Trà Vinh: Lịch sử chùa Lưỡng Xuyên
PGĐS- Trước thềm Đại Giới đàn Nhựt Huệ, do Ban Trị sự GHPGVN tổ chức từ ngày 06-08/11/2024, tại chùa Lưỡng Xuyên và chùa Liên Hoa, Ban Biên tập xin đăng bài viết giới thiệu sơ nét lịch sử chùa Lưỡng Xuyên.
Chùa Lưỡng Xuyên tọa lạc tại số 3 đường Lê Lợi, phường 1, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, được hình thành khởi nguyên từ chùa Long Phước.
Chùa Long Phước (1) xưa thuộc ấp Thanh Lệ, làng Long Đức, Trà Vinh. Khoảng thời gian năm 1934, chùa do bà Dương Thị Liễu làm chủ và dựng chùa cho Hội Lưỡng Xuyên Phật học. Trong “Tờ Dưng Chùa” của bà Dương Thị Liễu viết như sau:
Tôi ký tên dưới đây là Dương Thị Liễu, 71 tuổi, chủ chùa Phật hiệu Long Phước, ở ấp Thanh Lệ, làng Long-Đức, Trà-Vinh, bằng lòng cúng đức chùa này cho Ban Sáng-Lập Hội “Lưỡng-Xuyên Phật-Học”, được tròn quyền làm chùa chung cho Phật-giáo làm cơ-quan chung cho Hội Lưỡng Xuyên.
Nguyên vuông vức miếng đất nửa mẫu số bộ địa của chùa Long Phước đứng, còn ngôi chùa thì vợ chồng tôi ra tiền riêng sáng tạo.
Nay tôi bằng lòng giao cho: 1. Hòa thượng Lê Khánh Hòa; 2. Hòa thượng Huệ Quang; 3. Huỳnh Thái Cửu, Huyện hàm; 4. Ngô Trung Tính, Huyện hàm; 5. Phạm Văn Liêu, Trưởng tòa; 6. Thái Phước, Thương gia là người thiệt đệ-tử Phật giáo, được trọn quyền làm chủ và tu bổ sửa sang, lập Phật học đường, được trùng hưng Phật giáo. Nhưng tôi xin một điều là không được đem tôn giáo nào khác hơn giáo lý của Đức Phật Thích Ca di truyền.
Tôi bằng lòng giao đứt, có làm ba bổn trước mặt làng tại Trà Vinh, ngày 19 Mars 193 4(2).
Dương Thị Liễu (lăn tay)
Chứng thật Tờ Dưng chùa vào ngày 19/3/1934 gồm có: Hương Thân, Hương Hào, Xã Trưởng và Cai-tổng Trà Nhiêu, Ông Filsible là Receveur của Sở Enregistre Trà Vinh ký tên.
Đến 13/8/1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học chính thức được thành lập do Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt. Trụ sở của Hội được đặt tại chùa Long Phước, với tất cả 12 thành viên được bầu vào Ban trị sự đầu tiên của Hội như: “Chánh hội trưởng là ông Huỳnh Thái Cữu, Hòa thượng Khánh Hòa làm Đốc học sư, Hòa thượng Huệ Quang làm giảng sư kiêm tổng lý”3, Phạm Văn Liêu – Phó Hội trưởng, Hòa thượng Diệu Pháp – Phó Tổng lý, Hòa thượng Khánh Anh – Pháp sư, Hòa thượng Pháp Hải – Trụ trì Hội quán, Thái Phước – Thủ bổn, Trần Văn Giác – Phó Thủ bổn, Phạm Văn Luông – Tổng Thư ký, Nguyễn Văn Khỏe và Sơn Sau – Kiểm soát viên, Hòa thượng Tâm Quang – Cố vấn viên.
Năm 1935, Hội trùng tu lại chùa Long Phước với quy mô lớn hơn, đến tháng 5 thì công việc trùng tu hoàn tất. Lễ Khánh thành chùa và khai giảng Phật học đường Lưỡng Xuyên được tổ chức vào 15, 16, 17 và 18 tháng 4 năm Ất Hợi, nhằm ngày 17, 18, 19 và 20 tháng 5 năm 1935. Kết cấu kiến trúc của chùa được đề cập trong bài Lễ khánh thành Hội Lưỡng Xuyên Phật học đăng trên tạp chí Từ Bi Âm:
Trước chùa Long Phước là Hội quán có cất một nhà lá thiệt to. Nhà này chính là để nhóm cử vị Đại Đạo sư, Đốc Học sư và Tổng Lý và cử Ban trị sự mới, cùng là chỗ để giảng Kinh thuyết pháp. Trong nhà ấy chỉ để cho mấy vị Đại đức Tăng-già, Quan viên và cư sĩ trong Hội ngồi nghị sự.
Trong Điện chưng dọn một bàn thờ Tam Tôn ở gian giữa rất trang nghiêm. Dưới nhà hậu, thiết kế ba nghi ở giữa cho Chư sơn thiền đức và quan, còn hai bên là dành cho thiện nam, tín nữ ngồi. Phía sau nhà hậu, có một cái nhà lá to 12 căn, 2 tầng. Hai căn phía Đông tầng trên: Một căn làm văn phòng Ban trị sự ngồi làm việc, một căn làm văn phòng cho Tổng Lý ngồi khảo cứu Kinh, Luật. Các căn còn lại là nơi nghỉ ngơi của Chư sơn. Hai bên tả hữu của chùa là Đông lang và Tây lang4.
Tháng 7 năm 1935, tạp chí Duy Tâm Phật học được chính thức thành lập, làm cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Lưỡng Xuyên, đặt tại chùa Long Phước do Hòa thượng Thích Huệ Quang làm Chủ nhiệm.
Sau khi khánh thành, chùa Long Phước là nơi Chư sơn trong tỉnh và khắp nơi về tu tập, tập trung hội họp bàn những Phật sự trong Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ. Hội Lưỡng XuyênPhật học được đặt tại chùa với các hoạt động: Xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật học; Lập Thư viện Phật giáo, thỉnh Đại tạng kinh và nhiều kinh sách khác để cho Tăng ni và Phật tử nghiên cứu, tham khảo; Mở trường Phật học (Thích học đường Lưỡng Xuyên) đào tạo tăng tài. Ban chứng minh và giáo dục của trường gồm có: “Cụ Võ Khánh Anh – Pháp sư kiêm Hiệu trưởng, cụ Lê An LạcHòa thượng chùa Vĩnh Trường – Chứng minh Đạo sư, cụ Thích Từ Phong (chùa Giác Hải) – Đại đạo sư, cụ Nguyễn Huệ Quang – Chủ nhiệm kiêm Tổng lý”5.
Từ năm 1935-1940, chùa Long Phước do Hòa thượng Pháp Hải (1895-1961) làm trụ trì. Năm 1945 đến năm 1969 trải qua các vị trụ trì như: Hòa thượng Từ Thông, Đại đức Minh Thông, Đại đức Hồng Nhơn, Đại đức Liễu Minh, Đại đức Thiện Hạnh, Đại đức Minh Đức.
Ngày 11 tháng 10 năm 1970, Hòa thượng Thái Không (1902-1983) được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Trung ương bổ nhiệm về làm trụ trì chùa Long Phước. Đến năm 1983, ngài viên tịch. Sau khi Hòa thượng Thái Không viên tịch chùa không người trông coi nên đã bị suy tàn trong thời gian dài.
Về thời gian đổi tên từ chùa Long Phước sang chùa Lưỡng Xuyên được Hòa thượng Thích Phước Minh – Trụ trì chùa Trúc Lâm, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Sau một thời gian dài chùa Long Phước không ai trông coi, nhà Tổ bị sập, cho đến vào khoảng từ năm 1989 đến 1990, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Cửu Long chỉ đạo cho Ban Trị sự Phật giáo thị xã Trà Vinh cử người về chùa để trông coi. Lúc đó, thầy (6) và Ni sư Phát ở Liên Quang Thiền Viện được Ban trị sự Phật giáo thị xã Trà Vinh cử đến trông coi chùa Long Phước.
Trong thời gian này, thầy cùng với thầy Thiện Phát ở Thiền Viện Thường Chiếu (Đồng Nai) đi mua cây ở Đồng Nai đem về chùa cất lại nhà Tổ và xây lại cổng Tam quan. Lúc xây cổng, thầy đổi tên chùa Long Phước thành chùa Lưỡng Xuyên, vì Lưỡng Xuyên có nghĩa là tên của con sông Tiền và sông Hậu. Hai con sông này là ở Nam bộ nên đặt tên chùa Lưỡng Xuyên với ý nghĩa chùa là trung tâm của Phật giáo ở Nam bộ. Lúc làm cổng, thầy lấy theo mẫu cổng Tam quan của chùa Thích Ca Phật Đài ở Vũng Tàu.
Sau khi thầy cất nhà Tổ và làm cổng xong, thầy vì hiện lo công việc trụ trì tại chùa Trúc Lâm nên cũng ít khi đến Lưỡng Xuyên. Cùng lúc đó, thầy Minh Hà ở chùa Long Khánh (Trà Vinh) nhưng thường hay ngủ dưới góc cây Bồ-đề ở chùa. Cô ba Huệ (Phật tử chùa Long Khánh) thấy vậy mới chỉ cho thầy Minh Hà qua chùa Lưỡng Xuyên ở. Lúc đó, thị xã Trà Vinh người xuất gia ít, chùa thì không người trông coi nên thầy để cho thầy Minh Hà ở lại chùa Lưỡng Xuyên. Khi ở chùa được một thời gian, thầy Minh Hà không cho Tăng Ni nào vào chùa Lưỡng Xuyên cho đến khi Giáo hội lấy lại chùa (7)
Cuối năm 1999 (Canh Thìn), Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, nhận lại chùa Lưỡng Xuyên và thành lập Ban trụ trì gồm: Thượng tọa Thích Nhựt Huệ – Trưởng Ban Trụ trì, Thượng tọa Thích Viên Minh – Phó Trụ trì, Thượng tọa Thích Lưu Đoan – Phó trụ trì, Thượng tọa Thích Phước Minh – Thư ký, Đại đức Thích Lệ Sỹ – Thủ quỹ.
Tháng 10 năm 2000, Thượng tọa Thích Nhật Huệ xin phép đại trùng tu lại chùa. Bắt đầu khởi công trùng tu chùa vào ngày 16/12/2000 nhằm ngày 22/11 năm Canh Thìn. Chùa được xây dựng bằng bêtông cốt thép với quy mô lớn hơn, với các hạng mục: Chánh điện, Hậu Tổ, Trai đường (hai bên phải, trái của Trai đường là phòng ở của chư tăng), Tăng xá (nơi chư tăng khắp nơi về ở tu học). Đông lang gồm có Văn phòng Ban trị sự GHPGVN tỉnh, Văn phòng Trường Trung cấp Phật học, khu nhà khách và nhà trù. Tây lang gồm Giảng đường của Trường Trung cấp Phật học và Phương trượng.
Việc trùng tu chùa đến ngày 4/8/2001 nhằm ngày 15 tháng 6 năm Tân Tỵ thì hoàn tất. Sau khi trùng tu chùa có khắc “Bia lưu niệm”, trên bia có ghi lại thời gian khởi công và thời gian hoàn thành cùng với phương danh thành phần Ban trùng tu chùa.
Hiện nay, Ban trụ trì chùa Lưỡng Xuyên gồm: Hòa thượng Thích Trí Minh – Trụ trì, Hòa thượng Huệ Pháp và Thượng tọa Thích Tâm Khiết – đồng Phó trụ trì, Đại đức Thích Minh Trí – Thư ký, Đại đức Thích Minh Hải – Thủ quỹ, Đại đức Thích Huệ Thắng – Kiểm soát. Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh và Văn phòng trường Trung cấp Phật học được di dời về phía Tây lang (phía sau Giảng đường).
Chú thích:
1. Chùa Long Phước được khởi thỉ từ năm 1800, ngày hình thành được làm bằng cây lá, cột chôn, đến năm 1920 mới được xây dựng hoàn thiện.
2. Tờ Dưng Chùa, Tạp chí Duy Tâm (quyển 1), Số 1, 10/1935, Thư viện Huệ Quang ấn hành (2017), tr. 17.
3. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nambộ – Việt Nam từ thế kỷ VII đến 1975, NXB KHXH, H, tr. 67.
4. Xem Khánh thành Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Tạp chí Từ Bi Âm, số 83, 1/6/1935, tr. 34 – 35.
5. Tạp chí Duy tâm Phật học (quyển 3), số 31, 7/6/1938, Thư viện Huệ Quang ấn hành (2017) tr. 297.
6. Hòa thượng Thích Phước Minh.
7. Trích lời của Hòa thượng Thích Phước Minh – trụ trì chùa Trúc Lâm tỉnh Trà Vinh.
Phản hồi