Hà Nội: Hội thảo Khoa học “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị Thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc”

PGĐS – Ngày 19/4/2025 (nhằm ngày 22/3/ Ất Tỵ), tại chùa Đậu (Thành Đạo tự – vốn là ngôi chùa thờ Pháp Vũ (Thần Mưa) trong hệ thống từ Tứ pháp của người Việt: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện); thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, lịch sử lâu đời khoảng 2000 năm; Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Đậu/ Thành Đạo tự) và Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn, ĐHQGHN phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chùa Đậu (Thành Đạo tự) và dấu ấn hai vị Thiền sư họ Vũ trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc”.
Chứng minh và đồng điều hành có HT.TS Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TW; HT.TS Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thường trực HĐTS TW, Trưởng ban Văn hóa TW GHPGVN; TT. Thích Đức Thường, UV HĐTS TW, Trưởng ban Pháp chế GHPGVN TP. Hà Nội, Trưởng BTS Phật giáo huyện Thường Tín.
Về phía chính quyền có ông Nguyễn Phúc Nguyên – Chánh VP Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Dân tộc & Tôn giáo; TS. Nguyễn Minh Khang, Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản vật thể, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Bùi Công Thản – Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín.
Qúy nhà khoa học điều phối chương trình có GS.TS Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ Việt Nam, GS. Lê Mạnh Thát – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật giáo VN, PGS. TS Nguyễn Quốc Khánh, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Hà Nội.
Đông đảo quý Hòa thượng, Thượng tọa, chư Đại đức Tăng Ni trong nước; các cán bộ liên ngành; các nhà khoa học quan tâm đến lĩnh vực tâm linh, Phật giáo, minh triết Phật giáo; như: GS.TS Nguyễn Văn Kim – PCT Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; PGS.TS Vũ Văn Quân – ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN; PGS.TS Đặng Hồng Sơn – Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN; TS. Phạm Đức Anh – Viện trưởng Viện Nam học và Khoa học Phát triển ĐHQGHN; TS. Nguyễn Ngọc Minh, TS. Đoàn Văn Luân, TS. Đinh Đức Tiến.
Đặc biệt, sự tham gia của Thiền sư Tiến sĩ Ottamathara – Viện chủ hơn 125 trường Thiền Myanmar và Quốc tế, Tiến sĩ Triết học Đại học Mexico, Tiến sĩ Danh dự Ấn Độ; “HT. Trưởng lão cao quý có nhiều đóng góp cho Phật giáo thế giới thời hiện đại trong tinh thần yêu chuộng hòa bình, bất hại, phúc lợi xã hội, lục hòa Tăng đoàn, chánh niệm xả ly.” (HT. Trưởng lão Tăng Thống nhánh thứ nhất Phật giáo Srilanka trao tặng danh hiệu); “Bậc đại thiện trí cao thượng giảng dạy Pháp thông suốt – Pháp sư” và “Bậc đại thiện trí cao thượng từ thiện xã hội” (Quỹ Thiện nguyện phi Chính phủ mang tên Hy vọng của Myanmar trao tặng). Từ ngày trước về dự lễ ra mắt Trung tâm Phật học Ứng dụng, Thiền sư đã theo lời thỉnh của Tăng Ni Cư sĩ, Thiền sư đã quang lâm và tham dự Hội thảo Khoa học lần này.
Hội thảo có ba phiên. Đại đức Tiến sĩ Thích Quang Minh – Trụ trì chùa Đậu rất hoan hỷ đón tiếp và hỗ trợ BTC. HT.TS Thích Bảo Nghiêm và TT. Thích Minh Tuân đã giành thời gian hướng dẫn Thiền sư Ottamathara diện kiến tôn tượng hai Thiền sư tại chùa Đậu trước đông đảo phóng viên, giới thiệu về vị trí chùa Đậu trong lịch sử Phât giáo, văn hóa Việt Nam; đồng thời hỏi thăm chia sẻ tâm đạo đến Tăng Ni Phật tử nhân dân Myanmar thiệt hại trong trận động đất vừa qua; tán thán các bài pháp sâu sắc của Thiền sư và sự cống hiến không biết mệt mỏi cho đạo pháp thời hiện đại.
Hội thảo thu hút 37 tham luận của nhiều giới ở các lĩnh vực Lịch sử, Văn hóa, Giáo dục, Phật học, Khảo cổ học, Mỹ thuật, Xã hội học, Tâm lý học, Văn học, Bảo tồn di sản… Nội dung bàn luận với 4 chủ đề sau: (1) Tổng quan về di tích chùa Đậu; (2) Các nguồn tài liệu trong và ngoài nước về hiện tượng để lại nhục thân của các cao Tăng Phật giáo; (3) Thời đại, quê hương và hành trạng của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường; (4) Di sản văn hóa chùa Đậu trong bối cảnh đương đại. Đưa ra hướng (1) vận dụng công nghệ thời hiện đaị để bảo quản “toàn thân xá-lợi”. (2) Hiện tượng để lại nhục thân trong Phật giáo – nghiên cứu từ các nguồn tài liệu trong nước và quốc tế, so sánh các hiện tượng tượng táng ở Trung Quốc, Nhật Bản. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc góp phần phát triển Phật giáo tại Hà Nội, vùng Đồng bằng Sông Hồng và thời điểm cả nước đang hướng về 30/4, 1/5 – kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TP. HCM đang đến gần.
Các diễn giả bàn sôi nổi xoay quanh về hai vị Thiền sư họ Vũ: Ngài Khắc Minh (Đạo Chân), Khắc Trường (Đạo Tâm) để lại nhục thân xá-lợi thế kỷ 17. Liên quan đến các vấn đề nghiên cứu về xá-lợi đức Phật và trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức. Tự hào Phật giáo Việt Nam từ thời Đinh – Lê – Lý – Trần, Nguyễn và hiện nay thời nào cũng có cao Tăng với nhiều hạnh nguyện khác nhau, hoặc ẩn mình hoặc hiện tướng. Qua đó, thu hút sự nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực Phật giáo đối với các nhà học thuật, niềm tự hào của tứ chúng đệ tử Phật và thúc đẩy niềm tin nơi nhân dân. Nhục thân hai Ngài được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2016.
Có thể nói, di sản “nhục thân”/ “toàn thân xá-lợi” gần 400 năm qua của hai thiền sư chùa Đậu mang giá trị trọng yếu của trấn Sơn Nam (vùng đất phía Nam Thăng Long từ thời nhà Lê sơ đến nhà Nguyễn); nhất là thời Lê Trung Hưng (hoàng tộc nhà Lê, với phủ chúa Trịnh ở kinh sư Thăng Long) vẫn sâu đậm trong tâm hồn người Việt; bảo tồn và phát huy phù hợp trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển văn hóa – du lịch ngoài tu Phật.
Hai ngài Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường là hai chú cháu, hai thầy trò; pháp hiệu Tự Đạo Chân – Tự Đạo Tâm. Việt Nam hiện ghi có 4 tượng hình thức thiền táng, các thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu – Hà Nội), Như Trí, Chuyết Chuyết (Bắc Ninh). Nhục thân bất hoại chùa Đậu có đến hai, là toàn thân xá-lợi còn nguyên vẹn nhất.
Trên thế giới cả phương Đông và phương Tây các hiện tượng để lại nhục thân tương tự không hiếm; đó là kết quả của việc tu tập tâm linh, như:
– Nhục thân gần đây của Hòa thượng Thích Minh Đức (Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) – xuất gia chùa Phước Quang, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; chôn trong đất, không sơn.
– Nhục thân của Đức Hambo Lama Itighelov – một vị lãnh đạo tinh thần Phật tử người Nga từ năm 1911 – 1927, được khai quật năm 1955; 75 năm sau khi Lạt-ma viên tịch, nhục thân không hư hoại. Nghi vấn nhục thân hồi sinh và đi lại trong tự viện Siberia; nhục thân hơn 90 năm, khai quật tại Siberia (Nga) năm 2002 – sau 75 năm Ngài qua đời.
– Nhục thân Đại sư Phật giáo Ci Xian chùa Định Tuệ ở thành phố Vũ An (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), từ 1.000 năm trước. Đại sư Ci Xian xuất thân từ Ấn Độ, đến Vương quốc Khitan (916-1125), ở phía Đông Bắc của Trung Quốc. Ngài đã dịch được 10 bộ kinh sang chữ Hán. Nhục thân được tìm thấy vào năm 1970 trong một hang động và tôn trí tại chùa Định Tuệ từ năm 2011.
– Ở Thái Lan, năm 1973, tại chùa Kararam trên đảo Samui, nhục thân Thiền sư trụ trì Luang Po Daeng, không bị phân hủy, để Phật tử chiêm bái.
Nhà bác học Albert Einstein từng phát biểu: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân, tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo mà có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại, đấy sẽ là Đạo Phật”.
Với Phật giáo, việc để lại nhục thân, xá-lợi; hoặc nhập định ngồi thiền từ ngày này qua ngày khác, từ tháng nàu qua tháng khác hay từ năm này qua năm khác, hoặc hiện tượng ngừng thở hay thị hiện thần thông… chỉ là các kết quả của việc tu tập, hoặc sự phát nguyện của hành giả, không mang tính quyết định trong chứng đắc giải thoát sinh tử; là một trong các hình thức phương tiện để hóa độ quần chúng, chứng minh quan điểm tâm linh, thế giới quan, vũ trụ quan đức Phật đã đề cập trong Tam tạng hơn 2500 năm.
Như đức Phật khi trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà, Ngài lấy tay nhặt lên một nắm lá Simsap, rồi bảo các Tỷ-kheo: “Này, các Tỳ-kheo: Ta thành Phật, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết lại với mọi người cũng chỉ ít như một nắm lá rừng trong tay Ta mà thôi. Vì sao? Vì pháp này đem lại lợi ích thiết thực, ích lợi cho Phạm hạnh, cho trí tuệ Chính giác, hướng thẳng Niết-bàn…” (ĐTKVN, Tương Ưng V, Chương 12, phẩm Rừng Simsapà, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.635). Thần thông thời Phật cũng không được khuyến khích, mà các giáo lý đạo lộ bản đồ tu Phật như Tam quy, Ngũ giới, hành Bát quan trai, ba-la-mật, giới-định-tuệ, văn-tư-tu, pháp học pháp hành bài bản; tin sâu nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, duyên sanh, vô thường, vô ngã, bình đẳng, bất hại, từ bi hỷ xả, chánh niệm, thanh tịnh, từ bỏ tham sân si; thực hiện Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo, 37 phẩm trợ đạo được đề cao, không sợ lạc đường; là con đường tốt đẹp cho chư Thiên và loài người, cần tin tưởng và thực hành.

Tin : TN Viên Giác
Ảnh: Media Thabarwa

Bài viết liên quan

Phản hồi