Gần 100 Phật tử tham dự khóa tu “Ngày an lạc” tại chùa Thanh Lam Bồ – Huế

PGĐS- Thừa Thiên Huế: Sáng ngày 14/5/2023 (nhằm ngày 25 tháng 3 năm Quý Mão), tại chùa Thanh Lam Bồ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã trang nghiêm tổ chức khóa tu ngày an lạc cho gần 100 Phật tử trong Đạo tràng niệm Phật Trừng Thanh về tham dự. Đây là khóa huân tu niệm Phật nhằm giúp cho hàng cư sĩ tại gia tăng thêm phước duyên vào pháp môn Tịnh độ – một trong những pháp môn phổ biến đối với các Phật tử tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…

Theo thời biểu tu tập, vào lúc 7h30, các Phật tử tập trung tại đạo tràng, pháp phục chỉnh tề sau đó tham gia khóa lễ tụng kinh A Di Đà và kinh hành niệm Phật. Đồng thời cũng trong buổi sáng, quý Phật tử sẽ được nghe thuyết giảng về “Công đức và lợi ích của câu Phật hiệu” do Đại đức Thích Phước Hòa, Trưởng ban Hoằng pháp huyện Phú Vang đảm nhận.

Khóa lễ tụng kinh A Di Đà
Kinh hành niệm Phật
Đại đức Thích Phước Hòa, Trưởng ban Hoằng pháp huyện Phú Vang thuyết giảng về “Công đức và lợi ích của câu Phật hiệu”

Giáo nghĩa Tịnh Độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở để phát huy gồm: Phật Thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế Thân. Trong đó, Kinh A Di Đà được đức Thế Tôn thuyết tại tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, nội dung giới thiệu về vị giáo chủ và y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Ngài khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật giúp tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật.

Tại Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền vào và phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển của Thiền tông. Chính vì thế, các nhà tu hành đều hiểu rõ cả hai giáo lý và dần dần hành trì theo pháp môn Thiền-Tịnh song tu.

Từ thế kỷ XI, Thiền sư Tĩnh Lực (thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông) đã chứng niệm Phật tam muội. Cũng trong thế kỷ này, một vị tướng của Lý Thánh Tông đã dựng tượng Phật A Di Đà tại núi Lan Kha, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư Không Lộ (mất năm 1141) đã từng dựng tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm. Hay Huyền Quang tam tổ của thiền phái Trúc Lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài tại chùa Bút Tháp để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Ở thời cận đại, chúng ta có các bậc cao tăng như Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Hải Tràng, Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Thiền Tâm… đã tu tập và truyền bá pháp môn Tịnh độ, làm cho Phật pháp được hưng thạnh và lan truyền cho đến ngày hôm nay.

Là một người con Phật ở hàng tại gia, không ai lại không biết đến việc tụng kinh niệm Phật. Bởi việc niệm Phật, tụng kinh A Di Đà và một số bộ kinh thường tụng khác đã trở thành việc hành trì hàng ngày của đại đa số Phật tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thế nhưng, đối với hàng Phật tử tại gia, việc tu theo pháp môn Tịnh Độ cho đến nay vẫn phải tìm hiểu sâu, để bổ sung cho việc tu tập.

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn Niệm Phật. Ý nghĩa là đem tâm thanh tịnh để tưởng nhớ đến danh hiệu, công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của chư Phật. Tức là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo suy nghĩ thế gian. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm lên công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật.

Lập trường căn bản của Tịnh Độ được thiết lập trên nền tảng nhân quả, tức có tạo nhân mới mong hưởng quả. Nếu chúng ta muốn được làm Thánh chúng nơi cảnh giới Cực Lạc thì ngày hôm nay hành giả phải có tư cách của bậc Thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cần phải thường xuyên chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến thanh tịnh. Như vậy, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài năng lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải tự lực tu tập tức phải có chánh nhân Tịnh độ.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ, có thể tóm thâu vào hai vấn đề chính là phát Bồ đề tâm và nghiêm trì tịnh giới.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên tưởng niệm câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” sẽ giúp cho mọi người thu hoạch được 10 lợi ích sau:

1.- Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, Đức A-Di-Đà phóng quang nhiếp thọ.

2.- Thường được các vị Đại Bồ Tát như Đức Quán Thế Âm thủ hộ.

3.- Ngày đêm thường được chư Thiên cùng Đại lực Thần tướng ẩn hình ủng hộ.

4.- Tất cả Dạ-xoa, ác quỉ, rắn độc, thuốc độc đều không thể làm hại.

5.- Không bị những tai nạn: nước, lửa, đao, tên, gông, xiềng, lao ngục, giặc cướp, oan gia, cùng các thứ chết dữ.

6.- Những tội đã làm thảy đều tiêu diệt, những kẻ chết oan vì mình đều được giải thoát, không còn kết oán rằng buộc.

7.- Ban đêm nằm ngủ thường thấy điềm lành, hoặc thấy sắc thân thắng diệu của Phật A-Di-Đà

8.- Tâm thường vui vẻ, sắc thường tươi nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp lợi ích.

9.- Mọi người trông thấy đều vui mừng, cung kính hoặc lễ bái cũng như kính Phật.

10.- Khi mạng chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được Tây phương Tam-Thánh tiếp dẫn sanh về Tịnh-Độ hưởng sự an vui không cùng!”

Kết thúc buổi thuyết pháp, hàng Phật tử như được tắm mình trong những dòng sữa pháp từ đó, giúp cho mọi người mở rộng thêm kiến thức của bản thân về pháp môn Tịnh độ. Và sẽ có những hướng đi đúng đắn khi thực hành việc niệm Phật để đạt được sự giải thoát trong thân và tâm, giúp chư hành giả tiến gần hơn đến quả vị giác ngộ.

Một sự kiện quan trọng tiếp theo trong khóa tu an lạc lần này chính là buổi lễ Quy y Tam Bảo do Đại đức Thích Nhật Tuệ, Trưởng BTS GHPG huyện Phú Vang truyền thọ. Đây là duyên lành giúp những người còn lạc lối trong cái khổ thế gian không biết nương tựa vào đâu để tìm sự giải thoát cho chính mình. Thời khắc thiêng liêng này sẽ giúp nhiều người được chính thức đứng trong hàng ngũ của Phật tử tại gia, nương tựa vào ba ngôi báu của nhà Phật, tiếp nhận cương lĩnh về cách sống đạo đức dựa theo năm giới mà Đức Phật truyền lại, nhằm giúp mọi người biết cách tự tạo ra và gìn giữ phước báu cho riêng mình, để cuộc sống trở nên an vui, bình an ở hiện tại và những kiếp sống về sau.

Đại đức Thích Nhật Tuệ, Trưởng BTS GHPG huyện Phú Vang truyền Tam Quy, Ngũ Giới

Một số hình ảnh được ghi lại tại khóa tu an lạc ở chùa Thanh Lam Bồ:

 

                                 An Đoan

Bài viết liên quan

Phản hồi