Hải Phòng: Tưng bừng kiệu rước xe diễu hành trong lễ Phật Đản PL.2569 tại chùa Thanh Sử

PGĐS – Trên các tuyến đường trung tâm, Cờ hoa tung bay rợp trời, hàng trăm chiếc xe hoa được trang trí trang nghiêm, mầu sắc lộng lẫy, trên mui là kiệu rước Tôn tượng Đức Phật đản sinh, băng rôn, biểu ngữ và những thông điệp yêu thương, hòa bình nối tiếp nhau diễu hành trong tiếng nhạc rộn ràng và tiếng chuông trầm mặc – Chư tôn Đức và hàng ngàn đồng bào Phật tử, các thành phần nhân sĩ trí thức, con em quê hương đang sinh sống và công tác tại nước ngoài, người dân tại 6 thôn của xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã hân hoan cùng nhau sải bước trong dòng người nối dài như vô tận, tay nâng cờ Phật giáo, miệng nở nụ cười an lạc, ánh mắt chan chứa niềm tin và hy vọng, những lời niệm danh hiệu Đức bản sư, lời cầu nguyện thiêng liêng gửi vào gió, mong cho thế giới bình an, chúng sinh an lạc. Đó là không khí ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh tại chùa Thanh Sử xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.

   Trong không khí hân hoan cùng dân tộc chào mừng các ngày lễ lớn, 50 năm ngày thống nhất non sông, 70 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng, kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, tiến tới Đại lễ Vesak Liên hiệp 2025 quốc được tổ chức tại Việt Nam. Chùa Thanh Sử đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương, các nhà trường, long trọng tổ chức diễu hành xe hoa, cùng các nghi lễ hành chính, kỷ niệm Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 nhằm đưa Lễ Phật đản như một ngày hội của toàn dân.

   Khéo léo của Đại đức Trụ trì trong việc vận dụng phương tiện, tiếp cận lồng ghép văn hóa truyền thống của người dân, như âm nhạc dân tộc, nghệ thuật sắp đặt sen, văn hóa dân gian và nghi lễ tế rước gần gũi, để truyền tải thông điệp của đạo Phật một cách sinh động và dễ dàng tiếp nhận.

   Chia sẻ với phóng viên, Đại đức Thích Bản Giáo, Phó trưởng ban hoằng pháp – Phó trưởng ban hướng dẫn Phật tử – Phó trưởng ban Phật Giáo Quốc tế GHPGVN thành phố Hải Phòng – Trụ trì chùa Thanh Sử – Trưởng ban tổ chức Đại lễ cho biết: “Hành đạo, hay hoằng pháp tại mỗi nơi, mỡi địa phương tập tục văn hóa khác nhau, khi truyền tải thông điệp nội dung phải ngắn gọn, dễ nhớ dễ hiểu, không giáo điều, không xa cách, chính nhờ đó mà hoạt động văn hóa – tâm linh tại chùa sẽ trở thành nhịp cầu kết nối giữa đạo và đời, giữa ngôi chùa và đời sống cộng đồng, khiến người dân cảm thấy gần gũi, thân thiện, từ đó phát sinh lòng kính ngưỡng và tinh thần hướng thiện”.

ĐĐ; Thích Bản Giáo Phó trưởng ban hoằng pháp Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng – Trụ trì chùa Thanh Sử.

   Chính sự gắn bó mật thiết giữa đạo pháp và dân tộc, cùng với thái độ cầu thị, sáng tạo của thầy Trụ trì, đã tạo nên sự hưởng ứng mạnh mẽ từ nhân dân địa phương, cũng như sự đồng thuận tích cực từ chính quyền các cấp. Qua đó, hình ảnh ngôi chùa trở thành trung tâm văn hóa, tinh thần – nơi nuôi dưỡng đạo đức, gìn giữ giá trị truyền thống và lan tỏa tình người giữa đời sống hiện đại.

    Được tham dự lễ rước Tôn tượng Đức Phật đản sanh trong ngày Đại lễ Phật đản là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi.” – Phật tử Diệu liên xúc động chia sẻ:

Phật tử: Diệu Liên xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

“Giữa quê hương mình, từng bước chân theo đoàn rước như đưa chị trở về miền ký ức linh thiêng của những mùa sen cũ. Nhìn Tôn tượng Đức Phật sơ sinh được cung nghinh giữa lòng người, thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản và tràn ngập niềm tin, niềm hỷ lạc.Tôi thấy như chính mình đang rước ánh sáng giác ngộ về với nội tâm. Mỗi bước đi là một lời nguyện cầu cho gia đình bình an, cho xã hội hòa hợp, cho thế giới không còn khổ đau.” Giây phút thiêng liêng ấy không chỉ là nghi lễ tôn giáo, mà là một trải nghiệm tâm linh sâu sắc, để người Phật tử được sống chậm lại, cảm nhận rõ ràng hơn giá trị của tình thương, sự tỉnh thức và lòng biết ơn đối với bậc Giác ngộ.

  Chương trình văn nghệ chào mừng, các nghi thức hành chính được tổ chức vào lúc 19h cùng ngày tại khuôn viên chùa Thanh Sử, có sự quang lâm chứng minh của Chư tôn Đức, cùng các vị lãnh đạo Đảng chính quyền địa phương. Những lẵng hoa tươi thăm và lời chúc mừng từ các vị lãnh đạo đã thể hiện rõ tinh thần Phật giáo luôn đồng hành cùng đất nước.

  Thông điệp Phật đản năm 2025 của đức Pháp chủ Hộ đồng chứng minh đã nhấn mạnh vai trò thiêng liêng của tinh thần đoàn kết và bao dung trong sự nghiệp kiến tạo hòa bình, hạnh phúc và phát triển bền vững cho nhân loại. Đức Pháp chủ kêu gọi toàn thể Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng xã hội thắp sáng tình yêu thương, thực hành từ bi, trí tuệ, xây dựng một xã hội hòa hợp và phát triển bền vững.

  Thông điệp cũng đề cao việc áp dụng tuệ giác Phật giáo vào đời sống, khuyến khích mỗi người con Phật sống tỉnh thức, hành trì chánh pháp và góp phần xây dựng xã hội hòa bình, an lạc. Đức Pháp chủ tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và lòng từ bi, cộng đồng Phật giáo sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và thế giới.

   Với sự phối hợp sáng tạo trong hoạt động Phật sự lễ diễu hành xe hoa kiệu Phật đã được người dân đón nhận với sự hoan hỷ, nhiều gia đình đã tự mang pháo hoa, hay pháo giấy ra chào đón đoàn rước. Thực sự ngày Đại lễ đã đi sâu vào lòng người. Không chỉ là một sự kiện tôn giáo, mà còn là ngày hội của tinh thần đoàn kết, yêu thương và lòng tri ân sâu sắc đến Đức Thế Tôn – bậc Giác ngộ đã mang ánh sáng trí tuệ đến với nhân loại.Đại lễ không chỉ là dịp để tôn vinh ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện nơi cõi Ta Bà, mà còn là ngày hội văn hóa – tâm linh lớn của toàn thể cộng đồng, nơi giá trị của hòa bình, từ bi và trí tuệ được thắp sáng, lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân thành phố Hải Phòng.

Một số hình ảnh ghi nhận:

     TrongHaitb

Bài viết liên quan

Phản hồi