Nổi bật những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo qua chuyến khảo sát của Ban Văn hóa TƯ GHPGVN tại tỉnh Thái Bình và Nam Định
PGĐS – Hôm nay, 21/12, đoàn Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo một số ngôi chùa tiêu biểu tại tỉnh Thái Bình và Nam Định, hướng tới hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”.
Tới thăm, khảo sát và tổ chức tọa đàm “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” tại Tổ đình chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), phái đoàn có HT. Thích Quang Nhuận – Uỷ viên HĐCM, Chứng minh và Cố vấn ban Văn hoá TƯ GHPGVN; HT. Thích Thọ Lạc – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN; HT. Thích Hải Ấn – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực ban Văn hoá TƯ GHPGVN; TT. Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hoá TƯ GHPGVN, chư Tôn đức Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Tiếp đón đoàn có TT. Thích Thanh Hòa – Uỷ viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình, chư Tôn đức trong tỉnh và đông đảo nhân dân Phật tử.
Về phía lãnh đạo chính quyền có ông Trần Quang Minh – Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ; ông Phan Văn Thưởng – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh, cùng đại diện các sở ban ngành của tỉnh và địa phương đồng tham dự.
Phát biểu tại buổi gặp, TT. Thích Thanh Hòa – Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình chào mừng phái đoàn đã tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo tại Tổ đình chùa Keo – khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Thượng tọa cho biết, chùa Keo được xây dựng theo kiểu ‘Nội công ngoại quốc’, bên ngoài là chữ Quốc, bao bọc bởi hai dãy hành lang bên tả, bên hữu gồm 42 gian, phía trước là hai cổng vào tòa nhà Hộ, phía sau là nhà thờ Tổ và gác chuông. Bên trong là chữ Công ‘kép’ (vì chùa thờ tiền Phật hậu Thánh). Chùa Keo là công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ, là bức tranh sinh động minh họa cho lịch sử văn hóa nước ta từ thế kỷ 17 đến 20, đồng thời là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Quốc và kiến trúc Việt Nam.
Đại diện Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, HT. Thích Thọ Lạc – Trưởng ban Văn hoá TƯ GHPGVN cho biết, chuyến đi khảo sát lần này sẽ nghiên cứu, thu thập tư liệu hơn 50 ngôi chùa đặc trưng, truyền thống của Phật giáo Bắc tông, tại 10 tỉnh thành, trong đó có tỉnh Thái Bình. Kết quả của chuyến đi sẽ góp phần tìm hiểu về thực trạng kiến trúc Phật giáo, di sản kiến trúc Phật giáo, các loại hình kiến trúc Phật giáo ở miền Bắc hiện nay (truyền thống, xây mới/sau trùng tu, tôn tạo). Đây cũng là cơ hội để lắng nghe ý kiến đóng góp của chư tôn đức các địa phương, chuyên gia về phương án dự kiến bảo tồn, quản lý, phát huy các giá trị đặc trưng truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Tiếp đó, Đoàn công tác đã dành nhiều thời gian khảo sát, nghiên cứu tỷ mỷ những nét đặc sắc, độc đáo của kiến trúc Phật giáo được lưu giữ, thể hiện trên các công trình kiến trúc chùa Keo. Chư Tôn đức Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đánh giá cao giá trị đặc trưng truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam tại chùa Keo. Đồng thời rất mong trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các ban ngành, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc Phật giáo chùa Keo.
Tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường (tỉnh Nam Định), HT. Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định, chư Tôn đức, quý lãnh đạo chính quyền và nhân dân Phật tử tỉnh Nam Định thân mật tiếp đoàn ban Văn hóa TƯ GHPGVN tới thăm, khảo sát và nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo của Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường và một số chùa trong Tỉnh.
Được biết, Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường được xây dựng vào năm 2006 trên diện tích 34.000m2. Phía trước đại tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là tôn tượng đức Phật A Di Đà bằng đồng nặng 17 tấn. Đại hùng bảo điện là một tòa phạm vũ uy nghiêm và khang trang rộng 4.840m2. Điện Phật được bài trí trang nghiêm, tôn trí bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, bộ tượng Thích Ca Tam Tôn, tòa Cửu Long…
Tại chùa Đại Bi (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), phái đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trên các công trình kiến trúc của Chùa. Hệ thống kiến trúc của chùa có nhiều nét độc đáo. Tam Quan (cổng chùa) không nằm chính giữa mà được xây dựng chếch về phía đông. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu đến nay Tam quan vẫn còn giữ lại nhiều nét chạm khắc thời Hậu Lê (thế kỷ 17 – 18). Với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chùa Đại Bi có tới 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Toàn bộ di tích được bố cục cân đối chắc khỏe, Từ ngoài nhìn vào ta thấy chùa như được nâng cao dần trong kiến trúc và như được trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến cho tổng thể công trình có thế vươn lên. Với hai dãy hành lang thấp dần, mộc mạc càng làm tôn thêm vẻ đẹp của chùa.
Tại chùa Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định), phái đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trên các công trình kiến trúc của Chùa. Chùa Cổ Lễ được xây dựng vào thế kỷ thứ XII thời Lý Thần Tông, trên một nền đất vuông, rộng gần 10 mẫu bắc bộ, cảnh quan sơn thủy hữu tình, xung quanh có sông nhỏ và hồ bao quanh. Ngôi chùa linh thiêng này ngoài thờ Phật, còn thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không, người có công lớn trong việc xây dựng chùa.
Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một Thiền sư có đạo đức cao cả, một trí thức uyên bác, có biệt tài về kiến trúc chùa tháp được giao về trụ trì chùa. Ông đã dốc tâm huyết kêu gọi các tín đồ, thập phương bỏ công, của để xây dựng lại ngôi chùa.
Trong khoảng thời gian sau đó, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt, nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan, mang phong cách cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, kiến trúc cổ kính phương Đông kết hợp với kiến trúc gô-tích phương Tây.
Tương truyền rằng nhà sư Phạm Quang Tuyên không cần một bản vẽ thiết kế nào, không cần một chút vật liệu hiện đại là xi măng, sắt thép mà chỉ là gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân để xây dựng nên ngôi chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo, vừa hiện đại vừa cổ kính…
Tại chùa Phổ Minh (Tp. Nam Định, tỉnh Nam Định), phái đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu những giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trên các công trình kiến trúc của Chùa. Chùa tháp Phổ Minh giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần. Kết cấu chùa bao gồm các hạng mục chính là Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, Hậu điện, nhà tổ, nhà tăng, nhà bia, hành lang, v.v..
Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, toà thượng điện cũng 3 gian nhưng rộng hơn, xếp theo hình chữ “công”. Bộ cửa gian giữa nhà tiền đường gồm 4 cánh bằng gỗ lim, to dày, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và văn hoa hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề, được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ. Cũng như đôi sấu đá trên thành bậc tam quan và đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần.
Xin trân trọng gửi tới quý độc giả những hình ảnh đã ghi nhận được:
Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại Tổ đình chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình):
Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường (tỉnh Nam Định):
Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại chùa Đại Bi (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định):
Đoàn tới thăm, khảo sát và nghiên cứu tại chùa Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định):
Nhóm PV
Phản hồi