Nghệ An: Thắp nến hoa đăng Lễ Hội Đền Chùa Gám 2024

PGĐS – Tối thứ năm ngày 21/03/2024 tức 12/02 âm lịch, tại cụm Di tích Đền- Chùa Gám ( Chùa Chí Linh) xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tổ chức đêm thắp nến hoa đăng cầu Quốc Thái Dân An trong khuôn khổ Lễ Hội Đền Chùa Gám 2024.

Theo đại đức Thích Tuệ Minh, Trưởng Ban Hướng Dẫn Phật tử tỉnh Nghệ An “Lễ Hội truyền thống nơi đây chính là cách thể hiện lòng tri ân đến  chư Phật, các bậc Tiên Hiền, tiền nhân khai cơ lập nghiệp trên mảnh đất này, đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ cùng vui vẻ thông qua các lễ hội mang tính nhân văn, cố kết lòng người như: kéo co, bóng chuyền, cơ người, đấu vật…tạo khí thế mong một năm mới tràn đầy hạnh phúc”.

Tại tỉnh Nghệ An hiện nay, đây là nơi duy nhất còn tồn tại mô tuýp Đền- Chùa trong cùng một khuôn viên, tạo thành quần thể tâm linh tín ngưỡng tôn giáo độc đáo một cách hài hoà của xứ Nghệ. Tương truyền, Gám là tên của làng Chân Cảm xưa (gồm Tăng Thành và Xuân Thành nay); Đền Gám có tên chữ Chân Cảm Từ, dân gian gọi là Đền Cả, vì là ngôi Đền lớn nhất vùng Kẻ Gám trước đây (Chữ Cả là lớn nhất). Trong Đền thờ Đức Thành Hoàng Lý Thiên Cương; phối thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; Đức Thánh Trần Hưng Đạo; Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn; Quận bà Trịnh Ngọc Dong; cùng các bậc Tiên Hiền, tiền nhân khai ấp lập nghiệp có công trạng hiển hách với Làng; cũng như phụng thờ Bác Hồ cùng chư vị Anh Hùng Liệt Sỹ của huyện nhà. Chí Linh là tên chữ của chùa. Theo cổ sử còn lưu thì chùa có từ thời tiền Lý, lúc đó chỉ là Am Tranh nhỏ; đến thời Trần thì bắt đầu được mở rộng. Thế Kỷ 16 có Bà Quận Chúa Trịnh Ngọc Dong ( Dung), vợ Lại Quận Công Phan Công Tích đã phát tâm công đức tu sửa Đền Chùa. Từ đó nơi đây trở thành thắng địa tâm linh rộng lớn trong vùng.

Năm 1645, có Cụ Mạc Phúc Thanh thường được tôn danh hiệu là Ngũ Phương Tiên Sinh đã mở lớp dạy học tại đây và tạo danh tiếng khắp vùng vì có nhiều bậc danh thần công tướng của triều Hậu Lê được xuất thân từ lớp học này. Những giai đoạn phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh 30-31; giai đoạn chia lại ruộng đất 50-54; giai đoạn Văn Cách 60-67 Đền Chùa hầu như đã được tiêu thổ và sử dụng vào các mục đích công ích khác. 1972 Đền Chùa được trưng dụng làm trụ sở UBND xã Xuân Thành. Mãi đến những năm 2007-2008 khi Đền – Chùa được giao lại cho nhân dân quản lý thì bắt đầu được làm bằng Di Tích cấp tỉnh để dễ bảo tồn và phục hưng. Cuối 2011 khi Nghệ An chính thức phục hồi Phật giáo thì chùa cũng chính thức có sư trụ trì. Từ đây công cuộc tu tạo  bắt đầu được quy hoạch cụ thể để tạo diện mạo mới cho Đền- Chùa như hôm nay.

Một số hình ảnh ghi nhận

Ban TTPG Nghệ An 

Bài viết liên quan

Phản hồi