh ở các cơ sở của Giáo hội như: thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, chùa Quan Âm Linh Ứng, chùa Quan Âm Đông Hải, chùa Chén Kiểu và chùa Dơi, chùa Som Rông…v.v… góp phần tạo phúc lợi xã hội tốt hơn.
PV: Là người tham gia nhiều công tác Từ thiện Xã hội, Hòa thượng có nhìn nhận gì về công tác này hiện nay của Phật giáo?
HT.Thích Minh Hạnh: Từ thiện Xã hội là lĩnh vực không thể tách rời của Phật giáo, thể hiện tính từ bi và tinh thần cứu khổ ban vui cho nhân loại. Nhưng khi làm công tác Từ thiện, trước tiên phải phát xuất bằng tâm từ bi, yêu thương và chia sẻ. Người xưa dạy: “của cho không bằng cách cho” là như thế. Chúng ta có thể hỗ trợ, giúp đỡ cho những người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn một cách bài bản, giúp họ có định hướng thoát nghèo, xây dựng và hướng đạo mọi người phát tâm làm lành lánh dữ, giữ gìn đạo đức xã hội lành mạnh, tiến tới Quy y Tam bảo và trở thành người Phật tử chân chánh. Làm Từ thiện cũng nên tuân thủ pháp luật, khi đến địa phương nào đó chúng ta nên liên hệ với chính quyền nhờ hỗ trợ, giúp đỡ để mọi hoạt động đều diễn ra tốt đẹp. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, vì vậy xây cầu, bồi lộ, hỗ trợ người khuyết tật, tặng quà … đều tốt. Nên duy trì những chương trình Từ thiện mang tính lâu dài, có định hướng tích cực góp phần về an sinh xã hội, tạo nên uy tín cho Phật giáo trong cộng đồng xã hội.
PV: Hòa thượng có những ưu tư và suy nghĩ gì về việc phát triển Phật giáo tỉnh Sóc Trăng trong tương lai?
HT.Thích Minh Hạnh: Ưu tư và suy nghĩ rất nhiều, hy vọng Phật giáo tỉnh nhà làm tròn vai trò và trách nhiệm mà Trung ương giao phó. Hoàn thiện mọi cơ sở hạ tầng đối với các tự viện còn khó khăn. Tiến tới xây dựng Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh, từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính Giáo hội vững vàng, Tăng Ni thừa kế có đủ phẩm chất đạo đức để xiểng dương Chánh pháp và trang nghiêm Giáo hội. Xây dựng và tạo mối quan hệ bình đẳng, thân thiết từ chư Tôn đức lãnh đạo đến các Tăng Ni trụ trì cơ sở của Giáo hội. Tóm lại, muốn phát triển ngôi nhà Phật giáo thì sự đoàn kết là yêu tố cần thiết và quan trọng bậc nhất để đưa đến thành tựu mọi công tác Phật sự trong tương lai.
PV: Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Thực hiện: Thích Tâm Thành
Phản hồi