Hành trình của Tăng Ni du học sinh trở về từ Ấn Độ

“Ngày đặt chân xuống sân bay Cần Thơ, Tăng Ni chúng tôi vui mừng xiết bao khi được về lại quê hương. Đặt chân lên đất nước mình rồi mà cứ ngỡ như còn mơ vậy”, đó là cảm xúc mà Sư cô Thích nữ Hạnh Viên chia sẻ với phóng viên Giác Ngộ sau khi trở về từ Ấn Độ ngày 19-5 vừa qua, trong mùa dịch Covid-19.
 
Một hành trình gian nan
Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng nhanh hiện nay về số ca nhiễm mới trong đại dịch toàn cầu Covid-19, đến thời điểm này, chính quyền Ấn Độ buộc phải nhanh chóng đưa ra biện pháp phong tỏa toàn quốc.

ANHAB (1).JPGNT.Thích nữ Tịnh Nghiêm động viên chư Ni yên tâm trong thời gian cách ly

Theo tường thuật của Sư cô Thích nữ Hạnh Viên – một Ni sinh đang du học tại Ấn Độ vừa trở về nước, bởi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên từ lúc nghe tin ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ thông báo hỗ trợ công dân Việt Nam về nước, “mình và một sư cô nữa liền đăng ký nhưng rất lo, không biết về quê được hay không, bởi việc di chuyển rất khó khăn trong đợt phong tỏa”. Chặng đường về Việt Nam của SC.Hạnh Viên phải đi qua nhiều “cửa”.
Muốn đến được sân bay quốc tế New Delhi, SC.Hạnh Viên phải tìm cách làm sao để di chuyển được từ Sanchi, bang Madhya Pradesh về Trường Gautam Buddha University, bang Uttar Pradesh để lấy hộ chiếu. Quãng đường di chuyển giữa hai địa điểm nói trên dài 736km, trong lúc dịch bệnh bùng phát, việc xin giấy thông hành khó khăn, nhiều trục trặc, và cả chi phí cũng đắt đỏ.
“May mắn nhờ các anh chị bên Lãnh sự quán giúp đỡ, hỗ trợ hết mình, cuối cùng hai huynh đệ tôi cũng đến được sân bay. Vậy mà thử thách chưa dừng lại ở đó, tưởng là sẽ được lên máy bay nhưng khi tới khâu kiểm tra an ninh thì phía cảnh sát không cho vào.
Chúng tôi được gọi ra ngoài và đứng chờ vì trục trặc thủ tục. Nhân viên Lãnh sự quán Việt Nam tại Ấn Độ lại vất vả giúp đỡ với phương châm không để ai ở lại phía sau. Sau đó mười phút, máy bay đã cất cánh đưa chúng tôi về quê hương của mình”, SC.Hạnh Viên xúc động kể lại.
Chọn về lại Việt Nam trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở Ấn Độ, đó là điều khó khăn đối với nhiều Tăng Ni. Bởi không phải ai cũng đủ tiền để mua một chiếc vé máy bay về nước, thậm chí, có người khó khăn đến nỗi không đủ tiền di chuyển từ chỗ đang tá túc ra đến sân bay.
“Một chuyến trở về chưa từng có bao giờ với đủ mọi vất vả, lo toan, sợ sệt. Bao nhiêu thứ phải lo, chưa tính đến các khoản chi phí xe cộ di chuyển, tiền phí dọc đường và cả tiền vé máy bay nữa. Có người không đủ tiền phải điện thoại về Việt Nam mượn tạm người quen và hẹn về sẽ trả lại sau. Tu sĩ đều phải tự lập, nhiều vị được thầy Tổ, cha mẹ, Phật tử lo thì không nói gì, nhiều vị đã phải đắn đo suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định về, vì nhiều khi về rồi lại không đủ tiền để họ sang học tiếp nữa”, một Tăng sinh chia sẻ.
Về với quê hương là hành trình nhiều thử thách, đôi lúc hồi hộp “nín thở”, sau khi trở về rồi cũng lại còn nhiều chuyện phải lo ở phía trước, thế nhưng khi có mặt tại Việt Nam, 57 Tăng Ni đang tham gia cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang (ấp Đông, xã Long Định, Châu Thành), ai cũng vui mừng, hạnh phúc.
Ấm tình pháp lữ, trọn nghĩa quân dân
Sau khi được tin chư Tăng Ni từ Ấn Độ về Việt Nam, cách ly tại tỉnh Tiền Giang từ ngày 20-5, ngay ngày hôm sau, đoàn Ban Trị sự (BTS) GHPGVN tỉnh Tiền Giang đến thăm, động viên.
Tại đây, sau khi nghe ông Nguyễn Văn Bé Bảy, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trình bày nỗi trăn trở về việc làm sao để các bữa ăn của Tăng Ni vừa phù hợp với nhu cầu lại phải đủ dinh dưỡng, TT.Thích Quảng Lộc, Phó BTS đã liên hệ với NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Tiền Giang, nhờ hỗ trợ về khâu ẩm thực cho các Tăng Ni trong suốt thời gian cách ly.
ANHAB (2).JPGNT.TN Tịnh Nghiêm và chư Ni ni viện Tịnh Nghiêm nấu ăn cho Tăng Ni tại khu cách ly
“Những ngày đầu tại khu cách ly, chúng tôi được các anh bộ đội phục vụ cơm nước. Sau khi BTS Phật giáo tỉnh Tiền Giang đến thăm, động viên thì ngày hôm sau, chúng tôi vô cùng xúc động khi được NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm đến thăm. Ni trưởng đến đây lo chu toàn chuyện ăn uống, vật dụng thiết yếu cho Tăng Ni, chu đáo với tất cả. Có gì cần, nói với Ni trưởng là được giúp đỡ”, một sư cô đang cách ly tại đây cho biết.
Để chăm sóc chu đáo cho Tăng Ni và Phật tử dùng cơm chay tại khu cách ly, đích thân NT.Thích nữ Tịnh Nghiêm lên thực đơn cho từng bữa ăn, theo dõi hàng ngày tiền đi chợ để nấu cho 70 người dùng chay, gồm tu sĩ, Phật tử và những người chọn lối sống thiện lành trong khu cách ly.
Ni trưởng bộc bạch: “Tôi cố gắng lo cho Tăng Ni, huynh đệ, các em của mình thì rất hoan hỷ. Thương các em lắm, những ngày đi học đã vất vả, lúc dịch bệnh càng vất vả trong việc ăn uống hơn, rồi đủ thứ khó khăn trong hành trình về với quê hương. Cho nên, tôi nấu các món ngon cho các em dùng, như thiết đãi các em, cực mà tôi rất vui”.
Một ngày ở đây, Tăng Ni có ba bữa ăn, bữa nào cũng phải ngon. Riêng cữ trưa và chiều, cơm đầy đủ ba món và trái cây, tráng miệng đầy đủ. Sữa, ngũ cốc cũng được bổ sung hàng ngày, không để ai thiếu thực phẩm.
“Trong lúc dịch bệnh này, tôi cảm nhận rất rõ tình đồng bào trong lúc khó khăn. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ hỗ trợ hết lòng để đưa công dân có nguyện vọng về nước. Về tới Việt Nam, thì được Giáo hội quan tâm, chăm lo, các anh bộ đội ở khu cách ly giúp đỡ tận tình”, Sư cô Tâm Hương bộc bạch.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của các Tăng Ni từ Ấn Độ về nước, nhiều vị tôn đức đã và đang thực hiện những hành động thiết thực nhằm tiếp sức cho các Tăng Ni trẻ, du học sinh. Mỗi một sự quan tâm, chia sẻ của chư tôn đức đối với các Tăng Ni trong khu cách ly lúc này vô cùng ý nghĩa, là dấu ấn trong cuộc đời cũng như trên con đường tu học của họ.
Như lời chia sẻ của đại diện Tăng Ni trở về từ Ấn Độ: “Những ngày trong khu cách ly thấm đẫm đạo tình. Giáo hội lo cho chúng tôi rất chu đáo. Ấm áp nghĩa tình là điều chúng tôi cảm nhận được khi về với quê hương”.

Hạnh Ý

 

Bài viết liên quan

Phản hồi