Hiếu kính – Một nếp sống sáng đạo

Bàn đến đạo hiếu tức là đề cập đến lối sống đạo đức của một cá nhân trong nhiều mối quan hệ thân cận, đặc biệt là mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ. Đây không những là tiền đề để xây dựng nếp sống gia phong mà còn là phương châm giáo dục để chúng ta nhận thức rõ truyền thống văn hóa dân tộc, cũng như thực hiện nếp sống đạo đức trong xã hội hiện tại. Bắt nguồn từ ý nghĩa đó, cuốn sách Hiếu kính ra đời như khẳng định lại giá trị ngàn đời tốt đẹp, đưa người đọc đi từ hiểu đúng đến hiểu sâu một cách chân thực nhất.

Cuốn sách Hiếu kính – giá trị đạo đức ngàn đời, là một tập sách nhỏ nêu ra nền tảng luân lý hiếu kính của Nho gia, Phật gia; những dung và xung đột giữa quan điểm đạo hiếu Nho và Phật; tư tưởng Nho – Phật đã ảnh hưởng đến đạo hiếu của người Việt Nam trong đời sống văn hóa dân tộc. Những nền tảng tri thức này được thầy Thích Hoằng Trí gói gọn một cách khéo léo và hết sức dễ hiểu, đặc biệt là thông qua những câu chuyện về hiếu kính và bất hiếu trong kinh điển sẽ giúp người đọc hiểu thêm các giá trị cốt lõi trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, từ đó hình thành lối ứng xử chuẩn mực, tốt đẹp.

Qua lăng kính tôn giáo

Từ cổ chí kim, việc hiếu kính với cha mẹ vẫn luôn được mọi người nhắc đến như một lời dạy bất hủ. Hiếu kính, một mặt mang tính hệ thống hóa tinh thần tự giác của con người, nhưng mặt khác nó cũng biểu hiện được tính liên đới giữa các thành viên trong cộng đồng xã hội. Vì thế dưới góc nhìn của các tôn giáo, đặc biệt là Nho giáo và Phật giáo, thì hiếu kính là một trong những thành tố quan trọng, góp mặt trong công cuộc làm nên những tố chất riêng của mỗi giáo lý tư tưởng, hướng con người ta đến một thế giới lương thiện nhưng vẫn luôn bám sát với hiện tại. Dĩ nhiên giữa Nho giáo và Phật giáo, cùng đề cập tới vấn đề hiếu kính, nhưng ở hai tôn giáo này lại có những nét xung đột khá rõ ràng. Tuy có khắc họa về sự khác nhau giữa hai tôn giáo, một điều hết sức nhạy cảm, ấy vậy mà cuốn sách đã lựa rất khéo những vấn đề để đưa ra, đối chiếu biện chứng để người đọc có cái nhìn bao quát đầy khoa học. Không phân biệt cao thấp mà chỉ đưa ra bàn luận về sự khác biệt, từ đó vận dụng phù hợp trong cuộc sống hằng ngày để trở nên tốt đẹp hướng thiện hơn, đây cũng là một tiêu chí tinh thần cho những ai muốn đọc và tìm hiểu về cuốn sách này.

Qua tấm gương hạnh hiếu

Tất cả chúng ta, từ thánh hiền đến phàm phu hiện hữu trên cuộc đời này, ai ai cũng từng thoát thai từ lòng mẹ. Điều đó cho thấy, chúng ta đã nhận được tình yêu thương của cha mẹ ngay cả khi hình hài còn chưa định rõ. Biết ơn tình cảm thiêng liêng đó, đã có không ít người con dầm mình vượt qua gian khổ chỉ để lấy nước ở khe núi cao cho mẹ uống khỏi bệnh; hay như cha mẹ lòa mà người con vẫn nguyện ngày đêm bên cạnh chăm sóc, không tiếc thân thể,… Mọi sự hy sinh cao thượng đó thực sự đã khiến rất nhiều người, trong đó có tôi, phải xúc động rơi lệ. Nhìn những tấm gương sáng ấy, rồi soi vào chính cuộc đời của mỗi chúng ta, có lẽ sẽ thấy hổ thẹn biết nhường nào. Vốn được xem như là chất liệu cần thiết để “nên người”, hiếu kính trong tâm thức của dân tộc Việt Nam luôn được đặt lên trên tất cả các biểu hiện khác trong hành vi con người.

Dù vòng xoáy thời gian có liên tục không lùi lại, thì chữ hiếu ngày nay vẫn không khác với chữ hiếu ngày xưa. Đó là tấm lòng biết ơn và đền ơn đối với cha mẹ. Đọc đến trang cuối cùng của cuốn sách, không chỉ tôi mà tất cả ai đọc Hiếu kính, đều thầm nhắc nhở bản thân với những câu hỏi có thực sự yêu thương cha mẹ hay chưa. Đừng đợi những gì đã khuất bóng rồi thì chúng ta mới lần mò trong đêm tối với tay không đi tìm, tất nhiên là sẽ chẳng bao giờ tìm lại được thứ đã tuột mất, và rồi hai từ “tiếc thương” sẽ bám víu phần còn lại của cuộc đời chính chúng ta.

Bài viết liên quan

Phản hồi