TT.Huế: Tổ chức khai mạc ẩm thực “Buffet chay gây quỹ từ thiện” nhân mùa Phật đản PL. 2567 – 2023

PGĐS – Chào mừng Đại Lễ Phật đản – Phật lịch 2567, chiều 31/05/2023, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã diễn ra lễ khai mạc ẩm thực “Buffet chay gây quỹ từ thiện”, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức, thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch tham dự.

Chứng minh tham dữ lễ khai mạc có HT.Thích Chơn Hương, Thành viên HĐCM GHPGVN; HT.Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh TT.Huế, Trưởng Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản; HT.Thích Huệ Phước, UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT.Huế, phó trưởng ban tổ chức đại lễ Phật đản, trú trì chùa Từ Lâm, chư Tôn đức Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản; chư Tôn đức Tăng Ni các tự viện, Niệm Phật đường cùng đông đảo quý đạo hữu Phật tử các giới, quần chúng tham dự.

Về phía lãnh đạo chính quyền, có các cấp lãnh đạo tỉnh TT.Huế, cùng đại diện lãnh đạo ban ngành các cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế.

Đại diện BTC chương trình ẩm thực chay, ĐĐ. Thích Huệ Trọng đã phát biểu

Trong niềm hân hoan kính mừng Đại lễ Phật đản – Phật lịch 2567, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình “Buffet chay gây quỹ từ thiện”, nhằm giới thiệu và quảng bá những món ăn thuần chay, thể hiện được nét văn hóa sự độc đáo, tinh tế, khéo léo của ẩm thực chay Huế. Đồng thời qua chương trình, Ban Từ thiện Xã hội đã và đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm để gây quỹ từ thiện nhằm giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, bệnh tật, qua đó lan tỏa tình yêu thương đến toàn xã hội và tâm từ bi của Phật giáo, các mạnh thường quân đến với mọi người.

Theo chia sẻ của BTC đây là lần đầu tiên Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh tổ chức Chương trình buffet chay, gây quỹ từ thiện nhưng đã nhận được rất nhiều tấm lòng vàng của các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm cùng đóng góp ý tưởng, đề xuất phương án và đăng ký những món ăn đã tạo nên niềm hân hoan trong lòng của Ban Tổ chức, của quý thực khách và đặc biệt là sự ủng hộ, phát tâm của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh gồm : Quỹ Hoa Hòa bình, Ban quản lý Tiểu thương chợ Đông Ba, Học viện Âm nhạc Huế, Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thừa Thiên Huế, Nam Thừa Thiên Huế, khách sạn AZerai Le Residence, khách sạn MeLia Vinpearl, Khách sạn Sài Gòn Morin Huế, Khách sạn Continetal Sài Gòn, khách sạn Park View, Khách sạn White Lotus Huế, Khách sạn Sông Hương, khách sạn Hương Giang, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Century Huế, Khách sạn Alba, khách sạn Mondial, Công ty Quảng cáo Thành Công, An Nhiên Garden, nhà hàng Long Vĩ Hà Nội, Nhà hàng Chay Sen Hồng, nhà hàng Chay SALA, , SBC Hoàng Gia); Cửa hàng Gas An Phát và các Chùa, Phật tử Như Mai Phật tử Nguyên Từ đã mang đến cho Chương trình những món ăn phong phú, nhiều màu sắc và hỗ trợ để Ban Từ thiện xã hội thực hiện công tác an sinh xã hội, thiện nguyện ngày càng tốt hơn.

Trước khi kết thúc phần khai mạc, HT. Thích Khế Chơn đã ban đạo từ, tán thán ghi nhận công đức của tiểu ban ẩm thực, các đơn vị tài trợ cùng tín thí đàn việt đã đóng góp trong hoạt động này.

Ngoài ra, BTC nhân dịp này muốn quần chúng hiểu được giá trị của ăn chay không chỉ là ăn mà là để lắng nghe, để chiêm nghiệm. Âm thực chay mang lại những khoảng lặng cần có để mỗi con người tự điều chỉnh bản thân, hướng đến cuộc sống hướng thiện mà Phật giáo đang giữ gìn và phát huy từng ngày.

Theo tìm hiểu, tại Huế cơm chay hay được các chùa nấu để ăn và mời khách; các gia đình nấu cơm chay khi cúng giỗ; tiệc chay cũng được làm theo đơn đặt hàng của khách du lịch… Món chay Huế có rất nhiều như: cơm chay, bún chay, bánh canh chay, chả chay, bánh lọc chay… Thường vào ngày 14, ngày cuối tháng âm lịch hay ngày Phật đản, Vu lan… phần lớn các quán bún bò của Huế đều đổi món bán bún chay.

Từ xưa đến nay, ẩm thực chay xứ Huế phát triển và khá phổ biến, việc ăn chay đã thịnh hành từ thời Lý – Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), Huế trở thành Thủ phủ của Phật giáo. Tại đàn Nam Giao – Huế có cả một khu nhà đồ sộ tên là Trai cung, dành cho vua lên đó ở, ăn chay trước khi tế trời. Tục ăn chay cũng bắt đầu phổ biến ở Huế trong các tầng lớp từ dân thường đến quý tộc lúc bấy giờ.

Ghé thăm Huế vào những dịp lễ, đến các ngôi chùa ở đây, du khách sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa thường làm để đãi phật tử bốn phương. Mâm cỗ chay rất đơn giản chỉ gồm tương, muối, rau, dưa… đều là những sản vật do các sư, vãi cùng những phật tử trồng ngay trong vườn chùa…

Tâm Từ mở ra Khổ đau khép lại ,với ý nghĩa đó “Buffet chay gây quỹ từ thiện”. Kính mừng Đại Lễ Phật đản Phật lịch 2567 năm nay hướng đến.

Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi khai mạc. 

   Thực hiện: Quảng Nguyệt – Tường Phúc

 

 

Bài viết liên quan

Phản hồi