Làm sao “sao kê” được tấm lòng

Những việc rắc rối xung quanh việc làm từ thiện không phải chỉ mới xuất hiện gần đây, và không chỉ có ở Việt Nam. Bởi lẽ, ở bất kỳ thời đại hay quốc gia nào, vẫn có sự chênh lệch giữa giàu và nghèo, vẫn phải chịu những thiệt hại nhất định về thiên tai hay dịch bệnh ở một mức độ nào đó.

Đối với các nước phát triển, có dư nguồn tài lực, cũng như người dân vào lúc bình thường phải đóng một khoản thuế nhất định, khi gặp phải thiên tai hay thảm họa thì chính phủ gần như chăm lo đầy đủ và chu đáo cho những người chịu thiệt hại. Nhưng ở những nước nghèo hay đang phát triển, chính “tình người” giúp nhau vượt qua cơn biến động. Và xưa nay, chúng ta cũng chưa bao giờ đặt ra vấn đề phải “sao kê” món ân tình ấy như thế nào.

Gần đây, bên cạnh những thông tin về tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp, người ta đã cảm thấy quá muộn phiền và mệt mỏi với con số ca nhiễm mới và người chết, xã hội lại phải gánh thêm những luồng thông tin tiêu cực về vấn đề từ thiện. Chính ngay thời khắc này, đáng lẽ chúng ta cần khơi dậy niềm tin ở cái thiện, mở rộng lòng mình để có thể bao dung và chia sẻ, vậy mà những thông tin tiêu cực ấy lại làm cho sự nghi ngờ tăng thêm, khoảng cách giữa người với người ngày một xa nhau hơn. Một số người có tấm lòng nghĩ đến cộng đồng, quan tâm đến tha nhân, cảm thấy mệt mỏi và bất lực, thậm chí chán nản vì sự thành tâm của mình nhận lại những phản hồi không đáng có.

Hiệu ứng đám đông có năng lực rất đáng sợ.

Hiệu ứng đám đông có năng lực rất đáng sợ.

Trên góc nhìn tổng quan, khi một người phát tâm đứng ra kêu gọi từ thiện, hơn chín mươi phần trăm trong số đó đều phát xuất từ tấm lòng thương người, biết nghĩ về người khác, và muốn làm điều gì đó để giúp đỡ tha nhân. Bằng khởi niệm tốt đẹp ấy, người ta đã dành thời gian, công sức và tiền bạc, hy sinh bản thân để chung tay cùng cộng đồng. Những ai từng dấn thân vào việc này mới phần nào hiểu được những khó khăn của họ. Không phải chỉ có việc đơn giản là lấy tiền của người này đem đến cho người kia, mà đó là cả một quá trình làm việc vất vả trong việc thống kê số tiền nhận được, tính toán về đối tượng nhận sao cho phù hợp, thậm chí phải mua những gì, bao nhiêu,… đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nhưng quan trọng nhất vẫn là tấm lòng. Nếu thật sự không có “tâm” cũng như “tầm”, không có sự ảnh hưởng thì có muốn làm cũng không được, và việc làm cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng ta thử đặt mình vào trường hợp đó, khi bản thân mình đã hy sinh nhưng cuối cùng điều nhận lại là những lời trách móc, chửi bới, liệu chúng ta có còn sự nhẫn nại và từ tâm để tiếp tục công việc thiện nguyện hay không? Và khi những cá nhân và tổ chức phi lợi nhuận quay lưng với việc làm từ thiện, đối tượng chịu thiệt là ai, thậm chí đối tượng hưởng lợi trong việc này là ai? Đó là vấn đề mà mỗi người cần suy tư.

Hiệu ứng đám đông có năng lực rất đáng sợ. Ngày hôm trước, chỉ cần một bài báo đưa tin đối tượng “A” có những việc làm đáng khen, có ảnh hưởng đến cộng đồng, thì từ những quán cà phê vỉa hè cho đến cuộc trò chuyện trong văn phòng công sở, người ta bàn tán xôn xao, khen ngợi và ca tụng, đưa người đó lên đến tận mây xanh. Cũng là đối tượng “A” đó, chỉ cần ngày mai có một clip trên Youtube lên tiếng chê trách, đem những chuyện đời tư hay có những tư kiến riêng ra chỉ trích, thì đám đông cũng lại chạy theo phỉ báng, mắng nhiếc không thương tiếc. Người ta thường nói người thành công trước khi nói phải suy nghĩ kỹ lưỡng, và trong thời đại công nghệ chúng ta đừng để mình “tay nhanh hơn não”, nhưng tiếc một điều là người thành công trong cuộc đời này không nhiều, và những người chịu khó suy tư cũng đang ít dần theo năm tháng. Phải chăng, mỗi người cần có ý thức nhất định về điều này, và chúng ta cũng phải hướng dẫn những thế hệ sau như con cháu của mình về thái độ bình tĩnh và suy nghĩ thật cẩn thận trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó.

Thời đại nào chúng ta cũng cần nương tựa nhau để sống, những trái tim biết mở lòng ra, quên bản thân mình để cho đi cần được ngợi khen thay vì xét đoán hay chỉ trích.

Thời đại nào chúng ta cũng cần nương tựa nhau để sống, những trái tim biết mở lòng ra, quên bản thân mình để cho đi cần được ngợi khen thay vì xét đoán hay chỉ trích.

Trở lại chủ đề chính của bài viết về từ thiện, trong thời gian gần đây, có rất nhiều ý kiến đòi hỏi các cá nhân và tổ chức làm từ thiện cần phải rõ ràng, thậm chí vấn đề “sao kê” đang là một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm. Người viết đồng ý với việc cần phải có sự minh bạch trong công tác từ thiện, nhưng cũng tin chắc một điều rằng không có nhiều cá nhân hay tổ chức dựa vào việc từ thiện đó để thu lợi. Chúng ta đòi hỏi “sao kê”, nhưng liệu có thống kê hay tính toán được tấm lòng và ân tình giữa người với người. Từ xưa đến nay, hầu như những cá nhân đứng ra kêu gọi thường không nghĩ đến việc thống kê này, họ dùng sự ảnh hưởng, hay các mối quan hệ của bản thân, và làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, sẽ không có mấy người nghĩ đến việc phải trình bày chi tiết việc thu chi như thế nào. Họ không phải là những nhà làm kinh tế hay hoạt động cộng đồng để có được khả năng hoạch định. Về mặt tích cực, đây sẽ là bài học đắt giá cho những người làm công tác từ thiện, phải rõ ràng và minh bạch ngay từ ban đầu, đưa ra những con số thống kê chi tiết để không phiền lòng về sau. Nhưng xét về khía cạnh khác, đây sẽ là trở ngại và gây khó khăn cho không ít người khi muốn đứng ra kêu gọi ủng hộ.

Thời đại nào chúng ta cũng cần nương tựa nhau để sống, những trái tim biết mở lòng ra, quên bản thân mình để cho đi cần được ngợi khen thay vì xét đoán hay chỉ trích. Một xã hội tiến bộ là khi có những cá nhân sẵn lòng vì người khác, biết quan tâm đến cộng đồng, nghĩ đến tha nhân. Chỉ mong những người đã bỏ tiền ra làm từ thiện cần phải sáng suốt và tỉnh táo để chọn đúng nơi ký thác niềm tin, để không phải hối tiếc sau này. Và những tấm lòng vàng, không bị những lời nói gió bay làm mất đi tinh thần cống hiến, bởi khi việc thiện càng gặp khó khăn mà chúng ta vượt qua được thì điều đó lại càng có ý nghĩa. Cuối cùng, mục đích của bài viết hướng đến là chúng ta cần có thái độ đúng đắn, sáng suốt, đừng chạy theo số đông để chịu chung sự “cộng nghiệp” theo tinh thần nhân quả. Mỗi lời nói, sự bàn luận hay thậm chí một thông tin chia sẻ, một dòng trạng thái, hay một bình luận cũng đủ góp phần định hướng đám đông, làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hay tồi tệ.

Bài viết liên quan

Phản hồi