Thiền viện Trúc lâm Phương Nam – Nơi lan tỏa bản sắc Thiền dân tộc đến muôn nhà
PGĐS – Vùng Đồng Bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng, từ lâu đã tập trung nhiều dân tộc sinh sống như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm góp phần tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của vùng đất phù sa trù phú này.
Tại thành phố Cần Thơ, sinh sống chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer nên những công trình văn hóa tâm linh tại đây mang đậm bản sắc của 3 dân tộc này. Với nét đặc trưng rất riêng của vùng miền sông nước, vì vậy Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là một trong những địa chỉ được đoàn Khảo sát Kiến trúc Phật giáo lựa chọn để đến nghiên cứu và tìm hiểu trong đợt khảo sát của Ban Văn hoá TƯ GHPGVN phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn Di tích, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu tại TP. Cần Thơ.
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam tọa lạc tại địa phận ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 15 km do Thượng tọa Thích Bình Tâm – Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Cần Thơ – Hiệu Trưởng Trường Trung cấp Phật học làm Trụ trì.
Thiền viện được khởi dựng từ tháng 7 năm 2013 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 5 năm 2014, là một trong những công trình Phật giáo lớn nhất ở Tây Nam Bộ với tổng diện tích lên đến 38.016 m vuông.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được thành tựu như ngày hôm nay là nhờ Ông Phạm Văn Trà đã đề xuất và vận động các mạnh thường quân ủng hộ xây dựng tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Với tâm nguyện phát triển Thiền phái Trúc lâm Yên tử của vua Trần Nhân Tông. Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên tử.
Thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử nên hầu hết các hạng mục đều mang đậm lối phong cách kiến trúc thuần Việt thời Lý – Trần. Đây là một nét đặc trưng rất rõ trong kiến trúc xây dựng của các ngôi Thiền viện ở Việt Nam. TP. Cần Thơ hiện nay 160 ngôi chùa, các ngôi chùa Nam tông xây dựng khoảng 600 năm, riêng Bắc tông chỉ 200. Do đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam là khu du lịch tâm linh mang đậm kiến trúc ngoài Bắc thời Trần. Cho nên, đây cũng là yếu tố quan trọng để bất kỳ ai khi nhìn vào cũng đều phân biệt được với phong cách kiến trúc của những ngôi chùa Khmer Nam Tông hoặc Bắc Tông tại miền Tây Nam Bộ.
Với những giá trị hết sức ý nghĩa Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam ngày nay không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là điểm tham quan góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của vùng đất lịch sử anh hùng Lộ Vòng Cung ngày càng phát triển. Thật ý nghĩa câu nói của tiền nhân:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam góp phần xây dựng du lịch đời sống văn hóa tâm linh cho xã hội. Thiền viện thường xuyên tổ các khóa tu, hội trại cho sinh viên, thanh thiếu niên, tuổi trẻ, cũng như Phật tử tu tập hằng tuần vào các ngày chủ nhật tại Thiền viện tổ chức tu học từ 7h30-11h30 theo thời khóa. Sám hối sáu căn, Tọa thiền, Nghe pháp, Thọ trai, trung bình có 80 Phật tử đến tham dự khóa tu thiền. Sự kế thừa và phát huy các Thiền viện thuộc hệ thống Trúc Lâm Yên Tử rất phù hợp với tinh thần nhập thế của Sơ tổ Trúc Lâm xưa kia. Hiện nay đã có hơn 60 ngôi Thiền viện và 100 đạo tràng thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đang phát triển mạnh khắp 3 miền đất nước cả ngoại quốc với hàng ngàn Tăng ni và hàng vạn Phật tử cũng như trong nước và ngoài nước cùng theo tu học, theo đường lối của Thiền tông Việt Nam đời trần, phù hợp với căn cơ của Người Việt.
Sự hiện hữu của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam với tâm nguyện cống hiến các giá trị cao quý từ con đường từ bi, trí tuệ của đạo Phật nói chung cũng như kế thừa, ứng dụng những tinh hoa của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng, góp phần tô đậm thêm mối liên hệ mật thiết giữa các giá trị cốt lõi của Phật giáo với tính tự lập, tự cường của dân tộc, vốn hình thành từ ngàn đời trong tiến trình văn hóa Việt Nam.
Thích Nữ Hòa Nhã
Nguồn: phatgiao.org.vn
Phản hồi