Ban Văn hóa TƯ GHPGVN khảo sát chùa Hương và một số chùa nổi tiếng ở Hà Nội

Hôm nay, 23/12, đoàn Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Hương, chùa Diên Khánh (huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội), chùa Đậu (huyện Thường Tín, TP.Hà Nội), hướng tới hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”.

Đoàn khảo sát do HT. Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN làm trưởng đoàn; tháp tùng còn có chư Tôn đức ban Văn hóa Trung ương, Ban Văn hóa các tỉnh thành, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư. TT. Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hoá TƯ GHPGVN, trụ trì chùa Hương, chùa Diên Khánh, chư tôn đức Tăng ni và đông đảo nhân dân Phật tử tiếp đón đoàn.

 

Đoàn công tác đã dành nhiều thời gian khảo sát, nghiên cứu tỷ mỷ những nét đặc sắc, độc đáo của kiến trúc Phật giáo được lưu giữ, thể hiện trên các công trình kiến trúc chùa Hương.

 

Cả quần thể kiến trúc chùa Hương nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, gồm có chùa Ngoài, và chùa Trong.

 

 

 

Chùa Ngoài có tam quan được cất trên 3 khoảng sân vô cùng rộng lớn được lát gạch hoàn toàn, cùng với một tháp chuông 3 tầng mái được dựng ở sân thứ ba. Điểm nhấn đặc biệt nhất của khối kiến trúc này nằm ở hai đầu hồi tam giác được lộ ra ở trên tầng cao nhất, điển hình cho lối kiến trúc cổ xưa. Một kiến trúc cổ nhất còn lại là tòa “Viên Công Bảo tháp” khu vực chùa Thiên Trù. Tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi lưu giữ xá lợi của tổ Viên Quang có công kiến tạo lại chùa Hương sau nhiều năm hoang vắng. Tháp xây bằng gạch tốt, màu đỏ hồng, để lộ thiên, mạch được miết đều chứng tỏ kỹ thuật xây tháp rất tinh xảo. Tòa Tam Bảo chùa Thiên Trù là công trình kiến trúc có quy mô lớn, kết hợp hài hòa phong cách kiến trúc hiện đại với phong cách kiến trúc truyền thống.

Khác với khối kiến trúc chùa Ngoài được tạo dựng từ bàn tay con người, chùa Trong lại có nguồn gốc từ một hang động cổ tự nhiên. Khi đến thăm nơi đây, bạn sẽ thấy ngay ở lối vào động có khắc bốn chữ “Hương Tích động môn” cùng một lối đi lát đá dài tổng cộng 120 bậc dẫn vào động. Dấu tích, bút tích lịch sử vẫn còn được lưu lại nơi đây qua 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” được chính Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc lên từ năm 1770.

Sau chùa Hương, Đoàn đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Diên Khánh. A Lan Nhã đình viên của chùa Diên Khánh kết hợp giữa kiến trúc Phật giáo và vườn cảnh, nội thất và ngoại thất. Nếu nhìn về mặt kiến trúc và mỹ thuật thì đây là vườn chùa đầu tiên tại Hà Nội được tạo dựng đầy đủ và đặc biệt của Mật giáo Việt Nam. 

Đoàn khảo sát bia khắc Bát Nhã Tâm Kinh 623 chữ chùa Diên Khánh

TT. Thích Minh Hiền giới thiệu bia Bát Nhã tại chùa Diên Khánh

Tiếp đó, Đoàn đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo chùa Đậu. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô tổng thể lớn, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Trong khuôn viên chùa có các công trình kiến trúc thờ Phật, được bố cục giống như hình chữ công, xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ “国” (Quốc) theo mẫu chữ hán.

Chùa Đậu hiện nay vẫn giữ được 6 bia đá khắc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Tấm bia “Pháp Vũ Tự tạo lệ bi” cho biết nhà sư trụ trì Đạo Tâm từng giữ chức Tăng lục ty Tăng thống, một vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Trong chùa còn treo hai tấm biển gỗ sơn son thếp vàng, khắc bài thơ chữ Nôm của chúa Trịnh Căn (1682-1709) và chúa Trịnh Cương (1709-1729). Đôi rồng đá và chiếc khánh đồng đúc năm 1774 với bài minh soạn bởi danh sĩ đời vua Lê Hiển Tông là Phan Trọng Phiên.

 

 


Tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh

Tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường

PGĐS

 

 

Bài viết liên quan

Phản hồi