Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ: Một đời thanh bạch, một kiếp tu hành
Tối ngày 21/10/2021, Tăng đoàn chùa Giác Ngộ thành kính, trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm đức Đại lão HT. Thích Phổ Tuệ (1917 – 2021).
Trước bàn thờ giác linh tại điện Phật chùa Giác Ngộ, TT. Thích Nhật Từ thành kính dâng hương và cùng Tăng đoàn đảnh lễ tam bái như là một cách bày tỏ lòng kính trọng đến đức Đệ tam Pháp chủ.
Trong buổi lễ, TT. Thích Nhật Từ ôn lại cuộc đời của cố Đại lão Hòa thượng sau khoảng một chục lần được diễm phúc diện kiến. Thượng tọa chia sẻ: “Cuộc đời của đức Pháp chủ chính là thông điệp về giới hạnh thanh cao, là tấm gương sáng để tôi và quý Tăng Ni noi theo. Đời sống của Ngài rất đơn giản với lối sống khiêm tốn, chân thành. Tuy đã tới ngưỡng 100 tuổi nhưng các hoạt động đi, đứng, nằm, ngồi của Ngài đều tự mình thực hiện, không cần nhờ đến thị giả. Giáo hội đã thỉnh Ngài làm Pháp chủ là một sự sáng suốt. Vì Ngài luôn cố gắng để hòa hợp các sơn môn pháp phái nhưng không làm thay đổi bản chất. Đức Pháp chủ đã hết mình phụng sự đạo pháp và nhân sinh một cách không ngừng nghỉ…”
Thuận theo di nguyện cuối đời của cố Đệ tam Pháp chủ, Tăng đoàn chùa Giác Ngộ đọc tụng Kinh Di giáo, bài Kinh cuối cùng mà đức Phật thuyết giảng trước khi nhập Niết-bàn.
Trước lúc thuận thế vô thường trở về cõi Phật, đức Đại lão HT. Thích Phổ Tuệ đã căn dặn: “Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc.”
Nổi trội về hạnh tu Thiền tông, đến cuối đời, Đại lão Hòa thượng vẫn chọn cho mình một cách ra đi không ồn ào và nghĩ cho nhân sinh. Bằng chứng là trong lời di huấn, Ngài không muốn tổ chức tang lễ linh đình, không vòng hoa phúng điếu và chỉ niệm danh hiệu Phật, đọc tụng thời kinh. TT. Thích Nhật Từ cho rằng: “Lời khuyên của đức Pháp chủ đã chuyển tải hai thông điệp. Một là, duy trì nguồn chánh niệm từ việc đọc kinh. Hai là, cầu cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc thông qua nghi thức đọc tụng kinh.”
Đi qua hơn một thế kỷ, Đại lão Hòa thượng vẫn giữ cho mình đời sống thanh bạch như chư vị tổ sư ngày trước. Dưới mái chùa Ráng cổ kính với gạch ngói in dấu rêu phong, hàng cau tăm tắp hai bên lối đi, đức Pháp chủ đã tịnh tâm tu hành gần 100 năm qua. Bên cạnh thời gian làm ruộng, Ngài dành phần nhiều thời gian để tu tập tinh tấn và đóng góp cho sự phát triển Phật giáo nước nhà. Những tác phẩm Phật học để lại cho đời như “Kinh Bách dụ”, “Phật tổ tam kinh”, “Đề cương Kinh Pháp hoa”, “Phật học là tuệ học”,.. chính là kết quả từ quá trình dịch thuật, biên soạn của cố Đại lão Hòa thượng.
Lúc tại thế, đức Đệ tam Pháp chủ luôn đề cao giá trị sống của một đời người, đặc biệt là giá trị của bậc đạo sư, rằng: “Sư là khuôn mẫu, mô phạm của loài người, chí ít là trong một cộng đồng người. Nếu không có đạo hạnh, không có trí tuệ thì lấy gì mà dạy người? Lấy gì làm gương tốt để mọi người noi theo?”. Chính vì thế, Ngài luôn cố gắng cống hiến cho Phật giáo nước nhà và mang lại lợi lạc cho nhân sinh dù tuổi đã cao.
Giờ đây, tuy đã “theo hầu Phật Tổ” nhưng cuộc đời thanh bạch và quá trình tinh tấn tu hành lâu dài của cố Đại lão Hòa thượng mãi là tấm gương sáng cho Tăng Ni, Phật tử hậu thế. Cuộc đời của Ngài như một vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời Phật giáo, ghi dấu lại sự phát triển cũng như mô phỏng phẩm hạnh “thanh bần lạc đạo” của một bậc sư Thiền tông nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Theo thông báo của Hội đồng Chứng minh Hội đồng Trị sự GHPGVN, lễ viếng chính thức được diễn ra từ lúc 7h00 ngày 22/10/2021 đến hết ngày 23/10/2021. Lễ truy điệu được cử hành lúc 9h00 ngày 24/10/2021. Sau đó, kim quan của Đại lão Hòa thượng sẽ nhập Bảo tháp trong khuôn viên Tổ đình Viên Minh.
Tin: Bảo Tiên
Ảnh: Thanh Phong
Phản hồi