Lục hòa-nhân sinh quan ứng dụng hiệu quả của nhà Phật

Phật giáo là một tôn giáo của bình đẳng và phát triển, để lại nhiều giá trị ứng dụng cốt lõi không phải ai cũng biết. Có thời, người ta xem nhân sinh quan nhà phật là yếm thế, thoát ly cuộc sống nhưng thực ra cái “yếm thế” là để xuất thế, xuất thế để nhập thế và hiến dâng các chân lý sống cho đời. “LỤC HÒA” là một chân lý “nhập thế” mang tính đại diện.

Trong giới phật tử, ngoài những câu kinh tiếng kệ, khi nhập môn phải nắm rõ tinh thần “Lục Hòa”. Vậy ‘Lục Hòa” là gì? vâng, nói đơn giản đó là “sáu phép hòa kính” mô tả về cách biểu lộ chân chánh gồm nhóm sáu yếu tố “THÂN – KHẨU -Ý – GIỚI – LỢI – KIẾN”. Đó là kiến thức giắt lưng đơn giản nhưng hiệu quả xuất sắc để sống chan hòa với đời. Cụ thể, đó là:

“THÂN hòa đồng trú

KHẨU hòa vô tranh

Ý hòa đồng duyệt

GIỚI hòa đồng tu

LỢI hòa đồng quân

KIẾN hòa đồng giải”

Quả thực, năm nay tuổi tôi vừa tròn 37 và hiếm thấy nhân sinh quan nào hiệu quả nhưng đơn giản đến vậy.Từ lâu, “Lục hòa” đã giúp tôi vượt qua nhiều rào cản từ đối nhân xử thế đến giải quyết mâu thuẫn nội bộ cơ quan, gia đình. Ở đây, tôi xin phân tích đôi điều:

THÂN hòa đồng trú:

Hiểu theo nghĩa trực tiếp, “Thân” chính là bản thân nhưng hiểu sâu hơn nó ám chỉ đến hành vi của cái “Thân”. Nghĩa là, sống trong một tổ chức, đơn vị nên lấy phương châm hòa ái làm trọng, cần bỏ bớt cái tôi cao ngạo và nâng giá trị tập thể lên.

Quả thực, lấy ví dụ của một đội bóng, nếu đội đó gồm nhiều tài năng cũng chưa chắc mạnh bằng đội bóng có lối chơi đoàn kết và tập thể, tuyển Việt Nam là một điển hình. Đội tuyển Việt Nam sau hàng chục năm thất bại, khán giả cả nước như muốn lờ đi mọi trận đấu khi Việt Nam tham gia. Nhưng như một định mệnh, thầy Park đã đến, ông thổi luồng gió mới khiến họ mạnh mẽ hơn và quan trọng nhất ông giúp họ thấy được sức mạnh hủy diệt của tinh thần tập thể, để rồi Việt Nam được vinh danh với hàng loạt trận chiến từ Seagame đến cả AFF cup, cứ tưởng như một giấc mơ. Dưới thời ông, không ai được phép đặt cái tôi trên cái chúng ta, không được “tâm lý ngôi sao”, bởi ngài biết cái tôi ngạo nghễ dễ dàng giết chết danh thủ lẫy lừng như Văn Quyến một thời. Trong cách ăn ở, ngài xem cầu thủ như con cái ruột thịt, đến nỗi nhiều bài báo dùm đến cụm từ “những đứa trẻ nhà Park” khi nói về tuyển Việt Nam. Cách mà ngài Park Hang Seo sống quả là điển hình, đỉnh cao của phương châm “Thân Hòa” trong tinh thần ‘Lục Hòa” ấy.

KHẨU hòa vô tranh:

Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, các cụ Mác và Lê Nin chỉ ra: “nguồn gốc của mâu thuẩn là thống nhất” giống như ông bà thường đúc kết một cách giản dị “chén bát lâu ngày để trong chạn cũng còn sứt mẻ” …Rõ ràng, sự mâu thuẫn, tranh cãi, đấu tranh với nhau là điều không thể tránh khỏi khi mỗi cá thể cùng chung một tập thể. “Khẩu Hòa” giải quyết được tồn tại đó.

Theo đúng nghĩa, khẩu hòa không phải là giấu nhẹm tội lỗi của nhau, hoặc khi mắc lỗi chỉ “chín bỏ làm mười”, xuề xòa cho qua. Ngược lại, đó là cách dùng khẩu ngôn với các hòa ngữ, không được dùng ác ngữ hòa trộn với những cảm xúc tiêu cực: giận dỗi, oán ghét, thù hằn… để ném vào mặt đối phương. Nhiều người mắc một sai sót, tức là khi đối phương hiểu nhầm và chưởi bới mình, lắm kẻ đã phản phản pháo bằng giọng điệu ngang ngửa làm mối quan hệ ngày càng leo thang căng thẳng, dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm khôn lường, chúng ta nên tránh điều đó như tránh bệnh truyền nhiễm vậy. Nhưng cùng một trường hợp, nếu cá nhân mắc lỗi nhưng tập thể ấy và cá nhân khác bỏ qua rồi “tha thứ” bằng cách nín lặng, thì đó là tập thể tồi, cá nhân tồi và không đủ sức phát triển. Bởi chính sự “tha thứ” ấy sẽ phá hoại ghê gớm, đủ khiến một công ty ăn nên làm ra phá sản, một tập thể mạnh mẽ bỗng xuống cấp và bại hoại. Cho nên, khi người mắc lỗi, cần thẳng thắn chỉ ra các khuyết điểm nhưng phải dùng các ngôn từ hòa ái, đủ sâu sắc, đủ chạm tới tâm can mà đánh động lương tri mỗi người, vì xét cho cùng, bản chất con người vẫn ẩn tàng sự thánh thiện, các lỗi lầm mang tính khẩu nghiệp chẳng qua cũng là biểu hiện muôn màu của một con người có quá trình phát triển bất lợi. Khi người ta mắng chưởi bạn, bạn hãy tự tin phát lại những thông điệp chan chứa hòa ngữ, hãy làm đi và bạn hẳn thấy điều đó như một cơn mưa rào trên mảnh đất ác ngữ khô cằn, người mắng chưởi bạn sẽ có một cảm nhận tuyệt diệu, vấn đề bạn có vượt qua “cơn điên” của mình để cùng cảm nhận sự tuyệt diệu cùng đến với cả hai. .

Ý hòa đồng duyệt

Nếu không ngẫm kỹ, đôi khi dễ nhầm “Ý hòa” gần giống “Khẩu hòa”. Thực ra, “khẩu hòa” nhằm điều chỉnh thông điệp đang phát ra, còn “Ý hòa” thuộc phần bên trong, nó chỉ huy cả “Thân” và “Khẩu” của mỗi người.

Chính vậy, khi miệng nói lời vui, cử chỉ thân thiện nhưng tâm địa đầy rẫy sự độc ác, hằn học, thủ đoạn, khó chịu thì mọi thứ chẳng qua là ngụy tạo, xảo thuật. Cuối cùng, bạn sẽ tự vạch trần chính mình bằng ánh mắt. Điều Đức Thích Ca Mâu Ni muốn dạy chúng ta là mọi sự phải lấy tâm ý làm gốc, đó mới là giáo dục đúng nghĩa. Hãy trãi nghiệm điều này, bạn hãy tự nhớ lại trong các cuộc xã giao, có phải khi “Ý” (nội tâm của bạn dành cho đối tượng giao tiếp) đồng hành cùng “Thân-Khẩu” (lời nói, cử chỉ tương đồng suy nghĩ) chúng ta thường có xu hướng giao tiếp rất hồn nhiên, vô tư và ngược lại người đối diện cũng phản hồi bằng lời nói, cử chỉ thoải mái. Nhưng khi chạy theo sự giả tạo, khuôn mẫu hay đơn thuần là sự bắt chước ai đó chỉ khiến cho “Thân” “Khẩu” “Ý” bất nhất, hành vi rối loạn, nguy hại hơn là về sau bè bạn cũng chẳng còn ai mà người đời cũng muôn phần xa lánh do không còn ai an tâm về bạn nữa. Thiết nghĩ, do không ngộ ra điều này nên lắm khi ta chìm đắm trong miền giả dối theo kiểu ghét bảo thương- hận nói mến, lâu ngày thói quen thành tật rồi đi đâu, gặp ai cũng sinh nghi và dĩ nhiên “thành quả” đó được chính bạn tạo dựng trên nền móng dối trá, điêu ngoa của mình, hãy nhớ lại và đừng lừa dối mình nữa. Thực tế, nhiều bạn trẻ đọc sách giao tiếp và áp dụng chúng một cách máy móc, không lấy tâm ý làm gốc nên khi trò chuyện với mọi người lại tỏ ra lóng ngóng, nói lắp, cử chỉ không khác gì kẻ gian. Kỳ thực, chỉ cần “Thân-Khẩu-Ý” song hành là đủ.

GIỚI hòa đồng tu

Giới (đầy đủ là “giới luật”) là biệt ngữ của nhà Phật, đó là những quy tắc bắt buộc khi tăng ni đã thọ giới. Nhưng mở rộng ra, nó còn là các định chế: quốc pháp (luật pháp), lệ làng (hương ước), gia quy (nề nếp gia đình). Đó là các quy định ràng buộc mà bất cứ thành viên trong một tổ chức phải tuân thủ. Với nhà Phật, mọi người là bình đẳng, không ai đứng trên giới luật, mọi người vui vẻ tuân thủ khi chấp giới, họ coi đó là nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Đối với cơ quan, doanh nghiệp hiện đại thì điều này lại vô cùng cần kíp, bởi nó giúp nâng cao tính kỷ luật cũng như chấp hành kỷ luật mang tính tự giác tuyệt đối.

Cứ tưởng tượng, một ngày đẹp trời, tôi-bạn, ai ai cũng có một tinh thần kỷ luật, thượng tôn pháp luật xem việc chấp pháp, chấp quy như không khí thì tai nạn giao thông, lao động tham nhũng sẽ giảm thiểu biết bao nhiêu.Tôi tin rằng, trong không khí ngày càng đổi mới mang tầm quốc gia, cũng như việc xử lý tình trạng tham nhũng với tiêu chí “không có vùng cấm” thì chấp pháp, chấp quy sẽ dần đi vào khuôn phép.

LỢI hòa đồng quân

Trong cuộc sống, chia sẻ là điều vô cùng quan trọng, nhà phật đã nêu cao tinh thần này. Nói đến cái lợi, không hẳn chỉ là lợi ích vật chất mà còn bao chứa cả mặt tinh thần. Nếu áp dụng đúng, “Lợi hòa” sẽ triệt tiêu sự bất công trong tổ chức và tránh được sự đố kị đấu đá nội bộ.

Sung sướng và hạnh phúc thay khi người người thực hành “Lợi hòa”. Một khi lối sống đó được lan rộng ở những thiết chế xã hội đủ lớn thì người nghèo sẽ hạnh phúc, đầy đủ hơn khi được nhận mà người giàu cũng sung sướng hơn khi được cho.

KIẾN hòa đồng giải

Vậy kiến ở đây là gì? Vâng, nó chính là kiến thức, sự hiểu biết. Một cá nhân, dù có là bác học thì sự uyên thâm rộng lớn cách mấy cũng chưa hẳn bằng trí tuệ của số đông. Do đó, muốn tập thể mạnh, mỗi cá nhân phải san sẻ kiến thức cho nhau, không ích kỷ, vị lợi giữ cho riêng mình. Cũng như vậy, khi ta thấy cái sai của đồng đội thì nên chỉ rõ, để họ không vấp phải những sai lầm khác, vì trên thực tế “dao sắc không gọt được chuôi”. Như vậy, lâu dần sẽ hình thành tập thể tích cực, người mạnh vực dậy người yếu, để rồi tập thể ngày càng trưởng thành và tiếp tục sản sinh những hạt giống tốt từ chính tổ chức tiên tiến ấy.

An Nhiên

Bài viết liên quan

Phản hồi