Phật giáo Kiên Giang 40 năm thành tựu – kết tinh của tinh thần đoàn kết, phụng sự

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, được thành lập ngày 07/11/1981.
40 năm qua, Phật giáo ở Việt Nam không ngừng phát triển trong sự hòa hợp đoàn kết theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước, hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới – “Hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc”.
GHPGVN tỉnh Kiên Giang từ khi thành lập đến nay, trãi qua 9 kỳ Đại hội, từ nhiệm kỳ thứ I, có 25 vị trong Ban Trị sự, do cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy  ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đức Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh Kiên Giang, Viện chủ chùa RatanaRansi “Láng Cát” làm Trưởng ban từ nhiệm kỳ I đến nhiệm kỳ VIII.
Hiện nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang nhiệm IX (2017-2022) có 57 vị, do Hòa thượng Danh Đổng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN làm Trưởng ban; Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trụ trì chùa Phật Quang, Rạch Giá làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Trong lịch sử Phật Giáo Kiên Giang đã ghi nhận những tấm gương sáng, hạnh nguyện phục vụ đất nước, đạo pháp và dân tộc, như 4 vị Hòa thượng liệt sỹ ở huyện Châu Thành. Hằng năm vào ngày 10/6, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm Ngày 4 vị Hòa thượng liệt sĩ hy sinh tại di tích tháp Cù Là, khu phố Minh Phú, thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành. Trong đó, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh dưới sự lãnh đạo của cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng đã nhiều đóng góp đóng cho sự nghiệp đoàn kết tôn giáo và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với tinh thần chủ đạo xuyên suốt của Giáo hội qua các kỳ Đại hội là “Lục hòa cộng trụ, đoàn kết, hòa hợp giữa các hệ phái, thống nhất ý chí và hành động thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”; thực tốt các chủ trương, chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc…, có thể nhận thấy qua một số thành tựu đạt được trong thời gian qua, như:
1- Hoạt động Tăng sự: Hàng năm, Ban Tăng sự triển khai các công tác thống kê Tăng Ni, tự viện để bổ sung vào danh bộ của Giáo hội; Công tác thống kê các tự viện và Tăng Ni được Ban Trị sự cập nhật thường xuyên, tuy nhiên đôi lúc cũng gặp những bất cập nhất định vì số lượng luôn biến động theo từng năm. Trong những năm qua nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo (nay là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo) ra đời tạo cho Tăng Ni, Phật tử rất phấn khởi, nhiều tự viện đã được gia nhập Giáo hội, Tăng Ni thuyên chuyển từ địa phương này sang địa phương khác được thuận lợi, dễ dàng. Hàng tháng Ban Thường trực Ban Trị sự tổ chức họp lệ định kỳ vào buổi sáng ngày 25 dương lịch để kiểm tra hoạt động Phật sự tháng qua, thống nhất về chủ trương và chương trình làm việc của tháng kế tiếp. Tổ chức họp sinh hoạt Tăng sự và tụng Giới bổn vào ngày mùng 02 ÂL hàng tháng dành cho tất cả Tăng Ni trụ trì trong toàn tỉnh, phổ biến và triển khai các văn bản của Trung ương Giáo hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thông báo các chương trình phối hợp của Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên. Đặc biệt, tại buổi họp Tăng sự này còn báo cáo công tác Phật sự trong tháng qua và triển khai các công tác Phật sự tháng tới mà Thường trực Ban Trị sự đã thông qua tại kỳ họp Thường trực định kỳ hàng tháng. Hàng năm tổ chức tuần lễ “Thất nhựt giáo Giới” từ ngày 16/10 – 22/10 ÂL dành cho chư Tăng Ni trụ trì toàn tỉnh thuộc hệ phái Bắc tông và Khất sĩ tại 02 trụ xứ là chùa Phật Quang (TP Rạch Giá) và chùa Bửu Sơn (huyện Tân Hiệp) để chuyên tụng giới bổn và nghe giáo giới.

Mỗi năm, Ban Tăng sự tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề Tăng sự cho đối tượng là các vị Tăng Ni thuộc danh bộ Tăng Ni tỉnh Kiên Giang, nhằm đúc kết những công tác đã thành tựu và công tác còn hạn chế để có hướng khắc phục trong thời gian tới, đồng thời phổ biến phương hướng hoạt động của Giáo hội và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước để chư Tăng Ni thực hiện đúng vai trò nhiệm vụ của mình trên bước đường phụng sự Đạo pháp – Dân tộc. Ban Tăng sự Phật giáo tỉnh căn cứ theo Nội quy của Ban Tăng sự Trung ương, đề ra tiêu chuẩn về việc bổ nhiệm Tăng, Ni trụ trì các tự viện trong tỉnh, phù hợp giới luật Phật chế, các quy định của Giáo hội và Pháp luật Nhà nước. Đồng thời hàng năm cũng tổ chức thống kê số lượng Tăng Ni và Phật tử phát triển, cấp Giấy chứng nhận cho Tăng Ni để công nhận là tu sĩ thuộc GHPGVN; bồi dưỡng hành chính và trụ trì cho Tăng Ni để trang bị kiến thức cho các vị thực hiện mọi hoạt động tuân thủ Hiến chương của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước. Công tác Tăng sự của GHPGVN đã góp phần quan trọng trong việc ổn định sinh hoạt Phật giáo.


Công tác tổ chức Đại giới đàn là công tác Phật sự trọng tâm được Ban Trị sự quan tâm tổ chức 03 năm một lần, để tạo điều kiện cho Tăng Ni có đầy đủ giới phẩm tu học và hành đạo. Cũng như đáp ứng lòng khát ngưỡng giới pháp của Tăng Ni. Trong nhiệm kỳ qua, Giáo hội tỉnh đã tổ chức được 03 Đại giới đàn “Trí Thiền”, 02 Đại giới đàn “Giác Phước” và “Bổn Châu” để truyền trao giới pháp Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Thức xoa Ma na, Sa di, Sa di Ni và thụ Thập thiện và Bồ tát giới cho hàng Phật tử tại gia trong và ngoài tỉnh có nguyện vọng thọ giới tu học. Theo truyền thống của Phật giáo Nam truyền, hàng năm đều tổ chức Giới Đàn truyền giới cho Sa di thọ giới tu học. Trong những năm qua Phật giáo Nam tông đã truyền giới cho 459 Sa di được thọ giới lên Tỳ khưu. Đây là sự ghi nhận về sự tăng trưởng đạo pháp của GHPGVN đối với hàng đệ tử xuất gia và tại gia, đồng thời cũng hướng cho họ tu học theo đúng chính pháp.
Thực hiện theo Thông tư hướng dẫn của Trung ương Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương, hàng năm Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh tổ chức khóa An cư Kiết hạ theo luật Phật chế cho Tăng Ni tập trung tại hai trú xứ riêng biệt để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tấn tu Tam vô lậu học và bồi dưỡng những kiến thức Phật học. Tổ chức An cư Kiết hạ để chấn chỉnh quy củ sinh hoạt và nề nếp của Tăng Ni, đồng thời giúp cho Tăng Ni có thời gian và điều kiện học tập, trau dồi đạo hạnh, trí tuệ. Riêng chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer hàng năm đều tổ chức An cư Kiết hạ tại chỗ theo truyền thống của Phật giáo Nam tông. Đặc biệt Ban Tăng sự hàng năm đều tổ chức thành công trong toàn tỉnh.

2- Hoạt động giáo dục Tăng Ni: Ngay từ sau khi thành lập, GHPGVN tỉnh đã mở trường Trung cấp Phật học đặt tại chùa Phổ Minh, trường Trung cấp Pali đặt tài chùa Sóc Xoài. Đến nay, GHPGVN tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng trăm Tăng Ni có trình độ Cử nhân Phật học, Cao đẳng Phật học và Trung cấp Phật học. Ngoài ra, GHPGVN tỉnh còn cử Tăng Ni đi du học làm Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Phật học, tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục Phật học tại Sóc Trăng, Cần Thơ. Đặc biệt Giáo hội phối hợp với trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức 01 lớp đại học ngành Tôn giáo cho 120 Tăng Ni đã tốt nghiệp, 01 lớp Thạc sĩ Tôn giáo 60 vị đang theo học chuyên ngành Tôn giáo học.

Đào tạo được lớp nghiệp vụ trụ trì dài hạn dành cho các vị trụ trì chưa qua các lớp đào tạo Phật học. Đào tạo cho 13 vị chương trình Thạc sĩ Quản trị giáo dục tại Malaysia dành cho những Tăng Ni được quy hoạch làm nhân sự kế thừa của Giáo hội tỉnh trong tương lai.

Mở được nhiều lớp tập huấn dành cho Tăng Ni trụ trì về các chuyên đề: Đào tạo nhân sự, Quản trị nhân sự, lập kế hoạch, hoạt động nhóm, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, kỹ năng vận động và viết tin, công tác dân vận… Đến nay, số lượng Tăng Ni đang theo học và đã tốt nghiệp các Trường Phật học, thế học trong và ngoài nước như sau: Tiến sĩ khoa học 02 vị; Thạc sĩ 12 vị ; Cao cấp Giảng sư 08 vị; Cử nhân Phật học và thế học 135 vị; đang học Nghiên cứu sinh 04 vị; Đang học Cao học tại các trường Phật học và thế học trong và ngoài nước 18 vị; đang theo học cử nhân Phật học, các lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học, lớp Cao – Trung cấp Giảng sư 21 vị. Phật giáo Nam tông đã tuyển sinh đưa đi du học tại Thái Lan 04 vị, Trung Quốc 01 vị, học thiền tại Myanmar 04 vị, đã tốt nghiệp Kỹ sư kiến trúc, xây dựng, Cử nhân luật và Đại học khác trên 20 vị, tốt nghiệp Thạc sĩ văn hóa 03 vị, Thạc sĩ quản lý giáo dục 02 vị và một vị đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học ở Trà Vinh và 1 vị tại Thái Lan.

Ngoài ra, các chùa còn mở nhiều lớp thiền cho các vị sư và cụ ông cụ bà như chùa Rạch Sỏi, chùa Phật Lớn, chùa Láng Cát, chùa Thiên Trúc v.v.. có 1.133 thiền sinh theo học.
3- Công tác Hoằng pháp luôn là mũi nhọn, được đặt ra ngay từ khi thành lập GHPGVN. Hàng năm Ban Hoằng pháp tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo nghiệp vụ cho Giảng sư các huyện; tổ chức các Hội thi giáo lý cho Cư sĩ, Phật tử; thuyết giảng tại các đạo tràng, hướng dẫn Phật tử tu tập Bát quan trai… Trong những năm qua công tác hoằng pháp của GHPGVN tỉnh đã hướng dẫn được đông đảo Phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, góp phần nâng cao nhận thức giáo lý Phật giáo cho Phật tử, bài trừ tệ nạn lợi dụng tín ngưỡng Phật giáo để hành nghề mê tín dị đoan và giữ gìn sự đoàn kết, ổn định trong một bộ phận xã hội.

Hàng năm Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban hoằng pháp Trung ương đều tổ chức 02 khóa tập huấn Hoằng pháp viên dành cho các Phật tử tiêu biểu trong toàn tỉnh từ 800 – 1000 Phật tử tham dự. Nhằm vận dụng công nghệ thông tin vào việc hoằng pháp nên trong những năm qua dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh, Ban Hoằng pháp đã thành lập kênh truyền hình giảng pháp, tọa đàm trực tuyến  tại chùa Phật Quang cũng như một số các tự viện tiêu biểu tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, hàng tuần đều có tổ chức giảng pháp trên kênh truyền hình trực tuyến: youtube.com/c/phatquangkiengiang và Facebook Pháp âm Kiên Giang, PhatsuOnline, Nhằm nâng cao trình độ nhận thức về giáo lý Phật Đà, sách tấn sự tu học của tín đồ Phật tử trong toàn tỉnh nên Ban Hoằng pháp đã xây dựng kế hoạch tổ chức khóa tu tập trung tại các huyện trong tỉnh. Hàng tháng mỗi huyện đều chọn 02 điểm để tổ chức khóa tu tập trung dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chư Tôn đức trong Ban Hoằng pháp và thuyết giảng truyền hình trực tuyến thu hút sự tham gia tu học của Phật tử từ 200 – 500 vị mỗi kỳ.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã có 01 ấn phẩm Phật giáo được phép xuất bản, đó là: Đặc san Ánh đạo Kiên Giang. Bên cạnh đó, hàng năm GHPGVN ở tỉnh đã phát hành hàng trăm ấn phẩm kinh sách và Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đọc tụng, học tập, nâng cao sự hiểu biết về văn hoá Phật giáo gắn với văn hoá dân tộc cho Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. Có thiết lập cổng thông tin điện tử, Group Zalo: Thường trực Ban Trị sự, Ban Thư ký các huyện và Trụ trì để thông tin về tình hình hoạt động Phật sự  của Giáo hội.
4- Công tác Hướng dẫn Phật tử: Hiện nay, toàn tỉnh có có 12 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt dưới sự bảo trợ của chư Tôn đức trụ trì; 76 đạo tràng sinh hoạt tu học thường xuyên, có trên 8.000 Phật tử thường xuyên sinh hoạt tu học theo nhiều pháp môn khác nhau như: Đạo tràng Bát quan trai, Đạo tràng niệm Phật, Đạo tràng Hoa Nghiêm, Đạo tràng Dược Sư, Đạo tràng Quan Âm, khóa tu “Một Ngày An Lạc”, khóa tu Quán niệm, khóa tu xuất gia gieo duyên, khóa tu một ngày dành cho người bận rộn, khóa tu dành cho thanh thiếu niên, khóa tu mùa hè, khóa tu tuổi trẻ hướng thiện, Thiền dưỡng sinh, các lớp giáo lý… Về chương trình, thời khóa tu học và thuyết giảng giáo lý thì Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp của Giáo hội tỉnh cùng phối hợp để sắp xếp và thỉnh cử chư Tôn đức giảng sư trong và ngoài tỉnh đến tận các đạo tràng để thuyết giảng. Hiện nay Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh đã kết hợp cùng Ban Hoằng pháp, Ban Thông tin Truyền thông tổ chức mỗi huyện đều có 02 điểm khóa tu tập trung cho Phật tử toàn huyện, mỗi tháng 01 kỳ và tổ chức giảng pháp truyền hình trực tuyến.


5- Công tác Nghi lễ: Thực hiện đúng theo Thông bạch của Trung ương Giáo hội, hằng năm Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh đã tổ chức lễ đài tập trung trang nghiêm, trọng thể tuần lễ kỷ niệm Đại lễ Phật đản, mừng ngày đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh, mỗi kỳ với gần 1.000 Tăng Ni và đồng bào Phật tử tham dự. Đồng thời hầu hết các huyện, thị Phật giáo trong tỉnh cũng tổ chức trang nghiêm lễ đài tập trung tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo các huyện, mỗi kỳ gần 500 Tăng Ni, Phật tử tham dự.
Đặc biệt, Đại lễ Phật đản PL.2558 – DL.2014 là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam được đăng cai tổ chức Đại lễ VESAK tam hợp, Ban Trị sự tỉnh đã long trọng tổ chức tuần lễ Phật đản cũng như lễ đài tập trung tại công viên Văn hóa An Hòa, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, ẩm thực, xe hoa diễu hành trên 25 chiếc, thu hút khoảng trên 10 ngàn lượt người tham gia.


Ngoài ra, còn tổ chức thành công một số đại lễ, hội thảo như: 03 kỳ Đại lễ cầu nguyện hòa bình cho biển Đông có gần 10 ngàn người tham dự; lễ kỷ niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; Hội thảo khoa học kỷ niệm 40 năm ngày 4 vị Hòa thượng Liệt sĩ hy sinh; 03 kỳ Đại lễ cầu siêu cho các anh linh, các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân tại các huyện trong tỉnh, thu hút hàng ngàn người tham dự và tưởng niệm. Hằng năm đều tổ chức lễ giỗ 4 Hòa thượng liệt sĩ (10/6 DL) và lễ huý kỵ chư Tôn thiền đức hữu công các thời kỳ.
6- Công tác Văn hoá: được sự chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang và chủ trương của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội, Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh đã hoàn thành một số công tác Phật sự như sau: Thực hiện công tác chuyển tải đăng tin tức các Phật sự và hình ảnh hoạt động của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cũng như Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố, đồng thời phát hành các loại sách, báo Phật giáo như: Báo Giác Ngộ, tuần san, nguyệt san, Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo, Tạp chí Xưa và Nay, tạp chí Ánh đạo Kiên Giang v.v… phục vụ nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu của đồng bào Phật tử các giới cũng như những thông tin cần thiết.

Các ngày tết, lễ hội truyền thống như: Chôl Chnăm Thmây, Sene Đôn-ta, Ok Om Bok là những lễ hội truyền thống của Phật giáo Nam tông, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá cổ truyền như: Tổ chức cuộc thi nghệ thuật, trang trí văn hoá chùa chiền, lễ hội hoa đăng, liên hoan văn nghệ, thể dục thể thao, đặc biệt là đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer. Hiện nay có 05 dàn nhạc ngũ âm tại các chùa: Thôn Dôn, chùa Rạch Sỏi, chùa Đường Xuồng Mới, chùa Chắc Băng Mới, chùa Đồng Tranh và chùa Ngã Năm Bình Minh, trong đó nhà nước hỗ trợ 300.000.000 đồng, để các chùa phục vụ trong các ngày lễ hội, trong đó chùa Thôn Dôn đã phục vụ 03 kỳ Đại lễ cầu siêu bạt độ vong linh các anh hùng Liệt sĩ tại huyện đảo Phú Quốc.
7- Công tác của Ban Phật giáo Quốc tế đã đón tiếp các phái đoàn Phật giáo nước bạn đến thăm và giảng pháp như: Phái đoàn của Thiền sư Kim Triệu ở Mỹ về thuyết giảng Thiền học tại chùa Thiên Trúc – thị xã Hà Tiên cho hơn 100 Thiền sinh tham dự; Phái đoàn Phật giáo Campuchia đến thăm và cúng dường Hoà thượng Danh Nhưỡng tại chùa Láng Cát, TP. Rạch Giá; phái đoàn Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ đến thăm chùa Tam Bảo và có buổi làm việc, trao đổi một số vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với lãnh đạo Giáo hội tỉnh Kiên Giang.

8- Công tác Từ thiện xã hội: là những hoạt động Phật sự mang tinh thần nhân đạo, thể hiện sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. GHPGVN tỉnh hiện có hàng trăm phòng phát thuốc từ thiện; phòng thuốc chẩn trị y học dân tộc; có 01 Trung tâm TTXH Phật Quang (nội trú), nhà trẻ Nhân Ái Phật Quang (trực thuộc Trung tâm TTXH Phật Quang) nuôi dạy trẻ mẫu giáo (bán trú). Trung tâm TTXH Phật Quang hiện đang nuôi dạy trên 200 trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến nay hoạt động được 20 năm đã hỗ trợ nuôi dạy trên 1.000 trẻ em; xây dựng nhà an cư lạc nghiệp, nhà đại đoàn kết, xây dựng trường học, cầu, đường giao thông nông thôn… và rất nhiều các hoạt động khác.







Chỉ riêng nhiệm kỳ IX (2017 – 2022), GHPGVN tỉnh tổ chức cứu trợ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh và các hoạt động nhân đạo từ thiện khác. Bên cạnh đó, GHPGVN tỉnh còn tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Ngày Vì Người nghèo” (trước đây), cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch” và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Chính phủ phát động, các hoạt động hỗ trợ, tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tổ chức các “bữa cơm yêu thương” trong vùng tâm dịch, với hàng ngàn phần ăn mỗi ngày, hoạt động “giải cứu nông sản”… tổng trị giá gần 1.004 tỷ đồng.
9- Công tác Thông tin truyền thông: Phối hợp và triển khai có hiệu quả việc biên tập và phát hành quyển Ánh Đạo Kiên Giang đến Tăng Ni và Phật tử trong toàn tỉnh, mỗi năm phát hành 02 quyển vào dịp sơ kết hoạt động 06 tháng đầu năm và tổng kết hoạt động Phật sự cuối năm. Tổ chức và tuyên truyền về chủ trương cũng như các kế hoạch hoạt động của Giáo hội có hiệu quả. Tham dự định kỳ họp giao ban hàng tuần giữa Ban Truyền thông với Ban Thư ký và Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh. Tham dự Hội nghị và khóa tập huấn do Ban TTTT Trung ương tổ chức. Cập nhật thông tin mới và các thông tin nóng trên mạng để kịp thời thông báo đến Tăng Ni vào ngày mùng 02 ÂL họp lệ Tăng sự hàng tháng để rút kinh nghiệm và phổ biến đến Phật tử.
Hiện nay Ban Thông tin truyền thông kết hợp cùng Kênh Phật sự Online, Ban Hoằng Pháp, Ban hướng dẫn Phật tử tỉnh tổ chức mỗi huyện đều có 02 điểm khóa tu tập trung một ngày An Lạc dành cho Phật tử toàn huyện, mỗi tháng 01 kỳ và tổ chức giảng pháp truyền hình trực tuyến.
10- Công tác của Ban Pháp chế: Tham mưu cho Giáo hội đã giải quyết ổn định việc Ban trị sự Phật giáo huyện, thành phố. Xác minh và báo cáo những thông tin của quần chúng và các vị hoằng pháp viên về những vấn đề phản ảnh có liên quan đến Phật giáo.
Ngoài các hoạt động nêu trên, GHPGVN tỉnh còn có rất nhiều hoạt động khác để “dưỡng đạo”, “hành đạo” và “quản đạo”, không ngừng củng cố tổ chức Phật giáo từ tỉnh đến các địa phương; tổ chức các kỳ Hội nghị, Đại hội; phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển… chức sắc tôn giáo; xây, sửa cơ sở thờ tự;…
40 năm hình thành và phát triển, GHPGVN tỉnh Kiên Giang không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính đạo, nhất là kịp thời thích ứng với sự phát triển của xã hội, như việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, điều hành và hoằng dương Phật pháp, góp phần phát huy hiệu quả tích cực khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, như: có kênh truyền hình hành lễ, giảng pháp trực tuyến kết hợp với phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo cho các đạo tràng tu học của Phật tử trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu tu học của quảng đại quần chúng các giới.


Ghi nhận thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động thời gian qua, đóng góp cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp của Giáo hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết tôn giáo và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc của GHPGVN tỉnh Kiên Giang, Ban Trị sự các cấp trong tỉnh và các vị chư Tăng Ni, Phật tử; những năm qua các cấp, các ngành từ trung ương đến tỉnh và GHPGVN đã tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, bằng tán dương công đức cho Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang và các vị chư Tăng Ni, Phật tử. Điển hình như: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Ban trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho tập thể Hội ĐKSSYN tỉnh; Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cố Trưởng lão Hòa thượng Danh Nhưỡng; Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Thượng tọa Thích Minh Nhẫn; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho Hòa thượng Danh Đổng… cùng hàng ngàn bằng tán dương công đức của GHPGVN cho các vị chư Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh.
***
Điểm lại 40 năm thành tựu Phật giáo tỉnh Kiên Giang, nổi bật là tinh thần hòa hợp của Phật giáo Kiên Giang ngày càng rõ nét, đó là sự hòa hợp trong các vị Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong các Hệ phái Phật giáo: Nam tông – Bắc tông – Khất sĩ; hòa hợp với các tôn giáo bạn và rộng lớn hơn là sự hòa hợp, đoàn kết giữa người có đạo và không có đạo, đúng với tinh thần được ghi nhận trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được sửa đổi lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ (2017 – 2022).

Tác giả: Mai Uyên

Bài viết liên quan

Phản hồi