Miền Tịnh độ ở đâu?

Sau đây là một câu chuyện dài với 3 nhân vật: Một cô gái đi du lịch phương xa, một kẻ giết người và một nhà báo nữ.

 

Một cô gái Nhật, Tomomi Hanamure, đi du lịch một mình nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 34 của mình. Cô đã đi nửa vòng trái đất như là thể hiện cao tình yêu với miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ suốt cả mười năm. Vào ngày 8-5-2006, cô đến thắng cảnh Grand Canyon (Hẻm Núi Lớn, thuộc bang Arizona, Hoa Kỳ), tìm đến thác Havasu, nước trong xanh chảy vào các hồ nước sâu đến 100 feet với các thảm dương xỉ, một điểm đến nổi tiếng của khu bảo tồn văn hóa người da đỏ Havasupai.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày hôm sau, nhà nghỉ không thấy cô về, chắc là cô bị lạc nên giới chức an ninh đi tìm. Sau một ngày, người ta phát hiện thi thể cô nằm trong đầm nước với 29 vết dao đâm. Cơ quan điều tra FBI đã tìm ra thủ phạm: Đó là Randy Redtail Wescogame, một thanh niên 18 tuổi thuộc bộ lạc Havasupai. Wescogame đã có tiền sử lâu dài về tội phạm vị thành niên, lạm dụng chất gây nghiện và nghiện meth – một loại ma túy. Động cơ giết người, theo cơ quan điều tra, là cướp tiền mặt, thẻ tín dụng và điện thoại di động.

Một nhà văn, nhà báo nữ, Annette McGivney đã viết câu chuyện giết người này trên một tạp chí du lịch tháng 6-2007, và tưởng rằng chuyện đã đi vào lãng quên. Nhưng không… Nạn nhân và kẻ sát nhân vẫn cứ ám ảnh cô. Có gì ẩn khuất đàng sau cuộc đời của thủ phạm với một vụ giết người tàn bạo nhất trong lịch sử của Grand Canyon? Hơn nữa, nạn nhân là một phụ nữ Nhật đi một mình vào nơi rừng sâu núi thẳm quá xa lạ thì chắc chắn có gì bí ẩn? Thế là cô nhà báo tìm về quá khứ của hai người kia, như là thực hiện sứ mạng của chính mình.

Cô cho biết: “Cuối cùng tôi đã kết nối với gia đình Hanamure, và sống với họ ở Nhật trong ba tuần. Họ đưa cho tôi tạp chí du lịch của cô ấy, mà sau này tôi đã sử dụng để tìm lại con đường du lịch của cô trên khắp phương Tây. Tôi cũng đã biết gia đình kẻ giết người Wescogame. Và sau khi Wescogame chấp nhận biện hộ, FBI đã chia sẻ với tôi các hồ sơ điều tra của họ mà trước đây họ đã giấu các phóng viên”.

Thế rồi những gì cô nhà báo nghĩ ban đầu chỉ là sự tò mò, dần dần biến thành nỗi ghê rợn. Cô bắt đầu gặp cơn ác mộng, mất ngủ, phải tìm đến bác sĩ tâm thần. Cuối cùng cô phải thừa nhận một bí mật đối với bản thân và với người khác trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình.

“Tôi đã bị cha tôi ngược đãi dữ dội khi tôi còn là một đứa trẻ, giống như cách Wescogame bị cha đánh đập. Và tôi nghĩ rằng, nếu cha tôi mất khả năng kiểm soát hành vi thì sẽ giết tôi. Mẹ tôi, người chủ yếu nằm trên giường với chứng trầm cảm mãn tính, không bao giờ can thiệp”.

Tình trạng bạo hành như gia đình cô nhà báo không phải là cá biệt. Theo báo cáo từ Bộ Y tế và Dịch vụ Con người, có 3,4 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ bị coi là có nguy cơ nạn nhân của hành hạ và bỏ bê gia đình trong năm 2015. Con số này đã tăng lên đều đặn trong những năm qua. Đó là chưa kể những đứa trẻ bị ngược đãi không được báo cáo vì chúng bị mắc kẹt trong những gia đình trung lưu trông có vẻ ổn định bên ngoài. Vô số trẻ em bị bạo lực gia đình và không nhận được sự giúp đỡ trong việc xử lý chấn thương vào thời niên thiếu sẽ phải chịu những tác động tâm lý không thể tránh khỏi ở tuổi trưởng thành. Trong khi điều này có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân, nó cũng dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội. Thống kê cho thấy phần lớn tội phạm bạo lực là nạn nhân của lạm dụng trẻ em. Nghiện ngập ma túy trong gia đình cũng thường liên quan đến chấn thương thời thơ ấu.

Cô nhà báo Annette McGivney đặt câu hỏi và tự trả lời: “Làm thế nào để chúng ta phá vỡ chu kỳ bạo lực và tuyệt vọng này? Câu trả lời, theo như tôi nghĩ, chỉ đơn giản là thế này: nơi hoang dã”. Vì sao? Cô đã giãi bày nổi khổ đau, cay đắng và bình an của chính cuộc đời cô, và nay cô đem đối chiếu với thực tế chuyện giết người mà cô băn khoăn.

“Chính mối quan hệ của tôi với thiên nhiên đã cứu tôi thời thơ ấu và cả thời trưởng thành khi tôi vật lộn với chẩn đoán PTSD khởi phát muộn (PTSD: Posttraumatic stress disorder: Bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương). Khu rừng bên ngoài vùng nông thôn, thời thơ ấu của tôi là nơi an toàn của tôi, làm cho cuộc sống tôi có ý nghĩa. Những chuyến đi hoang dã kéo dài và những chuyến đi bộ xa hàng ngày luôn là một phần của thói quen khi tôi trưởng thành. Trong thời gian tôi bị chấn thương trở lại bởi những ký ức tuổi thơ dằn vặt, thiên nhiên đã trở thành con đường sống của tôi. Đi bộ trong rừng cho tôi cảm giác bình yên và hiệu quả hơn nhiều so với dùng thuốc hay trị liệu bằng đối thoại. Chấn thương thời thơ ấu là điều tôi có chung với Hanamure và Wescogame. Nhưng trong khi cả Hanamure và tôi đều tìm thấy phương thuốc chữa lành trong tự nhiên, Wescogame đã bị ghẻ lạnh khi phần lớn thời thơ ấu của mình phải trải qua sau hàng dây thép gai của các cơ sở cải huấn vị thành niên”.

Giám đốc lâm sàng Viện Nghiên cứu bạo lực gia đình tại Đại học Bắc Arizona, Melissa Rhodes cũng nói lên điều tương tự: “Những đứa trẻ chia sẻ sự mới lạ khi ở trong một khung cảnh hoang sơ, kỳ diệu sẽ khám phá ra những sức mạnh mới nơi bản thân và những năng lực mới để kết nối với người khác”.

Người đọc phải chăng có thể chia sẻ với sự kết thân lãng mạn này không? “Khi tôi là một cô gái đi một mình trong rừng, tôi thường tưởng tượng những cái cây đang ôm tôi. Tôi có thể cảm nhận được tình yêu. Ngày nay, trẻ em đang phải chịu đựng những tác động của bạo lực gia đình rất cần cái ôm này. Tôi hy vọng bạn sẽ cùng tôi giúp đỡ họ”.

Và cô đã biến lãng mạn thành thực tế. Cô đã khai sinh một dự án, lấy tên “Healing Lands Project” (tạm dịch: Dự án Đất Lành), và đã khai trương chuyến du hành đầu tiên vào tháng 6 năm 2018, với sự cộng tác của các chuyên viên Viện Nghiên cứu bạo lực gia đình và sự hướng dẫn của Tổ chức Grand Canyon Youth (Tuổi trẻ Grand Canyon). Chuyến đi kéo dài trong 5 ngày, nhằm phục hồi sức khỏe tinh thần cho 8 đứa trẻ nạn nhân của bạo lực gia đình; trẻ sống trong rừng, cắm trại ngoài trời, cảm nhận bình yên giữa trời đêm và nghe tiếng con sông trôi…

Trước đó, năm 2017, cô cũng đã xuất bản cuốn sách Pure Land, A True Story of Three Lives, Three Cultures and the Search for Heaven on Earth (Miền Tịnh độ – một câu chuyện thật về ba cuộc sống, ba nền văn hóa và đi tìm thiên đàng trên trái đất).

Tịnh độ? Có phải Tịnh độ trong Phật giáo? McGivney tự nhận mình không am hiểu đạo Phật, nhưng cũng nhận biết các thành viên gia đình Hanamure thực sự là Phật tử theo Tịnh độ. Cô bắt đầu nghiên cứu về điều đó và được biết rằng những người theo đạo Phật Tịnh độ cầu nguyện được tái sinh ở miền Tịnh độ Tây phương.

Cô chân thành bộc lộ nỗi niềm của một người mới đến đạo Phật ban sơ với biên tập viên tạp chí Tricycle: “Đối với Tomomi Hanamure, Grand Canyon là thiên đường phía Tây của cô. Đó là ý nghĩa của Tịnh độ đối với tôi. Nó ở ngoài trời. Tôi luôn biết điều này từ trong sâu thẳm đời tôi”.

“Không phải đến khi tôi bắt đầu nghiên cứu để viết sách, tôi mới phát hiện ra các nguyên tắc Phật giáo liên kết chặt chẽ với tình yêu thiên nhiên của tôi như thế nào. Thay vì ngăn cách tôi với trái đất, đạo Phật hỗ trợ mong muốn của tôi là một với trái đất. Đối với tôi, thực hành chiêm nghiệm là trong tự nhiên. Tôi tập thiền trong nhà và tập thiền khi tôi thức dậy và ngay trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, thực tế của tôi là trên những chuyến đi bộ hàng ngày trong rừng. Lớn lên trong trạng thái sợ hãi như định hình đứa trẻ, nhưng tôi vượt qua được là nhờ lòng trắc ẩn mà tôi cảm nhận từ thiên nhiên. Khi tôi đi qua khu rừng, tôi cảm thấy được cây yêu thương. Hơi ấm tỏa ra từ Đất Mẹ, như thể tôi đang được ôm ấp bởi năng lượng vô hình. Tịnh độ của tôi nằm trong Rừng quốc gia Coconino, gần nhà và tôi có thể đi bộ mỗi ngày. Khi tôi bước ra đường và vào rừng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm ngay lập tức, giống như tôi đang bước vào ngôi nhà thực sự của mình”.

Nếu thiên nhiên hoang dã đã chữa lành cô khỏi bệnh rối loạn tâm lý PTSD thời tuổi nhỏ, và nay là miền Tịnh độ để cô bình tâm trong cuộc đời này, thì cô và dự án Healing Lands Project sẽ mở rộng vòng tay thân ái cho những trẻ bất hạnh và tù túng do hậu quả của nạn bạo hành, và cùng với rừng cây che chở bình yên, sẽ phục dựng tâm hồn lành mạnh để trẻ cùng sống an toàn và bình đẳng với mọi người. Từ đó, miền Tịnh độ sẽ rộng mở hơn nữa…

Tư liệu sử dụng:

– Annette McGivney; Murder, violence, and healing in the wilderness; website snewsnet.com, 11-7-2017.

Alex Tzelnic; Finding the Pure Land in Nature; tạp chí Tricycle, 3-4-2019.

– Trang web của The Healing Lands Project.

Bài viết liên quan

Phản hồi