TP. Huế: Chùa Thanh Lam Bồ tổ chức Khóa tu an lạc kết hợp làm lễ kỷ niệm 138 năm Thất thủ Kinh đô

PGĐS – Tiếp nối sự thành công từ những khóa tu an lạc trước, sáng nay (ngày 16/7), Đạo tràng niệm Phật Trừng Thanh tại Thanh Lam Bồ Tự (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã tổ chức khóa tu một ngày an lạc với sự tham gia của khoảng 150 quý Phật tử. Bên cạnh đó, đại đức trụ trì còn tiến hành đại lễ kỳ siêu thí thực tưởng nhớ đến các vong linh nhân kỷ niệm 138 năm Thất thủ Kinh đô Huế (23/5/1885 – 23/5/2023 âl).

Như thường lệ, vào lúc 7h30, quý hành giả tu tập từ khắp nơi tựu về Thanh Lam Bồ Tự để trang nghiêm đạo tràng, pháp phục chỉnh tề. Đúng 8h, hàng Phật tử được chư Tôn đức tại chùa hướng dẫn tụng kinh A Di Đà, niệm Phật trong sự an lạc thanh tịnh.

Đến 9h30, chư hành giả tu tập hân hoan cung nghinh đại đức Thích Chấn Đạo lên giảng đường ban bố những lời pháp nhũ với chủ đề “Người Phật tử với lòng tín tâm Tam Bảo”.

Đạo Phật gọi niềm tin là tín căn, một trong năm căn lành để thực hành đường lối tu tập hướng đến mục tiêu giác ngộ (niềm tin, tinh tấn, ghi nhớ, thiền định, trí tuệ), là một trong bảy tài sản của bậc Thánh: “Niềm tin, giới hạnh, hổ mình, thẹn với người, học rộng, bố thí, trí huệ; đó là bảy thánh tài”.

Kinh Hoa nghiêm dạy: “Niềm tin là căn nguyên của đạo, là mẹ của mọi công đức, nuôi lớn hết thảy thiện pháp, đoạn trừ lưới nghi, đưa người vượt qua dòng nước ái dục, khai thị con đường tối thượng dẫn đến Niết-bàn”. Tuy nhiên, niềm tin trong đạo Phật có ý nghĩa sự tin tưởng, không phải theo nghĩa sùng tín, đề cao đức tin như trong một số tôn giáo thần khải. Tín đồ đạo Phật được khuyên không nên vội vàng tin theo điều gì mình thấy được, nghe được mà phải tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng để hiểu biết chắc chắn về điều đó thì mới quyết định tin hay không.

Người Phật tử đi theo lời dạy của chư Phật cần xây dựng cho mình lòng tin tuyệt đối vào Tam bảo, vì đây là vấn đề đầu tiên phải chú tâm đến: Tin Phật là người giác ngộ hoàn toàn; tin lời Phật dạy (Pháp) là chân lý; tin tưởng vào Tăng đoàn và cung kính tôn trọng ba ngôi báu. Đồng thời, dựa trên cơ sở đặt niềm tin vào ba ngôi Tam bảo, Phật tử khơi dậy niềm tin chính mình (lòng tự tín). Tin vào ân đức cao thượng của Phật, Pháp, Tăng sẽ mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho mỗi người.

Đây là dịp để hàng cư sĩ tại gia chiêm nghiệm lại cuộc sống bản thân, nhận thức rõ niềm tin của bản thân cần đi đúng hướng. Cố gắng tĩnh tâm tu học, tấn tu đạo tâm để hồi hướng về quả vị giải thoát, làm lợi ích cho nhân sinh. Để tất cả pháp giới chúng sanh đồng nhập vào biển tánh Tỳ Lô.

Cũng trong ngày hôm nay, vào lúc 16h00, tại chùa Thanh Lam Bồ, vì lòng từ bi của người con Phật, đại đức trụ trì đã trang nghiêm làm lễ cúng thí thực nhằm hồi hướng công đức cho những người tử nạn trong những ngày kinh đô Huế bị thất thủ vào năm 1885. Đồng thời, nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho đất nước thái bình, dân chúng ấm no hạnh phúc.

Theo lịch sử, từ ngày 23 đến 30/5/1885, kinh thành Huế bị rơi vào tay giặc Pháp, người dân giẫm đạp lên nhau bỏ chạy khỏi kinh thành. Trong đó, nhiều người chết do rơi xuống hộ thành hào, hồ. Thi thể được chôn cất tập thể tại ba khu nghĩa trang, được người dân lập miếu Âm hồn thờ chung. Ngày 23/5/1885 âm lịch, hàng nghìn quan quân, dân chúng chết trong cảnh binh đao hỗn loạn khi kinh thành Huế thất thủ. Hơn 10 năm sau, vua Thành Thái cho xây đàn Âm hồn và cứ đến 23/5 hàng năm lại cử hành lễ tế với mâm cỗ có tam sanh gồm trâu, dê, lợn và xôi.

Sau khi hoàn thành lễ cúng thí thực, quý Phật tử dùng cơm chiều, kết thúc một ngày tu an lạc trong niềm hoan hỷ vô biên và dành tất cả tấm lòng chân thành để tưởng nhớ về một thời kỳ loạn lạc, đau thương của đất nước.

       

Thực hiện: An Đoan 

Bài viết liên quan

Phản hồi