TP.HCM: Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm tại tổ đình Vĩnh Nghiêm

PGĐS- Lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 22 cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, nguyên Trưởng ban Kinh tế – Tài chánh TƯGH, viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm vừa được diễn ra sáng ngày 27/12/2022 tại tổ đình Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM).

Quang lâm chứng minh, tham dự lễ húy nhật có: Đức Pháp chủ Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp- Phó Pháp chủ cùng chư tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh;

Hội đồng Trị sự cùng chư tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự các tỉnh thành, Tăng Ni các tự viện TP.HCM và đông đảo Phật tử đã trang nghiêm niêm hương tưởng niệm.

Sau phần tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã tưởng niệm tri ân cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm – Người đã hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội. Hoà Thượng đã được toàn thể chư Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước ngưỡng mộ quý kính.

 

Tiếp theo, tại buổi Lễ, Chư tôn Giáo phẩm, quý quan khách đã dâng hương, thành kính tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm.

Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh năm Tân Dậu (1921) tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ngài xuất gia năm 15 tuổi tại chùa Liên Đàm, Hà Nội và đỗ Tiến sĩ Phật học năm 1961 tại Đại học đường Rissho (thủ đô Tokyo, Nhật Bản).


Sinh thời, ngài từng giữ nhiều trọng trách quan trọng như Thư ký Giáo hội Tăng già Bắc Việt năm 1951, Vụ trưởng Vụ Phiên dịch thuộc Tổng vụ Hoằng pháp GHPGVNTN năm 1963, Trưởng ban Kinh tế-Tài chính kiêm Phó ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) và nhiều chức vụ khác của Giáo hội.


Bên cạnh công tác hoằng dương Phật pháp, đào tạo Tăng tài, Ngài còn trước tác, dịch thuật nhiều tác phẩm văn hóa giáo dục Phật giáo có giá trị học thuật cao như Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của Phật giáo (Nhật ngữ), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Khóa Hư lục, Thiền lâm Bảo huấn… Trưởng lão Hòa thượng còn lưu lại nhiều các tác phẩm văn hóa, giáo dục: Diễn thuyết tập; Nghiên cứu về tư tưởng bản giác của Phật giáo (Nhật ngữ); Lược sử Phật giáo Trung Quốc; Lược sử Phật giáo Ấn Độ; Lược giảng kinh Pháp hoa; Khóa hư lục; Luận A Tỳ Đàm Câu Xá…

Ngài đã cùng sơn môn pháp phái nỗ lực trùng tu chốn tổ Trung Hậu, Vĩnh Phú được hoàn thành, trang nghiêm, xứng đáng là cơ sở Phật giáo tại địa phương và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với công đức hiến dâng trọn đời cho đạo pháp và chúng sinh cũng như xã hội, Hòa thượng đã được toàn thể chư Tăng và Phật tử trong, ngoài nước ngưỡng mộ quý mến.

Từ năm 1973, sau khi Hòa thượng Thích Tâm Giác, Chánh đại diện Miền Vĩnh Nghiêm, trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, ngài được Giáo hội và Miền Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chánh đại diện kiêm trụ trì tổ đình Vĩnh Nghiêm cho đến ngày viên tịch.

Với trình độ uyên thâm, ngài đã tham gia rất nhiều vào công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo tại Viện Cao đẳng Phật học, Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học, Viện phó Học viện Phật giáo Việt Nam…

Giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn tòng lâm, nên từ những thập niên 60, Hòa thượng đã được thỉnh làm Giới sư, Chứng minh truyền giới trong nhiều Giới đàn ở An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai…

Ngài thuận lý vô thường, an nhiên thị tịch ngày 5 tháng Chạp năm Canh Thìn (2000), trụ thế 80 năm, hạ lạp 58 năm.

Quí Nguyễn

pv- PGĐS tại TpHCM

Bài viết liên quan

Phản hồi