Nên phát huy các biểu tượng Giác Ngộ trong ngày lễ Phật giáo
Theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa, mỗi năm có bốn ngày lễ liên quan đến cuộc đời Đức Phật lịch sử. Đó là: Ngày 8/2 ÂL – Kỷ niệm Bồ Tát Tất Đạt Đa xuất gia, ngày 15/2 ÂL- Kỷ niệm Đức Phật nhập Niết bàn; Ngày 8/4 ÂL – Kỷ Niệm Đức Phật đản sanh theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông (Tại các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,…), còn Lễ Phật đản được cử hành vào 15/4 ÂL là theo sự thống nhất tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, năm 1950; Nggày 8/12 ÂL là kỷ niệm Bồ Tát Tất Đạt Đa thành đạo. Như vậy, mỗi năm có ba tuần lễ hội Phật giáo liên quan đến cuộc đời Đức Phật. Đó là Đản Sanh (8-15/4 ÂL, Thành Đạo ( 8-15/12 ÂL) và Niết Bàn (8-15/2 ÂL).
Dù Phật giáo đã dẫn đạo dân tộc hơn 2000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần từng làm Quốc Giáo, nhưng do những biến thiên thăng trầm của lịch sử, mãi đến hôm nay các đại lễ ấy không được phổ cập triệt để trong quần chúng so với các lễ hội Tây phương. Phần vì khâu tổ chức của các tự viện Phật giáo tùy duyên khá khiêm tốn, bị thiếu phần hội nên không hấp dẫn được quần chúng.Nhất là không có sự tham gia quảng bá của các doanh nghiệp nhằm kích cầu cho lễ hội phát triển.Sở dĩ như vậy là chúng ta thiếu những biểu tượng Phật giáo đặc trưng cho từng lễ hội Phật giáo, thay thế cho sự trang nghiêm của Tượng Phật khi tín đồ Phật tử muốn trang trí cúng dường lễ hội Phật giáo tại các cơ quan công sở như trường học, bệnh viện, nhà hàng, quán nhậu, làng chài v.v… mà không phù hợp với quy định của Pháp Luật và hoàn cảnh cụ thể. Chính vì tâm lý dè dặt, tôn kính hình tượng Phật mà không có biểu tượng khác để quảng bá, nên đã hạn chế phổ truyền Phật giáo lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội.
Nhiều năm trước, chúng ta đã vận động treo cờ Phật giáo thành công song song với việc lấy đèn hoa sen làm biểu tượng đặc trưng cho mùa Phật đản. Nhằm tạo nên lễ hội lồng đèn hoa sen trong suốt tuần Phật đản cũng như tôn vinh Quốc Hoa Việt Nam, để thể hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc trước sự kiện thiêng liêng này, vì Đức Phật đản sanh vào mùa sen nở. Đã có những thành tựu nhất định khi các tự viện, gia đình Phật tử trong cả nước treo đèn hoa sen để kính mừng Phật đản.
Lồng đèn hoa sen kính mừng Đại Lễ Phật Đản
Tuy nhiên, để tránh sự trùng lập trong các lễ hội Phật giáo, chúng ta không thể lấy lồng đèn hoa sen làm biểu tượng mãi, tránh tâm lý nhàm chán cho quần chúng Phật tử. Vì vậy cần phải chọn ra các biểu tượng thích hợp gắn liền với cuộc đời Đức Phật cho từng lễ hội khác nhau, nhằm lan tỏa thông điệp từ bi của Đức Phật.
Vì Đức Phật là đấng giác ngộ duy nhất sanh ra, thành đạo và nhập niết bàn đều ở dưới gốc cây, nên trong các dịp lễ Thành Đạo và Niết Bàn nên lấy Cây Bồ Đề và hoa Sa La làm biểu tượng là phù hợp nhất. Ngoài tôn vinh thông điệp bảo vệ môi trường, tôn trọng thiên nhiên, còn giúp cho Phật giáo lan toả vào tận hang cùng, ngõ hẻm tối tăm của xã hội mà không bị rào cản bởi tinh thần hướng thượng.
Hoa Sa La
Do đó, trong tuần lễ Đức Thành Đạo ( 8-15/2 ÂL). Ngoài việc các chùa viện Phật giáo, trang hoàng hình tượng Đức Phật Thích Ca, thiết nghĩ nên lấy Tượng Phật Địa Xúc làm biểu tượng thống nhất song song với việc trang trí cây Bồ đề. Như lễ Phật đản đã có tượng Phật đản sanh chủ đạo. Các gia đình Phật tử tuỳ theo khả năng của mình mà thiết kế cây Bồ đề mang tính sáng tạo, không bị gò bó. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các bậc tôn túc, nên tránh tô vẽ cây Bồ đề có lá vàng, rễ lòng thòng trái tự nhiên, hoặc hoa leo và các đôi Nai hươu theo cặp. Đây là điềm bất tường cho Phật giáo và trú xứ lưu giữ các hình tượng cây Bồ Đề biến tướng như thế. Nhân dịp này nên tổ chức tụng kinh Chuyển Pháp Luân, sám Phật Thành Đạo, cũng như tặng nhau biểu tượng lá Bồ Đề. Các quán xá tuỳ ý trang trí Lá Bồ đề mà không ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của mình.
Còn vào tuần lễ Đức Phật nhập Niết Bàn, ngoài việc tôn trí tượng Phật Niết Bàn ở các tự viện, nên lấy hoa Sa La làm biểu tượng trang trí trong tất cả trú xứ. Lưu ý hoa Sa La là loại hoa màu Trắng, tránh nhầm lẫn với hoa Đầu Lân đang được phổ biến hiện nay.Nên thống nhất tụng kinh Di Giáo hay kinh Đại Bát Niết Bàn trong suốt thời gian tưởng niệm.
Có như vậy thì sự trang hoàng của các tự viện, gia đình Phật tử trong suốt ba tuần lễ Đản Sanh, Thành Đạo và Niết Bàn sẽ thêm phần sinh động, sáng tạo, tùy duyên và phổ biến, bởi không chỉ dựa vào hình tượng đức Phật Sơ Sinh, Địa Xúc, Nhập Niết Bàn để tuyên truyền lễ hội. Đồng thời sẽ tạo ra phong trào miễn dịch với các lễ hội tôn giáo phương Tây trong lòng tín đồ Phật tử. Bởi chư Tăng Ni Phật Tử không thể mãi kêu gọi giới tín đồ Phật giáo từ bỏ tham dự lễ Noel mà thiếu nội dung thay thế. Vì nhu cầu của quần chúng là đi chơi hội sau những tháng ngày căng thẳng. Nên không thể đóng khung lễ hội Phật giáo nơi chùa viện.
Cây Bồ Đề kính mừng đại lễ Phật Thành Đạo tại tư gia Phật tử
Một đóm lửa không thể xoá tan đêm tối vô minh nhưng cũng đủ loé lên niềm hy vọng. Một cánh én không thể làm nên mùa xuân nhưng cũng là dấu hiệu chuyển mình của thời khắc thiêng liêng. Thiết nghĩ, chúng ta phải góp phần chấn hưng Phật giáo bằng hành động cụ thể nhất để Phật hoá nhân gian, nhằm đền ân chư Phật trong muôn một. Đó là trách nhiệm của người Phật tử.Lễ hội Phật giáo tuy chỉ là hình thức vô thường nhưng có tầm vóc tối quan trọng trong việc duy trì Phật giáo nhân gian. Đó chính là bản hoài “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Tri Kiến Phật Trí Kiến” của ba đời chư Phật. Nhất phải xứng đáng với là sự hy sinh cao thượng của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni.
Thích Như Dũng
Phản hồi