Lang Thế Ninh, họa sĩ người Italy, phục vụ ba đời vua triều Thanh: Khang Hy, Ung Chính và Càn Long.
Lang Thế Ninh (1688-1766), tên tiếng Italy: Giuseppe Castiglione, sinh ở Milan, tới Trung Quốc truyền giáo thập niên 1710. Năm 1715, Khang Hy triệu kiến Lang Thế Ninh. Bấy giờ, nhà vua 61 tuổi, không tán thành tôn giáo của Lang Thế Ninh nhưng yêu khoa học nghệ thuật, bèn phái ông làm họa sĩ cung đình. Từ đó, Lang Thế Ninh phụng sự triều Thanh hơn 50 năm, không rời Trung Quốc. Theo Sina , ông để lại lượng tác phẩm đồ sộ, là một trong họa sĩ cung đình nổi bật nhất lịch sử.
Tranh vẽ vua Khang Hy của Lang Thế Ninh. Phần lớn tác phẩm của họa sĩ được lưu giữ trong các bảo tàng trên thế giới, một số ít từng vài lần xuất hiện trên thị trường đấu giá.
Thời Ung Chính, nhiều tranh của Lang Thế Ninh bị thất lạc. Một trong số ít bức được lưu giữ đến nay là “Bách tuấn đồ”, hiện trưng bày ở Bảo tàng Cố Cung ở Đài Loan. Tổng thể bức tranh dài hơn 7 m, vẽ 100 con ngựa, được tác giả hoàn thành năm 1728. Đây là tác phẩm tiêu biểu thời kỳ đầu sáng tác của Lang Thế Ninh.
Bức miêu tả Ung Chính vui chơi ở Viên Minh Viên, hiện trưng bày ở Bảo tàng Cố Cung (Trung Quốc).
Thời vua Càn Long, chủ đề sáng tác của Lang Thế Ninh đa dạng, từ chân dung, phong cảnh, hoa tới cảnh ra trận, cảnh vui chơi đời thường của vua. Bộ tranh miêu tả Càn Long ra trận ở Tây Vực gồm 16 bức, hiện nằm trong các bảo tàng ở châu Âu.
Một phần trong bộ Càn Long ra quân ở Tây Vực.
Càn Long coi trọng tài năng của Lang Thế Ninh, vì thế đa phần chân dung ông và các ái phi đều do Lang Thế Ninh vẽ. Bức Hoàng quý phi Thuần Huệ được đấu giá ở Hong Kong năm 2015 với giá gần 140 triệu HKD (17,9 triệu USD). Dòng chữ “Thuần Huệ hoàng quý phi” trên tranh cho chính tay Càn Long ngự đề.
Chân dung Lệnh Phi. Theo Thepaper , sống trong cung, Lang Thế Ninh thận trọng khi “chơi với hổ”. Càn Long từng hỏi họa sĩ: “Khanh thấy các phi tử của ta ai đẹp nhất”, Lang Thế Ninh đáp: “Phi tần của thiên tử ai cũng đẹp”. Càn Long lại hỏi: “Hôm qua khanh gặp mấy phi tần của ta, thấy ấn tượng với ai nhất?”, Lang Thế Khanh đáp: “Vi thần không nhìn họ, lúc đó vi thần đang đếm các viên ngói ở cung điện”. Càn Long hỏi: “Ở đó có bao nhiêu viên ngói?”, Lang Thế Ninh trả lời “30 viên”. Vua sai thái giám đi đếm lại, quả thực 30 viên.
Bức “Càn Long vui chơi ngày đầu năm” do Lang Thế Ninh và một số họa sĩ cung đình khác thực hiện. Trong đó, Lang Thế Ninh vẽ Càn Long, họa sĩ Trung Quốc Thẩm Nguyên, Đinh Quan Bằng vẽ trẻ nhỏ, cây cối. Theo Shuge , tác phẩm thành công khi cho thấy sự giao lưu văn hóa, giao thoa bút pháp hội họa giữa Đông – Tây.
Bức miêu tả Càn Long nhận ngựa cống, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Guimet tại Pháp.
Nghinh Xuân (ảnh: Sohu )/ VNE
Phản hồi