Chùm ảnh: Hàng ngàn tăng ni Phật tử tiễn đưa Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
Sáng ngày 29/11 (17/10/Quý Mão) lễ phát hành, phụng tống kim quan Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ thăng thượng giá đến Nhà hỏa táng Hòa Lạc Viên – Sala Garden (H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trà-tỳ đã diễn ra trang nghiêm.
Hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, những người tôn kính đạo hạnh, tài năng của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã về chùa Phật Ân (Đồng Nai) dự lễ, nhất tâm cầu nguyện Giác linh ngài cao đăng Phật quốc, sớm trở lại Ta-bà, tiếp tục hóa độ, làm lợi lạc quần sanh.
Như tin đã đưa, sau thời gian bệnh duyên Hòa thượng Tuệ Sỹ đã viên tịch tại chùa Phật Ân lúc 16h ngày 24/11/2023 (11/10/Quý Mão), trụ thế 81 năm.
Theo di nguyện của ngài, tang lễ Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ đã được tổ chức theo nghi thức tâm tang; không đọc điếu văn, tiểu sử; không sổ tang, miễn phúng điếu, tràng hoa, liễn đối. Tăng Ni Phật tử viếng tang chỉ thắp hương tưởng niệm.
Những ngày qua, nhiều phái đoàn Tăng Ni, Phật tử đã về chùa Phật Ân kính viếng, đảnh lễ Giác linh cố Hòa thượng; những người ở xa vọng bái, thọ tâm tang, tưởng nhớ vị thầy đạo cao, giản dị, khiêm cung trong nếp sống.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, pháp húy Nguyên Chứng, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là đệ tử của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Năm 12 tuổi, Hòa thượng từ Paksé về Sài Gòn, sau đó trở lại Huế, tu học tại chùa Từ Đàm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, rồi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang), Quảng Hương Già Lam.
Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964) do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh sáng lập; sau đó, tốt nghiệp phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh khi chỉ mới 22 tuổi.
Năm 1970, với những công trình nghiên cứu, khảo luận có giá trị về Thiền học và Triết học Phật giáo, trong đó có tác phẩm đầu tay Đại cương về thiền quán và nổi bật hơn hết là Triết học về tánh Không, Hòa thượng được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Viện trưởng; là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.
Năm 1971, ngài được Hòa thượng Thích Minh Châu bổ nhiệm làm Tổng Thư ký tạp chí Tư Tưởng – cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh. Bên cạnh đó, ngài cũng làm Thư ký tòa soạn, tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí nghiên cứu đương thời như: Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Khởi Hành, Thời Tập,…
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng dành phần lớn thời gian và tâm huyết của mình cho việc phiên dịch và chú giải kinh điển, đặc biệt là tạng kinh A-hàm. Các dịch phẩm nổi bật của Hòa thượng đã được xuất bản chính thức, đến với độc giả trong và ngoài nước.
Hòa thượng là nhà Phật học lớn, dịch giả của Kinh điển A-hàm, luận tạng Hán văn; tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị đã được xuất bản từ trước 1975 đến nay.
Các dịch phẩm tiêu biểu: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tạp A-hàm – NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Câu Xá (5 tập) – NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Pháp uẩn túc luận – NXB Hồng Đức; A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận – NXB Hồng Đức; Duy-ma-cật sở thuyết – NXB Hồng Đức; Luận thành duy thức – NXB Hồng Đức; Tinh hoa triết học Phật giáo của Junjiro Takakusu – NXB Hồng Đức, Thiền luận của Daisetsu T.Suzuki (đồng dịch giả với Trúc Thiên, 3 tập) – NXB Tổng hợp TP.HCM (1992), NXB Tri Thức tái bản; Thiền & Bát-nhã – NXB Hồng Đức…
Các tác phẩm tiêu biểu: Triết học về tánh Không – NXB Hồng Đức; Tổng quan về nghiệp – NXB Đà Nẵng; Thiền định Phật giáo – NXB Đà Nẵng; Huyền thoại Duy-ma-cật – NXB Hồng Đức; Thắng Man giảng luận – NXB Hồng Đức; Du-già Bồ-tát giới – NXB Hồng Đức; Tô Đông Pha, Những phương trời viễn mộng – NXB Hồng Đức; Pháp diệt tránh – NXB Phương Đông; Giấc mơ Trường Sơn (thơ) – NXB Đà Nẵng; Thiên lý độc hành (thơ) – NXB Đà Nẵng; Hoàng cầm tình khúc (thơ) – NXB Hồng Đức…
Chùm ảnh lễ phụng tống kim quan đến đài hỏa táng sáng 29/11:
Phản hồi