Tết Thanh minh là gì? Cần làm gì vào ngày Tết Thanh minh?

Tết Thanh minh năm 2023 nhằm nhằm vào thứ Tư ngày 5/4 Dương lịch. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng tri ân, báo ơn với những người thân đã quá cố hay thậm chí là sự sẻ chia với những vong linh cô quạnh.

Ý nghĩa của Tết Thanh minh

Từ “thanh” có nghĩa là “trong”, còn từ “minh” có nghĩa là “sáng”, nên Tết Thanh minh có nghĩa là khoảng thời gian mà khí trời trong sáng, quang đãng và thanh khiết nhất trong năm. Năm nay, Tết Thanh minh nhằm ngày 15/2 nhuận Âm lịch (ngày 5/4 Dương lịch).

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ nổi tiếng mà hầu như người Việt nào cũng thuộc: “Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”  Câu này khiến mọi người nghĩ rằng Tết Thanh minh luôn diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay người ta tính các tiết khí theo lịch dương.

Tết Thanh minh là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của người Việt. Ngày tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Vì thế, đây cũng là dịp để mọi người tri ân, tưởng nhớ những người thân đã mất.

Cần làm gì vào ngày Tết Thanh minh?

Cổ đức có dạy:

“Cây có gốc mới trổ cành xanh lá

Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông”

Để có thể thực hành đền ơn, báo ân và hiểu rõ ý nghĩa của việc làm ấy, phóng viên Báo PGĐS đã có buổi gặp gỡ, trò chuyện cùng Đại đức Thích Thanh An – Trụ trì chùa Bói Thượng (Hà Nam). Đại đức chia sẻ về phương thức quán chiếu thân tâm khi đứng trước phần mộ của tổ tiên hay thực hành sự sẻ chia với những phần mộ vô thừa nhận.

Đại đức Thích Thanh An – Trụ trì chùa Bói Thượng (Hà Nam)

“Khi ta đi tảo mộ bằng cả tấm lòng thành kính, tri ân và biết ơn; ta đứng trước mộ của tổ tiên, dâng nén tâm hương để tưởng nhớ về cội nguồn. Giây phút ta quán chiếu sâu sắc ấy là lúc từng tế bào, từng hơi thở của ta đều có sự biểu hiện của tổ tiên” – Đại đức Thích Thanh An chia sẻ.

Ý thức được điều này, chúng ta thêm trân trọng đời sống và tu dưỡng đạo đức để đáp đền công ơn của tổ tiên đã trao truyền và gây dựng, xứng đáng tiếp nối những giá trị truyền thống mà cha ông để lại. 

Đồng thời, đứng trước các nấm mộ, là một cách để ta thực tập quán chiếu vô thường: “Rồi một mai hình hài, sắc thân tứ đại của ta cũng trả về với cát bụi”. Vậy thì ta phải tận dụng từng giây, từng phút của cuộc sống để tu dưỡng, chuyển hóa thân tâm, xây dựng cuộc đời an vui, hạnh phúc. 

 

Đại đức cũng chia sẻ thêm: “Đối với những ngôi mộ vô danh tính, ta cũng có thể sửa sang, vun vén lại, tiếc chi một nén nhang, một cành hoa dành cho họ, đây là một hành động thật dễ thương trên tinh thần sẻ chia, cảm thông của ta đối với những vong linh cô quạnh”.

Về mâm cúng ngày Tết Thanh minh, Đại đức khuyên nhủ quý Phật tử  nên cúng chay, đây là việc làm tốt lành để hồi hướng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Bằng tất cả lòng thành kính nguyện cầu cho người thân của chúng ta đã quá vãng dù tái sinh nơi đâu cũng biết đến Phật, Pháp tu hành giải thoát.

Nguyện muôn người tỉnh thức!

Nguyện muôn loài bình an!

Diệu Anh – Lan Anh 

Team Media PGĐS 

Bài viết liên quan

Phản hồi