Ngọc sáng trong hoa sen: “Tâm thanh tịnh vốn có sẵn cơ mà, nếu lấy tâm đi tìm tâm thì làm sao thấy”

Ngọc sáng trong hoa sen – một cuốn sách viết về tinh hoa phương Đông mà tỏa rạng hơn cả là đạo Phật. John Blofeld đã dùng gần trọn cuộc đời của mình đi qua những miền đất của phương Đông để tìm kiếm viên ngọc quý tại nơi đây và cũng là viên ngọc quý trong chính tâm của ông.

Ngọc Sáng Trong Hoa Sen là cuốn sách vô cùng giá trị về văn hóa phương Đông, được dùng làm tài liệu tham khảo tại nhiều trường đại học vì những kiến thức phong phú. 

Sách nói về cuộc du hành của tác giả John Blofeld tại châu Á. Những văn hóa, tôn giáo của phương Đông được tác giả chia sẻ chi tiết trong cuốn hồi ký này.

Cuốn sách kể về cuộc đời John Blofeld, từ khi còn nhỏ, ông say mê tượng Phật Thích Ca ngồi thiền, ngay cả khi ông còn chưa biết danh từ “Phật” có nghĩa là gì. Vậy mà đứa trẻ mười một, mười hai tuổi ấy đã đặt pho tượng một cách trang trọng nơi góc phòng rồi ngồi tĩnh tâm nhìn gương mặt an lạc của pho tượng.

Kể từ nhân duyên đó, khi lớn lên ông đã quyết định đặt chân mình đến phương Đông để “tầm sư học đạo”. Thuở ban đầu ông có vô vàn những trăn trở, đắn đo và thắc mắc về điều ông đang tìm kiếm. Những thắc mắc về luật luân hồi, về những tông phái của đạo Phật, đâu là tông phái phù hợp với ông, và điều mà ông đạt được sau khi tu tập là gì, tâm hồn ông sẽ biến chuyển ra sao,… Đây ắt hẳn cũng là thắc mắc, đắn đo chung của người Phật tử, người có lòng mến mộ và muốn tìm hiểu về đạo Phật.

“Dù đường vạn dặm cũng bắt đầu bằng một bước chân, dù biển khổ mịt mù nhưng một điểm sáng trong tâm cũng đủ giúp chúng ta nhận thức rằng sau đám mây mù kia vẫn có một chân trời xán lạn”. Cuốn sách Ngọc sáng trong hoa sen có thể giúp những độc giả đang trong trạng thái mơ hồ, tưởng như lạc lối trong cuộc đời mình có thể được xoa dịu trái tim, tìm ra một ánh sáng bình yên trong tâm. 

Ngọc sáng trong hoa sen (Tựa tiếng Anh: The Wheel of Life) xuất bản năm 1959, quyển sách được sự đón nhận nhiệt thành của độc giả với số bán kỷ lục trên một triệu bản ngay trong năm đầu tiên ra mắt. Cho đến nay, dù thời gian trôi qua, nhiều sự kiện đã thay đổi nhưng Ngọc sáng trong hoa sen vẫn là một trong những cuốn sách giá trị về phương Đông.

Cuốn Ngọc Sáng Trong Hoa Sen gồm 9 chương:

Chương 1: Mộng và thực

Chương 2: Tứ hải giai huynh đệ

Chương 3: Hổ cốt tửu và Thanh trúc địch

Chương 4: Nhẹ bước tiêu dao

Chương 5: Bắc Kinh

Chương 6: Ngũ đài sơn

Chương 7: Biển khổ

Chương 8: Buổi giao thời

Chương 9: Vầng dương tỏa rạng

Chín chương của cuốn sách là quá trình gần trọn cuộc đời John Blofeld tìm hiểu về những giá trị tâm linh châu Á. Theo Huston Smith – Giáo sư triết học phương Đông, Đại học Syracuse, New York: “John Blofeld không những là một học giả uyên bác với rất nhiều tác phẩm giá trị mà còn là một Phật tử tu theo hạnh Bồ Tát. Chỉ nội hai điều này đã đảm bảo giá trị những cuốn sách của ông và hơn thế nữa, ông còn là một người thiết tha với Chân, Thiện, Mỹ, một người đã lĩnh hội được tinh hoa phương Đông rồi trao truyền cho độc giả khắp nơi trên thế giới.” 

John Blofeld lần lượt đi qua những địa danh nổi tiếng, có duyên gặp gỡ với những bậc minh sư, những người đồng tu sáng dạ. Tất cả những nhân duyên đã đưa ông tìm được ánh sáng trong chính mình. Nhưng cũng như bao người, ông cần phải trải qua một quá trình thử thách cả về thể xác lẫn tinh thần. Có những lúc ông bế tắc khi nhìn thấy những người bạn đồng tu lần lượt rời xa thế giới. Có những khi “ông cứ luẩn quẩn ở bên ngoài” mà mãi không tìm thấy “chìa khóa” để khai mở tâm. Trải qua quá trình tu tập, cuối cùng, ông cảm nhận sự sống tuôn trào một cách mãnh liệt, “trái tim của tôi tự nhiên mở rộng rung động cùng nhịp với nhịp điệu của thiên nhiên và tôi thấy bản thân như tan biến, hòa nhập vào một biển ánh sáng kỳ diệu”.

Năm 1987, trước khi mất, tác giả cuốn sách Ngọc sáng trong hoa sen đã viết một lá thư gửi độc giả của mình. Trong thư ông viết: Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc “Tự mình mở mắt để nhìn rõ mọi vật” là một điểm then chốt vô cùng quan trọng để nâng cao giá trị đích thực của con người. Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh rằng: “Mọi chúng sinh đều có Phật tính, các đấng Như Lai chỉ là người dẫn đường, mọi người phải tự mình đi chứ không ai có thể đi giùm cho ai cả”. 

Sau đây, là những trích dẫn hay trong cuốn sách Ngọc sáng trong hoa sen:

“Phải chăng tự do chân thật là được sống đúng với bản tính của mình? Phải chăng bình đẳng là biết chấp nhận sự khác biệt giữa mình và mọi vật.”

“Có nỗi khổ nào lớn hơn nỗi khổ không thể giải thích các sự kiện xảy ra trong cuộc đời? Làm sao người ta có thể sống chập chờn giữa các sự kiện mơ hồ, không rõ rệt, cứ nghi nghi ngờ ngờ, lo lo sợ sợ, không biết đâu là đúng đâu là sai, đâu là chân lý và đâu là ảo vọng?”

“Nếu vì lý do gì họ không yêu thương thì cái mầm yêu thương nơi họ sẽ bị thui chột.”

“Người ta có thể coi thường tiền bạc khi trong túi xu hào rủng rỉnh; người ta có thể khinh rẻ vật chất khi vẫn có một mái nhà ấm cúng che chở, khi bao tử no đầy, nhưng người ta không thể thoải mái lúc trong túi không có tiền, không thể ung dung lúc bao tử trống rỗng.”

“Khi biết tất cả đều “Không” thì mới không sinh tâm quyến luyến, không sinh tâm ràng buộc, và như thế mới vượt qua khỏi các chướng ngại, sống ung dung tự tại.”

“Khi tâm không còn loạn động, không còn phiền não, không còn điên đảo thì sẽ sáng suốt, mà sáng suốt thì đâu còn khổ đau nữa.”

“Dù đường vạn dặm cũng bắt đầu bằng một bước chân, dù biển khổ mịt mù nhưng một điểm sáng trong tâm cũng đủ giúp chúng ta nhận thức rằng sau đám mây mù kia vẫn có một chân trời xán lạn.”

“Người tuy kẻ Nam người Bắc chứ Phật tánh nào có chia hai.”

“Tâm thanh tịnh vốn sẵn có cơ mà, làm gì phải đi tìm ở đâu. Nếu lấy tâm đi tìm tâm thì làm sao thấy!”

“Thà cực khổ từ kiếp này qua kiếp nọ để học hỏi, để vươn lên, để hiểu biết, để phát triển trí tuệ, để nhìn thấy sự thật mới là mục đích của đời người chứ không phải chỉ kéo dài sự thụ hưởng một cách nhàm chán, ê chề.”

 

Photo : Lan Anh

BTV : Diệu Anh 

  PGĐS –

 

Bài viết liên quan

Phản hồi