Hải Phòng: Hội Thảo Nghi Lễ Phật Giáo Toàn Quốc Năm 2022

PGĐS – Sáng nay, ngày 02/7/2022 Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc với chủ đề “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” được tổ chức tại Trung tâm tổ chức sự kiện Draco- Thăng Long, số 2 Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng Tp. Hải Phòng.

Chứng minh tham dự Hội thảo có Trưởng lão HT. Thích Thanh Dục- UVTT HĐCM, Chứng minh Đạo sư BTS GHPGVN tỉnh Thái Bình; HT. Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự TƯ GHPGVN; HT. TS. Thích Quảng Tùng- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTXH TƯGHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng; HT.TS Thích Bảo Nghiêm- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Đại biểu QH Nước CHXHCNVN Khóa XV; HT. Thích Quảng Hà- Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Ban TT Ban Kiểm soát TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định; HT. Thích Khế Chơn- Phó Chủ tịch HĐTS, Phó TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; HT. TS. Thích Thanh Đạt- UV Thư ký HĐTS, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Thanh Giác- UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban TT Ban Nghi lễ TƯ, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng; HT. Thích Huệ Minh- UVTT HĐTS, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương; TT. Thích Quang Thạnh- UV HĐTS, Phó Chánh VP2 TƯ cùng chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN; Chư Tôn đức Tăng ni Ban Trị sự 63 Tỉnh, Thành về tham dự.

Phía quan khách có sự hiện diện của ông Lê Minh Khánh- Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; ông Trần Anh Cường- Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Hải Phòng; ông Đào Duy Phương- Phó GĐ Sở Nội vụ TP. Hải Phòng; ông Dương Ngọc Anh- Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hải Phòng; Thượng tá Phạm Văn Khánh- Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an TP. Hải Phòng; cùng các Học giả, các nhà nghiên cứu về tham dự Hội thảo.

Đậy là lần thứ ba Ban Nghi lễ trung ương tổ chức Hội thảo. Trong nhiệm kỳ V (2002-2007), Ban Nghi lễ Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất (2004), lần thứ hai (2010), với chủ đề “ Nghi lễ Phật giáo trong đời sống Văn hóa Tâm linh” tại chùa Long Sơn- Trụ sở Văn phòng Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.

Được biết, kể từ sau Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 16, 17 tháng 10 năm 2010 đến nay đã tròn 12 năm. Có thể nói đó là một thời gian khá dài để Ban Nghi lễ triển khai các nội dung đã thông qua tại hai lần Hội thảo, với những thành tựu đã đạt được như chuẩn hóa Pháp phục, Kinh nhật tụng, Nghi thức tụng Kinh Phật đản, cầu an …đã đạt được những thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên, do một vài yếu tố chủ quan và khách quan nên một số công tác trọng tâm đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả và còn khiêm tốn. Nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian gần 2 năm, làm cho nền kinh tế nước nhà chậm lại cùng với sự mất mát của Y, Bác sĩ, chiến sĩ hy sinh nơi tuyến đầu chống dịch, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19, nên Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc phải dời lại đến hai lần.

Hội thảo với chủ đề“Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào thàng 11 năm 2022, đồng thời thiết thực hóa chương trình hoạt động chuyên ngành của Ban Nghi lễ trung Ương.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và tìm giải pháp khắc phục các công tác Phật sự chưa đạt được, đồng thời để tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp thiết thực của chư Tôn đức và quý Đại biểu, quý học giả…thông qua Hội thảo lần này Ban Nghi lễ Trung ương sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của chư Tôn giáo phẩm và quý Đại biểu trong việc thừa kế, bảo tồn và phát huy nền Văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Thế kỷ XXI và những Thế kỷ tiếp theo.

Đối với Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến nay, nhân dân Việt Nam luôn ý thức, mong muốn đất nước phần vinh, thịnh vượng. Để đạt được điều này thì trong cuộc sống phải có sự cân bằng hài hòa giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần. Cho nên khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam, trên cơ sở những tín ngưỡng bản địa, Nghi lễ Phật giáo đã dung hợp và tạo nên một đời sống tâm linh cho người dân ở mọi vùng miền trên đất nước mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt. Nếu nghiên cứu Nghi lễ Phật giáo ở góc độ giải thoát , hay văn hóa tín ngưỡng thì nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành Văn hóa Dân tộc và Văn hóa Phật giáo.

Với chủ đề“Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” của buổi Hội thảo và có 9 chủ đề thảo luận.

  1. Kế thừa phát huy tính đặc thù Nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam và nghi lễ vùng, miền, Hệ phái.
  2. Nghi lễ Phật giáo trong đời sống Tâm linh của dân tộc Việt Nam.
  3. Ứng dụng Giáo dục Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong các trường Phật học.
  4. Thống nhất nghi lễ trong các Đại lễ của Phật giáo Việt Nam.
  5. Thống nhất nghi lễ Phật giáo đối với việc tổ chức Lễ tang cho hàng giáo phẩm, Tăng-ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  6. Sử dụng pháp phục thống nhất theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam trong các Đại lễ trong nước và nước ngoài.
  7. Sự tương quan giữa Nghi lễ Phật giáo với nhạc lễ Dân tộc.
  8. Sự hành trì tu tập theo truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam.
  9. Ứng dụng Lễ nghi Phật giáo Việt Nam trong đời sống của người đệ tử Phật.

Theo đó Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 43 bài tham luận của chư Tôn đức thành viên Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành, các học giả và các nhà nghiên cứu.

Sau đây là một số hình ảnh được ghi nhận tại lễ hội:

 

Buổi chiều 13h30′ cùng ngày Hội thảo tiếp tục làm việc.

Nhóm PV Phật Giáo Đời Sống

Bài viết liên quan

Phản hồi