Tín ngưỡng Hùng Vương: Nguồn gốc & ý nghĩa

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Lễ được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại phong kiến đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, đổi lại những người này được triều đình miễn nộp thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Từ năm 2007, ngày này cũng được chính phủ Việt Namquy định là ngày nghỉ lễ UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng ” là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại “đại diện của nhân loại”.

Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Ngay từ thời nguyên thuỷ, ông cha ta còn lệ thuộc vào thiên nhiên, sợ hãi thiên nhiên nên mới có quan niệm vật linh luận, đồng nhất thiên nhiên cũng như mình, mọi vật đều có hồn hoặc ma. Từ đó bái vật giáo ra đời, con người phải tôn thờ mọi vật, thờ thần núi, thần sông, thần cây đa, giếng nước v.v… Vào thời quần hôn những người cùng một thị tộc biết rõ mình có cùng nguồn gốc từ một bà mẹ sinh ra. Do vậy cả thị tộc đều thờ bà mẹ, người đã sinh ra mình.

Xã hội phát triển, của cải tích luỹ dồi dào, các bộ lạc thường xuyên xảy ra nạn cướp của cải và nô lệ cho nên việc quản lý xã hội và gia đình đã thuộc về người đàn ông. Thủ lĩnh liên minh bộ tộc ở ta chính là Hùng Vương. Đó là thủ lĩnh Nhà nước cổ đại đầu tiên của người Lạc Việt. Dân ta vốn trước đó đã có tục thờ người có công với cộng đồng, thờ cả người khai dân lập ấp cho nên việc thờ Hùng Vương đã có từ rất sớm. Người Mường Phú Thọ còn bảo lưu tục thờ Hùng Vương ở các nhà riêng. Vì quan niệm Hùng Vương là tổ tiên của mình cho nên ở các nhà cái (nhà con trưởng) đều lập bàn thờ dòng dõi để thờ Hùng Vương. Bàn thờ này làm nhỏ chỉ là mảnh ván gài trên mái nhà cạnh đầu cột thờ (cột cái gian gốc), ở ngang chừng cột thờ làm bàn thờ gia tiên treo ra ngoài vách. Ở đó chỉ thờ các cụ ba bốn đời đổ xuống. Các cụ từ đời thứ năm thì “ngũ vị mai thần chủ” nên rước lên cao thờ trên bàn thờ dòng dõi mà người Việt – Mường (Kinh và Mường) đều có quan niệm Hùng Vương Ngài là người cầm đầu dòng dõi nhà mình.

Người Việt Nam dù ở miền núi hay miền xuôi đều có quan niệm mình là con cháu Hùng Vương. Là con Lạc, cháu Hồng (con của người Lạc Việt, cháu họ Hồng Bàng Thị). Tuy thế nước Văn Lang của người Lạc Việt do Hùng Vương làm chủ ở địa bàn tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, các tỉnh trung du đồng bằng sông Hồng vào đến Thanh Nghệ. Phía trên đó từ Yên Bái, Sơn La, Nghĩa Lộ thuộc về nước Âu Việt cổ đại do Thục đế làm chủ. Thục Phán cầm đầu nước này, tương ứng với Hùng Duệ Vương là Vua Hùng dòng thứ mười tám. Vì Hùng Duệ Vương không có con trai nên đã nhường ngôi cho Thục Phán, lập ra nước Âu Lạc xây thành Cổ Loa làm kinh thành.

Thực ra cuộc chiến của các bộ lạc người Âu Việt với người Lạc Việt đã diễn ra từ thời tiền sử. Người Âu Việt thường theo dòng nước mà sau này gọi là sông Đà xuống cướp phá người Lạc Việt. Từ đó mới có truyền thuyết Lạc Long Quân đi tuần du qua bãi trường xa Trung Lộ nhân gặp nàng Âu Cơ xinh đẹp mà đưa về Bạch Hạc để kết duyên chồng vợ. Vua Hùng thứ Nhất là con của nàng Âu Cơ sinh ra trong bọc trăm trứng. Bà Âu Cơ sau đó đưa 49 người con lên Hiền Lương để khai phá vùng rừng. Ở đó cũng là mảnh đất đầu của nước Văn Lang, sát với Yên Bái thuộc địa hạt của nước Âu Việt. Ở đây huyền sử trùng với chính sử. Nàng Âu Cơ sinh bọc trăm trứng là huyền thoại nhưng huyền thoại này có lý nên mới tồn tại đến ngày nay và mãi mãi sau này con cháu ta vẫn kể.

Thục Phán về định đô ở Cổ Loa. Buổi đầu thống nhất được đất nước nhưng Thục Phán chưa thống nhất được lòng người. Nhiều tướng của Vua Hùng vì không phục Thục Phán đã cáo về làm dân. Cha con của Ma Khê là bộ tướng của Vua Hùng, dưới quyền Nguyễn Tuấn, Tản Viên là một thí dụ vì đã không nghe Vua Hùng và Tản Viên khuyên can, kéo cả bộ tộc về vùng thị xã Phú Thọ và Phù Ninh để gác kiếm, xây dựng điền trang  thái ấp.

Truyền thuyết cũng kể rằng tướng Cao Lỗ của Vua Hùng khi quy về với An Dương Vương được Vua sai phụ trách dân binh xây thành Cổ Loa. Thành ba lần bị đổ. Điều đó cho biết cư dân Văn Lang vốn chưa quy thuận triều đình mới nên đã làm phản. Lòng người lúc đầu còn phân tán. Nạn thù trong giặc ngoài đe dọa. Thục Phán ắt phải có chính sách tài tình để thu nạp nhân tâm. Thục Phán cho dựng cột đá thề hứa với trời đất với Vua Hùng đời đời gìn giữ tôn miếu thờ cúng dòng dõi nhà Hùng. Thục Phán cũng cho xây dựng ở động Lăng Sương – huyện Thanh Thuỷ ngôi miếu thờ bà Đinh Thị Đen, thân mẫu thánh Tản Viên là con rể, tướng tài của Vua Hùng, người đã khuyên can vua cha nhường ngôi cho Thục Phán để chấm dứt nạn đầu rơi máu chảy của trăm họ.

Tục thờ Hùng Vương vốn đã rất phát triển trong bách tính người Việt, đến đây được Thục Phán khuyến khích càng có dịp nảy nở mạnh hơn như để nguôi ngoai đi nỗi tiếc nuối một vương triều vốn đã tồn tại hàng dăm bảy thế kỷ qua. Kẻ thù lớn của đất nước bây giờ là các thế lực phản động ở phương Bắc. Thục Phán lo chống đỡ giặc ngoại xâm. Bằng phương pháp ngoại giao ông phải gả con gái mình cho Trọng Thuỷ là con trai của giặc để cầu lấy sự bình an trước mắt.

Cho lập nhiều đền, miếu ở khắp nơi để thờ Hùng Vương, Thục Phán đã lấy lòng được muôn dân. Đây là lý do vì sao ngày nay ở cả nước đâu đâu cũng có miếu thờ Vua Hùng. Cả nước có hơn 1.400 di tích. Riêng  Phú Thọ nơi phát tích của nước Văn Lang đã có hơn 300 di tích. Trong khi đó, các di tích thờ Thục Phán cũng như dòng dõi của vua chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay ở Cổ Loa và núi Con Cuông Nghệ An, nơi bị giặc săn đuổi, nhà vua phải nhảy xuống biển   trầm mình.

Tục thờ Hùng Vương được duy trì liền mạch trong xã hội người Việt. Nghìn năm bị phương Bắc đô hộ, trăm      năm bị giặc Pháp cướp nước, nước ta bị rơi vào tay giặc nhưng làng Việt vẫn phát huy được tiếng nói của dân tộc mình, vẫn duy trì các phong tục tập quán của ông cha. Nhờ thế mà nước mất nhưng làng còn, còn làng nên còn nước trong tâm tưởng của muôn dân.

Không ở đâu trên thế giới lại như dân tộc ta, có tục thờ Hùng Vương bền bỉ như vậy. Người ta vì đồng nhất hai khái niệm Làng và Nước là một, Làng là một cái nước nhỏ. Nước là một cái làng lớn. Cơ sở văn hóa Việt Nam là văn hóa lúa nước, lấy các đơn vị Làng làm đơn vị cơ sở. Chính nhờ thế mà Hùng Vương được cả nước thờ. Trong tâm linh, tâm thức của người Việt thì Hùng Vương không chỉ là ông Vua của nước mà còn là ông tổ của nhà mình, nòi giống mình. Nhờ tâm thức ấy mà truyền thuyết bọc trăm trứng mới có cơ sở tồn tại qua hết đời này sang đời khác.

Tín ngưỡng Hùng Vương đã luôn nhắc nhở mỗi người Việt Nam về nguồn cội và lòng yêu nước. Khi ra trận, mỗi người lính không chỉ ý thức mình đánh giặc để cứu nước mà còn để cứu nhà. Tín ngưỡng ấy đã giúp cho người Việt có một cốt cách riêng, nó điều tiết mọi hành vi sống, mọi hành vi ứng xử, biết mình vì mọi người, mọi người vì mình, biết yêu cuộc sống trần thế hơn hẳn các dân tộc có triết học và tôn giáo cực đoan.

Các triều đại quốc gia phong kiến tự chủ đã tận dụng tối đa tín ngưỡng Hùng Vương để phát động tinh thần yêu nước của toàn dân. Do vậy chúng ta tuy có ít người nhưng đã từng đánh bại mọi kẻ thù lớn mạnh hơn ta nhiều lần như giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh, Thanh…

Nguyễn Hữu Nhàn

Bài viết liên quan

Phản hồi