Sự ra đời của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới có cơ hội và điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước.
Diễn biến quá trình thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam
Vào ngày 12/2/1980, chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước đã có cuộc gặp gỡ tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện diện trong cuộc gặp lịch sử này có các vị cao Tăng như Hòa thượng Thích Đức Nhuận – Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Đôn Hậu – Chánh Thư ký Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Minh Nguyệt – Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Thế Long – Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Thường trực Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; Hòa thượng Thích Bửu Ý – Viện trưởng Viện Hoằng đạo Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam; Hòa thượng Thích Giới Nghiêm – Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam; Thượng tọa Thích Minh Châu – Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; Thượng tọa Thích Từ Hạnh – Tổng Thư ký Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM; Thượng tọa Thích Thanh Tứ – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam; Thượng tọa Thích Giác Toàn – Thường trực Trung ương Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam; Ni sư Huỳnh Liên – Ni trưởng Ni giới Khất sĩ Việt Nam; Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Đúng 8 giờ sáng ngày 12/2/1980, trước lúc khai mạc phiên họp, các ông Nguyễn Văn Linh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ông Trần Bạch Đằng – Phó Trưởng ban Dân vận Mặt trận Trung ương và ông Phạm Quang Hiệu – Ban Tôn giáo Chính phủ đến thăm và nói chuyện. Trong cuộc trao đổi, ông Nguyễn Văn Linh đã dành phần lớn thời gian để trình bày về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Phật giáo và nói về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc.
Tại cuộc họp, ông nói rằng: “Người cộng sản Việt Nam, người đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lòng yêu nước, vì mục đích giải phóng dân tộc đã tìm ra con đường cộng sản chủ nghĩa. Người cộng sản Việt Nam quan niệm Đạo Phật cũng là con đường cứu khổ cứu nạn dân tộc. Tuy đường lối và phương tiện có khác, nhưng vẫn có mục đích chung là mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Đạo Phật hiện diện trên đất nước ta gần 2.000 năm, lớn lên trong lòng dân tộc, gắn bó với sự tồn vong của dân tộc. Người cộng sản Việt Nam xem Đạo Phật là một tôn giáo của dân tộc, trong khi đấu tranh cho hạnh phúc của dân tộc, người cộng sản Việt Nam xem người Phật tử Việt Nam như là những người bạn đường, đồng chí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước”.
Phát biểu về nhiệm vụ của Phật giáo đối với dân tộc, ông nói: “Lịch sử giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân tộc, với sứ mạng đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam và đồng bào Phật tử sẽ phát huy truyền thống yêu nước của mình, tiếp tục đi theo con đường cách mạng, để góp phần vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
Tại buổi nói chuyện, ông nhấn mạnh: “Đây là buổi gặp mặt đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam với giới lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, cùng hướng đến một tương lại tươi sáng của Tổ quốc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam” [1]. Sau đó, Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt toàn thể các vị trong buổi họp mặt có lời phát biểu cảm ơn, bày tỏ niềm xúc động trước quan điểm và thái độ chân thành của các vị đại diện Đảng và Nhà nước, Hòa thượng nói: “Đạo Phật và dân tộc gắn liền nhau trong lịch sử. Từ khi du nhập đến nay, Đạo Phật xem dân tộc Việt Nam là quê hương. Tôi rất xúc động trước những lời phát biểu các vị đại diện Đảng và Chính phủ, và hy vọng những điều đó sẽ được thực hiện tốt đẹp” [2]. Sau lời đáp từ cảm ơn, tập trung vào vấn đề quan trọng của buổi họp mặt, Hòa thượng Thích Trí Thủ khẳng định: “Hôm nay nước nhà đã độc lập thống nhất, Phật giáo không có lý do gì lại duy trì sự phân hóa về mặt tổ chức và sự chia cắt Bắc Nam” [3]. Tiếp đó, Hòa thượng Thích Đôn Hậu phát biểu quan điểm: “Thực hiện đại đoàn kết là việc cần thiết đối với Phật giáo cũng như đối với dân tộc. Nguyện vọng của tôi trước sau như một là cần thực hiện thống nhất Phật giáo”.
Trước nguyện vọng thống nhất của Phật giáo Việt Nam thời đại mới, ông Trần Bạch Đằng đã phát biểu quan điểm của Đảng và Nhà nước, ông nói: “Việc thống nhất Phật giáo nên hay không nên trong lúc này, và cần phải thống nhất như thế nào, quý vị hoàn toàn tự định đoạt lấy. Đảng và Nhà nước sẵn sàng quan tâm giúp đỡ khi được yêu cầu” [4].
Vào buổi chiều ngày 12/2/1980, phiên họp diễn ra hoàn toàn có tính cách nội bộ Phật giáo, toàn thể buổi họp đồng tâm suy cử Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Đôn Hậu, chứng minh buổi họp; Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Minh Nguyệt chủ tọa điều hành buổi họp. Thượng tọa Thích Minh Châu, Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thượng tọa Thích Thanh Tứ làm Thư ký phiên họp. Nội dung phiên họp đã đưa ra một quyết định quan trọng, đó là thành lập “Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” (gọi tắt là Ban Vận động) có nhiệm vụ vận động và nghiên cứu thực hiện công cuộc thống nhất Phật giáo nước nhà. Chư Tôn đức khẳng định Ban Vận động là tiêu biểu cho tiếng nói chung của Phật giáo Việt Nam với thành phần Ban Vận động bao gồm các vị giáo phẩm lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái Phật giáo và nhân sĩ Phật giáo hiện diện trong buổi họp mặt, sau đó Ban Vận động sẽ tiếp tục mời bổ sung, sau cuộc họp lịch sử này, Ban Vận động sẽ chính thức ra mắt tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cố đô Huế.
Nhân đây chúng tôi xin nói thêm, trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo thời bấy giờ, ngoài hai tổ chức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Trí Thủ – Viện trưởng Viện Hóa đạo đứng đầu, và Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức được thành lập sau ngày 30/4/1975, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đứng đầu, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận là người tiêu biểu cao nhất cho Phật giáo cả nước, nhất là có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo miền Bắc, đây là tổ chức Phật giáo đóng góp công sức rất lớn cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, nhất là sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thế Long, đương nhiệm Phó Hội trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam là rất quan trọng. Lúc ấy Hòa thượng Thích Thế Long đang giữ chức Phó Chủ tịch Tổ chức Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) nên uy tín của Hòa thượng rất lớn, là người có khả năng đại diện cho Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam giữ vai trò chủ chốt tham gia trong cuộc vận động thống nhất này. Chính vì vậy, khi thành lập Ban Vận động thống nhất, Hòa thượng Thích Thế Long được bầu làm Phó Trưởng ban thứ nhất của Ban Vận động.
Suốt gần 2 năm (tháng 2/1980 đến tháng 11/1981) xúc tiến, cuộc vận động trải qua nhiều cam go thử thách nhưng bằng tâm huyết và ý chí nỗ lực của chư Tôn đức, nhất là tinh thần tích cực dấn thân vì Giáo hội thống nhất và duy nhất của cả ba miền sẽ ra đời, Hòa thượng Thích Thế Long luôn tâm nguyện vì đạo pháp và dân tộc trong bối cảnh đất nước hòa bình, thống nhất.
Trong vai trò lãnh đạo Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã nhiều lần phát biểu: “Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới hưng thịnh. Phật giáo có thống nhất thì Phật giáo mới có cơ hội và điều kiện để đồng lòng chung sức đóng góp cho dân tộc, xây dựng đất nước, cho nên thống nhất Phật giáo trong giai đoạn này mới là biểu hiện của lòng yêu nước. Tôi cho rằng, yêu nước là động cơ thúc đẩy cho sự thống nhất Phật giáo, tôi nghĩ ngày nay cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam cũng phải xây dựng trên cơ sở đó. Chính vì vậy mà Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã ra đời” [5]…
Trong bài diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Bửu Ý đã thay mặt Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử bày tỏ sự vui mừng phấn khởi trước sự kiện lịch sử Phật giáo Việt Nam đang bước đi trên con đường thống nhất. Trong bài phát biểu có đoạn: “Tôi quan niệm Phật giáo chỉ có một, nhưng từ lâu phân ra nhiều hệ phái, vì thời cuộc, vì chế độ thực dân cũ và với âm mưu chia rẽ để lợi dụng bằng cách này cách nọ nhằm phục vụ ý đồ thống trị của chúng. Nay đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất là một cơ duyên thuận lợi rất tốt để thống nhất Phật giáo thành một mối trên tinh thần hòa hợp Tăng già, chung sức chung lòng vì đạo pháp và dân tộc” [6]…
Tiếp đến, vào sáng ngày 13/02/1980, nội dung buổi họp tiếp tục bàn những vấn đề chung quanh nhiệm vụ Ban Vận động, bổ sung nhân sự và quyết định đặt trụ sở và văn phòng thường trực Ban Vận động tại chùa Quán Sứ – Hà Nội và chùa Xá Lợi – thành phố Hồ Chí Minh. Chư Tôn đức tham gia phiên họp đã làm việc, trao đổi, bàn bạc, góp ý sửa chữa nội dung dự thảo thông bạch và kiến nghị gởi Chính phủ và Mặt trận. Trong phiên họp chiều ngày 13/02/1980, chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo vinh hạnh đón tiếp Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Thủ tướng Chính phủ; Giáo sư Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm viếng các vị lãnh đạo Phật giáo.
Ban Vận động được thành lập gồm các giáo phẩm chức sắc như: Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban; Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Thế Long đồng Phó Trưởng ban; Hòa thượng Thích Thiện Hào là Ủy viên Thường trực; Thượng tọa Thích Minh Châu làm Chánh Thư ký; Thượng tọa Thích Từ Hạnh và Thích Thanh Tứ đồng Phó Thư ký; cùng với các Ủy viên như: Hòa thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm, Hòa thượng Thích Đạt Hảo, Hòa thượng Châu Mum, Thượng tọa Thích Thanh Trí, Thượng tọa Thích Chánh Trực, Thượng tọa Thích Giác Toàn, Ni sư Huỳnh Liên, Cư sĩ Nguyễn Văn Chế, Cư sĩ Võ Đình Cường và Cư sĩ Tống Hồ Cầm.
Các hoạt động của Ban vận động sau khi ra đời
Sau khi được chính thức thành lập, Ban Vận động đã ra mắt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) vào ngày 09/4/1980. Tại buổi lễ ra mắt, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động gởi Tăng Ni, Phật tử cả nước và sau đó toàn Ban Vận động đã ra mắt với trên 200 đại biểu các vị Tăng Ni, Phật tử thủ đô.
Tại buổi ra mắt, ông Hoàng Tùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đến thăm và nói chuyện về tình hình đất nước với Ban Vận động tại chùa Quán Sứ. Đến ngày 15/5/1980, Ban Vận động đã làm lễ ra mắt trước 600 chư Tăng, Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Xá Lợi. Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt đã đọc diễn văn khai mạc và Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc thông bạch của Ban Vận động, khẳng định bối cảnh nước nhà đã thống nhất là vận hội mới mở đường cho thống nhất Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Thượng tọa Thích Giác Toàn đại diện các tổ chức, hệ phái đã phát biểu bày tỏ hoan hỷ và cảm xúc, nhất trí hoàn toàn với việc thống nhất Phật giáo Việt Nam. Tiếp đến, vào hai ngày 23 và 24 tháng 5 năm 1980, Ban Vận động đã tổ chức ra mắt tại giảng đường chùa Từ Đàm (Huế) trước hơn 400 Tăng Ni, Phật tử cố đô.
Sau khi lễ ra mắt thành công tốt đẹp, tại Hà Nội, TP.HCM và Huế, giữa tháng 8 năm 1980, Ban Vận động đã có cuộc mạn đàm thân mật với 140 đại biểu nhân sĩ, trí thức, Phật tử thuộc nhiều tổ chức Giáo hội, hệ phái tại chùa Vĩnh Nghiêm (thành phố Hồ Chí Minh ) do Hòa thượng Thích Trí Thủ chủ trì. Nội dung cuộc mạn đàm xoay quanh vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam, ghi nhận những tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp, các hệ phái đa số khi họ nói lên những suy nghĩ chân tình trước tình hình thống nhất Phật giáo, cùng những băn khoăn như chương trình tu học của Tăng Ni, tính biệt truyền của hệ phái; vấn đề hệ thống và cơ cấu tổ chức của Phật giáo Việt Nam sau khi thống nhất, vấn đề quản lý chùa chiền, quản lý Tăng, Ni…
Vào ngày 16/1/1981, Hội nghị kỳ II của Ban Vận động đã tiến hành tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Trí Thủ trong diễn văn khai mạc, nêu rõ quyết tâm tiến hành sớm việc thống nhất Phật giáo Việt Nam trong năm 1981, Hội nghị đã thảo luận chương trình hoạt động của Ban trong năm 1981 và gấp rút chuẩn bị cho việc hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tiếp đến, từ ngày 15 đến 24/3/1981, Ban Vận động lần lượt đến thăm và tiếp xúc 9 hệ phái gồm: Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Phật học Nam Việt, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán Tông; Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh ; Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ. Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra giữa Ban Vận động và các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái trong bầu không khí cởi mở, chân tình và thẳng thắn. Mọi tâm trạng, tư tưởng của quý vị đều nhìn về một hướng chung, đó là thống nhất Phật giáo Việt Nam, đó là lựa chọn duy nhất và phù hợp nhất trong bối cảnh nước nhà thống nhất, có còn chăng là những ưu tư thứ yếu mà trong quá trình thống nhất sẽ được đồng nhất hoặc cởi bỏ cho phù hợp với tình hình chung và trên tinh thần thống nhất ý chí.
Vào ngày 5/8/1981, tại chùa Xá Lợi (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh ), Hội nghị kỳ III của Ban Vận động đã họp phiên toàn thể, có thể nói đây là hội nghị cuối cùng của Ban Vận động trước khi tiến hành hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 11 năm 1981. Hội nghị đặt dưới sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đức Nhuận và chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Thủ, cùng các vị giáo phẩm trong Ban Thường trực, phía khách mời có các ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ; ông Ung Ngọc Ky – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh . Mục đích của Hội nghị kỳ III là để các vị trong Ban Vận động, lãnh đạo các hệ phái góp ý kiến, thảo luận các phương thức và đường lối thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hội nghị cũng đã thảo luận góp ý kiến về bản dự thảo văn kiện thống nhất Phật giáo cùng nội dung tổ chức Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam. Qua 4 ngày làm việc trong tình đoàn kết, cảm thông và xây dựng, Hội nghị kỳ III đã thành công viên mãn trong niềm tin mãnh liệt vào tiền đồ rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam.
Vào sáng ngày 9/10/1981, Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với Ban Vận động thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp mặt Tăng Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh tại chùa Xá Lợi nhằm chuẩn bị tiến tới Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 11 năm 1981, cuộc họp mặt quy tụ trên 1.000 Tăng, Ni, Phật tử tiêu biểu của các hệ phái, tổ chức Phật giáo tại thành phố Hồ Chí Minh . Tại cuộc họp, Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Trưởng ban Nội dung đọc lời đúc kết các ý kiến đóng góp trong cuộc họp, nói lên được tính nhất quán cao độ và sâu sắc của toàn thể Tăng Ni, Phật tử hiện diện đối với công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Như vậy, sau gần hai năm tích cực làm tốt vai trò của mình, thu thập ý kiến của Ban Lãnh đạo các tổ chức, hệ phái Phật giáo trên cả nước để soạn thảo văn kiện căn bản cho sự thống nhất; đồng thời tổ chức hội nghị đại biểu các hệ phái, thảo luận, biểu quyết các văn kiện và thành lập Ban Lãnh đạo Trung ương lâm thời để triển khai thành lập cơ cấu tổ chức các tỉnh thành. Trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước thềm Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ cho biết, con đường đó dù có nhiều thuận lợi vì có cùng một điểm chung, đó là nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong bối cảnh đất nước thống nhất, độc lập, một sự thống nhất thực sự với trọn vẹn ý nghĩa của nó, nhưng không phải là không gặp một vài sự khó khăn, song Ngài cho rằng “Chân lý bao giờ cũng thắng”. Thật vậy, việc thống nhất Phật giáo Việt Nam quy về một mối không chỉ là nguyện vọng của toàn thể Phật giáo đồ, mà hơn thế nữa, đó là chân lý tất yếu của Phật giáo Việt Nam, như theo nội dung báo cáo của Thượng tọa Thích Minh Châu khi nói về sứ mệnh của Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, ghi rõ: “Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, nhờ đó chúng ta mới có thể thực hiện những Phật sự trọng đại của Phật giáo Việt Nam”.
Chú thích:
[1], [2], [3], [4], [5]: Hoàng Hạ (tổng hợp) (11/2017), “Tiến trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”, Giác Ngộ Online, www.giacngo.vn/tien-trinh-van-dong-thong-nhat-phat-giao-viet-nam-post36463.html, truy cập 17/3/2021.
[6] Trích từ diễn văn góp ý về cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam của Hòa thượng Thích Bửu Ý, đăng trong tập “Kỷ yếu Hòa thượng Thích Bửu Ý” lưu hành nội bộ, năm 1998.
Phản hồi