Những câu hỏi chất vấn Phật
Một thiên nhân tò mò hỏi Ðức Phật những câu hỏi sau đây:
– Thanh kiếm nào sắc bén nhất? Chất độc nào tàn hại nhất? Ngọn lửa nào dữ dội nhất? Bóng đêm nào đen tối nhất?
Ðức Phật trả lời:
– Lời nói trong lúc giận dữ là thanh kiếm sắc bén nhất, dục vọng là chất độc tàn hại nhất, đam mê là ngọn lửa dữ dội nhất, vô minh là bóng đêm đen tối nhất.
Vị thiên nhân lại hỏi:
– Ai là người lợi lạc nhiều nhất? Ai là người chịu thiệt thòi nhất? Áo giáp nào không thể bị xuyên thủng? Vũ khí nào lợi hại nhất?
Ðức Phật trả lời:
– Người lợi lạc nhiều nhất là người đã cho đi nhiều, mà không thấy đã cho. Kẻ chịu thiệt thòi nhất là kẻ chỉ biết nhận một cách tham lam không chút biết ơn. Nhẫn nhục là áo giáp không xuyên thủng được, và trí tuệ là vũ khí lợi hại nhất.
Vị Thiên nhân hỏi:
– Ai là kẻ trộm nguy hiểm nhất? Cái gì là kho tàng quý báu nhất? Ai đã thành công trong việc chiếm đoạt bằng vũ lực không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới? – Ðâu là nơi an toàn nhất để kho báu?’’
Ðức Phật trả lời:
– Những tư tưởng xấu xa là kẻ trộm nguy hiểm nhất. Ðức hạnh là kho tàng quý báu nhất. Tâm thức con người chiếm đoạt mọi sự không chỉ trên thế giới này, mà còn trên thiên giới. Đất Vô Sanh là nơi an toàn nhất để kho báu.
Thiên nhân hỏi:
– Cái gì là hấp dẫn? Cái gì là ghê tởm? Cái đau nào thống thiết nhất? Cái vui nào lớn nhất?
Ðức Phật trả lời:
– Thiện là hấp dẫn, Ác là ghê tởm; một lương tâm bị dầy vò là nỗi đau thống thiết nhất, sự giải thoát là cái vui lớn nhất.
Thiên nhân hỏi:
– Cái gì gây ra sự tàn phá trên thế giới? Cái gì làm tình bạn tan vỡ? Cơn sốt nào mãnh liệt nhất? Ai là vị thầy thuốc giỏi nhất?
Ðức Phật trả lời:
Sự tăm tối, vô minh gây ra sự tàn phá trên thế giới. Sự ganh tị và ích kỷ làm tình bạn tan vỡ. Hận thù là cơn sốt mãnh liệt nhất, và Pháp vương là vị thầy thuốc giỏi nhất.
Vị thiên nhân lại hỏi
– Bây giờ con chỉ còn một thắc mắc, xin Ðức Thế Tôn giải đáp cho. Cái gì mà không bị lửa đốt cháy, không bị nước làm mòn, không bị gió làm đổ, mà lại có thể cải cách cả thế giới?
Ðức Thế Tôn trả lời:
Lời Phật dạy về phước đức
Chắc bạn đã từng ngưỡng mộ những người giàu có và bắt đầu so sánh với những người cũng chăm chỉ làm ăn vất vả mà sao không thể giàu. Tiền bạc kiếp này của họ dồi dào như vậy là bởi kiếp trước họ đã tạo nhiều phước đức, gieo hạt giống bố thí rất nhiều cho người khác. – Phước đức. Không có lửa nào, nước nào, gió nào có thể hủy diệt được phước đức của một việc thiện, và những phước đức đó cải cách cả thế giới.
Vậy đấy, nếu bạn còn hoài nghi rằng việc mình làm phước có được lợi gì không thì cũng đã có được câu trả lời. Dù là một việc thiện thôi bạn hãy cố gắng làm, đừng vì mong cầu được đáp trả mà nghi ngại, chần chừ nữa.
Theo quan điểm của Phật giáo, tiền bạc bản thân cũng có ẩn chứa luật nhân quả. Nhìn nhận một cách đơn giản, khách quan thì luật nhân quả về tiền tài chính là khi biết “tu phúc”. Hành thiện tích đức, phúc báo và tiền tài đều sẽ theo đó mà đến như nước.
Những cách tạo phước đức theo lời Phật dạy:
– Hiếu thảo với cha mẹ: Chẳng cần phải làm điều gì xa xôi, điều trước tiên Phật dạy chúng ta muốn sống tốt và đạo đức thì phải biết cung kính, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, vui vẻ, thuận thảo với anh chị em, hoà hợp với bà con cô bác láng giềng bằng cách yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong tình cảm sâu sắc của nhân loại.
Trong trăm điều thiện, trước hết là hiếu thuận, hiếu kính với cha mẹ. Hiếu thuận không chỉ là hồi báo công ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục mà còn vâng theo tâm nguyện của cha mẹ, để đấng sinh thành vui lòng. Trong trời đất, đối với con cái, cha mẹ là quan trọng nhất, hiếu kính với cha mẹ là việc tích đức đơn giản nhưng tốt đẹp còn hơn cả cầu Thần bái Phật.
– Tích đức từ đôi tay: Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người. Bởi vậy, chúng ta cần chú ý học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác.
Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp. Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình! Đôi khi cho đi, nhận lại thực ra chỉ đơn giản là như vậy bạn ạ.
– Lòng khoan dung: Không thể khoan dung người khác có thể là bởi vì lòng dạ của mình còn quá nhỏ hẹp! Dùng khoan dung có thể cải biến một con người lầm lỗi.
Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng chiếm được lòng người khác. Hãy học cách tha thứ khuyết điểm của người khác. Đôi lúc, một quan hệ tốt đẹp là từ nhẫn mà sinh ra đấy.
– Bố thí: Đức Phật dạy có 3 loại bố thí chúng ta có thể thực hiện: Bố thí tài (tiền bạc), bố thí Pháp (giảng pháp cho mọi người), bố thí vô úy (ăn chay, giới cấm không sát sinh). Khi hiểu được cần bố thí như thế nào đó chính là “tu phúc”. Cho dù trong đời này bạn không thấy được kết quả nhưng tương lai chắc chắn sẽ được phúc báo tốt lành. Tuy nhiên có một nguyên tắc rất quan trọng trong khi bố thí chính là bố thí trong phạm vi năng lực của bản thân mình.
Ngay cả lúc tay không, ta vẫn có thể bố thí. Có khi chỉ là một nụ cười nho nhỏ, lời hỏi thăm sức khỏe hay một tiếng chào thân ái. Như vậy đều đã là bố thí, đều đã tạo một cơ sở phúc báo cho chính mình vậy.
– Từ lời nói: Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác. Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng.
Ví như lời nói thẳng, ta có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút. Với lời nói lạnh như băng, hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói
Vì thế, đừng thích gì nói nấy, phải nghĩ kỹ trước khi nói. Cẩn thận kẻo nói thẳng, nói thật có thể là khẩu nghiệp không chừng
– Cứu người: Khi gặp người bị nạn, gặp khó khăn, rơi đồ xuống đường, nên đến giúp đỡ, nếu ta bỏ đi thì ắt về sau sẽ gặp quả báo.
Nhìn thấy những đoạn đường hư, lở,… Chúng ta nên mở lòng bồi đường, đắp lộ để cho nhiều người đi qua được bình an.
– Phúc đức từ việc biết lắng nghe: Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.
– Hóa giải hận thù: Cuộc sống khó khăn, nhiều người hay nói lời cay độc nhưng đó là cách họ thể hiện, còn cách cư xử với điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Ngay cả khi ai đó xúc phạm, hãm hại bạn thì hãy điềm tĩnh, đối đãi một cách thiện lành nhất.
Biết đâu, nhờ những tai ương mà người ta mang tới lại giúp bạn khám phá nhiều hơn về bản thân, hiểu thêm về điểm mạnh, điểm yếu của mình? Vậy thì tội gì mà nuôi sự hận thụ vì dù chỉ giữ một chút hận thù, không những không tiêu trừ được nghiệp lực, mà nó sẽ càng nặng hơn lên. Khi bạn đã đủ hiểu mình, hiểu đời thì Dù bị sỉ nhục, hãm hại hãy cố giữ tâm không oán thù
– Lòng lương thiện: Lời Phật dạy về phước đức chắc chắn không thể thiếu lòng lương thiện. Càng lớn tuổi bạn sẽ càng nhận ra rằng không cần phải đe nạt, không phải ép buộc ai, bạn chỉ có thể thu phục lòng người bằng sự lương thiện của mình.
Sự lương thiện của bạn được người khác cảm nhận rất rõ, thậm chí bạn có thể “thuần hóa” được cả những kẻ có dã tâm. Thực ra trong một con người luôn có mặt tốt và mặt xấu và người xưa nói quả không sai: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, khi người có dã tâm ở bên bạn họ cũng trở nên hiền lành đến kỳ lạ.
Nguyễn Nguyễn (Tổng hợp)
Phản hồi