Hiếu đạo: Tình thương trong ngày đại dịch

Lễ Vu lan là ngày mỗi chúng ta phải nhìn nhận lại, mình đã nhận được bao nhiêu nguồn sống tình thương của mọi người xung quanh mình, cộng đồng mình đang sống. Hãy thực hành hạnh hiếu mọi lúc mọi nơi theo tinh thần của Phật giáo.

Trong những giá trị văn hóa đạo đức nền tảng làm nên cội nguồn văn hóa Việt Nam thì Văn hóa biết ơn đã trở thành nét đẹp truyền thống linh thiêng, cao quý và gần gũi của mỗi người Việt nam. Một xã hội thật sự tốt đẹp là khi được xây dựng vững vàng trên những nền tảng những đạo lý sâu sắc. Với dân tộc Việt Nam, lòng biết ơn được thể hiện ở việc phụng thờ tổ tiên, tôn vinh các bậc tiền bối, anh hùng liệt sĩ có công với đất nước, giang sơn. “Đạo lý uống nước nhớ nguồn” không chỉ là gìn giữ, biết ơn và bảo vệ những thành quả của thế hệ đi trước, mà còn là bản thân mỗi người phải luôn cố gắng, cống hiến cho những thành quả đó ngày cảng to đẹp hơn, rực rỡ hơn. Do vậy đạo lý ấy luôn là nền tảng vững chắc tạo nên một xã hội thân ái, nhân văn và đoàn kết.

Phật giáo ngay từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam với tinh thần Từ bi – Trí tuệ, đã nhanh chóng hòa nhập vào nền văn hóa của người dân Việt. Giá trị đạo đức tiêu biểu của Phật giáo là tinh thần tri ân và báo ân được thể hiện cụ thể trong lễ Vu lan hàng năm theo truyền thống của đạo Phật. Lễ Vu lan dần trở thành ngày hội của tình thương yêu con người. Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên vị đại đệ tử của Phật, với lòng chí hiếu cứu mẹ ra khỏi cảnh ngã quỷ khổ đau tăm tối nơi địa ngục. Vu lan là ngày lễ truyền thống hàng năm nhằm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là dịp để cho mỗi người nhắc nhở lại bổn phận làm con của mình, tinh thần hiếu thảo trong mỗi mùa Vu lan, đã trở thành bông hoa đạo đức, nhắc nhỡ mỗi người con phải tự soi xét, sống có hiếu hơn, đạo đức hơn, sống tốt hơn để đền đáp tình thương rộng lớn của những đấng sinh thành, người đã dâng trọng cả cuộc đời cho con.  Mùa vu lan không chỉ đơn thuần là cầu an lạc cho cha mẹ hiện còn tại thế và cầu siêu cho cha mẹ, ông bà và tổ tiên, bố thí cho những vong hồn không nơi thờ cúng, mà còn mang nhiều ý nghĩa rộng lớn hơn, nhân văn cao đẹp hơn đó là; mùa yêu thương đối với cộng đồng quốc gia và dân tộc.

Lễ Vu lan là ngày mỗi chúng ta phải nhìn nhận lại, mình đã nhận được bao nhiêu nguồn sống tình thương của mọi người xung quanh mình

Phật giáo với những triết lý duyên sinh, nhân quả, vô thường, vô ngã, mỗi một cá nhân hiện hữu đều do nhiều mối tương duyên, tương sinh để tồn tại. Do vậy không ai có thể sống một cuộc sống biệt lập, mà không có các mối quan hệ khác. Nhà Phật chủ trương mỗi người đều mang trên mình bốn ân nặng (Tứ Trọng Ân) đó là: 1, Ân trời đất (Thiên nhiên) bao bọc chở tre cho sự sinh sống của muôn loài. 2, ân quốc gia (đất nước). 3, ân Sư trưởng, phụ mẫu (Thầy tổ, thầy dạy, và cha mẹ, ông bà). 4, Ân thập phương tín thí (đồng bào, xã hội). “Tứ trọng ân” như một dòng suối trong lành, mát dịu, len lỏi đến từng trái tim của mỗi con người và đã trở thành nguồn sống tinh thần trong tâm thức con người: Tri ân và báo ân (1).

“Hiếu đạo không phải là một di sản đặc thù của người Phật tử mà là nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả mọi người. từ các đấng thánh nhân cao cả cho đến một người bình thường không ai là không có cha mẹ sinh ra. Chính cha mẹ tạo nên hình hài của mỗi chúng ta. Nếu không do công ơn trời bể của hai đấng sinh thành thì sao chúng ta có mặt trên cõi đời này. Cha mẹ không những hy sinh một phần máu thịt cho con mà còn tốn hao biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt để nuôi nấng, mất hết bao thì giờ và sức lực để dạy con…. Tình thương của cha mẹ dành cho con là tình thương thiêng liêng không có bất cứ một thứ tình cảm nào trên cõi đời này có thể so sánh được” (2). Chính vì vậy trong Sám Mục Liên có dạy: “Hiện tiền đại chúng hãy nên biết rằng, ân đức cha mẹ không bến không bờ thực khó đáp đền. dù trăm nghìn đời nghiền thân làm vị đề hồ dâng cúng cho cha mẹ cũng không báo đáp hết công ơn cha mẹ”, bên cạnh đó còn phải vì cha mẹ mà làm những điều phúc thiện, lòng biết ơn không chỉ với đấng sinh thành, mơ rộng ra là thầy cô, bè bạn, chúng sinh quốc gia dân tộc.

Năm nay, mùa Vu lan lại tới trong tâm thức của những người con Hiếu. Nhưng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp ở một số các tỉnh thành và đất nước như: Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Bình, Khánh hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ, Hà Tĩnh, Hà Nội….  nhất là Thành Phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Tính đến Chiều ngày 12/8/2021 Việt Nam đã có 246.568 ca nhiễm tính cả nhập cảnh và trong nước (3). Trước tình hình đó, Toàn thể các cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ và toàn dân đã và đang ra sức thực hiện phòng và chống dịch bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, lời kêu gọi của Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam về phóng chống Covid, cũng như thực hiện Thông cáo của Ban Thường trực hội đồng trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam , toàn thể Tăng ni, Phật tử chung tay các ngành các cấp và chính quyền địa phương trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID -19, bằng hành động cụ thể là ở yên tại chỗ, thực hiện nghiêm túc quy định 5K và chỉ thị 16. Đúng 6h ngày 27-7, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước sẽ đồng loạt cử 3 hồi chuông chống tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đồng thời trì tụng kinh Dược Sư cầu nguyện dịch bệnh tiêu trừ.

Chư tôn đức Ban điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng Tăng Ni sinh đang cấm túc tại Học viện tụng kinh Dược Sư cầu nguyện dịch bệnh sớm tiêu trừ và tổ chức lễ tụng kinh cầu siêu nhân mùa Vu Lan về.

Bằng các hành động thiết thực cụ thể, các cơ sở tự viện, Tăng Ni đã ủng hộ, đóng góp vật tư, trang thiết bị cho Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đang phải chống dịch nặng nề. Từ tinh thần tri ân, báo ân, từ tình thương truyền thống của dân tộc, các Tăng ni, Phật tử tham gia cùng với các cấp chung tay trong công cuộc “Chống dịch như chống giặc” như: Chùa Giác Ngộ – Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, trong những ngày thành phố Hồ Chí Minh cách ly, phong tỏa, chùa đã gửi tặng hàng trăm tấn thực phẩm cho người dân, được tiếp nhận từ các mạnh thường quân và tăng ni Phật tử. nhiều cơ sở của Giáo Hội đã được chung tay làm khu cách ly y tế như: Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế cơ sở 2, chùa Ích Minh huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Và rất nhiều các cấp giáo hội ở các tỉnh thành trong cả nước đã và đang tực hiện nhiều các trương trình, quyên góp tài chính ủng hộ vào quỹ vắc xin, những chuyến xe chở nhu yếu phẩm, vật tư y tế đang ngày đêm chở tình cảm của cả nước hướng về thành phố mang tên bác. , .v.v..

Bên cạnh đó, thời gian này còn có đông đảo Tăng Ni, Phật tử đã tham gia tuyến đầu phòng chống dịch, trong đó phải nói tới phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng phòng chống dịch”. Ngày 22/7/2021 tại hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lễ xuất quân dành cho 299 tinh nguyện viên các tôn giáo tham gia phục vụ tại các bệnh viện dã chiến (đợt 1) đã được diễn ra. Trong đó có 80 tăng ni và Phật tử, trong số đó có 2 đại đức và 13 sư cô đã tham gia. Mới đây tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Hà Nội, đã có hàng trăm Tăng Ni sinh trẻ nộp đơn được tham gia tuyến đầu phòng chống dịch.

Trong đơn phát nguyện, ni sinh Thích Nữ Minh Nghĩa, lớp HV4 viết: “Chúng con là những Tăng Ni sinh trẻ, những người con của Như Lai, noi theo hạnh nguyện của Ngài với tinh thần từ bi, xin phát nguyện được tham gia phòng chống dịch COVID-19, góp phần nhỏ bé của mình sẻ chia những khó khăn với y, bác sỹ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chúng con nguyện cầu hồng ân Tam bảo, mong sao dịch bệnh sớm tiêu trừ để người dân trở lại cuộc sống bình thường. Nếu được tham gia vào đội tình nguyện chống dịch, là niềm vinh hạnh của chúng con, nguyện làm hết sức mình để giúp đỡ người bệnh”(4) Đại đức Thích Tâm Quang (Phan Trương Thanh Luận), đang tham gia tình nguyện tại Bệnh Viện Hồi Sức Cấp Cứu Covid-19 (Thành phốThủ Đức- Thành phố Hồ Chí Minh)  facebook: Chân Tịnh chia sẻ:

– “Tham gia chống dịch: Vui có, buồn có, lo lắng có, sợ cũng có…

– Đối diện với dịch bệnh hàng ngày ai chả sợ.

– Nhưng nhiệt huyết cống hiến, phụng sự nó lớn hơn nỗi sợ trong lòng, để rồi ta cớ vậy mà bước đi, mà tiến tới …

– Cuộc đời đẹp nhất là khi được dâng hiến đời mình cho đất nước, cho nhân dân… đó là lý tưởng là lẽ sống của người con Phật: Phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật

– Đất nước đang trải qua những ngày đau bệnh. Mỗi người cùng chung tay để chữa lành. Đây là nỗi đu chung. Cũng là lời cảnh tỉnh để từ đây con người biết thương yêu nhau, bỏ qua hận thù”…

Đại đức Thích Tâm Quang (Phan Trương Thanh Luận), đang tham gia tình nguyện tại Bệnh Viện Hồi Sức Cấp Cứu Covid-19

Ở nơi tuyến đầu thầy nhắn gửi gắm mọi người: “Muốn gửi triệu lời yêu thương tới mọi người ngoài kia. Ước mong duy nhất là mọi người đừng để bản thân bị nhiễm bệnh, đừng trở thành F0, Mọi người khổ, xã hội khổ theo, lực lượng tuyến đầu lại thêm phần lo lắng, thao thức. Hãy bảo về chính mình. Cố lên, chúng ta xẽ quyết thắng đại dịch”

Phật tử Nguyễn Chí Tâm ở Quận Gò Vấp –  Thành phố Hồ Chí Minh. Một Phật tử trẻ cùng với mọi người tổ chức rất nhiều buổi thiện nguyện, giúp đỡ mọi người ở Thành phố Hồ Chí Minh những nhu yếu phẩm thiết yếu, hàng nghìn, vài nghìn xuất quà được trao tới mọi người trong khu cách ly, những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Tâm nói: “Em thấy mình rất may mắn, may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều người. Mình còn sức khỏe, còn được thở, còn được hiện diện để phục vụ cho chúng sinh. Còn điều mà mình buồn nhất, là khi nhìn người mình quen biết, hay là chưa từng quen biết phải ra đi. Nói cách khác, nơi nuôi ta lớn lên, ta sống với nó. những việc làm thiện nguyện cũng giống như những thang thuốc, giúp cho nơi ta đi qua được sống dậy từng ngày”

Nếu như ở bên trong kia là những đội ngũ y bác sĩ, đang ngày đêm chăm sóc cho các bệnh nhân. Thì ngoài bên đây, những đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên cũng đang tham gia tại các chốt kiểm dịch, để bảo vệ vùng xanh cho xóm làng, tổ dân phố cả ngày lẫn đêm, chẳng quản mưa gió hay nắng gắt. Chưa bao giờ thấy cuộc sống thường nhật thay đổi nhiều đến vậy, nhưng cũng trong những lúc như thế này mới thấy tình thương yêu đùm bọc lẫn nhãu của nhân dân ta thật bao la rộng lớn.

Một trận đại dịch trải qua, chúng ta càng nhận rõ về sự vô thường mỏng manh của cuộc sống. Cũng có những người không may đã qua đời, sự ra đi của họ mà bên cạnh không có người thân, không có bạn bè, chỉ lặng lẽ cô đơn được các đội ngũ y tế thực hiện nghi tức tẩm niệm giản đơn nhất và đem đi hỏa táng. Giáo hội Phật giáo Việt nam cũng tổ chức những buổi lễ cầu siêu cho những nạn nhân tử vong vì COVID-19, và cũng có rất nhiều chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh được lựa chọn làm nơi thờ tạm tro cốt của người mất vì Covid như chùa Long Hoa, chùa Tường Nguyên, Pháp Viện Minh Đăng Quang..v..v

Trên tinh thần mùa Vu Lan – Báo hiếu, con người Việt nam luôn đề cao hiếu nghĩa, sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Những việc làm, tấm gương, những con người hàng ngày vẫn đang âm thầm cống hiến, giúp đỡ nhau; những bếp cơm thiện nguyện, những chuyến xe không đồng, những tình thương vẫn đang được trao gửi nhau trong những ngày vượt qua khó khăn. Đã được những người con Phật và mọi ngời thực hiện từ “Mệnh lệnh của trái tim”, vì một Việt Nam thân yêu.

Từ lòng hiếu với mẹ cha, đã trở thành lòng biết ơn Tổ quốc, lòng phục vụ vị nhân sinh và những khi như thế này, những người đệ tử Phật đã thực hiện “Mệnh lệnh từ trái tim”, để phụng sự nhân sinh. Vì Kinh dạy rằng; Hết thảy người nam, người nữ trong nhiều kiếp sống, họ đã từng là cha ta, là mẹ ta, anh chị em, người tân của ta. Chính vì vậy hết thảy đều là thân bằng quyến thuộc. Từ đây mỗi người con Hiếu, đã biến cái hiếu nhỏ bé, thành hiếu đạo- tình thương bao la rộng lớn, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cùng đưa nhau qua những ngày khó khăn “Không để lại ai ở phía sau”.

Trên tinh thần mùa Vu Lan – Báo hiếu, con người Việt nam luôn đề cao hiếu nghĩa, sống yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Gần nhất là hiếu kính mẹ cha trong gia đình, hoan hỷ với anh chị em, bạn bè, kính lễ người trên, với xóm làng, và đất nước. Gia đình có Hiếu đạo, thì dòng họ có nề lếp gia phong, xóm làng, ngõ phố có yên vui và đất nước thái bình. Lễ hội Vu lan còn là ngày chúng ta phải nhìn nhận lại, mình đã nhận được bao nhiêu nguồn sống tình thương của mọi người xung quanh mình, cộng đồng mình đang sống và mình đã làm được những gì để lăng lượng tình thương ấy lan tỏa trở lại xã hội, trở lại cộng đồng, những người đã giúp đỡ chúng ta lớn lên và trưởng thành.

Chú thích:

(1) Trần Đăng Sinh (chủ biên). Đạo Lý Uống Nước Nhớ Nguồn Cơ Sở Triết Học Và Giá Trị Đạo Đức Trong Lịch Sử Dân Tộc, NXb Giáo Dục Việt Nam 2017, tr75

(2) Cao Văn Cang, Hiếu Hạnh xưa và nay, Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2006, tr.95.

(3) https://dantri.com.vn/suc-khoe/dai-dich-covid-19/so-lieu-covid19.htm

(4).https://vov.vn/xa-hoi/hang-tram-tang-ni-sinh-xin-tham-gia-tuyen-dau-chong-dich-881058.vov.

Bài viết liên quan

Phản hồi