Màu Áo Lam Nơi Tâm Dịch

Vượt hơn 1.000 km chỉ mong muốn góp một phần công sức của mình, chung tay cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch, dù có đói khổ, hy sinh thì phật tử Quảng Thuận chỉ mong dịch bệnh được đẩy lùi và Sài Gòn trở lại yên bình.phải xa gia đình, con cái, người mẹ già đang đau ốm nhưng anh gác tình cảm riền tư, vững chí, trang bị cho mình các kiến thức về Covid, xây dựng các kế hoạch giúp dân … để vào tâm dịch hỗ trợ cho bà con được nhiều hơn.

Tôi gặp anh Trương Quang Hoà (sinh năm 1981, quê ở Quảng Trị) Pháp danh Quảng Thuận, cách đây 13 năm trong thời gian anh làm việc cho dự án HIV tại Hóc Môn.  Lúc đó tôi rất ấn tượng về  anh bởi anh luôn hoà đồng, vui vẻ, đầy năng lượng trong công việc, sáng tạo và đặc biệt là tình yêu thương những người khó khăn, yếu thế.

Phật tử Quảng Thuận – TNV, Đội phản ứng nhanh, TTYT Hóc Môn


Quyết định “điên rồ”.
Khi tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn đang diễn biến phức tạp,  Quảng Thuận đã bàn với tôi và lên những kế hoạch, trang bị kiến thức chờ ngày trở lại Sài Gòn cùng tham gia chống dịch. Nhưng vì lệnh giản cách, không có phương tiện, anh lại chẳng thuộc cơ quan đoàn thể nào thì làm sao có thể đến Sài Gòn lúc này.  Phải mất hơn 1 tuần đăng tin, tôi báo đã liên hệ được phương tiện, anh vui mừng như được trở về quê hương của mình,  anh tâm sự: “Mình là một phật tử,  thấm nhuần tinh thần Từ Bi-Vô Ngã của Phật giáo. Thấy bà con miền Nam, đội ngũ y tế, từng đoàn quân đang ngày đêm chống dịch, trong đó cũng có những tăng, ni phật giáo, mình cũng muốn góp chút sức lực của mình giúp bà con bước qua đại dịch.”

Những ngày đầu của làn sóng dịch lần thứ 4, Tp Hồ Chí Minh như một chiến trường nguy hiểm, khốc liệt, số ca mắc tăng đến chóng mặt, các hành động quyết liệt, khẩn cấp, tranh thủ từng giờ, từng phút trong “thời gian vàng” để ngăn chặn dịch bệnh, cứu lấy từng mạng sống khỏi tay tử thần, bảo vệ sức khoẻ nhân dân không kể ngày, đêm. Những đoàn người tháo chạy khỏi thành phố, thì phật tử Quảng Thuận lại xin sư phụ tại chùa Bảo Vân đi vào tâm dịch để giúp đỡ bà con và sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu. Anh tham gia đội phản ứng nhanh của Trung tâm y tế huyện Hóc Môn, chuyên vận chuyển bệnh nhân đến các khu điều trị, tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, nguy hiểm, nhưng anh vẫn vui vẻ hướng dẫn tận tình những khó khăn, khủng hoảng cho từng bệnh nhân.

Anh tâm sự: “Ngày tôi rời Quảng Trị vào Sài Gòn tham gia tình nguyện chống dịch. Nhiều người xem tôi là một người có quyết định “điên rồ”. Nhưng tôi vẫn mang trong mình suy nghĩ  “trong những giây phút lâm nguy, nếu tất cả chúng ta đều trốn chạy thì bà con mình đang gặp nguy nan ai sẽ giúp đỡ, lực lượng tuyến đầu có thêm một người thì sẽ đỡ đần được nhiều việc”. Nhớ khi Miền Trung chìm trong bão lũ những đoàn người và xe từ Sài Gòn ra giúp thì giờ Sài Gòn phong ba thì mình không thể ngồi yên. Đó vừa là trách nhiệm giữa những người anh em thể hiện lúc hoạn nạn có nhau, vừa là tình yêu thương của anh dành cho Sài Gòn.

Phật tử Quảng Thuận  dành thời thời gian hằng ngày cho việc học giáo pháp tại tâm dịch

Khi yêu thương đủ lớn dịch bệnh sẽ tiêu trừ.

Trong những ngày tham gia ở tuyến đầu chống dịch, anh nhận thấy bệnh nhân đang gặp rất nhiều vấn đề về thể chất và cả những vấn đề tâm lý đã làm cho nhiều bệnh nhân diễn biến nặng. Thấu hiểu được suy nghĩ của bệnh nhân và thân nhân, anh đã bàn bạc với ban chủ nhiệm Câu lạc bộ công tác xã hội huyện Hóc Môn (CLB) phối hợp với mạng lưới “thầy thuốc đồng hành”, “Tổng đài Hỗ trợ tâm lý xã hội khẩn cấp” thực hiện các hỗ trợ can thiệp và chăm sóc tại nhà đồng hành cùng người mắc Covid, an toàn vượt qua bệnh. Vì anh có nhiều kinh nghiệm trong công tác tư  vấn tâm lý và tham gia các khoá đào tạo về Covid nên được CLB giao nhiệm vụ hỗ trợ tư vấn tâm lý, hướng dẫn chăm sóc tại nhà, điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và Bộ Y tế.  Ngoài thời gian chuyển bệnh anh hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin Online suốt ngày đêm, chủ động thăm hỏi động viên tinh thần từng người bệnh để họ yên tâm trị khỏi bệnh.

Tham vấn Online:  Khủng hoảng Tâm Lý – Xã Hội

Số người biết đến đường dây hỗ trợ ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc anh làm việc gần như không ngưng nghỉ. Từ hỗ trợ túi thuốc, hỗ trợ lương thực, tư vấn … Thật sự tôi rất lo cho sức khoẻ của anh Quảng Thuận. Nhưng tinh thần lạc quan, niềm hạnh phúc một khi giúp được một người bệnh vượt qua “bão bệnh” là món quà quý giá dành cho anh.

“Dân gian mình có câu: Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người nên khi những bệnh nhân được hỗ trợ chăm sóc và khỏi bệnh thì đó đúng là phước báu cho mình và cho cả bệnh nhân. Mình vẫn luôn dặn các bệnh nhân hãy yêu thương nhiều hơn, khi nguồn năng lượng yêu thương đủ lớn thì dịch bệnh sẽ tiêu trừ.” Anh Quảng Thuận chia sẻ.

Tôi cảm nhận được tình yêu của anh dành cho Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn qua từng việc làm của anh khi đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người.

“Hết dịch, ba sẽ về thăm mẹ và con!”

Trong cuộc chiến chống “giặc Covid” tôi cảm nhận được sự hy sinh của anh khi phải “trốn” hai cậu con trai để vào Sài Gòn chống dịch. Đã có lần tôi khuyên anh không nên vào Sài Gòn lúc này vì anh có thể nhiễm bệnh, điều kiện ăn ở cũng hết sức khó khăn. Anh nói: Có thời điểm mình cần phải nén lại tình riêng vì nhiệm vụ chung. Bởi lẽ trong những thời điểm khó khăn và đồng bao đang đối mặt với vòng sinh tử nếu làm được một việc gì đó tử tế cho Sài Gòn được trở lại bình thường thì đó là trách nhiệm thiêng liêng, nó càng thiêng liêng hơn khi được đóng góp cho thành phố được mệnh danh “Hào sảng và nghĩa tình”

Anh tâm sự: “Những ngày đầu cậu con trai 8 tuổi của tôi mỗi lần điện thoại luôn hỏi tôi: Sao mọi người rút chạy khỏi Sài Gòn vì dịch bệnh, giờ ba vào đó để chết à? Tôi cũng cố giải thích để con hiểu nhưng có lẽ con chưa hiểu hết. Việc làm của ba hôm nay muốn cho các con của ba sau này lớn lên biết hy sinh cho người khác, biết yêu thương và sẻ chia. Hết dịch, ba sẽ về thăm mẹ và con!

Góp sức đẩy lùi đại dịch

Hình ảnh các tăng, ni tình nguyện lên đường vào “tâm dịch” chung sức cùng đội ngũ tuyến đầu chống dịch thể hiện hành động, nghĩa cử cao đẹp, tinh thần từ bi của người con Phật, tích cực đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 luôn thôi thúc tôi lên đường.

Anh Quảng Thuận tâm sự: “Trong suốt gần 3 tháng nơi tâm dịch mình luôn nhân được sự quan tâm của quý đạo hữu trên nhiều vùng miền. Đặc biệt Sư thầy Thích Chí Viên cũng điện thoại động viên và nhắc nhở hằng ngày, cùng các anh chị trong Đạo trang bát chánh đạo tại Chùa Bảo Vân – Huế, nên mình cũng rất hạnh phúc. Mình đã hỗ trợ tham vấn tâm lý và cung cấp thông tin cho 315 thân chủ,  hỗ trợ thường xuyên 14 ngày cho 40 ca bệnh điều trị tại nhà, cung cấp 200 túi thuốc đồng hành cùng F0. Tham gia 71 chuyến xe vận chuyển gần 1.000 người F0 đến các khu điều trị.  Và đến trao hàng trăm suất quà cho các khu phòng trọ, hộ khó khăn. Kết nối với quý mạnh thường quân hỗ trợ 18 bình Oxy (loại 40Lít), 2 máy tạo Oxy và một số nhu yếu phẩm cho Trung tâm y tế Hóc Môn. Tham gia tổ chức Trung Thu cho 140 các trẻ em tại Khu cách ly Tây Bắc Lân, Bệnh viện Dã chiến số 2, Trao tặng 50 máy đo Sp02 cho bệnh nhân và các bác sỹ”

Những đóng góp của phật tử Quảng Thuận đã cho chúng ta tin rằng Sài Gòn sẽ sớm vượt qua khó khăn như cái cách mà Sài Gòn tồn tại bấy lâu nay, vẫn là thành phố dẫn đầu năng động, tinh thần hào sảng lạc quan, Sài Gòn sẽ hiên ngang đứng vững như sứ mệnh mang trên mình!

Với tinh thần “Từ bi – bác ái” chung tay làm tốt an sinh xã hội,  hỗ trợ Sài Gòn trong lúc gian nguy, các đoàn tình nguyện viên từ khắc các nơi của cả nước đang hướng về Sài Gòn, trong đó có sự đóng góp lặng lẽ của tình nguyện viên của phật tử Quảng Thuận đã và đang tiếp tục viết lên những bản tình ca về nghĩa tình đồng bào trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19./.

Người viết: Thuỳ Trang – Pháp danh: Tâm Nghiêm

Bài viết liên quan

Phản hồi