ĐBQH – Hòa thượng Thích Thanh Quyết tiếp xúc cử tri và thăm các di tích tâm linh huyện Tiên Yên, Ba Chẽ

Ngày 28/9, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh khóa XV, đã có buổi tiếp xúc cử tri và đến thăm, kiểm tra công tác trùng tu, tôn tạo các di tích tâm linh 02 huyện Tiên Yên, Ba Chẽ.

Tiếp xúc cử tri 02 huyện Tiên Yên và Ba Chẽ

Ở cả hai huyện, buổi tiếp xúc được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại xã và thị trấn trong huyện, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết tiếp xúc cử tri tại hội trưởng HĐND- UBND huyện Tiên Yên

Tại 02 địa phương, ĐBQH – Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã báo cáo tình hình, kết quả kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm 2021; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV năm 2021.
Thông tin về dự kiến thời gian, chương trình Kì họp thứ 02, Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri gửi đến Quốc hội.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết tiếp xúc cử tri tại hội trưởng HĐND- UBND huyện Ba Chẽ

Hòa thượng cũng đã báo cáo cử tri về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời gian qua, trả lời các nội dung kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc trước.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri của 02 huyện Ba Chẽ và Tiên Yên đánh giá cao các hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh, đồng thời có kiến nghị một số vấn đề về phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.

Cử tri huyện Tiên Yên.

Các vấn đề được người dân quan tâm như: Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người dân vùng dân tộc thiểu số; tăng cường biên chế và có chế độ hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ giáo viên, công an viên, dân phòng địa phương; đặc biệt cử tri kiến nghị tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm, đầu tư nâng cấp các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo như: Đền thờ Đức ông Hoàng Cần (Tiên Yên), Miếu Ông – Miếu Bà (Ba Chẽ); phục hồi và tu bổ khu Chứng tích Khe Tù… đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân và tín đồ thập phương.

Cử tri huyện Ba Chẽ.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội khóa XV đã giải trình và làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri đã nêu. Những ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền được tổng hợp chuyển tới Quốc hội trong kỳ họp tới.
Đi thăm các di tích tâm linh trên địa bàn 02 huyện
Theo nguyên vọng của cử tri và chính quyền địa phương mong muốn Hòa thượng đến thăm, có ý kiến về việc tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các chứng tích, khu tâm linh trên địa bàn và các vùng lân cận như Đền thờ Đức ông Hoàng Cần (Tiên Yên), Miếu Ông – Miếu Bà (Ba Chẽ); chùa Sâu (Đầm Hà), đặc biệt là phục hồi và tu bổ khu Chứng tích Khe Tù (Tiên Yên) để kết nối trở thành khu tâm linh thu hút du lịch, dịch vụ.

Di tích Khe Tù nằm trên một gò đất ven sông, địa hình hiểm trở, độc đạo, xung quanh được bao bọc bởi các khe suối. Là nơi ghi lại những chứng tích của một cuộc chiến tranh, ghi dấu tội ác và những hoạt động cai trị của thực dân Pháp tại huyện Tiên Yên.

Đoàn thắp hương tại Chứng tích Khe Tù (Tiên Yên)

Nơi đây, Thực dân Pháp xây dựng hệ thống nhà giam, máy chém, hầm nhốt tù nhân, kho hậu cần, nhà thương…. chúng đã giam cầm, tra tấn dã man, chém chết, thủ tiêu các chiến sĩ Cộng sản (giai đoạn 1943-1954).

Hòa thượng thắp hương tại dấu tích bệ máy chém

Nơi đây cũng diễn ra trận đánh của các tù nhân cộng sản phá hủy toàn bộ kho xăng dầu và 7 xà lan chở xăng dầu, quân trang, lương thực thực phẩm, vũ khí… của quân đội Pháp (5/1949).

Di tích Khe Tù hiện đang xuống cấp theo thời gian

Khe Tù được bố trí rất kiên cố. Tuy nhiên, do sự băng hoại của thời gian nên hiện nay những công trình xây dựng trong di tích Khe Tù không còn đầy đủ, nguyên vẹn như trước, chỉ còn lại nền móng của hai nhà tù, một tháp nước, một bốt canh, một bệ máy chém, một hầm nhốt tù nhân.
Đức ông Hoàng Cần quê ở xã Hải Lạng, châu Tiên Yên nay là thôn Hà Dong, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Ông đã có công dẹp giặc giữ yên một vùng biên giới Đông Bắc.

Đền Đức ông Hoàng Cần

Đức ông đã được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế, triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thân và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương kính trọng gọi ông là Đại vương và lập đền thờ cúng, còn gọi là miếu Đại vương.

Cũng trong chuyến làm việc, Hòa thượng đã đến thăm chùa Sâu (Đầm Hà), đây là ngôi chùa nằm cạnh Quốc lộ 18, chùa có niên đại vào cuối thế kỷ XIX, chùa Sâu được chọn làm nơi đặt trạm liên lạc, nơi hội ý chớp nhoáng giữa cán bộ căn cứ kháng chiến với cán bộ công tác ở vùng địch hậu.

Chùa Sâu (trước đây còn gọi là miếu Sâu) nằm ở thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, cách quốc lộ 18A khoảng 25m

Hiện nay nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp và đang được trụ trì chùa là Đại đức Thích Khai Bản triển khai phục hồi và xây dựng mới với tổng diện tích khuân viên khoảng 10.000m2.

Bản quy hoạch tổng thể xây dựng chùa Sâu

Chính quyền, cử tri và Phật tử ở địa phương mong muốn trên cương vị là Đại biểu Quốc hội đồng thời là Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Hòa thượng có ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo tỉnh cùng các bộ, ngành ủng hộ địa phương trong các công việc liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo này.

Năng Lượng

Bài viết liên quan

Phản hồi