Quảng Ngãi: Lễ Húy kỵ Tổ khai sơn và trao Quyết định bổ nhiệm Trụ trì Tổ đình Viên Giác

PGĐS – Sáng nay, ngày 13/03/2022 (nhằm ngày 11/02 năm Nhâm Dần), tại Tổ đình Viên Giác (núi Thình Thình, xã Bình Tân Phú, huyện Sơn Tịnh ,tỉnh Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ Húy kỵ lần thứ 70 ngày Tổ sư Khai sơn thượng Diệu hạ Quang viên tịch và lễ trao Quyết định Bổ nhiệm Trụ trì đến ĐĐ. Thích Đồng Lộc.

Đến chứng minh và tham dự, có sự hiên diện của HT. Thích Trí Thắng – Phó Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi; HT. Thích Hạnh Ngộ – Trưởng môn phong Thiên Ấn (Quảng Ngãi); HT. Thích Giải Tú – Trưởng ban Nghi lễ tỉnh; HT. Thích Viên Đạo – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Sơn; HT. Thích Thiện Nghĩa – Chứng minh BTS GHPGVN huyện Nhà Bè, TP.HCM; TT. Thích Thông Huy – Phó Ban kiêm Chánh Thư Ký BTS GHPGVN tỉnh cùng chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni thuộc môn phong Thiên ấn (Quảng Ngãi), chư Tôn đức Trụ trì tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, TP.HCM và thập phương Phật tử đồng về tham dự.

Trong buổi lễ, HT. Thích Hạnh Ngộ, đã thay mặt Môn phong tuyên đọc Tiểu sử Tổ sư khai sơn.

Theo đó, Tổ sư tộc tánh họ Trần, sinh năm Tân Mão (1891), niên hiệu Thành Thái năm thứ 3 tại làng Sung Tích, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ngài được song thân cho đến Tổ đình Thiên Ấn thọ giáo với Hòa thượng Ấn Tham–Hoằng Phúc, được đức Ngũ Tổ nhận làm môn đệ ban cho pháp danh Chơn Trung, tự Ðạo Chí, hiệu Diệu Quang, nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh.

Năm Canh Thân (1920), ngài Tăng cang Hoằng Tịnh khai Ðại giới đàn tại chùa Sắc tứ Phước Quang, Ngài được cung thỉnh làm Ðệ thất tôn chứng.

Ngày mồng 4 tháng Giêng năm Tân Dậu (1921), Ngài được sơn môn Quảng Ngãi cung thỉnh làm trú trì Tổ đình Thiên Ấn.

Năm Mậu Thìn (1928), Ngài được triều đình Sắc ban Tăng cang Tổ đình Thiên Ấn, lúc bấy giờ Ngài vừa tròn 37 tuổi.

Năm Canh Ngọ (1930), Ngài chứng minh cho hội Tịnh Ðộ thành lập chùa Long Sơn trên thắng cảnh Long Ðầu Hý Thủy. Cũng trong năm này, Ngài xin chính phủ khai thông con đường trôn ốc từ cổng tam quan Tổ đình Thiên Ấn xuống đến con đường lộ khiến việc lên chùa chiêm bái hành lễ của Tăng tín đồ được thuận lợi hơn.

Năm Tân Mùi (1931), Ngài khai giới đàn tại chùa Thiên Ấn để truyền giới cho chư Tăng, Ngài được cung thỉnh làm Ðàn đầu Hòa thượng.

Những năm 1930–1940 phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển và lan rộng khắp nơi trong cả nước. Vào ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932), nhân ngày kỵ Tổ khai sơn Pháp Hóa, Ngài thành lập Hội An Nam Phật học tại Tổ đình Thiên Ấn. Cũng trong năm này, Ngài chứng minh cho Hội An Nam Phật học lập chùa Hội Phước để có nơi sinh hoạt của Hội.

Ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp Tuất (1934) tại chùa Sắc tứ Thạch Sơn, Hòa thượng Hoằng Thạc khai Ðại giới đàn, Ngài được cung thỉnh làm Tuyên luật sư khai thị cho chư giới tử. Ðến tháng 7 cùng năm, Hòa thượng Phổ An khai Ðại giới đàn tại chùa Quan Thánh, làng Văn Bân, tổng Ða Cúc, Mộ Ðức, Ngài được cung thỉnh làm Chứng minh.

Năm Ất Hợi (1935), Ngài khai sơn chùa Viên Giác tại núi Thình Thình huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Từ những năm 1940 đến 1945, tình hình đất nước bị xáo trộn nên Ngài cử hai vị Phước Diên và Phước Huệ làm Giám tự, còn Ngài lui về tu niệm, dạy dỗ Tăng chúng tại chùa Viên Giác, núi Thình Thình.

Năm Giáp Thân (1944), Ngài khai sơn chùa Kim Liên tại xứ Ðồng Ké, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh.

Năm Ất Dậu (1945), ngài Phước Hậu trú trì chùa Phước Quang tham gia kháng chiến nên Ngài đứng ra cáng đáng mọi Phật sự tại đây.

Mùa thu năm 1945, cách mạng tháng 8 bùng nổ, Việt Minh giành chính quyền, sau đó Pháp lại tái chiếm v.v… Tổ đình Thiên Ấn nằm trong vùng giao tranh ác liệt, không biết bị bom đạn phá hủy lúc nào. Ðể bảo tồn những di tích của chư Tổ, vào ngày 12 tháng 6 năm Bính Tuất (1946), Ngài cho thỉnh toàn bộ Phật tượng và Pháp khí từ chùa Thiên Ấn về bảo quản tại chùa Khánh Vân, mãi cho đến ngày 1 tháng 3 năm Bính Thân (1956) Hòa thượng Huyền Tấn mới thỉnh hồi về lại Thiên Ấn.

Năm Mậu Tý (1948), Hòa thượng Huệ Hải đương kim trú trì chùa Quang Lộc vào Nam lạc quyên để trùng tu lại chùa, nhưng vì bị chiến tranh không về được. Vì thế, Ngài lại đảm nhận chủ trương Quang Lộc và trạch cử đệ tử là ngài Huyền Tấn về trông coi Phật sự tại đây.

Vào giờ Ngọ ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn (1952), Hòa thượng Diệu Quang đã xả báo thân tại chùa Viên Giác, núi Thình Thình, hưởng thọ 62 tuổi. Vì thời buổi chiến tranh nên nhục thân Ngài được nhập tháp tại chùa Viên Giác, nơi mà Ngài đã chấn tích khai sơn và gắn bó trong những năm tháng cuối đời. Ðồng thời, để tưởng nhớ công đức của Ngài, sơn môn Quảng Ngãi cũng đã xây tháp vọng thờ trong khuôn viên Tổ đình Thiên Ấn và suy tôn Ngài lên ngôi vị Ðệ lục Tổ tại tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp theo, TT. Thích Thông Huy – Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPVN tỉnh Quảng Ngãi tuyên đọc quyết định bổ nhiệm trụ trì Tổ đình Viên Giác (núi Thình Thình, tỉnh Quảng Ngãi).

ĐĐ. Thích Đồng Lộc, đã tiếp nhận quyết định bổ nhiệm từ Hòa thượng Phó Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ngãi và dâng lời phát nguyện.

HT. Thích Hạnh Ngộ – Trưởng môn phong Thiên Ấn – Quảng Ngãi, đồng thời là Bổn sư của Đại đức tân Trụ trì đã có vài lời huấn thị đến Thầy.

Hòa thượng Phó Thường trực Ban Trị sự GHPVN tỉnh quảng Ngãi đã ban lời đạo từ và xách tấn Đại đức tân Trụ trì thực hiện tốt trách nhiệm được giao.

Buổi lễ kết thúc với lời cảm tạ của ban tổ chức.

Thích Đồng Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi