Ni trẻ xung phong cùng Thành Đoàn tham gia tuyến đầu chống dịch
Đoàn Trà My tham gia chống dịch tại TP Long Xuyên, An Giang.- Ảnh: NVCC |
Đoàn Trà My (pháp danh Trung Viên), quê ở Hà Nội, là sa di ni vừa tròn 18 tuổi và đang tu tập tại Thiền viện Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai. Khi thăm người thân tại thành phố Long Xuyên (An Giang) thì bất ngờ dịch bệnh bùng phát nên cô bị kẹt lại nơi đây, không thể về với gia đình.
Trung tuần tháng 8, hộp thư tin nhắn trang Fanpage Thành Đoàn Long Xuyên nhận được dòng tin nhắn “Mình là sư cô đang tu tập xin đăng ký làm tình nguyện viên chống dịch”. Tiếp nhận thông tin, Thành Đoàn Long Xuyên đã chủ động liên hệ Trà My và bố trí tham gia tại chốt kiểm soát Vàm Cống, cửa ngõ vào tỉnh An Giang.
Trà My được thông tin trước về những hiểm nguy, gian khổ có thể gặp phải khi tham gia phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại chốt kiểm soát Vàm Cống là địa điểm có nguy cơ rất cao khi phải thường xuyên tiếp xúc với người dân từ các vùng có dịch về; tuy nhiên cô vẫn quyết tâm đăng ký làm tình nguyện viên với mong muốn “làm việc gì cũng được miễn sao giúp mọi người chống dịch”.
Trà My xếp hành trang, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ ngày ngày tham gia hỗ trợ khai báo y tế, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định phòng, chống dịch trước khi vào Long Xuyên. Công việc của cô hằng ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến chiều tối. Có khi đi trực liên tục 2 ca từ 12 giờ trưa cho đến 0 giờ chỉ có ăn mì, nhiều lúc mệt mỏi nhưng vẫn phải cố gắng vượt qua. Trà My mong muốn góp chút sức nhỏ để giữ gìn an toàn cho Long Xuyên – vùng đất còn xa lạ với cô.
Ni trẻ Đoàn Trà My xung phong tuyến đầu chống dịch |
Trà My kể, trong quá trình làm nhiệm vụ đôi khi gặp nhiều bức xúc với tài xế đến mức òa khóc. Hôm đó đông xe làm không kịp, khi ấy bác tài xế cũng vội khai báo nhưng bác tài ghi sai, lúc ấy em chỉ rõ cho họ khai báo lại nhưng bác tài xế cọc cằn, nói những lời khó nghe.
Gần tháng sát cánh cùng tuyến đầu chống dịch, nhìn hình ảnh cô làm việc trách nhiệm và yêu đời nhưng ít ai biết rằng My cũng phải tạm gác lại nỗi nhớ nhà và sự lo lắng khôn nguôi khi mẹ cô cũng đang bệnh tại quê nhà nhưng lại không cách nào có thể về dù đã kẹt lại đây từ tháng 7.
Những ngày tham gia chống dịch, với cô kỉ niệm đáng nhớ nhất là lúc mà cả đội gặp ca dương tính ai đấy đều hoang mang nhưng lại cố gắng tỏ ra mạnh mẽ làm đủ trò để anh em thấy vui, bớt lo sợ.
Khi làm việc gặp thời tiết oi bức, có hôm mưa to, chưa kể những chuyện phiền muộn khác. “Lúc chùn bước nhất là em lại nghĩ tới mẹ mình phải cố gắng giúp mọi người vượt qua đại dịch này để sớm được về nhà”, My tâm sự.
Đằng sau lớp đồ bảo hộ bí bách đó không chỉ là một ni trẻ luôn phát tâm thiện nguyện, thành tâm tu tập giúp ích cho đời mà còn là một thanh niên trẻ khi nghe đất nước cần thì sẵn sàng xung phong vào tuyến đầu, mặc gian khó, hiểm nguy.
‘Tinh thần tình nguyện của bạn là minh chứng rõ nét cho tư tưởng nhất quán khi đất nước cần thì tất cả thanh niên ở mọi tôn giáo, dân tộc, tầng lớp đều sẽ sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu để gìn giữ sự bình yên cho quê hương’, anh Hoàng nói.
Nguồn: Tiên Phong
Phản hồi