MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TỪ CUỘC KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ BA

       PGĐS – Trong lịch sử nhân loại, có một hiện tượng mang tính quy luật đó là sự phân phái của các hệ thống triết lý tôn giáo lớn trong quá trình phát triển của chúng. Phật giáo cũng không phải là ngoại lệ, bởi sự phân phái của Phật giáo được biểu hiện qua quá trình truyền bá và phát triển, đặc biệt trong tiến trình du nhập mỗi khi Phật giáo đến một miền đất mới. Về hình thức, đây là sự tập hợp lại những giáo lý và giới luật của Đức Phật đã nói khi còn tại thế, song sâu bên trong, nó thể hiện sự phân hoá về tư tưởng trong tăng đoàn do tác động trực tiếp của đời sống xã hội.

     Xét một trường hợp cụ thể là kỳ kết tập kinh điển thứ ba của Phật giáo Ấn Độ cổ đại, ta có thể làm rõ hơn nữa những tác động này của xã hội, đồng thời khẳng định được tính thống nhất về tư tưởng giải thoát của Phật giáo sau tiến trình phân phái.

     

      Tiến trình và nội dung của cuộc kết tập kinh điển lần thứ ba

     Khoảng đầu thế kỷ III trước công nguyên, đạo Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ. Chùa chiền và bảo tháp mọc lên khắp nơi, số lượng tăng ni, phật tử cũng tăng lên rất đông bao gồm mọi tầng lớp, thành phần, các giai cấp và địa vị trong xã hội. Các tài liệu nhận định rằng: “Động cơ trực tiếp của Đại hội này là giải quyết nguy cơ làm suy yếu Tăng đoàn tại Pataliputra do việc cho gia nhập những người ngoại đạo vào Dòng thụ giới”. Theo Đại sử (Mahavamsa), trong triều đại vua Ashoka, Phật giáo được xem là quốc giáo, tăng chúng được nhiều sự ưu ái, các tu sĩ ngoại đạo cũng vì thế mà xuất gia theo đạo Phật rất nhiều. Tuy nhiên họ vẫn giữ nếp sống cũ dẫn đến nhiều hành vi trái với giới luật của Phật.

     Kỳ kiết tập thứ ba được tổ chức chính yếu để tẩn xuất những tu sĩ suy thoái và giả dối, những người theo quan điểm dị giáo, phạm phải nhiều điều cấm kỵ trong giới luật của Phật giáo (nhưng không cấm ở các tôn giáo khác thời bấy giờ) dẫn đến hình ảnh của tu sĩ Phật giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, họ còn đem rao giảng giáo lý của ngoại đạo cho tín chúng, khiến cho Phật pháp trở nên hỗn loạn, dẫn đến sự thiếu chặt chẽ và bất hoà trong tổ chức tăng đoàn. Giáo lý và giới luật có phần lỏng lẻo, không thống nhất.

     Kỳ kiết tập được triệu tập vào năm 326 TCN dưới triều vua Ashoka ở Pataliputta. Trưởng lão Moggaliputta Tissa chủ trì hội nghị này và 1.000 vị Tăng dưới sự bảo trợ của Hoàng đế Ashoka, tổ chức tại Lâm Viên (Uyyana), thuộc nước Ma Kiệt Đà (Maggadha).

     Nội dung của kỳ kết tập này gồm đủ Tam tạng: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Cuộc kết tập trải qua 9 tháng thì hoàn tất, Ngài Moggaliputta Tissa nêu ra những quan điểm và tri kiến sai lầm của các bộ phái qua ba trăm vấn đề về giáo lý. Ngài dựa vào bộ phái gốc Theravàda (giáo lý Phật giáo nguyên thuỷ) để bác bỏ các luận cứ sai lạc tại thời điểm đó, và cho kết tập vào bộ Kathàvatthu của tạng Vi Diệu Pháp – Abhidhamma.

    Ngài Moggaliputta Tissa đã soạn bộ Thuyết sự (Kathavatnu) để nêu lên những điểm khác biệt giữa Phật giáo và các học thuyết ngoại đạo, nhằm phản bác giáo nghĩa của các ngoại đạo đương thời, loại trừ những hỗn loạn trong Tăng già và củng cố sự trong sáng vốn có của Phật pháp. Điểm nổi bật của Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba là lần đầu tiên, Tam tạng Thánh điển được hình thành trọn vẹn biểu hiện qua Thắng Pháp Tạng (Abhidhamma, A Tỳ Đàm, Vi Diệu Pháp, Luận Tạng).

     Một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất của kỳ kiết tập này là việc nhà vua đã phái những Tăng sĩ tinh thông Pháp và Luật của Đức Phật, đến truyền bá Phật pháp ở chín quốc gia khác nhau trong khu vực.

     Sau kỳ kết tập, một số vấn đề được rút ra là:

     Thứ nhất, cho thấy sự tác động trực tiếp của đời sống xã hội, các chính sách xã hội đã làm thay đổi hình thái hoạt động của tôn giáo (ở đây là sự tăng lên về số lượng tín đồ, cũng như đa dạng hoá về giáo lý tôn giáo, là hệ luỵ của việc tăng lên mất kiểm soát trong cộng đồng tín đồ).

     Thứ hai, từ việc giáo lý tôn giáo bị đa dạng do cách tiếp cận khác nhau, diễn giải khác nhau, dẫn đến sự khúc xạ về mặt nội dung các triết lý. Kéo theo đó là sự tranh luận không ngừng và hệ quả là sự phân phái của hệ thống triết thuyết tiếp diễn một cách sâu sắc.

     Thứ ba, thông qua lần kết tập kinh điển này, Phật giáo đã hoàn thiện Tam tạng Kinh điển, vua Ashoka đã cử những đoàn truyền đạo Phật giáo đến các nước khác, tạo nên một sự khởi phát cho Phật giáo sau này.

     Đặc điểm của kỳ kết tập kinh điển thứ ba

     Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, kỳ kết tập này đã giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách của giáo hội thời điểm bấy giờ. Ở lần kết tập thứ ba này, hội chúng đã giải quyết được những mâu thuẫn nội tại trong hệ thống tăng đoàn, kịp thời tẩn xuất những tu sĩ giả dối và có khuynh hướng suy thoái, những người sống trong tăng đoàn nhưng lại có quan điểm dị giáo, có ý định bóp méo giáo lý nguyên thuỷ để phục vụ mong muốn làm trái giới luật Phật răn trong kinh tạng nguyên thuỷ, làm mất uy tín của giáo hội và tăng đoàn trong mắt tín đồ.

     Từ đây ta thấy được tầm quan trọng của giáo hội và chư vị cao tăng tôn túc, là kiểm soát và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, trái với giáo lý và giới luật chung của tăng đoàn. Đồng thời thanh lọc để tạo nên một tập thể tăng đoàn thanh tịnh, làm nơi an trú cho người trên đường đi tìm sự giải thoát bằng giáo lý Phật đà.

     Đặc điểm thứ hai là sự thống nhất trong tư tưởng giải thoát thông qua tiến trình tu tậpNhư đã thấy ở trên, tuy các tông phái sau phân phái có những quan niệm khác nhau về phương pháp tu tập cũng như những quan điểm ngoài lề về quả vị chứng đắc, nhưng cơ bản đều chung một mục đích là hướng đến sự giải thoát. Tất cả đều đồng tình rằng tu tập là quá trình chuyển hoá suy nghĩ và hành vi, hướng từ điều bất thiện đến điều lương thiện, từ việc làm mang đến hậu quả xấu đến việc làm mang đến kết quả tốt. Thông qua quá trình rèn luyện để kiểm soát hành vi (thân), lời nói (khẩu) và suy nghĩ (ý), tất cả các tông phái dều thống nhất rằng đó là cách thức tốt nhất để đưa bản thân mình thoát khỏi những đau khổ và ràng buộc ở đời.

     Người ta cho rằng sự phân chia các bộ phái là “phong phú đến phức tạp về học thuyết”, nhưng về tư tưởng, nhờ đó Phật Giáo thêm phong phú vì các bộ phái đều nỗ lực phát huy chủ trương của mình, kết quả đạt được là hệ thống Văn Học Phật Giáo A Tỳ Ðàm (Abhidharma).

   Qua đó, có thể thấy được sự thống nhất về mặt nội dung tư tưởng của Phật giáo. Dù trải qua những tác động của lịch sử cụ thể, chuyển biến và phân phái về mặt triết lý, tuy nhiên vẫn lấy giải thoát làm mục đích cuối cùng, rèn luyện sự lương thiện của 3 nghiệp thân, khẩu, ý làm phương pháp căn bản. Đó chính là sự nhất quán trong tư tưởng của Phật giáo, cũng là những đặc điểm nổi bật, có giá trị cốt lõi được biểu hiện cụ thể thông qua các lần phân phái, mà ở đây cụ thể là kỳ kết tập kinh điển lần thứ ba.

Thích Ngộ Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi