Rơi nước mắt khi xem y bác sĩ cứu thai phụ mắc COVID-19 trong ‘Ranh giới’

Người xem không ít lần rớt nước mắt khi thấy khoảnh khắc bất lực của y bác sĩ khi cấp cứu bệnh nhân thất bại, thấy người đàn ông rối trí khi biết tin người thân qua đời, hay khi thấy những em bé được ra đời ngay giữa ranh giới của cái chết…

Hình ảnh cấp cứu thai phụ trong phim Ranh giới - Ảnh: ĐPCC

Hình ảnh cấp cứu thai phụ trong phim Ranh giới – Ảnh: ĐPCC

50 phút của bộ phim tài liệu Ranh giới vừa được chiếu trên kênh VTV1 tối 8-9 nhiều phen khiến khán giả phải rớt nước mắt vì đau đớn hay cảm động.
Bộ phim lấy bối cảnh ở khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, nơi điều trị cho rất nhiều sản phụ đã bị nhiễm COVID-19, với những thước phim nóng hổi được quay trong 15 ngày đầu tháng 8 vừa qua.
Vẫn là phong cách phim tài liệu không lời bình, chỉ ăm ắp hiện thực từ hình ảnh, âm thanh hiện trường và lời nói của các nhân vật mà bấy lâu đạo diễn phim tài liệu Tạ Quỳnh Tư theo đuổi, phim mang tới những cảm nhận chân thực đến tức thở ở khu điều trị các thai phụ mắc COVID-19 của Bệnh viện Hùng Vương.
Không có một lời bình nào, chỉ có câu nói kết phim có phần mang dấu vết dụng ý của các nhà làm phim, dù vẫn để một điều dưỡng nói câu ấy chứ chẳng phải lời bình.

Ở nơi điều trị cho các thai phụ đang phải đơn độc chiến đấu giành sự sống cho cả mình và con, các y bác sĩ rất chú ý chăm sóc, vỗ về bằng tất cả tình yêu thương chân thành - Ảnh: ĐPCC

Ở nơi điều trị cho các thai phụ đang phải đơn độc chiến đấu giành sự sống cho cả mình và con, các y bác sĩ rất chú ý chăm sóc, vỗ về bằng tất cả tình yêu thương chân thành – Ảnh: ĐPCC

Đó chính là câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải: “Không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy…”.
Ranh giới trở thành từ khóa của bộ phim.
Đó là ranh giới mong manh vô cùng giữa sự sống và cái chết của những thai phụ mắc COVID-19, ranh giới dường như bị xóa nhòa giữa các y bác sĩ và các bệnh nhân là những người mẹ đang phải đơn độc chiến đấu trong một cuộc chiến dường như không cân sức.
Và ranh giới mong manh giữa hai thái cực cảm xúc là niềm vui tột độ khi cứu được bệnh nhân và nỗi buồn trĩu nặng khi phải bất lực buông tay một sợi dây sự sống của các y bác sĩ…
Sau tất cả là tấm lòng yêu thương và hi sinh vô cùng của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.

Cũng có nhiều phen các bác sĩ phải bất lực buông tay bệnh nhân - Ảnh: ĐPCC

Cũng có nhiều phen các bác sĩ phải bất lực buông tay bệnh nhân – Ảnh: ĐPCC

Cũng giống như chính đạo diễn của bộ phim này, khán giả trước đây đều nghe nói nhiều về nỗ lực phi thường và tấm lòng “từ mẫu” của các y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19, nhưng phải tới khi mắt thấy tai nghe bằng những thước phim đầy dụng công mới cảm được cái dữ dội không thể tưởng tượng nổi ở nơi “mặt trận” mà các y bác sĩ đang chiến đấu cùng người bệnh.
Những thước phim chân thực và đắt giá đưa người xem được “đột nhập” vào phòng điều trị để mục sở thị, được xem hết, nghe hết, để bám theo từng bước chân luôn gấp gáp của các y bác sĩ, ghé vào căn phòng lúc nào cũng chói gắt đến ám ảnh những tiếng máy móc đang hỗ trợ bệnh nhân và cả tiếng còi báo cấp cứu.
Khán giả còn được theo chân những nhà làm phim bước tới chiếc bàn điện thoại cứ liên tiếp những cuộc gọi đến – đi, những tiếng kêu cầu điều thêm nhân lực bởi “ở đây đang có 7 bệnh nhân thở máy”, ghé tới từng chiếc giường nơi các điều dưỡng đang dỗ dành bệnh nhân “thở đi, muốn gặp con thì thở đi”, bón cháo, hay thay phiên nhau ngồi bóp bóng thở suốt đêm cho bệnh nhân không có đủ máy thở…
Dù ai cũng nỗ lực tới 300% sức lực, nhưng vẫn không tránh được những ca cấp cứu thất bại, phải buông rơi mất sự sống của thai phụ có khi chỉ trong vài phút.
Khoảnh khắc các y bác sĩ tỏa ra mỗi người một góc sau một ca cấp cứu thất bại, ngửa mặt, với đôi mắt mở to, hay gục xuống như kiệt sức được quay chậm khiến người xem không khỏi đau thắt như chính cảm xúc của y bác sĩ lúc ấy.
Vậy mà vẫn còn có những khoảnh khắc có lẽ còn ám ảnh hơn thế.
Đó là khoảnh khắc khi nhân viên y tế phải gọi điện thoại thông báo cho người nhà rằng các bác sĩ buộc phải lựa chọn bỏ thai nhi 21 tuần tuổi để thêm hy vọng cứu người mẹ, hay báo tin cho người nhà về cái chết của người thân họ.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chụp ảnh cùng một thai phụ mắc COVID-19 trong quá trình làm phim tài liệu Ranh giới - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chụp ảnh cùng một thai phụ mắc COVID-19 trong quá trình làm phim tài liệu Ranh giới – Ảnh: ĐPCC

Hình ảnh mấy món đồ đơn sơ của thai phụ vừa mất, được thu dọn đặt lên bàn đợi người nhà đến giao lại, trong khi người nhà – một người đàn ông trung niên – nói chuyện với nhân viên bệnh viện mà cứ liên hồi khua khoắng chân tay như người… mất trí, do nỗi đau đớn đến quá đột ngột, chắc chắn khiến cho bất cứ ai cũng thấy bị chấn động mạnh mẽ.
May mắn, bộ phim không chỉ có những căng thẳng và nỗi đau tột cùng liên tiếp. Nó còn có nhiều khoảnh khắc yêu thương ngọt ngào và những niềm vui lấp lánh trên nụ cười của bệnh nhân đang hồi phục, trên những lời ân cần chăm sóc của y bác sĩ, và trên gương mặt những thiên thần vừa chào đời ở giữa nơi mà cái chết cận kề, thường trực…
Và giữa nơi “trận mạc” đầy hủy diệt và hồi sinh ấy, các y bác sĩ và những thai phụ kia đều là những anh hùng, gợi lên những hy vọng chứa chan về sự sống hồi sinh.

Thiên Điểu – Báo Tuổi Trẻ Online

Bài viết liên quan

Phản hồi