Năm pháp thực hành của cư sĩ: (1) Xa lìa sát sinh

PGĐS – Sau khi phát tâm quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến khích giữ giới (thực hành năm pháp), giới thứ nhất là xa lìa sát sinh.

“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:

– Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.

– Xá-lê Tử, thế nào là bạch y Thánh đệ tử khéo giữ gìn và thực hành năm pháp? Đó là bạch y Thánh đệ tử xa lìa sát sinh, vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sinh, tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ nhất mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])

Sau khi phát tâm quy y Tam bảo, người Phật tử được khuyến khích giữ giới (thực hành năm pháp), giới thứ nhất là xa lìa sát sinh. Hầu hết chúng ta, người truyền giới và thọ nhận giới, đều hiểu một cách khái quát rằng, xa lìa sát sinh là không giết hại mọi loài. Dĩ nhiên cách hiểu này không sai nhưng cũng gây khá nhiều băn khoăn cho người thọ trì, làm sao để “giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”?

Thực chất thì trọng tâm của giới thứ nhất là không cố ý giết hại con người, sau đó mới đến mọi loài chúng sinh. Cố ý giết người thì chịu quả báo địa ngục, còn làm tổn hại các loài vật, nhất là những sinh vật nhỏ nhít thì có thể sám hối. Mặt khác, phạm giới sát sinh phải hội đủ năm yếu tố: Có một sinh vật (người hay động vật), sinh vật ấy còn sống, khởi tâm giết hại, tìm mọi cách để giết hại, sinh vật ấy bị chết. Không hội đủ các yếu tố kể trên thì chỉ bị khuyết giới chứ không phạm giới sát sinh.

Pháp thoại này Đức Phật dạy thực hành xa lìa sát sinh, cần “vứt bỏ dao gậy, có tâm tàm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến loài côn trùng, người ấy đối với sự sát sinh, tâm đã tịnh trừ”. Vứt bỏ dao gậy là không có những hành động giết hại. Có tâm tàm quý, tàm là hổ thẹn với sự tàn ác vô cớ của mình, quý là sợ hãi quả báo của hành vi giết hại. Có tâm từ bi, từ là yêu thương mình cùng mọi người và hết thảy chúng sinh, bi là ra tay cứu giúp và làm lợi ích cho tất cả.

Quan trọng nhất là không tác ý làm hại chúng sinh, “người ấy đối với sự sát sinh, tâm đã tịnh trừ”, không hề có ý tổn hại, dù là nhỏ nhất. Để được như thế phải tuần tự, bắt đầu từ hành động hiếu sinh, kế đến là có tâm tàm quý, phát triển lòng từ bi, lâu dần thì tâm sát được chuyển hóa hoàn toàn. Bấy giờ, ngoại trừ việc vô tình giẫm đạp hay tổn hại các loài nhỏ nhít, người có giới hoàn toàn trong sạch với vấn đề sát hại. Người nào làm được như vậy, Đức Phật dạy là đã giữ gìn và thực hành xa lìa sát sinh một cách hoàn hảo.

Nguồn: giacngo.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi