Thâm ý qua hình tượng Bồ tát Địa Tạng

Chúng ta thờ tượng đức Địa Tạng để nói lên lòng khao khát giải thoát. Sự giải thoát của chúng ta được thành tựu hay không là do trí tuệ nhận chân được lý thập nhị nhân duyên hay không.

Danh hiệu: Địa Tạng có nghĩa an nhẫn, bất động như đại địa; tư duy sâu xa kín đáo như kho tàng bí mật.

Tiền thân: Thời tượng pháp của đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương, có người con gái dòng Bà-la-môn đầy đủ phước đức, mọi người đều cung kính. Mẹ cô không tin Tam bảo lại khi dể, tuy cô cố gắng giáo hóa mà không thể được. Sau khi mẹ chết, vì lòng hiếu thảo cô cúng dường tượng đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương cầu xin biết được mẹ đang sanh về đâu. Vì lòng chí hiếu cảm thông đến Phật, đức Phật dạy cô về nhà đêm đến ngồi nhớ danh hiệu Ngài sẽ biết chỗ mẹ sanh. Làm đúng như lời Phật dạy, cô được thấy cảnh địa ngục và sau rốt biết mẹ cô nhờ phước đức của cô đã được sanh về cõi trời. Sau khi thấy cảnh khổ đau ở địa ngục, cô phát nguyện:

“Bao giờ địa ngục trống không, chúng sanh độ hết, tôi mới thành Phật quả”.

Cô gái ấy là tiền thân Bồ-tát Địa Tạng.

(Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Công Đức)

Bồ tát Địa Tạng là một vị Bồ tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn.

Bồ tát Địa Tạng là một vị Bồ tát đại từ đại bi thệ nguyện độ thế rất rộng lớn.

Hạnh nguyện:

– Đức Phật ở trên cung trời Đao Lợi thọ ký Ngài rằng:

“Địa Tạng ghi nhớ: ngày nay tôi ở cõi trời Đao Lợi trong đại hội có tất cả chư Phật, trời, rồng, bát bộ nhiều đến trăm ngàn muôn ức không thể nói, đem người, trời, các chúng sanh… chưa ra khỏi tam giới, còn ở trong nhà lửa giao phó cho ông. Ông chớ để các chúng sanh ấy rơi vào đường ác trong một ngày một đêm…”

(Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện công đức, phẩm Chúc Lụy nhơn thiên).

Lại, kinh Địa Tạng Thập Luận có đoạn:

“Người thiện nam này Bồ tát Địa Tạng, mỗi ngày vào buổi sáng, vì muốn làm thành thục các hữu tình, nhập các thiền định nhiều như số cát sông Hằng, từ định xuất rồi, đi khắp mười phương các cõi Phật làm thành thục tất cả hữu tình đã được giáo hóa, tùy cơ cảm của hữu tình khiến được lợi ích an lạc”. (Địa Tạng Thập Luận kinh)

Theo kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, đức Phật Thích Ca phó chúc cho Ngài cứu độ chúng sanh sau khi Phật nhập Niết-bàn cho đến lúc đức Di Lặc ra đời. Căn cứ các tiền thân của Ngài, Ngài thường nguyện làm cho địa ngục trống không và độ hết chúng sanh.

Nói về hạnh nguyện của Ngài, chúng ta có thể thấy rõ trong bài tán sau đây:

Khể thủ từ bi đại Giáo chủ:

Địa ngôn: kiên, hậu, quảng hàm tàng.

Nam phương thế giới võng hương vân,

Hương võ, hoa vân, cập hoa võ

Bảo võ, bao vân, vô số chủng

Vi tường, vi thụy, biến trang nghiêm.

Thiên, nhơn vấn Phật thì hà nhân?

Phật ngôn: Địa Tạng Bồ-tát chí!

Tam thế Như Lai đồng tán ngưỡng,

Thập phương Bồ-tát cộng quy y,

Ngã kim túc thực thiện nhơn duyên,

Tán dương Địa Tạng chân công đức:

Từ nhân, tích thiện,

Thệ cứu chúng sanh.

Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn,

Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại thiên thế giới.

Diêm Vương điện thượng,

Nghiệp kính đài tiền,

Vị Nam Diêm Phù Đề chúng sanh

Tác đại chứng minh công đức chủ

Đại bi, đại nguyện,

Đại thánh, đại từ,

Bổn tôn, Địa Tạng Bồ-tát ma ha tát!

Dịch:

Dập đầu kính lễ đức giáo chủ

Đại từ bi: đức độ của Ngài,

Như đất dày bao hàm rộng khắp

Thế giới phương nam tỏa mây hương

Mưa hương, mây hoa cùng mưa hoa,

Mây báu, mưa báu vô số lớp,

Biến hiện điềm lành khắp trang nghiêm.

Trời, người hỏi Phật nhân gì vậy?

Phật rằng: Địa Tạng Bồ-tát hiện,

Chư Phật ba đời đều tán ngưỡng.

Mười phương Bồ-tát thảy quy y.

Nhân xưa bồi đắp chút duyên lành,

Nay con tán dương chân công đức:

Địa Tạng Bồ-tát đại từ bi

Góp tập thân lành độ chúng sanh:

Rung tích trượng mở toang địa ngục,

Nâng minh châu soi khắp đại thiên.

Trước đài “nghiệp kính”, điện Diêm Vương,

Vì chúng sanh ở cõi Nam Diêm,

Làm giáo chủ chứng minh công đức.

Nam mô đại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ

Bổn Tôn Địa Tạng Bồ-tát ma ha tát.

(Ban Hộ Niệm Hội Việt Nam Phật Giáo dịch)

Biểu tướng: Tượng Ngài đúng là người xuất gia, đầu tròn, mặc áo ca sa, tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen, tay trái nắm hạt minh châu.

Thờ Bồ tát Địa Tạng với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài, xa lìa khổ não, không đọa ác đạo.

Thờ Bồ tát Địa Tạng với tâm hướng luôn luôn mong mỏi lĩnh hội được ngọn đèn trí tuệ của Ngài, xa lìa khổ não, không đọa ác đạo.

Thâm ý: Các vị Bồ-tát khác phần nhiều hiện thân cư sĩ, đặc biệt Bồ tát Địa Tạng hiện thân vị Tỳ-kheo. Bởi vì bản nguyện của Ngài là cứu thoát chúng sanh ra khỏi địa ngục (cũng có nghĩa ngục tam giới), nên hình ảnh của Ngài là con người giải thoát (xuất gia). Mình có giải thoát mới mong độ thoát chúng sanh được. Qua hình ảnh giải thoát của Ngài, khiến chúng sanh hâm mộ cầu mong Ngài độ thoát. Song muốn giải thoát chúng sanh phải có phương tiện gì?

Trong tay sẵn có tích trượng và minh châu. Tích trượng là một pháp khí do Phật chế ra. Những vị Tỳ-kheo thời xưa đi khất thực, vai mang bình bát, tay cầm tích trượng. Tích trượng có hai công dụng:

1. Đến trước cổng nhà người rung tích trượng reng reng, khiến người hay ra cúng dường.

2. Lúc đi đường gặp rắn rết đuổi chúng đi, tránh khỏi tai họa. Trên đầu tích trượng có mười hai khoen tượng trưng mười hai nhân duyên. Đức Phật giác ngộ lý nhân duyên sanh thành bậc chánh giác. Ngài cũng đem lý nhân duyên giáo hóa chúng sanh ngót bốn mươi chín năm. Muốn được giải thoát trước phải ngộ lý mười hai nhân duyên. Đức Địa Tạng tay mặt cầm tích trượng có mười hai khoen để nói lên ý nghĩa: Ngài luôn luôn dùng pháp thập nhị nhân duyên cảnh tỉnh chúng sanh. Nhờ sự cảnh tỉnh ấy, chúng sanh nhận chân được chân lý, giải thoát vòng sanh tử mê lầm.

Tuy nhiên, muốn thấu rõ lý nhân duyên phải nhờ ánh sáng trí tuệ. Chúng sanh trầm luân mãi mãi bởi vô minh che đậy, không trông thấy pháp duyên sanh như huyễn, chấp thật ngã, thật pháp nên cứ lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Muốn phá được vô minh phải phát huy trí tuệ. Trí tuệ tăng trưởng thì vô minh sẽ lùi xa. Biểu thị trí tuệ là viên minh châu trong lòng bàn tay đức Địa Tạng. Viên minh châu ấy soi sáng tất cả chốn u minh làm cho mọi chúng sanh bị giam cầm trong ngục tối trông thấy ánh sáng đều được thoát khỏi ngục hình. Cũng vậy, chúng sanh bị giam cầm trong ngục vô minh, một phen phát sanh ánh sáng trí tuệ, ngục thất vô minh liền tan vỡ, mọi người đều được thong dong tự tại.

Chúng ta thờ tượng đức Địa Tạng để nói lên lòng khao khát giải thoát. Sự giải thoát của chúng ta được thành tựu hay không là do trí tuệ nhận chân được lý thập nhị nhân duyên hay không. Nếu chúng ta hằng ngày vận dụng hết tâm tư của mình suy nghiệm pháp thập nhị nhân duyên, một ngày nào đó, thời tiết nhân duyên đến, bỗng nhiên bừng sáng. Đó là chúng ta đã nhờ đức Địa Tạng cứu thoát trong thời không có đức Phật ở đời. Ngược lại, chúng ta cứ đảnh lễ Ngài với ý niệm ỷ lại, dù Ngài có muốn cứu độ chúng ta thế mấy cũng khó bề cứu được. Đức Địa Tạng sẵn sàng cứu độ chúng ta ra khỏi địa ngục, song chúng ta phải có đủ hai yếu tố: phát huy trí tuệ và soi thấu pháp thập nhị nhân duyên. Có thế, công dụng độ sanh của Bồ tát Địa Tạng mới thực hữu.

Bài viết liên quan

Phản hồi