Lịch sử Di tích nghệ thuật chùa Quảng Phúc (Chùa Nhuệ Hổ)
I. Tên gọi di tích:
Chùa Quảng Phúc – Chùa Nhuệ Hổ (Quảng Ninh), tên của chùa xuất phát từ tên gọi của làng, Nhuệ có nghĩa là sắc bén, Hổ ở đây chỉ một con vật có sức mạnh trong các loài sơn lâm. Lấy hai chữ Nhuệ Hổ đặt tên cho làng, có nghĩa chỉ một Làng mạnh mẽ sắc bén.
Chánh điện chùa Quảng Phúc (Chùa Nhuệ Hổ)
Theo văn bia để lại thì là Quảng Phúc tự, có nghĩa là chùa có nhiều phúc đức rộng lớn. Trước những năm 1970, gọi là Chùa Hồng Ân (ân đức to lớn và đẹp đẽ).
II. Sự kiện nhân vật lịch sử:
Trong lịch sử phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước: Đông Triều – Quảng Ninh là mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh bất khuất, mảnh đất địa linh sinh nhân kiệt, có lịch sử truyền thống văn hóa lâu đời như Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Trần tại Đông Triều (Đền Sinh, chùa Ngọa Vân, chùa Hồ Thiên, chùa Quỳnh Lâm, Thái miếu lăng tẩm các Vua Trần, quán Ngọc Thanh,…), cụm Di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức, cụm di tích lịch sử Yên Thọ, Di tích Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chùa Bắc Mã, Đình Chùa Hổ Lao), Di tích cách mạng chùa Non Đông, Đền bà Nữ tướng Lê Chân,…
Chùa Hồng Ân Quảng Phúc Nhuệ Hổ cũng như nhiều ngôi chùa làng quê khác của Vùng duyên hải Bắc bộ, được nhân dân xây dựng để làm nơi thờ cúng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, nơi nuôi dưỡng tâm hồn bản sắc văn hóa dân tộc. Có thể nói, ngôi chùa là một con đường dẫn ta về quá khứ, trong cuộc hành trình đến với Tổ tiên, trở lại cội nguồn của dân tộc.
Chùa Nhuệ Hổ là nơi chứa đựng những tinh hoa, biểu hiện sâu đậm về bản sắc văn hóa của dân tộc, của làng quê Đông Triều; là sản phẩm văn hóa tinh thần làng xã, nó phản ánh những tâm tư, tình cảm, sự trăn trở, nỗi suy tư và niềm khát vọng của người dân vùng nông thôn.
Chùa Quảng Phúc là một trong số ít những ngôi chùa làng ở Đông Triều còn nguyên vẹn đầy đủ đến ngày nay. Chùa được xây dựng từ bao giờ thì không biết chính xác, nhưng qua hệ thống bia đá còn lại trước cửa chùa thì ngày 20 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 17 (1696) chùa đã được trùng tu sửa chữa. Như vậy chùa phải có trước đó khoảng gần 100 năm (đầu thế kỉ 17).
Theo các cụ kể lại thì mặc dù là ngôi chùa làng nhưng quy mô cũng khá lớn và khang trang bao gồm chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà tăng, vườn tháp, vườn bia, tam quan, sân, vườn, ruộng, các cây ăn quả um tùm,…thành một tổng thể khép kín, với kiến trúc nội công ngoại quốc. Từ đó tới nay, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa và được bia đá ghi lại:
“Ngày 20 tháng 12 năm Chính Hòa thứ 7 (1696) nhân việc trùng tu chùa, bà Lê Thị Nhiên hiệu Diệu Hương, xã Nhuệ Hổ, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đã góp vào chùa 1 sào ruộng tọa tại số … Đông-Tây-Nam-Bắc như trong địa bạ”.
“… Năm Bính Ngọ (1786) bản tổng thấy chùa Quảng Phúc nguyên là danh lam cổ tích do tiền nhân khai sáng nhưng lâu ngày bị đổ nát điêu tàn. Quan viên bản thôn đồng lòng kính mộ làm thiền duyên thiện sự khai sáng thiền môn thay cũ đổi mới, trồng nhiều cây cối làm cho cảnh chùa thanh u, cải tạo ruộng vườn để ngàn năm xanh tốt…”
“… Ngày 15 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), Hương lão và mọi người trong xã Nhuệ Hổ, huyện Đông Triều, phủ Kim Môn (có tên trong bia) cùng với sư trụ trì chùa bỏ ra 15 chuỗi tiền xanh tô thếp tượng Phật…”
“… Ngày tốt tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), Hương lão chức dịch xã Nhuệ Hổ và mọi người trong xã (có tên trong bia) cùng với sư trụ trì chùa bỏ ra 5 quan tiền xanh tô thếp tượng phật…”
Trải qua thăng trầm của lịch sử, bom đạn của chiến tranh và điều kiện kinh tế khó khăn, một thời gian dài chùa không được quan tâm sửa chữa nên bị mai một hư hỏng nhiều. Năm 1995 các Phật tử gần xa đã tín tâm công đức xây lại 5 gian tiền đường, sửa chữa lại ba gian hậu cung, tô đắp lại tượng Phật bị hỏng, bị mất… Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương đã sửa chữa xây lại phần hậu cung của Tam Bảo.
Là một ngôi chùa làng nhưng chùa Quảng Phúc – Nhuệ Hổ không lúc nào vắng tiếng chuông ngân của các sư trụ trì làm cho cảnh chùa đông vui ấm cúng. Các sư ở đây đều có lòng mộ đạo, học rộng biết sâu như: “Sư thầy Ma-ha-sa-di tự Hải Nhai, người Ngẫu Khê, huyện Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam hạ (nay là xã Quỳnh Khê huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình), nói năng thành thực, tính hạnh chuyên cần, lòng dạ ngay thẳng, xử thế thiện tín, ái mộ thiền môn, thức khuya dậy sớm tụng niệm… Ông đã mua 7 sào ruộng tại sứ Viên Thành, An Biên, Nghi Tỉnh, Mả Gia, Đồng Đỗ cúng vào chùa để làm ruộng hương hỏa…”. Ngài nhập Niết bàn ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Xá lợi được đặt ở trong tháp bên trái trước cửa chùa.
Sư cụ Như Sơn (1858 – 1911), là một vị đạo cao đức trọng trong giới chức sắc Phật giáo, được các Vua triều Nguyễn đương thời rất sùng mộ, mời vào kinh đô Phú Xuân (Huế) khai tràng thuyết giảng cho tầng lớp quan lại và truyền thụ giới đao độ điệp cho hàng trăm người làm Tăng sĩ, Ngài bị giặc thổ phỉ đến chùa cướp thóc và giết chết ngày 09 tháng 9 năm Tân Hợi.
Có những nhà sư yêu nước, còn tham gia hoạt động cách mạng như Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bình, tức Nguyễn Đình Khúc. Sinh năm Canh Dần (1890), tại xã Bách Cốc tổng Trình Xuyên thượng huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định.
Năm 1905 xuất gia tu hành tại chùa Hoa Yên – Yên Tử, rồi vân du sam học tại các chốn Tổ của Phật giáo như: Hàm Long, Phù Lãng, Bối Khê, Tây Thiên, Nhạn Tháp,…
Năm 1913 về trụ trì chùa Hồng Ân xã Nhuệ Hổ. Từ năm 1918, Đại lão Hòa thượng đã tập hợp quần chúng, tổ chức nhiều lớp dạy học chữ Nôm và chữ Quốc ngữ cho nhân dân, tuyên truyền văn hóa nếp sống mới như cách ăn mặc gọn gàng, xưng hô chuẩn mực, cư xử thuận hòa…
Năm 1921, Ngài đã cổ vũ tinh thần yêu nước, cùng nhân dân kéo đến tri huyện biểu tình, đòi đất canh tác và đã phá kho lấy được 6 tấn thóc chia cho dân. Năm 1925 ảnh hưởng của phong trào cách mạng vùng mỏ, với sức mạnh của tuổi trẻ, Hòa thượng đã sớm giác ngộ ý chí cách mạng, tham gia Nông hội. Ngài tích cực chăn nuôi, làm ruộng tăng gia sản xuất và giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn.
Năm 1927, Ngài tham gia Tổ công hội đỏ do ông Đài làm Tổ trưởng, đã ủng hộ hàng chục đồng bạc Đông Dương cho tổ. Đồng thời Ngài tham gia Hội Tương tế, Ái hữu và Hội hiếu, Ngài được phân công làm công tác vận động phát triển Hội viên và chăm lo tinh thần cho Hội viên quá cố. Những tổ hội này hoạt động ngoài mục đích hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống, còn hoạt động nhằm mục đích giáo dục quần chúng yêu nước, đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, chống lao dịch phu phen nặng nề, hà khắc của chế độ phong kiến.
Từ năm 1928, cao trào nông dân, công nhân đấu tranh chống thực dân Pháp sôi sục khắp mọi miền thành thị thôn quê. Đại lão Hòa thượng đã bí mật liên hệ với các hào phú trong vùng, cùng một số chí sỹ yêu nước ở địa phương đã góp vàng, bạc để mua vũ khí phương tiện thô sơ để ủng hộ cho phong trào cách mạng. Đại lão Hòa thượng đã trực tiếp cùng công nhân mỏ, nông dân khắp nơi tham gia biểu tình chống thuế thân, thuế điền, thuế chợ,….
Năm 1929, Đại lão Hòa thượng đã trực tiếp tham gia in ấn tài liệu đường Kách mệnh, kêu gọi công nhân vùng mỏ và nhân dân lao động đấu tranh chống áp bức của đế quốc thực dân. Nhiều lần, Ngài bị sai nha, chức dịch của chế độ phong kiến và mật vụ, mật thám của Pháp bắt bớ, đánh đập tra tấn nhưng Ngài vẫn nhẫn nhục chịu đựng, kiên trung lập trường yêu nước, giữ gìn bí mật bảo vệ cho cách mạng.
Năm 1930, Đại lão Hòa thượng trực tiếp tham gia đội tuần vệ của xã Nhuệ Hổ và chùa chính là trụ sở của đội. Đồng thời là nơi quan sát, theo dõi hoạt động của giặc Pháp tại Bốt Cầu Cau, nay là cầu Thôn Mai.
Ngài đã chuẩn bị chu đáo lương thực, địa điểm họp trong chùa để nuôi dưỡng cán bộ cách mạng có nơi liên lạc đi về, hội họp. Ngài được tổ chức giao nhiệm vụ chuyển thư tín, liên lạc của cán bộ biệt phái ở Hải Phòng với lực lượng nòng cốt của ta trong vùng Mỏ, trấn lỵ
Quảng Yên và Chí Linh, Bắc Giang. Giữa năm 1931, Đại lão Hòa thượng cùng 5 cán bộ cách mạng đã bị chế độ phong kiến bắt trói gông cùm, dải về lao ngục của huyện đường.
Ngài đã không sợ nguy hiểm tính mạng, tranh thủ lúc qua đò đã dũng cảm liều mình đá mấy tên lính tuần xuống sông Cầm, nhờ người lái đò tháo gông cùm và tất cả mọi người thoát được.
Tháng 9 năm 1933, Đại lão Hòa thượng vận động nhân dân, tổ chức lễ đúc tòa cửu long bằng đồng. Nhân buổi lễ đã may và cất giấu cờ búa niềm tại gầm Ban thờ Đức Chúa Ông trong chùa. In ấn tài liệu, báo kêu gọi nhân dân theo Đảng Cộng sản đấu tranh chống áp bức nô lệ của thực dân phong kiến, các tài liệu được phơi khô và cất giấu trong các bụi cây rong, tối đến các sư, tiểu và vãi đi rải rọc đường lối vào mỏ Mạo Khê, Tràng Bạch.
Năm 1936 cao trào nông dân vùng mỏ đấu tranh chống thực dân Pháp, Đại lão Hòa thượng đã cùng với Sư Tuệ bí mật liên hệ với sư Nguyệt (Võ Giác Thuyên) chùa Bác Mã và sư Tình chùa Linh Sơn – Hải Phòng, cùng một số vị sư khác của Yên Tử, Đông Triều, Thủy Nguyên, Kinh Môn liên tục ủng hộ lương thực, thuốc men và tiền mua vũ khí, đạn dược cho cách mạng.
Bọn phong kiến thực dân và bè lũ tay sai ở địa phương đã phát hiện Ngài cất chứa chất nổ, mã tấu, vũ khí lớn nên đã khủng bố gắt gao, bắt trói và đánh đập dội nước tra tấn treo ngược, rồi dỗ ngon ngọt cho nhiều bạc hoa xòe và tiền Đông Dương nhưng Đại lão Hòa thượng đã không nhận và nhất nhất không chịu khai báo gì. Chúng bực tức, đánh Ngài gẫy 2 chiếc răng, sau đó vài ngày thì chúng phóng thích về.
Đầu năm 1937, Đại lão Hòa thượng lại được tổ chức cách mạng phân công in ấn và phát các biểu ngữ cho nhân dân 2 bên đường đón phái đoàn Mặt trận bình dân Pháp đi qua, với các nội dung đòi trả tự do cho tù chính trị, bỏ thuế thân, giảm sưu thuế, tự do hội họp.
Sở Mật thám đã theo dõi, đàn áp và vây bắt Hòa thượng, cùng nhiều người lên huyện đường đánh đập tra tấn nhưng tất cả đều kiên định lập trường, tư tưởng vững vàng và dùng những lời lẽ sắc bén chống trả nên bọn chúng phải thả tự do.
Năm 1939, Đại lão Hòa thượng đã trực tiếp cùng với các sư chùa Bác Mã, chùa Hổ Lao, chùa Mỹ Cụ, chùa Ngọc Thanh tham gia vận động thành lập đội Tăng già cứu quốc chi đội Đông Triều. Nhằm mục đích tập hợp Tăng Ni, Phật tử đồng bào Phật giáo theo đường hướng cách mạng, đề cao truyền thống yêu nước, tham gia bảo vệ Tổ Quốc.
Từ năm 1940 đến tháng 2 năm 1945, Đại lão Hòa thượng đã cùng các ông Bình chùa Bác Mã, ông Bình chùa Trạo Hà và 4 cán bộ của cách mạng ở Hải Phòng biệt phái về Đông Triều theo đường sông, liên tục hội họp ở chùa vào ban đêm, có khi địch theo dõi gắt gao phải ở lại mấy ngày tại hậu cung Tam Bảo, phía dưới của tòa Tam Thế có hầm bí mật thông ra gốc Cây Thị cạnh chùa rồi vườn chuối theo rãnh hào ra bờ sông.
Nhiều lần giặc Pháp khủng bố càn quét đàn áp vào chùa, Ngài vẫn ngồi điềm nhiên tụng kinh gõ mõ, giặc Pháp bắn chỉ thiên, rồi cầm súng lưỡi lê đứng sau rí vào đầu, có khi chúng lấy mác và mã tấu đâm vào chân chảy máu nhưng Ngài vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì, giữ khí tiết sắc thái bình thường.
Từ tháng 6 năm 1943 đến đầu năm 1945, Đại lão Hòa thượng đã vận động các phú hộ ủng hộ gạo tiền, thuốc men để phát chẩn cho bà con nhân dân. Đặc biệt, hàng tháng tổ chức 10 ngày nấu cháo cứu bần để phát cho nhân dân tại chùa.
Đồng thời tuyên truyền nhân dân đi theo cách mạng, kháng Nhật chống Pháp giành độc lập tự chủ. Nhiều khi, cán bộ Việt Minh về họp tại chùa bị giặc phát hiện, không sợ nguy hiểm đến tính mạng, Đại lão Hòa thượng đã nhanh trí nhận là người nhà ở quê lâu ngày ra thăm, nên mọi người được an toàn.
Từ khi về trụ trì chùa cho đến năm 1943, Đại lão Hòa thượng đều tham dự các khóa hạ an cư tại các chốn Tổ Vĩnh Nghiêm – Đức La, Bổ Đà tỉnh Bắc Giang; chùa Côn Sơn tỉnh Hải Dương, chùa Yên Tử. Nơi nào sam học, Đại lão Hòa thượng cũng đều vận động các Sư tham gia cách mạng Việt Minh, giải phóng dân tộc khỏi ách lầm than, nô lệ của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến.
Năm 1944, Ngài tích cực vận động nhân dân trong vùng ủng hộ cho Việt Minh vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men. Đồng thời, cùng nhân dân tham gia biểu tình phản đối chống sưu cao, thuế nặng của chế độ thực dân, phong kiến. Đại lão Hòa thượng đã làm tốt công tác binh vận nên 2 tên lính trong bốt Cầu Cau làm nội ứng, đã giúp cho cán bộ Việt Minh tiêu diệt bốt Cầu Cau thắng lợi, tiến sâu vào phía mỏ Mạo Khê.
Tại bến đò Lồi cạnh chùa, hàng đêm Đại lão Hòa thượng đã tổ chức đưa đón cán bộ Việt Minh sang sông và vận chuyển thương binh về chùa để sơ cấp cứu chuyển ra vùng tự do. Thường thì thương binh phải ở lại chữa vết thương nên Ngài đã cho đào hầm an toàn, bí mật trong nhà mẫu và vườn rong để các sư tiểu nuôi dưỡng chăm sóc. Tháng 2 năm 1945, cơ sở hoạt động của tổ chức Việt Minh và chi đội Tăng già cứu quốc tại chùa bị lộ, Đại lão Hòa thượng bị giặc Pháp bắt và đưa về Đồn Cao sau đó di lý về giam tại Nhà tù Hải Dương.
Tại đây, giặc Pháp đã tra tấn giã man hòng lung lay ý chí cách mạng, nhưng Đại lão Hòa thượng vẫn kiên cường, một lòng sắt son theo đường hướng cách mạng, bảo vệ dân tộc. Tháng 12 năm 1946, Đại lão Hòa thượng cùng 13 chiến sĩ cách mạng khác trong tù đã trốn thoát khỏi nhà giam Kẻ Sặt, trở về tu ở chùa Hoa Yên – Yên Tử. Ngay khi ra tù, hưởng ứng lời kêu gọi toàn Quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại lão Hòa thượng đã vận động nhân dân khắp nơi ủng hộ muối, nước mắm, gạo chi viện cho kháng chiến.
Năm 1947, chiến dịch Thu Đông bùng nổ, dù tuổi đã gần 60 song với tinh thần yêu nước căm thù giặc xâm lăng, Đại lão Hòa thượng đã cởi cà sa trực tiếp tham gia kháng chiến tại vùng Yên Thế – Bắc Giang và bị thương nặng ở vùng bả vai. Trong đợt giao tranh ác liệt, Ngài đã bị giặc bắn đạn trúng hóp đầu và được cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng về sau mỗi khi trái nắng trở giời, vết thương cũ tái phát lại hành hạ thân xác Ngài cho đến khi thị Phật.
Cuối năm 1949, Đại lão Hòa thượng trở về chùa Hồng Ân – Nhuệ Hổ tu tạo lại cảnh chùa, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn song Đại lão Hòa thượng đã tổ chức Lễ hội đúc chuông và dành một khoản tiền lớn để ủng hộ mua vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho bộ đội.
Từ năm 1949 đến năm 1953, Đại lão Hòa thượng đã mời ông giáo Bằng ở làng Trạo Hà và ông Dũng, ông Đại người làng Nhuệ Hổ tổ chức mở lớp bình dân học vụ, huấn luyện dân quân du kích tại chùa cho nhân dân trong vùng vào ban đêm. Trong thời gian này, Đại lão Hòa thượng lại tích cực vận động Tăng Ni Phật tử và nhân dân tăng gia sản xuất, ủng hộ hũ gạo kháng chiến.
Từ tháng 7 năm 1951 đến tháng 3 năm 1953, giặc Pháp đã 6 lần càn quét truy nùng dáo diết các chiến sỹ bộ đội và dân quân du kích tại chùa, chúng đã tra tấn dã man bằng mọi hình thức nhưng Đại lão Hòa thượng ý chí vẫn kiên trung nhẫn nhục, để bảo toàn lực lượng góp phần bảo vệ cách mạng.
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng Đại lão Hòa thượng vẫn hăng hái vận động nhân dân và trực tiếp ủng hộ cho cách mạng 6 con trâu, 13 con bò, 8 con lợn, 5 tấn thóc, 2 tạ mắm rươi khô,…..
Đại lão Hòa thượng cũng đã vận động được 21 nhà sư, 5 chú tiểu, 17 vãi và hàng trăm con em nhân dân lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chính Đại lão Hòa thượng đã trực tiếp làm lễ cởi Cà Sa cho các nhà sư, động viên an ủi tinh thần và tiễn đưa mọi người lên đường theo tiếng gọi hồn thiêng sông núi, vững tay súng quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh, vì nền độc lập tự do của Dân tộc.
Trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, các Giáo hội được thành lập, Giáo hội Tăng già Bắc Việt là hậu thân của Giáo hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do Đại lão Hòa thượng Thích Tố Liên khởi xướng, nên từ năm 1954 Ngài được cử làm Ủy viên Giáo hội Tăng già Bắc Việt. Sau những lần giặc Pháp càn quét tra tấn dã man, cướp bóc, đốt phá Nhà chùa, Đại lão Hòa thượng lại âm thầm phục dựng lại cơ sở thờ tự và căn cứ liên lạc cách mạng.
Qua giới đức trang nghiêm, thanh tịnh mô phạm chốn Tùng lâm nên từ những năm 1954 đến 1960, Đại lão Hòa thượng đã được Sơn môn Yên Tử thỉnh làm Giới sư, Thập sư, Chứng minh truyền giới trong các Giới đàn. Trong suốt quãng đời còn lại, Đại lão Hòa thượng đã vận động dân làng và trực tiếp tăng gia sản xuất góp phần chi viện cho kháng chiến.
Chính ngôi chùa đây, Đại lão Hòa thượng đã nuôi một số người cô đơn không nơi nương tựa, người tật nguyền cũng như một số chiến sĩ bị thương. Hàng đêm, tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ của địa phương. Ngài luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho các đệ tử, Hội viên.
Tận tình với công việc Nhà chùa, làm tốt bổn phận người Trụ trì. Nêu cao tinh thần giác, cầu thị, lắng nghe học hỏi, tìm hiểu sáng tạo trong công việc. Bản lĩnh chính trị vững vàng, không sợ hiểm nguy tính mạng, quyết tâm bảo vệ cách mạng. Đại lão Hòa thượng đã tham gia tổ chức nhiều nghi lễ tâm linh, đáp ứng nguyện vọng tinh thần cho nhân dân. Chăm lo, bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa, duy trì và phát triển Phật giáo vùng Đông Bắc.
Đại lão Hòa thượng luôn nêu gương sáng về lòng bao dung độ lượng, chân tu giản dị, sống tiết kiệm mộc mạc thanh bần. Dù khó khăn gian khổ, bị đàn áp tra tấn dã man, nhưng Đại lão Hòa thượng vẫn nêu cao tinh thần độc lập, tự tôn dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất, hiên ngang trước giặc ngoại xâm, một lòng trung kiên theo Đảng, theo Bác, theo đường hướng cách mạng, giải phóng Dân tộc.
Đại lão Hòa thượng đã dâng hiến trọn đời mình cho Tổ Quốc và sự nghiệp cách mạng đến hơi thở cuối cùng vào lúc 8h30′ ngày 13 tháng 3 năm Qúy Mão (1963) tại chùa Nhuệ Hổ.
Trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa, các ngôi chùa ở Đông Triều đã đóng góp một vai trò khá quan trọng trong việc hậu phương, quân vận. Ngoài việc sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của dân làng, chùa Nhuệ Hổ còn là nơi che giấu cán bộ hoạt động cách mạng. Nơi chứa cất vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho kháng chiến.
Từ năm 1926 đến 1934, Tăng Ni, Phật tử Nhà chùa đã nuôi dưỡng, che giấu các ông Bá Cang, ông Thảo, ông Mãn, ông Đức Cảnh, ông Trọng cán bộ cách mạng biệt phái về nằm vùng, xây dựng cơ sở trong lòng địch. Khi đi về hội họp vào ban đêm tại chùa, khi phát hiện Nha lại và lính khố xanh thì ra sông, Nhà chùa chở đò đưa sang Kinh Môn rồi đi Hải Phòng.
Năm 1927, Tăng Ni Phật tử Nhà chùa đã tham gia những cuộc khởi nghĩa bị thực dân phong kiến đàn áp, tuy không thành nhưng đã tạo được dấu ấn tích cực thể hiện được khí phách anh hùng của nhân dân Việt Nam nói chung, Phật giáo nói riêng.
Từ năm 1929 đến 1931: Tăng Ni, Phật tử Nhà chùa tích cực trồng rau rền đỏ, nghệ vàng, củ nâu, củ ấu để phục vụ việc in ấn cờ búa niềm, tài liệu báo để phát cho công nhân vùng mỏ và nhân dân lao động, tuyên truyền đường Kách mệnh, kêu gọi đấu tranh chống áp bức của Pháp. Mật vụ, mật thám của Pháp đã ngầm theo dõi và truy lùng, bắt bớ nên đến giữa năm 1931, cơ sở in ấn tại chùa đã tạm thời lắng xuống.
Từ năm 1930, Đội tuần vệ của xã được hình thành và chùa chính là trụ sở của đội, đồng thời là nơi theo dõi giám sát mọi hoạt động của giặc ở Bốt Cầu Cau, nay là cầu Thôn Mai trên đường QL 18A gần chùa. Đây cũng là điểm liên lạc giữa các đội tự vệ quân của các xã trong vùng. Sở mật thám ở Hải Dương đã lệnh cho tri huyện Đông Triều, tìm mọi cách đàn áp tiêu diệt các lực lượng tuần vệ, tự vệ quân. Chúng đã tiến hành một chiến dịch khủng bố gắt gao quy mô lớn trong toàn huyện như đốt nhà, đánh đập những người tham gia tự vệ quân. Các quan lại, từ Chánh tổng xuống ngũ hương ở các làng xã trở thành những tên chỉ điểm, nhận diện các chiến sĩ yêu nước.
Chúng tiến hành nhiều cuộc vây ráp, lùng sục, bắt bớ tại chùa. Ngay cây đa lối vào đầu chùa, bọn lính không cần tra hỏi mà bắt và bắn ngay 2 nhà sư, 1 chú tiểu để uy hiếp tinh thần của nhân dân, Sư vãi Nhà chùa. Từ năm 1936 đến tháng 2 năm 1945, tại gầm Ban thờ Tam Bảo và Nhà thờ Mẫu, thờ Tổ của chùa là nơi chứa cất mã tấu, giáo mác, lựu đạn, mìn nổ, cờ búa niềm, lương thực,……. để phục vụ cho cách mạng.
Trong chùa, vườn rong, bụi tre là những hầm bí mật, hào thoát hiểm an toàn. Trong thời gian này, chế độ đế quốc phong kiến và thực dân đã nhiều lần đưa lính, mật thám tiến hành những chiến dịch khủng bố gắt gao Tăng Ni, Phật tử. Chúng dò la tin tức, khám xét Nhà chùa, nhận diện những người tham gia biểu tình, bắt bớ tra tấn nhiều chiến sĩ cộng sản trong đó có Đại lão Hòa thượng trụ trì chùa.
Từ năm 1937 đến tháng 2 năm 1945, Nhà chùa là nơi đưa đón cán bộ cách mạng về nắm bắt tình hình và xây dựng lực lượng hoạt động ở cơ sở, tuyên truyền giải phóng cách mạng từ Kinh Môn sang sông vào hoạt động tại Khe Chè và ngược lại.
Các nhà sư, chú tiểu và vãi chùa đã nhiều lần cùng nhân dân tham gia đấu tranh, biểu tình chống sưu cao thế nặng, phu dịch. Phản đối chính sách đàn áp, khủng bố của đế quốc thực dân phong kiến và bè lũ tay sai. Tăng Ni, Phật tử Nhà chùa đã không sợ nguy hiểm đến tính mạng, tích cực tham gia đấu tranh làm phân tán lực lượng địch đang tập trung đàn áp khốc liệt đối với phong trào cộng sản vùng Mỏ.
Từ năm 1939 đến tháng 2 năm 1945, phong trào chấn hưng Phật giáo ra đời, chùa là nơi hội họp liên lạc giữa các đội Tăng già cứu Quốc của Kinh Môn, Thủy Nguyên, Đông Triều, Quảng Yên…..
Trong thời gian này, các sư tiểu và vãi Nhà chùa đã nhiều lần làm tốt công tác binh vận trong lòng địch, che giấu và nuôi dưỡng nhiều cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Nhà chùa đã tổ chức nhiều đợt quyên góp tiền bạc, mua vũ khí đạn dược, lương thực thuốc men ủng hộ cho cách mạng. Mặc dù chính quyền đế quốc thực dân phong kiến và bè lũ tay sai ở địa phương khủng bố gắt gao nhưng Nhà chùa đã dũng cảm tổ chức vận động nhiều tầng lớp, giai cấp tham gia hưởng ứng ủng hộ cho cách mạng.
Qua đó, đã thể hiện tinh thần đoàn kết Dân tộc, nâng cao sự giác ngộ chính trị cho nhân dân lao động, ý thức trách nhiệm và lòng yêu nước. Đã tập hợp nhân dân chống lại nhiều trận càn quét quy mô lớn của giặc, đánh kế nghi binh, làm phân tán tiêu hao lực lượng của địch.
Tháng 10 năm 1943 tại chùa, Tăng Ni Phật tử cùng nhân dân khắp nơi về dự lễ giỗ Sư Tổ. Được sự chỉ đạo của tổ chức cách mạng, sau đó tất cả cùng nhau kéo lên huyện đường rồi xuống Mạo Khê biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ lao động cho công nhân Mỏ, không được đánh đập, suỵt chó cắn dân làm nông, phải thả tự do cho tù chính trị,…
Những tên cai lệ, binh lính đã bỏ chạy chỉ còn lại tên đồn trưởng tái mặt, run sợ và y hứa từ nay sẽ không chỉ huy lính áp bức nhân dân nữa. Còn tên cai mỏ người Pháp thường ngày khét tiếng hung hăng, gian ác giờ buộc phải nhận yêu sách và hứa sẽ tăng lương, giảm giờ lao động cho công nhân.
Từ tháng 6 năm 1943 đến đầu năm 1945, Nhà chùa đã vận động các gia đình hào phú trong vùng ủng hộ gạo để nấu cháo phát bần cho nhân dân, ủng hộ hàng tạ gạo, khoai dưa mắm rươi cho Việt Minh. Tích cực vận động quần chúng tham gia chống khủng bố, truy bắt và càn quét của giặc. Không sợ nguy hiểm đã cắt dây thép làm tê liệt thông tin, mất tín hiệu liên lạc và chỉ đạo của giặc. Tập trung tuyên truyền vận động các lính trong đồn bốt không làm tay sai cho giặc, quay về theo đường hướng cách mạng của Việt Minh để giải phóng Dân tộc.
Tháng 2 năm 1945, trong một buổi lễ lớn tại chùa, có đông người tham dự, trong đó có cán bộ Việt Minh và các lực lượng tự vệ quân, đội Tăng già cứu quốc cùng nhiều nhà sư khác. Bè lũ tay sai chỉ điểm cùng giặc Pháp đã đến truy lùng dáo diết, khủng bố càn quét bắt bớ đánh đập nhiều người. Sau đó chúng lùng sục, phát hiện Nhà chùa oa chử cờ búa niềm giấu trong các tủ kinh, chum vại; mã tấu, lựu đạn, mìn nổ chứa trong gầm các ban thờ.
Tại phòng ở của nhà sư trụ trì và Nhà bếp, nhà Tiền bái, chúng khám sét thấy in ấn tàng trữ hàng gánh giấy với nội dung tuyên truyền kháng Nhật chống Pháp. Ngay lập tức chúng điên rồ nổ súng, lựu đạn vào các kho tàng bệ thờ làm cho cảnh chùa náo loạn, thiêu dụi hết nhưng may không ai bị thương vong. Sau đó chúng bắt trói Đại lão Hòa thượng trụ trì, cùng 13 chiến sĩ cách mạng đưa về Đồn Cao, sau đó di lý về giam tại Nhà tù Kẻ Sặt – Hải Dương.
Tổ đường chùa Quảng Phúc – chùa Nhuệ Hổ
Tháng 6 năm 1945, cao trào cách mạng của nông dân, công nhân Đông Triều bùng nổ. Tăng Ni, Phật tử Nhà chùa đã tích cực ủng hộ hàng ngàn xuất ăn như khoai dưa, cơm nắm và đón đoàn dừng chân. Trong thời gian này, các sư vãi tích cực tham gia diệt thổ phỉ, trừ gian ác. Đồng thời đã cùng nhân dân nổi dậy đấu tranh phá kho thóc, cướp thuyền lương của Phát xít Nhật, lấy được hàng chục tấn thóc gạo chia cho dân, nhằm cứu giúp đồng bào đang lâm vào cảnh đói khổ bi thương, tham gia tập hợp quần chúng nhân dân, Phật tử trong vùng đấu tranh và giành chính quyền năm 1945 tại địa phương.
Cách mạng tháng 8 thành công, lịch sử dân tộc chuyển sang giai đoạn mới nhân dân cả nước nô nức theo tiếng gọi của Đảng, của Bác bầu ra chính quyền mới của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Tăng Ni Phật tử Nhà chùa đã tích cực hưởng ứng.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, lệnh toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch lan truyền khắp đất nước, nhà nhà, người người tất cả cho cuộc kháng chiến. Tại chùa chính quyền địa phương đã phát động tuần lễ vàng, đóng góp để nhà nước mua sắm vũ khí. Kết quả đã vận động quyên góp được vàng 3 lượng 8 chỉ, một số nén bạc, hoa tai, hàng trăm đồng bạc Đông Dương. Chùa cũng là nơi đóng quân luyện tập của đội vệ quốc quân chiến đấu lúc đó, cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng ác liệt, từ thành thị chúng mở rộng chiếm các vùng lân cận và nông thôn.
Từ năm 1946 đến năm 1950, là điểm trung chuyển kho vận tải hàng hóa giao thông từ Hải Phòng, Hải Dương theo sông Kinh Thầy vào Sông Cầm dừng tại chùa.
Sau đó, được cán bộ cách mạng Việt Minh, dân quân tự vệ du kích tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ vào An Sinh đem sang Bắc Giang chi viện cho chiến dịch Việt Bắc để sửa chữa cầu đường, giao thông gồm nhựa đường, hóa chất lỏng, thanh sắt, mảnh gang, ….
Tháng 5 năm 1947, quân Pháp đã đổ bộ 01 đại đội Âu Phi lên cánh đồng Chử cạnh chùa, 01 đội tự vệ chiến đấu của ta đã đánh lui cuộc càn quét của đại đội Âu Phi, trong đó ta có 3 chiến sĩ bị hy sinh, đã nêu tấm gương sáng về tinh thần bất khuất, kiên cường chống Pháp của Dân tộc. Đây là trận đánh chống càn cỡ lớn, với lực lượng tại chỗ có chuẩn bị trước nên lần đầu ta đã đẩy lùi được trận càn này. Ngay tại chùa các đoàn thể lại tiếp tục xây dựng và củng cố mở rộng lực lượng.
Năm 1949, Các sư, tiểu và vãi chùa đã cùng dân làng gây dựng cảnh chùa khang trang, tổ chức đúc chuông và quyên góp tiền ủng hộ mua vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho bộ đội kháng chiến. Từ tháng 10 năm 1950, thực dân Pháp cho đóng thêm các bốt hai tai, bốt Hạ chiểu, bốt chim kêu, bốt xanh. Bọn kỳ hào, kỳ mục tiếp tay cho địch hoạt động, do vậy chùa đã nằm trong vùng vây của giặc giăng bốn bề, là đồn bốt cài răng lược giữa ta và địch.
Trong chùa, Chư Tăng và Phật tử vừa phải đương đầu với kẻ thù, vừa tăng gia sản xuất chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến. Trong thời gian này, chùa là nơi hội họp bí mật của cán bộ nằm vùng nắm tình hình, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở. Tòa Tam Bảo chính trong chùa làm nơi in ấn tài liệu, vườn rong, bụi tre rậm rạp là nơi cất dấu tài liệu, là nơi xây dựng những căn hầm bí mật. Chính nơi đây là nơi hội họp, đi về trao đổi tin tức của cán bộ trong vùng.
Mặc dù khó khăn căng thẳng là thế, nhưng Nhà chùa vẫn tin vào cách mạng, tin vào thắng lợi cuối cùng. Từ tháng 7 năm 1951 đến tháng 3 năm 1952, giặc Pháp đã 6 lần càn quét truy nùng dáo diết các chiến sỹ cách mạng tại chùa, chúng đã đốt phá gần như tan hoang những gì vừa mới gây dựng lại. Từ năm 1951 đến năm 1954, Nhà chùa cùng bộ đội đã làm đường giao thông (đường mòn) từ ngã ba sông Đá Vách đi vào xã Bình Khê theo chiền núi đi lên vùng Chí Linh, Hải Dương để vận chuyển hàng hóa, lương thực, đạn dược phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 01 năm 1952, các sư và vãi chùa đã hỗ trợ để bộ đội và du kích địa phương chiến đấu tiêu hao lực lượng của địch và cảnh cáo một số tên tay sai, từ đó chúng ít đi lại. Được sự hỗ trợ của các lực lượng bộ đội Việt Minh, các xã trong vùng đã mở rộng hành lang giao liên đi lại được với nhau, mà chùa là căn cứ liên lạc, hội họp. Tháng 5 năm 1952, chiến dịch tề Pháp đã làm phân tán lực lượng địch, căng địch ra mà đánh, dân quân tự vệ chiến đấu tại chùa đã chủ động phối hợp với bộ đội tiêu diệt đồn bốt hai tai và bốt Hạ chiểu.
Tháng 10 năm 1952 một đồng chí cán bộ của ta về hoạt động ban ngày bị lộ, bọn địch đi tuần phòng, vãi Tý ở chùa đã khéo hoá trang nhận là chồng đang bị ốm che mắt được quân giặc. Trong lúc khó khăn ác liệt từng giờ từng phút tính mạng con người có thể chết như không, nhưng sức mạnh chiến đấu tình quân dân đùm bọc, tinh thần đoàn kết dân tộc lại mạnh mẽ hơn. Ban đêm các sư vãi và tiểu chùa ra Đò Lồi, để tiếp nhận thương binh về chữa trị và an ủi, động viên bộ đội tiếp tục đi làm nghĩa vụ.
Từ năm 1952, chùa là cơ sở nuôi một số người cô đơn không nơi nương tựa, người tật nguyền, cũng như một số chiến sĩ cách mạng bị thương. Cất chứa kho tàng vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ kháng chiến. Hàng đêm, tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ cho con em của địa phương. Năm 1953, do yêu cầu của nghiệp vụ tác chiến, Nhà chùa trong đêm đã huy động đến hàng chục thuyền lớn nhỏ vận chuyển bộ đội qua sông an toàn. Cũng tại bến đò Mộ, có 5 chiến sỹ của ta đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Chính tại đây, Nhà chùa đã đưa hàng ngàn lượt bộ đội qua sông an toàn. Các sư, vãi tiểu và du kích địa phương, rất dũng cảm thường xuyên vận chuyển bộ đội qua sông, trong lúc trời đông giá rét, cũng như lúc địch bắn phá ác liệt.
Cuối năm 1953 địch ra sức càn quét ác liệt nhằm tiêu diệt lực lượng du kích, theo sự hướng dẫn của cấp trên, bộ đội và du kích địa phương kiên quyết đánh địch bằng nhiều cách: Sơ tán lực lượng, hoạt động phá hoại, quấy rối phá đường giao thông, cắt thông tin liên lạc,….
Những ngày này chúng càn quét liên tục vào chùa để thực hiện ý đồ hỗ trợ cho bọn phản động; Chúng mở nhiều trận càn quét tàn ác, giã man với ý đồ: đốt sạch, phá sạch, giết sạch hòng bình định du kích, mà chùa là nơi trọng điểm. Trong những trận càn này, chúng đã huy động cả trung đoàn chủ lực, cộng với các lính đồn bốt xung quanh, chúng đã đốt cháy hàng trăm nóc nhà, giết hại một số cán bộ và du kích.
Tại chùa, chúng đã hành quyết rất dã man cán bộ, bộ đội của ta và các tiểu vãi ở chùa, những hành động tàn bạo như cắt cổ, bêu đầu đem ra cây đa treo nhưng cũng không làm lay chuyển được ý chí cách mạng của bộ đội và các sư sãi. Lòng căm hờn lại thúc giục căm hờn, trước tình cảnh đó Nhà chùa không hề run sợ, đã vận động củng cố đội ngũ, tập hợp dân quân, các đoàn thể quần chúng giúp đỡ các gia đình, dọn dẹp làng xóm lo gạo thóc, muối mắm, rau dưa san sẻ giúp nhau lúc hoạn nạn, ổn định tinh thần chuẩn bị cho trận chiến đấu mới.
Từ năm 1959 đến năm 1972, chùa làm nơi cất kho vận, lương thực phục vụ thi công các cầu phao trên địa bàn và khu vực. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, thì cuộc kháng chiến chống Mỹ tiếp theo. Tăng Ni, Phật tử Nhà chùa lại tích cực tham gia, vừa chiến đấu vừa sản xuất, hàn gắn lại vết thương chiến tranh, động viên con em lên đường làm nhiệm vụ quân sự, chi viện cho tiền tuyến, chuẩn bị mọi mặt để đối phó với chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc. Tháng 5 năm 1969, tiểu đoàn pháo phòng không quân khu III, lập trận địa tại sau chùa đón đánh máy bay từ phía biển vào.
Ngày 25 tháng 5 năm 1972, đơn vị pháo trực chiến 12 ly 7, đã bố trí trận địa pháo ở phía Nam chùa. Cây nhãn cao vời vợi là đài quan sát theo dõi đường bay rất hiệu quả, các chiến sỹ ngày ấy là những Phật tử, xã viên nông nghiệp, là những chiến sỹ kiên cường. Tháng 2 năm 1972, giặc Mỹ thả bom trúng vào kho vật liệu, làm cháy toàn bộ kho vận của ngành giao thông và toàn bộ cơ sở Nhà chùa bị thiêu dụi hết, kịp thời sơ tán nên may không ai bị thương vong. Năm 1978 đến năm 1983, chùa còn là nơi ở của bộ đội làm kinh tế mới.
III. Loại hình di tích:
Chùa Quảng Phúc xưa vốn là danh lam cổ tích được xây dựng với quy mô khang trang rộng lớn nhưng trải qua thời gian, kiến trúc chùa đã thay đổi nhiều, giờ chỉ còn lại các công trình mới, nhưng chùa vẫn giữ được nguyên vẹn hệ thống tượng Phật cổ được trạm trổ điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Vì vậy, chùa Quảng Phúc thuộc loại hình: Di tích nghệ thuật.
IV. Khảo tả di tích:
1. Chùa Quảng Phúc được tọa lạc trên 1 khu đất bằng phẳng, xung quanh là cánh đồng lúa phì nhiêu màu mỡ, ruộng vườn xanh tốt, sáng sủa quang đãng. Chùa quay hướng Tây, đây là một hướng ổn định nhất, hợp với sự vận hành của âm dương, khiến thần linh không dời bỏ nghĩa vụ vì chúng sinh đau khổ.
Trước cửa chùa không xa là dòng chảy của con sông Cầm và sông Đá Vách, phía Nam là núi Con Rùa và núi Đống Mả (lưu truyền trên đó có mộ của 2 vợ chồng giặc Ngô chết trận tại đó). Hai núi này tạo thành dãy núi Xanh Nhẫm nay của huyện Kim Môn tỉnh Hải Dương. Phía Bắc là quốc lộ 18A và dãy núi vòng cung Đông Triều chạy dài xuống Yên Tử.
Với địa thế tiền, tả hữu này trông như thể lưỡng long chầu thủy. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, trên rừng núi cao hay đồng bằng thì ông cha ta vẫn chọn được thế đất cao, quang đãng và có dòng chảy để dựng chùa. Vì theo quan niệm nông nghiệp thì nước ở dưới thấp nên thường được coi như yếu tố âm, còn chùa dựng ở nơi cao ráo có thể hút được sinh lực của tầng trên nên được coi như mang yếu tố dương, mà âm dương hòa hợp nên đã sinh ra muôn loài.
Chùa Nhuệ Hổ còn được dựng xa khu dân cư để các chư Phật không bị ô nhiễm bụi trần, để các Tăng Ni, Phật tử chúng sinh cầu nguyện tránh được “tham, sân, si, ái, ố, hỉ, nộ” của cuộc đời trần tục. Phải nói rằng chùa Nhuệ Hổ đã được ông cha ta lựa chọn rất kỹ và có một sức linh nhất định.
Trải qua thời gian và bao lần trùng tu xây dựng, dấu ấn cũ đã bị thay đổi nhiều nhưng nhìn chung chùa Nhuệ Hổ vẫn giữ được nét cổ kính thâm u của ngôi chùa cổ. Các công trình xây dựng xưa gồm chùa chính, nhà tổ, nhà mẫu, nhà tăng, nhà khách, vườn tháp, bia, tam quan, sân vườn… nhưng đã bị hỏng nhiều, giờ chỉ còn lại chùa chính (tòa Tam Bảo), tháp, vườn bia, nhà bếp và đình thờ Thành Hoàng làng (mới xây dựng) được xây dựng theo kiểu tiền Phật hậu Thánh.
V. Các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian.
Lễ hội là một phần của đời sống tâm linh, nó phản ánh đậm nét các phong tục tập quán và tâm hồn của người dân đất Việt. Lễ hội gồm có hai phần là phần lễ và phần hội.
Phần lễ được diễn ra với các nghi thức tụng niệm, cúng bái do Nhà sư Trụ trì thực hiện. Lễ là hoạt động diễn ra trực tiếp nhưng thầm kín, tức là khi người ta đến chùa lễ Phật (trực tiếp) và khi lễ Phạt người ta thể hiện lời khấn cầu một cách kín đáo, không hô to, quát lớn như ở hội.
Vả lại, chùa là nơi xuất thế, yếm thế, tức là khi con người ta bị rơi vào hoàn cảnh bế tắc buồn khổ hay già nua thì người ta mới tìm đến nơi cửa chùa, vì thế dân gian xưa có câu: “trẻ vui nhà, già vui chùa”. Thế nên trong chùa chỉ có lễ, đây là những hoạt động quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Hội là một hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, thể thao nên rất ồn ào, náo nhiệt. Hội là hoạt động gián tiếp nhưng hô hào, tức là trong hội người ta hình thức hóa các sự kiện, hiện tượng liên quan liên quan đến Di tích và tập tục địa phương bằng các trò chơi, trò diễn (gián tiếp), song người cổ vũ thì hô hào hò hét, ồn ào tạo sự chú ý của mọi người.
Chùa Quảng Phúc cũng như bao ngôi chùa khác đều có ngày lễ hội chính. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng giêng âm lịch hàng năm. Trong tiết xuân ấm áp, dòng người tấp nập về đây dự hội với lòng thành kính cẩn gạt bỏ mọi phiền não nhất tâm kính lễ cùng hướng về cõi phật. Trước phật điện, các phật tử mượn khói đèn hương để gửi lời cầu nguyện đến đấng cao siêu.
Đồ lễ thường là hoa quả hương đăng trầu cau, chuối, oản, song tâm thành thì chỉ nén hương là đủ. Đa phần các Phật tử chỉ đến chùa vào ngày tết, sóc vọng, ngày phật đản, ngày lễ phật Adiđà, phật Thích Ca, ngày mười Tư hôm Rằm, Ba mươi, mồng Một. Ngoài ra còn có các ngày giỗ Mẫu, Tứ phủ, Trần Triều,…
Trước kia chùa khang trang, tăng ni trụ trì, phật tử quy y nhiều nên hội chùa được mở ra có quy mô lớn với nhiều hình thức tế lễ trang nghiêm phong phú. Các trò chơi, trò diễn cổ truyền như đánh đu, đánh vật cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, thi chim, kéo co hát chèo, hát sẩm, hát đối,… đã được các cụ ông cụ bà, các chị, các nam thanh, nữ tú, con trẻ tham gia thâu đêm suốt sáng.
Lễ hội chùa Quảng Phúc – Nhuệ Hổ là một nét đẹp truyền thống trong sinh hoạt văn hóa làng xã. Qua lễ hội mà con người có thể gắn bó đoàn kết với nhau hơn, tạo niềm tin thiêng liêng vào cõi Phật, yên tâm lao động sản xuất cùng xây dựng quê hương.
Từ lâu do điều kiện kinh tế khó khăn, chùa bị hỏng lại không có sư trụ trì nên lễ hội ở đây có phần nào bị mai một. Ngày nay do điều kiện kinh tế thay đổi, xã hội ngày một phát triển, việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc là hết sức cần thiết. Vì vậy các cấp chính quyền địa phương và Nhà chùa cần nghiên cứu xem xét, phục hồi lại các lễ hội truyền thống của chùa Quảng Phúc – Nhuệ Hổ sao cho đúng với những gì mà ông cha ta đã gây dựng và đúng với tinh thần Nghị quyết V khóa VIII của Trung ương Đảng đã đề ra.
VI. Giá trị của Di tích.
– Về mặt lịch sử văn hóa: Hệ thống đồ thờ, văn bia đã cung cấp cho chúng ta cái nhìn tương đối về lịch sử xây dựng, tồn tại và phát triển của Di tích chùa Nhuệ Hổ qua các thời kỳ lịch sử. Bởi bản thân mỗi hiện vật đều chứa đựng và kết tụ tinh thần văn hóa dân tộc. Thực tế bên trong hiện vật đều ẩn chứa những giá trị phi vật thể vĩnh cửu như tâm tư, tình cảm, tâm hồn, sự đồng điệu gần gũi với thiên nhiên – tri thức dân gian.
Chùa Nhuệ Hổ là minh chứng hùng hồn về lòng yêu quê hương, yêu Tổ quốc, tinh thần kiên trung bất khuất, lòng tự tôn dân tộc, biết bao công lao xương máu đã đổ xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc thông qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, từ khi cách mạng còn non trẻ vào những giai đoạn còn khó khăn gian nan vất vả (thời kỳ trứng nước), với biết bao cuộc càn quét, đánh đập, tra tấn song vẫn một lòng sắt son theo Đảng, bảo vệ cách mạng đến cùng để tiến lên giành độc lập, thống nhất đất nước.
Lễ hội truyền thống đầu Xuân ở chùa Nhuệ Hổ không chỉ là một hoạt động tập thể mang đậm chất văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa phương, mà ở đó con người trong cộng đồng được giao lưu học hỏi, sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Từ lễ hội cho chúng ta thấy được những tinh hoa của văn hóa làng quê được hình thành, bảo lưu và phát huy qua các thế hệ, làm nên sợi dây tinh thần cố kết cộng đồng làng xã và con người trong tiến trình xây dựng một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Bằng những tư liệu, hiện vật còn lưu giữ đến nay, có thể nói chùa Quảng Phúc – Nhuệ Hổ đã đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu khoa học và bảo lưu nền điêu khắc cổ của dân tộc, cho việc tìm hiểu về sự phát triển của lịch sử địa phương, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tài sản hiện vật quý giá của vùng đất ngàn năm văn vật Đông Triều nói riêng, của tỉnh Quảng Ninh và Vùng Đông Bắc nói chung.
Trong sự phát triển nhanh, mạnh của xu hướng đô thị hóa ngày nay đã nảy sinh mâu thuẫn giữa việc phát triển đô thị và vấn đề bảo vệ Di tích. Đó là mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa tính dân tộc và hiện đại, giữa một bên cứ tiến hành xây dựng, cải tạo và một bên là giữ gìn, bảo vệ.
Chùa Nhuệ Hổ có lợi thế là nằm giữa cánh đồng, cách xa khu dân cư và vẫn mang đậm yếu tố làng xã nông thôn. Thế nhưng, gần chùa lại đã lác đác thấy xuất hiện những ngôi nhà cao tầng, những quán cà phê vũ trường, nhà máy công nghiệp khói bụi,… điều đó làm ảnh hưởng không ít đến cảnh quan môi trường, cảnh quan thanh tịnh trầm lắng đậm mầu thiền vốn có nơi cửa Phật.
Trong chùa cần trồng bổ sung thêm cây đại thụ và cây ăn quả. Việc trồng cây xanh tại Di tích, không những tạo nên bóng mát và không gian thanh vắng, huyền bí, tĩnh mịch đượm màu sắc linh thiêng, gạt bỏ cái ồn ào bụi bặm, dung tục của đời thường bên ngoài, tạo cho cảnh chùa có một không gian lắng dịu, nhẹ nhàng và thư thái, khiến cho lòng người đến với cửa Phật được khơi trong gạn đục, như về nơi Tiên cảnh. Hơn nữa, việc trồng nhiều cây ăn quả khiến cho vườn chùa lúc nào cũng có cây xanh, mùa nào quả ấy, sinh sôi phát triển không ngừng.
Bảo tồn di tích không phải chỉ cất giữ cho khỏi mất, để giữ gìn bản sắc hoặc tự ca ngợi mình. Tài sản văn hóa di tích của chúng ta là giàu có và quý giá, nó minh chứng trình độ phát triển văn hóa của các thế hệ tiền nhân. Vậy cần phải phát huy tác dụng của Di tích, vì mục đích phát triển hôm nay và mai sau.
Một góc chùa Quảng Phúc (chùa Nhuệ Hổ)
Phải giáo dục, tuyên truyền những giá trị khoa học lịch sử, văn hóa nghệ thuật và lòng yêu nước của Chùa Nhuệ Hổ thấm sâu vào từng con người và toàn xã hội hôm nay, cần phải thắp sáng, tạo đẹp thêm lên để trở thành động lực tinh thần cho sự phát triển xã hội đang trên đà hội nhập.
Nhà chùa và xã hội, cụ thể là Đại đức Thích Minh Hải – Trụ trì chùa hiện nay, cùng các Tăng Ni Phật tử có những hướng dẫn để mọi người đều có thể hiểu được đúng về Đạo Phật và các tín ngưỡng thần linh để làm lành mạnh hóa tín ngưỡng, đưa tín ngưỡng trở về đúng với ý nghĩa tốt đẹp thực sự vốn có.
Song song bên cạnh đó, cần duy trì các Lễ hội và các lễ truyền thống Phật giáo, tổ chức sinh hoạt thường kỳ như mời các bậc Cao Tăng thạc đức về thuyết pháp để cho mọi người thấy được vẻ đẹp, tính cao siêu, nhiệm màu của Phật Pháp, về lịch sử Đức Phật, Bồ tát và hạnh nguyện của các Ngài.
Tổ chức các buổi nói chuyện của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa, bảo tồn về giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa, để từ đó hình thành lòng tự hào dân tộc, quê hương đất nước, phát huy tinh thần thi đua ái quốc và ý thức bảo vệ, giữ gìn các Di sản văn hóa của Dân tộc.
Nói tóm lại, Di tích Lịch sử cách mạng, văn hóa nghệ thuật Chùa Nhuệ Hổ (Chùa Quảng Phúc) là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân địa phương. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, biết bao thế hệ cha ông ta đã từng sống trên mảnh đất này, vẫn và mãi mãi giữ gìn được những di sản văn hóa quý báu.
Chùa Nhuệ Hổ (Chùa Quảng Phúc) mãi mãi trường tồn để khắc ghi, lưu giữ được những cổ vật có giá trị nghệ thuật đặc sắc, tài hoa và tinh tế. Đó là sự kết tinh của tài năng, trí tuệ của cuộc sống văn hóa, tinh thần, của một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chính từ mồ hôi công sức của của cha ông ta sáng tạo lên.
Những truyền thống đấu tranh, kiên trung bất khuất và tinh thần quả cảm: “Hộ Quốc an dân, đồng hành cùng Dân tộc” của Phật giáo Việt Nam, cũng đã được các thế hệ Tăng Ni, Phật tử của Chùa Nhuệ Hổ ngày càng phát huy.
Đặc biệt, trong cao trào cách mạng, giải phóng dân tộc từ những ngày cách mạng còn non trẻ, gian khó. Chúng ta, những thế hệ hôm nay và mai sau càng trân trọng bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị của Di tích, góp phần vào việc giữ gìn, giáo dục và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa của Dân tộc, của quê hương và để cho Di tích Chùa Nhuệ Hổ (Chùa Quảng Phúc) sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian.
Ban Quản lý tôn tạo Di tích chùa Quảng Phúc
Phản hồi