Kinh Phật nói gì về việc phóng sinh?

PGĐS – Trong vô số những pháp môn phương tiện mà đức Phật đã từng chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sinh là dễ thực hành nhất mà có thể sớm mang lại hiệu quả nhất.

Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình.

Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình.

Cho nên, thường thực hành phóng sinh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sinh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn.”

Trong kinh Phạm Võng có dạy: “Mỗi một chúng sinh đều là anh em, thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt, bị giết, bị ăn thịt… vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự; không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú”.

Theo Lão Pháp sư Viên Nhân: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh tự có ác báo của sát sinh. Phóng sinh tự có thiện báo của phóng sinh. Đừng nên để ý đến sự phê bình, hủy báng của kẻ khác. Chúng ta thực hành thiện nghiệp của mình, kẻ khác tạo ác nghiệp của chính họ. Mai sau quả báo hiện tiền, thiện ác nhân quả báo ứng tuyệt đối không bao giờ sai được.”

Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.

Dưới sự chỉ dạy của Lão Pháp sư, những người phóng sinh chẳng những tiêu trừ được túc nghiệp mà trong quá trình phóng sinh lại càng nuôi dưỡng được tấm lòng từ bi, thể hội được chân lý. Trong nghĩa cử cao đẹp của việc phóng sinh, bao nhiêu những chứng bệnh ung thư, ác tật đều tiêu mất trong vô hình.

Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Tại sao phải phóng sinh? Nói một cách đơn giản, phóng sinh tức là cứu chuộc mạng sống.

Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết.”

Chúng ta ngay trong kiếp này tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp!

Việc phóng sinh có thể trưởng dưỡng tấm lòng từ bi của mình. Nên khởi lòng bi mẫn phóng sinh, xem sinh mạng của loài vật như sinh mạng của chính mình. Được vậy thì sẽ chẳng cuồng vọng, điên đảo nữa; sẽ chẳng tạo nghiệp giết hại nữa; sẽ chẳng thiếu món nợ sát sinh nữa; nên chẳng phải luân hồi thọ báo nữa.

Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn.” Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.

Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác, đều có tính Phật, đều có thể thành Phật.

Nhờ đó, chúng ta có thể khởi tâm từ bi với hết thảy chúng sinh, lại còn tôn trọng trân quí. Tiến thêm một bước nữa, trong cuộc sống hằng ngày có thể thực hiện việc giới sát, ăn chay, cứu giúp sinh mạng muôn loài; các điều ác không làm, các điều thiện cố gắng làm; khởi tâm từ bi đối với tất cả muôn loài trên thế gian.

Chúng ta ai cũng biết tâm Phật là từ bi. Khi chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi thì tâm ta với tâm Phật hợp nhau, chư Phật hoan hỷ thì tự nhiên dễ có sự cảm ứng đạo giao, việc học Phật tự nhiên dễ dàng thành tựu.

Trong kinh Phạm võng, Bồ Tát Giới sám văn có dạy: “Phật tử không được tự mình giết hại, dạy người giết hại, dùng phương tiện giết hại, tán thành việc giết hại, hoặc thấy người khác giết hại mà vui mừng tán thành.

Tất cả các loài có sự sống, có sinh mạng, đều không được giết hại.Bồ Tát phải luôn phát khởi, gìn giữ tâm từ bi, hiếu thuận, dùng phương tiện mà cứu mạng, bảo vệ cho tất cả chúng sinh. Người thích sát sinh thì làm ngược với bốn tâm vô lượng: từ, bi, hỷ, xả. Như vậy là phạm vào tội ba-la-di của hàng Bồ Tát”.

Bùi Hiền

Bài viết liên quan

Phản hồi