Phật viện Đồng Dương

Trong những di sản văn hóa Chăm, Phật viện Đồng Dương không phải là địa danh quá nổi bật. Tuy nhiên, Phật viện vẫn là một công trình văn hóa rất độc đáo và quan trọng với người Chăm và người Việt.

Tàn tích của Phật viện ngày nay

Lịch sử của Phật viện

Không như các tháp Chàm chủ yếu thuộc về Ấn Độ giáo, Phật viện Đồng Dương là một công trình dành cho Phật giáo. Phật giáo đến với người Chăm trong quá trình học hỏi từ văn hóa Ấn Độ, vào các thế kỉ đầu sau CN. Phật viện Đồng Dương là công trình Phật giáo có độ quan trọng bậc nhất đối với vương quốc Champa xưa.

Năm 875, vua Indravarman II của Champa cho rời đô từ vùng Panduranga (nay Phan Rang, Ninh Thuận) đến vùng Amaravati, xây một thành phố mới với tên gọi là Indrapura, ứng với làng Đồng Dương, Quảng Nam ngày nay. Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, cũng năm ấy, vua đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laskmindra Lôkesvara Svabhyada. Tính chất Phật giáo Đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bia ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.

Theo Cục di sản văn hóa Việt Nam, “Bia ký còn ghi lại sự sùng đạo của nhà vua, cho biết vào năm 875 “Do lòng tin vào Phật Giáo, nhà vua đã cho dựng lên một Phật viện (Vihara) và đền thờ Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Trên bia ký còn nói đến cõi cực lạc (svargapura) hay “đô thị giải phóng” (moksapura), nơi “trú ngụ” của Phật (Buddhapada). Nhà vua nhấn mạnh đến những kẻ nào phạm tội ác phải chịu đày đọa xuống địa ngục. Sau khi xây dựng xong, vua cũng đã cúng dường nhiều ruộng đất, tiền bạc, nô lệ và nhiều thứ khác cho Lokesvara. Nhà vua dặn: Sau khi băng hà, được đổi danh hiệu là Paramabuddhaloka. Tất cả những sự kiện trên đã chứng minh là vua Indravarman II đã đồng nhất với Phật dưới dạng Bồ Tát.”

Với sự lụi tàn của vương quốc Champa, Phật viện dần bị quên lãng; nó chỉ được biết đến lại nhờ các nhà khảo cổ học người Pháp. Năm 1901, L. Finot và sau đó, năm 1902, H. Parmentier đã khai quật ở đây trên quy mô lớn và đã tìm thấy 229 hiện vật, trong đó nổi tiếng nhất là bức tượng Phật đứng bằng đồng, cao hơn 1 mét. Đây có thể coi là pho tượng hoàn hảo nhất, đặc sắc nhất trong số những tượng Phật giáo Đông Nam Á thời cổ.

Parmentier còn cung cấp cho chúng ta một mặt bằng kiến trúc chính của Phật viện này cùng nhiều tác phẩm điêu khắc đá quý giá. Đền thờ chính và các tháp phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài khoảng 1300 mét, chung quanh có tường gạch bao bọc. Từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760 mét chạy về phía Đông đến thung lũng hình chữ nhật như cảnh quan còn thấy hiện tại. Ngoài chính điện, ở đây còn tìm thấy nền tăng xá, giảng đường và nhiều dấu vết kiến trúc khác, giả thiết như là nơi lưu trú của các sư tăng về đây tu học.

Tượng Chăm ở Phật viện

Ý nghĩa của Phật viện

Đất nước Champa vốn từ trong cội nguồn lịch sử đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Ấn Độ. Học viện Phật giáo Đồng Dương ra đời đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân Champa. Để rồi, kể từ khi ra đời, nơi đây không những trở thành địa điểm quan trọng của các nhà sư trong việc nghiên cứu, phiên dịch kinh điển, truyền bá chánh pháp, mà còn là nơi tu hành đắc đạo hiệu quả. Nền giáo dục của Phật giáo Chămpa đã từng tỏa sáng tại khu đền tháp Đồng Dương. Và, có thể coi, thời kì Phật giáo Đồng Dương là thời kì hưng thịnh nhất của các thời kì tôn giáo ở Champa, khi mà hầu hết các vị vua của vương triều Đồng Dương đều là Phật tử nhiệt thành ủng hộ Phật giáo, lấy tư tưởng “từ bi, hỷ xả” để trị nước an dân.

Những phát hiện ở trung tâm Phật giáo Đồng Dương nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán và tượng Thiên Thần Hộ Pháp đã thể hiện được đỉnh cao nền nghệ thuật Đông Nam Á. Minh chứng qua hàng loạt các tác phẩm bằng đá và một số ít bằng kim loại, như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, các tấm phù được chạm nổi thể hiện thế giới nhà Phật. Sự thực, phong cách Đồng Dương đã tạo nên một dấu ấn không thể lu mờ trong lịch sử nghệ thuật Chăm. Đồng Dương xưa vốn là kinh đô cổ, là “trái tim” của vương quốc Chămpa với quy mô bề thế của một Trung tâm Thiền viện Phật giáo bậc nhất của khu vực Đông Nam Á.

Phật viện Đồng Dương là một di tích có lịch sử văn hóa lâu đời, được xây dựng vào năm 875 dưới thời vua Indravarman II ở kinh đô vương quốc Cham Pa, từng chứng kiến thời kì hưng thịnh của vương quốc này. Nơi đây không chỉ là một trung tâm văn hóa Phật Giáo của người Chăm, mà còn có ảnh hưởng to lớn trên cả khu vực Đông Nam Á đương thời.

Phật viện Đồng Dương được Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 22/12/2016.

Trải qua thời gian và bị tàn phá bởi chiến tranh, đến nay, di tích Phật viện Đồng Dương chỉ còn lại một số bức tường gạch cũ của tháp Sáng  được chèn chống bởi những trụ sắt kiên cố để tránh nguy cơ bị đổ sập. Vì vậy, việc tu bổ và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương là vô cùng cần thiết và cần phải được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, công việc cũng cần phải có kế hoạch và thực hiện hết sức kỹ càng, cẩn thận; tránh tình trạng can thiệp, tác động vội vàng làm tổn hại đến di tích.

Dương Minh Khôi/ Dantri

Bài viết liên quan

Phản hồi